Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí lãnh đạo Cục, trưởng, phó các Phòng chuyên môn và Thẩm tra viên thuộc Cục, lãnh đạo 17 Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện và Chấp hành viên toàn hệ thống.
Tại Hội nghị, đồng chí Phan Đình Hưng, Phó Cục trưởng trình bày tóm tắt báo cáo kết quả công tác THADS, THAHC 6 tháng đầu năm 2018, phương hướng nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2018 của hệ thống Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai. Theo đó, từ ngày 01/10/2017 đến ngày 31/3/2018, kết quả thi hành án dân sự về việc: tổng số thụ lý 10.107 việc, tăng 583 việc (6,12%) so với cùng kỳ năm 2017. Số phải thi hành: 10.070 việc, số có điều kiện thi hành: 6.783 việc (chiếm 67,4%), số chưa có điều kiện thi hành: 3.287 việc (chiếm 32,6%). Kết quả: đã giải quyết xong 3.516 việc (đạt tỷ lệ 51,84%), tăng 11 việc (0,3%) so với cùng kỳ năm 2017. Về tiền: tổng số thụ lý 997.607.538 ngàn đồng, tăng 14.835.014 ngàn đồng (1,5%) so với cùng kỳ năm 2017. Số phải thi hành: 992.305.425 ngàn đồng, có điều kiện thi hành: 523.052.389 ngàn đồng (chiếm 52,71%), chưa có điều kiện thi hành: 469.253.036 ngàn đồng (chiếm 47,29%). Kết quả: đã giải quyết xong 95.733.938 ngàn đồng (đạt 18,30%) giảm 11.311.024 ngàn đồng (10,57%) so với cùng kỳ năm 2017.
Một số khó khăn, vướng mắc mà Hệ thống Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai phải đối mặt ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao, như: việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng qua gần 01 năm thực hiện đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc chậm được tháo gỡ; một số vụ việc có tranh chấp do UBND cấp 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 01 thửa đất, cấp Giấy chứng nhận QSD đất chồng lên Giấy chứng nhận QSD đất khác (người phải thi hành án đã thế chấp cho Ngân hàng để vay vốn); UBND cấp giấy chứng nhận QSD đất không đúng quy định (thửa đất thuộc địa giới hành chính của nhiều huyện khác nhau) dẫn đến khó khăn trong việc kê biên, bán đấu giá và thực hiện giao tài sản cho người mua trúng đấu giá; việc xử lý tài sản thế chấp có tranh chấp liên quan đến người đồng bào dân tộc thiểu số (QSD đất đang do người dân tộc thiểu số quản lý, canh tác, khai thác, sử dụng ổn định từ lâu); và một số vụ việc tồn đọng mà Cục Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai đã giải quyết, trả lời nhưng công dân thường xuyên đến trụ sở cơ quan để gây rối, chửi bới lãnh đạo, Chấp hành viên và cán bộ, công chức của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự của cơ quan.
Ngoài ra, Hội nghị được nghe ý kiến tham luận của 7 đơn vị (2 Phòng chuyên môn và 5 Chi cục THADS huyện, thị xã, thành phố) và phát biểu của một số Chi cục Thi hành án dân sự huyện về kết quả thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm.
Kết luận Hội nghị, Cục trưởng ghi nhận những kết quả đạt được của các đơn vị, phân tích những nguyên nhân, hạn chế của các đơn vị chưa đạt yêu cầu về kết quả thi hành án dân sự trong 06 tháng đầu năm 2018. Nhằm phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ được giao trong năm 2018, yêu cầu toàn hệ thống Thi hành án dân sự tỉnh thực hiện những nội dung sau: Lãnh đạo các Chi cục Thi hành án dân sự đẩy nhanh tiến độ thi hành án, đặc biệt lưu ý đối với án tín dụng ngân hàng, án có điều kiện thi hành; Tăng cường siết chặt kỷ luật kỷ cương công vụ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tiếp tục phát huy phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả hoạt động của Trang Thông tin điện tử Cục Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai; công tác tổ chức cán bộ, điều động, biệt phái phải đảm bảo hợp lý, tạo điệu kiện thuận lợi cho cán bộ công chức; Ngoài ra, các Phòng chuyên môn cần tổng hợp ý kiến của các Chi cục THADS cấp huyện để tham mưu Lãnh đạo Cục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các Chi cục.
Theo Văn phòng Cục