Sign In

Thi hành các bản án dân sự trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng

01/08/2023

Thi hành các bản án dân sự trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng
Thời gian qua, Cục Thi hành án  dân sự (THADS) tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo cơ quan THADS hai cấp trong tỉnh tập trung tổ chức thi hành các bản án dân sự trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng.
          Đồng chí Vũ Hoàng Thụ, Cục trưởng Cục THADS tỉnh cho biết, thi hành các bản án dân sự trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng là một phần công việc trong giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại, nhằm bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ hợp pháp, chính đáng của các bên liên quan. Trên thực tế, việc thi hành các bản án dân sự trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng là việc khó trong công tác THADS, do đó tỷ lệ giải quyết hằng năm không cao. Tính trong 6 tháng đầu năm 2023, cơ quan THADS 2 cấp trong tỉnh đã giải quyết 260 việc thuộc lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, với số tiền hơn 1,7 nghìn tỷ đồng, trong đó 203 việc và hơn 631 tỷ đồng có điều kiện thi hành. Trong số việc/tiền có điều kiện thi hành, cơ quan THADS 2 cấp đã thực hiện kê biên, bán đấu giá, xử lý hết tài sản, thi hành dần, thi hành xong một phần, thi hành xong hoàn toàn với tổng số 102 việc và trên 348 tỷ đồng, đạt tỷ lệ trên 50,2% về việc, hơn 55,1% về tiền. Tài sản thế chấp liên quan đến quyền lợi của người thứ ba; không xác định được tài sản thế chấp đang ở đâu, phải tiến hành xác minh, làm rõ; một số việc phải kiến nghị cơ quan có thẩm quyền; chờ ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo THADS; tài sản bảo đảm không phù hợp với thực tế, không tương ứng với số tiền phải thi hành; sau kê biên, việc tổ chức bán đấu giá tài sản không thành (có vụ việc tổ chức tới 7 phiên không bán được tài sản); người phải thi hành án không tự nguyện thi hành… là những nguyên nhân “làm khó”, kéo chậm tiến độ công tác THADS trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng.
      Để tháo gỡ khó khăn, cơ quan THADS hai cấp trong tỉnh tranh thủ sự quan tâm, lãnh đạo của Ban chỉ đạo THADS cùng cấp; có kế hoạch và phương án, lộ trình tổ chức thi hành đồng bộ, trong đó chú trọng tăng cường công tác giáo dục thuyết phục để đương sự tự nguyện thi hành; kiên quyết kê biên, xử lý tài sản để thi hành dứt điểm đối với các trường hợp có thái độ chống đối; tăng cường phối hợp với Ngân hàng nhà nước, các tổ chức tín dụng, các ngành trong khối nội chính và chính quyền cơ sở nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; kịp thời báo cáo xin hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ; kiến nghị giải thích, đính chính liên quan đến nội dung chưa rõ trong quyết định bản án... Trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, tính từ ngày 1/10/2022 đến ngày 31/5/2023, Chi cục THADS thị xã Mỹ Hào đã giải quyết 10/28 việc và hơn 19,5 tỷ đồng trên tổng số 63,2 tỷ đồng có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ trên 35,7% về việc và trên 30,8% về tiền, tạm thời dẫn đầu tỉnh về tỷ lệ thi hành các bản án dân sự trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng. Đồng chí Trương Thị Thanh Thúy, Chi cục trưởng Chi cục THADS thị xã Mỹ Hào cho biết, quá trình tổ chức thi hành, lãnh đạo chi cục cùng chấp hành viên đánh giá từng vụ việc cụ thể, đề ra phương án giải quyết phù hợp; tổ chức cho các bên liên quan đối thoại, cùng bàn biện pháp tháo gỡ; tăng cường vận động, thuyết phục người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thái độ hợp tác, tự nguyện thi hành… nhờ đó, nhiều vụ việc tồn đọng nhiều năm đã được tháo gỡ. Nổi bật là việc thi hành bản án dân sự liên quan việc giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam và Công ty TNHH Nguyễn Cao do ông Nguyễn Cao Dũng là đại diện theo pháp luật. Theo phán quyết của TAND huyện, Công ty TNHH Nguyễn Cao phải trả Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam số tiền trên 7,5 tỷ đồng, lãi tính đến thời điểm thi hành tổng số trên 12,5 tỷ đồng. Quá trình xử lý tài sản thế chấp là 355 mét vuông đất ở tại xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào (nay là phường Phùng Chí Kiên, thị xã Mỹ Hào) để thu hồi nợ cho ngân hàng gặp khó khăn do nảy sinh tình huống liên quan quyền lợi bên thứ ba, bởi vì chủ sở hữu tài sản thế chấp là ông Nguyễn Cao Khánh và bà Trần Thị Thanh Loan (bố, mẹ ông Nguyễn Cao Dũng) không đồng tình. Chấp hành viên đã chủ động bám sát, đánh giá, nhận định tình hình, đề xuất phương án giải quyết, kiên quyết tổ chức kê biên tài sản thế chấp để thu hồi nợ cho ngân hàng. Song song với việc chuẩn bị thực hiện phương án cưỡng chế theo kế hoạch, chấp hành viên phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục vận động, thuyết phục sự đồng tình của người có quyền lợi liên quan (ông Khánh, bà Loan) hỗ trợ cho người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ thi hành án; Chi cục THADS thị xã đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với ngân hàng và người phải thi hành án và cuối cùng đã đi đến thỏa thuận chung, vụ việc được thi hành xong mà không phải tổ chức cưỡng chế, kê biên tài sản…
        Thời gian tới, cơ quan THADS hai cấp trong tỉnh bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị, tăng cường tham mưu phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chỉ đạo THADS cùng cấp; xây dựng kế hoạch và có phương án, lộ trình cụ thể, giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, thực tiễn, chuyên môn nghiệp vụ trong tổ chức thi hành án; nâng cao vai trò công chức thi hành án, trọng tâm là đội ngũ chấp hành viên; chủ động trong công tác phối hợp liên ngành; bám sát, thực hiện có hiệu quả kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Quyết định số 17/QĐ-TTg ngày 13/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THADS đối với các bản án, quyết định kinh doanh, thương mại giai đoạn 2023 - 2028” trên địa bàn tỉnh; đề nghị các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát nội bộ, nâng cao chất lượng công tác thẩm định, xây dựng và có cơ chế miễn, giảm các khoản nợ phát sinh quá hạn cho người phải thi hành án do đã xử lý hết tài sản thế chấp hoặc tài sản thế chấp không đủ để thực hiện nghĩa vụ thi hành án…


Theo Đức Hùng - Báo Hưng Yên

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: