Sign In

Một số khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc thu phí thi hành án

04/11/2015

Trong quá trình tổ chức thực hiện việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án theo Thông tư liên tịch số 144/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 22 tháng 09 năm 2010 của liên Bộ Tài chính-Bộ Tư pháp đã phát sinh một số vấn đề khó khăn, vướng mắc, bất cập trên thực tế
Trong quá trình tổ chức thực hiện việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án theo Thông tư liên tịch số 144/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 22 tháng 09 năm 2010 của liên Bộ Tài chính-Bộ Tư pháp đã phát sinh một số vấn đề khó khăn, vướng mắc, bất cập trên thực tế như sau:
Trường hợp 1: Một số trường hợp bản án, quyết định của tòa tuyên về chia tài sản trong khối tài sản chung, di sản thừa kế (tòa xác định có giá ngạch và có thu án phí có giá ngạch khi xét xử) cho nhiều người (tạm gọi là A, B, C, D), trong số đó có A, B, C làm đơn yêu cầu thi hành án với nội dung yêu cầu chỉ thi hành phần tài sản phải chia cho D, còn phần tài sản mà bản án, quyết định có tuyên chia cho A, B, C thì A, B, C không yêu cầu thi hành án. Cơ quan thi hành án dân sự căn cứ trên cơ sở đơn yêu cầu thi hành án, ra quyết định thi hành án, chỉ thi hành chia một phần tài sản cho D.
Chấp hành viên khi lập Phiếu xác định tiền và giá trị hạch toán tài sản, tang vật, báo cáo thống kê thì cũng chỉ kê khai, thống kê phần gía trị tài sản được chia cho D theo quyết định thi hành án.
Tuy nhiên, khi thực hiện việc thu phí thi hành án trong trường hợp này đã gặp khó khăn, vướng mắc vì còn tồn tại các quan điểm khác nhau, đó là:
Quan điểm thứ nhất, phải thu phí thi hành án đối với cả phần tài sản chia cho A, B, C vì theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Thông tư liên tịch số 144/2010/TTLT-BTC-BTP:“2.Đối với các vụ việc chia tài sản chung, chia thừa kế; chia tài sản trong ly hôn; vụ việc mà các bên vừa có quyền, vừa có nghĩa vụ đối với tài sản được thi hành án (chỉ cần một trong các bên có đơn yêu cầu thi hành án), người nhận tài sản phải nộp phí thi hành án tương ứng với giá trị tài sản thực nhận tính trên tổng số tiền phí thi hành án phải nộp của các bên.”
Quan điểm thứ hai, chỉ thu phí thi hành án đối với D là người được thi hành án, được nhận tài sản, theo đúng phạm vi đơn yêu cầu thi hành án, quyết định thi hành án và tài sản thực tế nhận. Còn phần tài sản của A, B, C, bản án, quyết định tuyên được chia nhưng A, B, C không yêu cầu thi hành án phần này, nội dung quyết định thi hành án không thi hành phần này nên không thu phí.
Trường hợp 2: Công ty A phải trả cho ngân hàng B số tiền 16 tỷ đồng, trong đó ông C có tài sản thế chấp cho khoản vay của công ty A tại thời điểm ký hợp đồng thế chấp được định giá là trên 16 tỷ. Do công ty A không có khả năng thanh toán, ngân hàng B và ông C đã tự thỏa thuận về việc ông C giao nhà cho ngân hàng để trừ vào một phần nghĩa vụ khoản nợ mà công ty A phải trả ngân hàng B. Các bên thỏa thuận lại giá trị tài sản thế chấp là 7 tỷ đồng và giao nhà cho ngân hàng B nhận, số tiền nợ còn lại (9 tỷ đồng) ngân hàng B đề nghị đình chỉ thi hành án.
Quan điểm thứ nhất, trong trường hợp này chỉ thu phí thi hành án tính trên số tiền 7 tỷ đồng là giá trị tài sản mà ông C và ngân hàng thỏa thuận để ngân hàng nhận tài sản.
Quan điểm thứ hai, phải áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 46 Nghị định 62/2015/NĐ-CP, định giá lại tài sản bảo đảm của ông C để thu phí thi hành án vì giá trị tài sản thế chấp đã biến động trên 20%.
Từ các trường hợp minh họa trên cho thấy cùng một vụ việc nhưng có nhiều quan điểm giải quyết khác nhau về cách xác định đối tượng và mức phí thi hành án phải thu. Do đó, sự lúng túng của cơ quan thi hành án dân sự và Chấp hành viên trong quá trình giải quyết là điều không thể tránh khỏi.
Nguyên nhân của tình trạng bất cập trên là do sự mâu thuẫn giữa pháp luật thực định về phí thi hành án với lý luận về phí thi hành án. Chính do sự mâu thuẫn này đã tạo ra nhiều quan điểm khác nhau về cách giải quyết vấn đề của một vụ việc. Do đó, để thống nhất về cách hiểu và cách giải quyết vấn đề, thì điều đầu tiên phải làm đó là rút ngắn khoảng cách, làm cho thống nhất giữa các quy định của pháp luật thực định với nhận thức lý luận. Điều này có nghĩa là chúng ta phải sửa đổi các quy định của pháp luật sao cho phù hợp với thực tế, phù hợp với bản chất các mối quan hệ xã hội, nhất là phải đứng trên góc nhìn tổng quan về quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trước, sau đó mới tiếp cận vấn đề theo hướng tổng quan hài hòa lợi ích chung của xã hội, có như vậy mới giải quyết dứt điểm tận gốc những vấn đề mâu thuẫn, bất cập phát sinh giữa quy định và thực tiễn áp dụng.
Vũ Minh Chiến

Các tin đã đưa ngày: