Năm 2024, Hệ thống Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai được giao chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự đạt
83,25% về việc và
46,75% về tiền. Đến nay theo thống kê 9 tháng đầu năm, Hệ thống Thi hành án dân sự tỉnh đã thụ lý giải quyết là 16.301 việc, trong đó số có điều kiện thi hành 10.498 việc, đã thi hành xong 6.759 việc, đạt tỷ lệ
64,39%, còn phải thi hành dự kiến 1.980 việc, tỷ lệ trên 18%. Với tổng số tiền phải thi hành trên 3.569 tỷ đồng, trong đó số có điều kiện thi hành trên 1.771 tỷ đồng, đã thi hành xong trên 528 tỷ đồng, đạt tỷ lệ
29,88%, còn thiếu trên 298 tỷ đồng, tỷ lệ trên 16%.
Chỉ tiêu tuy đạt tăng nhiều hơn so với cùng kỳ năm 2023 (việc tăng 263 việc 6,33%; tiền tăng 149 tỷ đồng, 76,84%) nhưng sẽ gặp rất nhiều khó khăn do số vụ việc có giá trị về tiền tăng cao hơn so với năm 2023; điều kiện, khả năng thi hành của người phải thi hành án sau dịch Covid gặp nhiều khó khăn, không có tài sản, thu nhập không ổn định; nhiều vụ việc người phải thi hành án là cá nhân, nhưng tài sản đảm bảo thi hành án là của hộ gia đình hoặc số tiền phải thi hành án nhỏ nhưng giá trị tài sản để thi hành án rất lớn lại là khối tài sản chung; thông tin về tài sản phải thi hành án được mô tả trong các hồ sơ, tài liệu và bản án không đúng với thực tế; sự phối hợp, hỗ trợ từ các cơ quan, ban ngành, tổ chức liên quan vì nhiều lý do khác nhau trong một số vụ việc còn chưa kịp thời dẫn đến việc thi hành án thường phải kéo dài;…
Hội nghị sơ kết 9 tháng đầu năm 2024 của Hệ thống THADS tỉnh Gia Lai
Để thúc đẩy tiến độ thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác về thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính năm 2024, sáng ngày 11/7/2024
, tập thể Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã có buổi làm việc với các Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện, thị xã, thành phố để nghe báo cáo tình hình thực hiện kết quả thi hành án dân sự của từng đơn vị; quán triệt, chia sẻ những khó khăn, thách thức của tình hình thực hiện chỉ tiêu năm 2024; đồng thời trên tinh thần gợi mở, thẳng thắn làm rõ trách nhiệm, vai trò của lãnh đạo Cục, Chi cục, Chấp hành viên trước chức trách, nhiệm vụ được giao; chấn chỉnh, chỉ đạo một số nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm tăng cường công tác lãnh đạo, điều hành đối với các vụ việc giá trị lớn, khó thi hành và các vụ việc phức tạp, tồn đọng. Bên cạnh đó, tập trung bàn các giải pháp thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 do Tổng cục giao, nhất là chỉ tiêu về việc, trong đó tập trung vào một số nội dung trọng tâm:
Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên; chế độ trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật, chống trì trệ, “tư tưởng làm việc cầm chừng” trong đội ngũ cán bộ THA. Việc thực hiện đạt các chỉ tiêu về thi hành án dân sự sẽ phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả công việc của các chấp hành viên. Do đó, trong bối cảnh án thụ lý thi hành ngày càng tăng nhưng biên chế ngày càng giảm, bên cạnh các giải pháp chung được đề ra, hơn ai hết, từng chấp hành viên cần phát huy hơn nữa vai trò, tích cực, chủ động hơn và không ngừng nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao để đóng góp vào việc hoàn thành chỉ tiêu chung của toàn Hệ thống THADS.
Hai là, đối với Lãnh đạo Cục phải thường xuyên bám sát và tập trung chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra đối với các đơn vị phụ trách nhằm hoàn thành kế hoạch công tác năm 2024 và chỉ tiêu, nhiệm vụ về THADS được giao. Tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với các đơn vị có tỷ lệ về việc, tiền thấp nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, các vụ việc khó khăn, nhất là đối với 10 vụ án lớn. Trường hợp cần phải có sự phối hợp với Cấp ủy, chính quyền và Ban Chỉ đạo THADS cấp huyện thì chủ động phối hợp hoặc đề nghị Cục trưởng làm việc.
Đối với Lãnh đạo Chi cục cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo từng Chấp hành viên rà soát từng vụ việc để giải quyết, đảm bảo thực hiện đầy đủ, chặt chẽ quy trình tổ chức thi hành án, hạn chế tối đa sai sót làm phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo; chủ động rà soát, xác minh, phân loại các vụ việc có điều kiện, không bỏ sót, bỏ quên việc thi hành án chủ động có điều kiện từ 01 năm trở lên, vụ việc đủ điều kiện miễn giảm. Đối với vụ việc án theo đơn, án giá trị thi hành lớn, án tín dụng ngân hàng, lãnh đạo Chi cục cần phải nắm rõ từng việc, thường xuyên theo dõi việc xác minh, giải quyết của Chấp hành viên, đôn đốc, kiểm tra đột xuất nếu cần thiết để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ. Chú trọng việc rà soát vụ việc có kế hoạch kê biên, cưỡng chế, thẩm định giá, bán đầu giá, mua sắm vật tư phục vụ công tác kê biên, cưỡng chế, đo đạc… cơ bản thống nhất về giá, chỉ đạo phải thiết lập đầy đủ chứng từ, thanh quyết toán đúng định; việc giảm giá trong bán đấu giá cần hết sức thận trọng đối với mức giảm, tạo sự đồng thuận của đương sự, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Ba là, trong công tác kiểm tra, tự kiểm tra, mặc dù đã hoàn thành việc báo cáo tự kiểm tra theo Công văn số 693-CV/BCSĐ ngày 11/01/2024 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về việc lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự và Quyết định số 65/QĐ-TCTHADS ngày 18/01/2024 về công tác kiểm tra năm 2024. Tuy nhiên, đó mới chỉ thể hiện trên số liệu rà soát, báo cáo của từng đơn vị, Bộ Tư pháp và Tổng cục vẫn thường xuyên đôn đốc việc tự kiểm tra theo Công văn số 693-CV/BCSĐ, do đó các đồng chí Chi cục trưởng cần yêu cầu công chức, nhất là Chấp hành viên quá trình thực hiện nhiệm vụ tổ chức thi hành án phải kèm theo Phiếu tự kiểm tra hồ sơ để đảm bảo không bỏ sót quy trình thực hiện nghiệp vụ thi hành án. Ngay sau khi kết thúc năm nghiệp vụ, tiếp tục tập trung rà soát, tự kiểm tra lại hồ sơ từ tháng 10/2015 đến hết năm 2024. Đồng thời, tiếp tục thực hiện khắc phục triệt để vi phạm theo các Kết luận tiểm tra toàn diện, chuyên đề của Cục; kết luận kiểm sát, kháng nghị, kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp, của tỉnh nếu có.
Bốn là, các Chi cục trưởng phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ, thu chi ngân sách đảm bảo đúng chế độ quy định; thường xuyên đối chiếu, kiểm tra kho quỹ, nhất là tiền thi hành án không để xảy ra trường hợp vi phạm trong thu-chi tiền nghiệp vụ THA.