Chỉ trong một tuần, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã hủy hai bản án của TAND cấp quận để điều tra, xét xử lại vì lỗi quên người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Quên từ người bị hại…
Vụ đầu tiên, ngày 18-9, TAND TP đã hủy bản án sơ thẩm của TAND quận 6 trong vụ Lê Văn Hoàng, Phạm Hồng Sơn bị truy tố về tội trộm cắp tài sản. Theo hồ sơ, Hoàng và Sơn quản lý kho văn phòng phẩm của bà T. Cuối năm 2010, Hoàng lén đánh thêm chìa khóa rồi rủ Sơn trộm hàng tuồn ra ngoài bán. Hai bị cáo trộm được khoảng 20 lần, chiếm đoạt khoảng 100 triệu đồng thì bị bắt.
Tháng 5, TAND quận 6 đã phạt Hoàng ba năm tù, Sơn hai năm sáu tháng tù mà không có mặt bà T. Bà T. kháng cáo, cho rằng tòa sơ thẩm không triệu tập làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bà. Bà yêu cầu tăng hình phạt với hai bị cáo, yêu cầu hai bị cáo phải liên đới bồi thường 632 triệu đồng chứ không phải chỉ 100 triệu đồng như án sơ thẩm tuyên.
Theo TAND TP, tòa sơ thẩm phải tống đạt quyết định trước khi mở phiên xử 10 ngày. Tuy nhiên, trên giấy triệu tập gửi bà T., bưu điện ghi ngày 26-5, đến ngày 30-5 tòa sơ thẩm đã đưa vụ án ra xử là sai. Thực tế bà T. không tận tay nhận được giấy triệu tập, sau phiên xử… 10 ngày mới có người của bưu điện nhét qua khe cửa. Mặt khác, hồ sơ thể hiện suốt quá trình điều tra, công an không yêu cầu bà T. xuất trình chứng cứ, không cho đối chất về phần dân sự. Qua giai đoạn xét xử, việc tòa sơ thẩm không cho bà T. và các bị cáo đối chất để thỏa thuận mức bồi thường là ảnh hưởng đến quyền lợi của bà T.
Việc xem nhẹ triệu tập người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi ra xét xử dễ bị hủy án khi lên cấp phúc thẩm. Ảnh minh họa: HTD
… Đến người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
Bốn ngày sau (22-9), TAND TP cũng tuyên hủy một bản án sơ thẩm của TAND huyện Bình Chánh để điều tra, xét xử lại.
Theo hồ sơ, Đinh Quốc Việt (giám đốc một công ty xây dựng) ký hợp đồng tư vấn đầu tư và thiết kế xây dựng cho công ty khác để làm dự án trị giá 500 tỉ đồng. Sau khi nhận 1 tỉ đồng tạm ứng, đầu năm 2008, Việt và Lê Quý Đắc làm giả con dấu UBND, chữ ký của chủ tịch UBND huyện Bình Chánh để đóng vào thông báo lập quy hoạch và quyết định thành lập hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nhận được hai văn bản giả mạo này, đối tác đã chuyển cho Việt 15,3 tỉ đồng để đặt cọc mua đất của chín hộ dân trong dự án.Việt và Đắc bị bắt, bị khởi tố về tội làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức. Sau đó, TAND huyện Bình Chánh đã phạt Việt bốn năm tù, buộc bồi thường cho đối tác 15,3 tỉ đồng và nộp phạt 30 triệu đồng; Đắc ba năm tù, nộp phạt 20 triệu đồng…
Theo TAND TP, trong vụ này, có chín hộ dân là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều không được triệu tập để trình bày, đối chất trong phiên sơ thẩm. Tòa sơ thẩm chỉ dựa vào lời khai của họ tại cơ quan điều tra để làm căn cứ buộc các bị cáo bồi thường 15,3 tỉ đồng là chưa chính xác.
Cạnh đó, tòa sơ thẩm còn vi phạm trong việc tống đạt các quyết định tố tụng, có dấu hiệu hợp thức hóa hồ sơ. Cụ thể, hồ sơ có lưu biên bản tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử ghi ngày 1-3 nhưng ngày này là thứ Bảy (thực tế hai bị cáo chỉ nhận được quyết định vào ngày 19-3, trước phiên xử hai ngày). Hồ sơ còn có biên bản tống đạt bản án sơ thẩm ghi ngày 31-3 nhưng ngày này là ngày Giỗ tổ Hùng Vương, trại tạm giam không thể trích xuất bị cáo ra nhận giấy tờ.
Biết sai tố tụng vẫn cố xử
Cuối tháng 5, TAND tỉnh Tiền Giang đã hủy bản án sơ thẩm của TAND huyện Châu Thành trong vụ Nguyễn Minh Sang bị truy tố về tội trộm cắp tài sản để điều tra, xét xử lại.
Tháng 8-2011, Sang đến nhà ông nội hái dừa uống. Một lúc sau, thấy ông nội chở người chú ra khỏi nhà, Sang vào thì thấy trên bàn để một điện thoại di động và một nhẫn vàng (tổng giá trị là 2,3 triệu đồng) bèn lấy trộm. Khi người chú về phát hiện mất đồ, nghe có người kể thấy Sang vào nhà nên đã báo công an xã. Sau đó, người chú tìm đến chỗ ở của Sang, tự tìm thấy nhẫn vàng bèn giao nộp công an làm bằng chứng.
Sang bị khởi tố. Quá trình điều tra, Sang kêu oan rằng bị chú đổ tội vì thực tế không ai làm chứng việc mất nhẫn vàng, đồng hồ. Sang cũng cho rằng vàng và đồng hồ là tài sản quý, không ai để trên bàn uống nước, việc tự tìm thấy trong nhà Sang cũng vô lý... Xử sơ thẩm, TAND huyện Châu Thành vẫn phạt Sang chín tháng tù. Sang kháng cáo kêu oan.
Theo TAND tỉnh Tiền Giang, trước phiên xử, tòa sơ thẩm đã không tống đạt giấy triệu tập cho nạn nhân và các nhân chứng đến tham gia. Tại phiên xử, luật sư của bị cáo đã đề nghị tòa hoãn xử để triệu tập những người này vì lời khai của họ với bị cáo có nhiều mâu thuẫn nhưng tòa không chấp nhận. Xử xong, tòa cũng không gửi bản án cho nạn nhân và nhân chứng, ảnh hưởng đến quyền kháng cáo của họ. Các lỗi này là vi phạm tố tụng nghiêm trọng.
Tống đạt sai, phải hủy án
Trước đây, Pháp Luật TP.HCM từng có bài phản ánh lỗi của các tòa sơ thẩm khi tống đạt giấy triệu tập, giấy mời sai quy định, khiến đương sự không thể có mặt tại tòa. Theo nhiều chuyên gia, với lỗi này, tòa phúc thẩm phải hủy án để đảm bảo quyền tự bảo vệ, quyền thỏa thuận... của đương sự. Bởi bản chất của việc đương sự không thể có mặt tại phiên xử do lỗi của tòa khác với việc đương sự bất hợp tác. Giả sử tại phiên tòa, đương sự đưa ra được các chứng cứ mới ảnh hưởng đến nội dung vụ án thì sao? Chưa kể, nếu tòa phúc thẩm không hủy án thì vô tình đã làm đương sự rơi vào thế chỉ được “xử một cấp”, bởi án phúc thẩm là án có hiệu lực pháp luật ngay.
Không nên xem nhẹ
Các tòa sơ thẩm không nên xem nhẹ chuyện làm việc, triệu tập người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bởi nó liên quan đến quyền tố tụng của họ trong một phiên xử công khai. Chỉ khi tòa gửi giấy mời, giấy triệu tập hợp lệ thì các quyền này mới được bảo đảm thực thi, nếu không phải hủy án để xử lại dù bản chất vụ án không thay đổi. Nó ảnh hưởng tới một số quyền cơ bản như: Quyền đưa ra yêu cầu chính đáng liên quan đến mình; quyền tự lập luận, tranh luận với VKS; quyền được khởi kiện vụ án dân sự trong hình sự; quyền kháng cáo bản án…
Luật sư NGUYỄN THẾ PHONG,
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Long An
Ảnh hưởng rất lớn
Các tòa cấp huyện, kể cả cấp tỉnh khi xử sơ thẩm thường có tâm lý chủ quan, không coi trọng chuyện này vì nghĩ lời khai của người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong hồ sơ điều tra đã rõ. Tuy nhiên, không ít vụ quá trình lấy lời khai của cơ quan điều tra chưa đầy đủ về phần dân sự nên lời trình bày của người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại tòa rất quan trọng để tòa đánh giá. Hoặc vì lý do gì đó, họ thay đổi yêu cầu, đưa ra kiến nghị mới đối với bị cáo hay người tham gia tố tụng khác thì sao?
Luật sư CAO MINH TRIẾT,Đoàn Luật sư TP.HCM
|