Theo hồ sơ, năm 2004, ông B. phát đơn kiện bà L. bảo cái bờ ruộng (ranh chung giữa hai vuông tôm của hai nhà) phải được chia làm đôi, mỗi người một nửa.
Được cả một phần vuông tôm
Phía bà L. thì nói phần lớn cái bờ ruộng là của bà nên bà không chấp nhận yêu cầu của ông B. Năm đó, TAND huyện Phú Tân (An Giang) đưa vụ án ra hòa giải. Lúc này thì cả hai bên lại đồng thuận chia đôi cái bờ ruộng. Sau thỏa thuận này, những hục hặc gần như không còn và hai nhà yên tâm canh tác.
Đến năm 2006, ông B. đề nghị thi hành án chia ranh đất theo quyết định hòa giải thành của tòa. Giải quyết vụ việc, chấp hành viên đến đo đạc, cắm ranh giới. Điều không ngờ là cái ranh giới mà chấp hành viên xác định lại lấn xuống phần vuông tôm của bà L. gần 2 m kể từ cái bờ tranh chấp đo ra.
Thấy bị thiệt bà L. khiếu nại nhưng lần đo đạc sau cũng chỉ giảm được gần 1 m và ranh đất vẫn nằm dưới vuông tôm của bà.
Kẻ vào viện, người bị điều tra
Phía ông B. ban đầu chỉ kiện đòi chia cái bờ, không ngờ lại được cả một phần vuông tôm làm bà L. bị hụt đất nên từ đó đã đẩy hai gia đình vào cuộc tranh chấp gay go.
Phía ông B. tổ chức cho cả nhà cố thủ, giữ ranh đất do pháp luật thừa nhận. Phía bà L. vừa khiếu nại, vừa tổ chức phá bỏ cái ranh mà theo bà là quá phi lý. Hậu quả của những cuộc tranh giành này là phía bà L. bị phạt hành chính vì chiếm đất, con bà bị đưa đi giáo dục do nhiều lần đánh người nhà của ông B.
Đỉnh điểm, trong một lần tranh chấp vào giữa năm 2012, bà L. và các con bị phía ông B. hành hung khiến bà phải đi cấp cứu tốn mấy chục triệu đồng. Ngược lại, con ông B. cũng bị điều tra về việc cố ý gây thương tích.
Ông Lê Công Quẩn, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (huyện Phú Tân), cho biết: “Cả hai bên hiện đang tiếp tục kêu oan và mâu thuẫn càng nặng. Vụ việc trở thành điểm nóng về an ninh trật tự tại địa phương. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị các cấp phải tập trung giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa có cách nào...”.
Chỉ nhầm ranh đất?
Xem lại hồ sơ, hóa ra nguyên nhân của toàn bộ vấn đề nằm ở chỗ nhà ông hàng xóm - người có đất giáp ranh phía bên phải đất ông B. Theo đó, sau khi nhận đơn khởi kiện của ông B., tòa cử cán bộ xuống đo đạc thì ông hàng xóm này đi vắng nên con ông đứng ra chỉ ranh giới đất nhà mình với ông B. để đo đến cái bờ ruộng mà hai đương sự tranh chấp. Từ cơ sở này, tòa xác định ranh giới đất của hai nhà là: lấy điểm tựa từ ranh đất của ông hàng xóm với ông B. đo qua 65,6 m, cộng 1,5 m bờ ruộng (phân nửa cái bờ) là ranh đất của ông B. và bà L.
Thế nhưng lúc thi hành án, chấp hành viên đi đo để cắm mốc thì ông hàng xóm này ở nhà, chỉ ranh đất ở vị trí khác nên chấp hành viên đo lấn sang vuông tôm bà L.
Trao đổi với chúng tôi về thắt nút này, ông Nguyễn Thế Phương (Chánh án TAND huyện Phú Tân) nói: “Khi sự vụ này lùm xùm, tôi có trao đổi với thẩm phán thụ lý giải quyết vụ án. Thẩm phán bảo thỏa thuận của hai bên đương sự đều thống nhất chia đôi cái bờ. Nội dung quyết định hòa giải cũng là chia đôi cái bờ tranh chấp. Quyết định đó là không sai. Cái sai ở đây nếu có là quá trình chấp hành viên tiến hành đo đạc. Lẽ ra khi đo đạc phát hiện vấn đề bất thường, sai lệch với bản án, chấp hành viên phải có kiến nghị. Chúng tôi không nhận được kiến nghị, yêu cầu gì cả”.
Việc này thì ông Trần Văn Hát (Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Tân) lại khẳng định đơn vị mình không sai vì đo đúng theo quyết định của tòa.
Từ lấn cấn trên, đến nay thời hạn giám đốc thẩm đã hết, việc tái thẩm thì các cơ quan chức năng bảo không có tình tiết mới phát sinh nên không thể thực hiện.
Xem ra mâu thuẫn của hai gia đình ông B. và bà L. chưa có hồi kết.
Cán bộ chưa làm hết trách nhiệm
Ông Ngô Văn Khuân, cán bộ tư pháp xã Phú Thuận (người nắm toàn bộ vụ việc ngay từ đầu và theo dõi xuyên suốt vụ án), cho biết: “Lúc đo đạc lấy cơ sở xét xử vụ án, cán bộ tòa đã không kiên nhẫn đợi ông hàng xóm của ông B. về chỉ đúng ranh đất. Đến phần chấp hành viên thì lại vô ý bỏ qua dấu hiệu bất thường trên bản án. Nếu hai vị này kỹ lưỡng hơn một chút, làm việc hết trách nhiệm hơn một chút thì vụ việc đã êm đẹp từ lâu.
Chủ tịch UBND xã Phú Thuận Lê Công Quẩn thì bảo diện tích đất trên sổ đỏ hầu hết là thấp hơn so với thực tế, do sai số. Do vậy, dù các hộ tranh chấp ranh đất đều có sổ đỏ (kể cả hộ ông hàng xóm của ông B.) nhưng không thể dựa vào đó để phân chia ranh đất.
|