Sign In

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật dưới góc độ của một luật gia của Chi hội Luật gia Cục

04/04/2016

Giáo dục pháp luật là sự tác động một cách có hệ thống, có mục đích và thường xuyên tới nhận thức của con người nhằm trang bị cho mỗi người một trình độ kiến thức pháp lý nhất định để từ đó có ý thức đúng đắn về pháp luật, tôn trọng và tự giác xử sự theo yêu cầu của pháp luật. 
Cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự là những người hoạt động liên quan trực tiếp đến pháp luật và đều hiểu tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Tầm quan trọng của công tác đã được thể chế hóa trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật số 14/2012/QH13 ngày 20/6/2012, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2013, tại Điều 8 của Luật này quy định ngày 09/11 hàng năm là Ngày Pháp luật Việt Nam nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Tại Điều 1 Điều lệ Hội Luật gia Việt Nam quy định về tôn chỉ, mục đích của Hội có quy định: Hội Luật gia Việt Nam đoàn kết, tập hợp rộng rãi các luật gia đã và đang làm công tác pháp luật trong cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức văn hoá, tổ chức giáo dục, đơn vị vũ trang nhân dân, tự nguyện hoạt động cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quyền tự do, dân chủ của nhân dân, góp phần xây dựng nền khoa học pháp lý, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Tại Khoản 2, 3, 4 Điều 3 của Điều lệ Hội Luật gia Việt Nam về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội có quy định nhiệm vụ: “3. Tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật cho hội viên, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân;”

Như vậy, nhìn nhận dưới góc độ một thành viên của Hội Luật gia Việt Nam, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ đã được luật hóa, luật định và cũng được nêu rõ trong tôn chỉ, mục đích và nhiệm vụ của Hội Luật gia Việt Nam như đã trình bày trên đây. Song, chúng ta cần phải làm gì để nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong tình hình hiện nay?

Bằng kinh nghiệm thực tiễn công tác của mình và trên cơ sở kết quả quá trình công tác của đơn vị trong thời gian qua, xin đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật:

Thứ nhất, khi thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, người thực hiện phải bám sát và thực hiện đúng kế hoạch, nhiệm vụ được giao và bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo trong công tác này. Như chúng ta thấy, hàng năm, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương đều phải ban hành kế hoạch thực hiện hoặc đưa vào một mục riêng quan trọng trong kế hoạch công tác năm. Do đó, việc thực hiện nhất thiết phải theo kế hoạch, có chương trình, lộ trình, phương pháp thực hiện khoa học mới đảm bảo việc thực hiện không bị thụ động, không bị dàn trải, thực hiện đúng trọng tâm, trọng điểm, hạn chế những thiếu sót và mang lại hiệu quả cao trong thực tiễn.

Thứ hai, bản thân mỗi cá nhân Hội viên phải không ngừng học tập, rèn luyện, trau dồi các kiến thức, tư duy pháp lý, khoa học pháp lý, cập nhật liên tục, nắm bắt và trang bị đầy đủ các hiểu biết về các quy định của pháp luật để có đủ kỹ năng, năng lực và bản lĩnh trong việc thực hiện và hoàn thành tốt chính các nhiệm vụ hàng ngày của mình, mà cụ thể là thực hiện các trình tự, thủ tục trong công tác thi hành án kịp thời, chặt chẽ, đúng pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất và loại trừ những sơ suất, thiếu sót, vi phạm, mang lại hiệu quả cao trong công tác; qua đây sẽ có sức ảnh hưởng, lan tỏa, dẫn dắt tốt tập thể và quần chúng nhân dân trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.  

Thứ ba, mỗi cá nhân chúng ta cần nhìn nhận, đánh giá đúng đắn tầm quan trọng của công tác phối hợp, từ đó chủ động và tăng cường hơn nữa các biện pháp, phương pháp phối hợp phù hợp; tranh thủ triệt để sự ủng hộ của các ngành, các cấp, của chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể và quần chúng nhân dân trong công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ; lồng ghép hài hòa, hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm cùng với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đưa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vào làm một khâu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, góp phần mang lại kết quả cho công tác chuyên môn, và ngược lại, lấy kết quả, hiệu quả tích cực của công tác chuyên môn đạt được làm cơ sở, làm nền tảng để phát huy và thúc đẩy công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Thứ tư, tăng cường hơn nữa công tác phổ biến, quán triệt và tập huấn nghiệp vụ, nhất là tập huấn về các nội dung quy định mới của Luật Thi hành án dân sự, Nghị định 62/2015/NĐ-CP và các nội dung được sửa đổi, bổ sung trong các Thông tư liên ngành hướng dẫn thi hành các quy định mới trong Luật Thi hành án dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan; có thể triển khai thực hiện kế hoạch tập huấn tập trung, tập huấn trong nội bộ các đơn vị với các phương thức, hình thức phù hợp tình hình, đặc điểm công tác của từng đơn vị, kịp thời trang bị, cập nhật các kiến thức cơ bản và kiến thức mới về pháp luật cho toàn bộ đội ngũ Chấp hành, Thẩm tra viên, thư ký thi hành án, chuyên viên và các cán bộ, công chức khác làm công tác thi hành án dân sự. Thiết nghĩ, nếu có biện pháp tích cực, thiết thực và phù hợp sẽ góp phần nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, ý thức tự thân rèn luyện, cập nhật, trang bị kiến thức pháp luật của từng cán bộ, công chức ngành thi hành án dân sự từ đó, mỗi hội viên Hội Luật gia Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội bằng kiến thức của mình sẽ là một tuyên truyền viên thực sự có năng lực và thực hiện hiệu quả công tác này./.
                                                                                  Lại Thị Anh Đào

Các tin đã đưa ngày: