Công tác thống kê thi hành án dân sự (THADS) có vai trò rất quan trọng trong việc phản ánh kết quả hoạt động tổ chức THADS đối với các cơ quan THADS các cấp và dự báo tình hình công tác THADS, đặc biệt trong việc đánh giá, hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch, bảo đảm thông tin cho công tác chỉ đạo, điều hành trong lĩnh vực THADS cũng như trong lĩnh vực quản lý nhà nước. Công tác thống kê THADS góp phần giúp Chấp hành viên, cơ quan THADS, cơ quan quản lý THADS cũng như cơ quan, tổ chức và cá nhân hữu quan kịp thời đánh giá, xử lý những khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế trong công tác THADS.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS đã có nhiều giải pháp, trong đó có việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về thống kê THADS, nhất là sau khi có Luật THADS năm 2008, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS năm 2014, Tổng cục THADS đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ ban hành các Thông tư về thống kê THADS như: Thông tư số 01/2013/TT-BTP; Thông tư số 08/2015/TT-BTP; Thông tư số 06/2019/TT-BTP quy định Chế độ báo cáo thống kê THADS, theo dõi thi hành án hành chính (THAHC).
Trên cơ sở các quy định pháp luật, công tác thống kê THADS đã góp phần quan trọng đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác THADS, nhất là đảm bảo số liệu chính xác phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan có thẩm quyền trong THADS.
1. Thực trạng báo cáo thống kê THADS
1.1. Kết quả đạt được
Trên cơ sở các quy định pháp luật liên quan đến công tác thống kê THADS, sau khi Thông tư số 06/2019/TT-BTP được ban hành đã khắc phục được những hạn chế của Thông tư số 01/2013/TT-BTP, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 08/2016/TT-BTP, phù hợp với thực tiễn, phản ánh sát hơn bản chất công tác THADS, việc phân tổ thống kê đảm bảo khoa học, hợp lý, phù hợp với hoạt động THADS giúp quản lý tốt hơn công tác THADS, THAHC; giảm áp lực cho Chấp hành viên trong việc thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ, hạn chế đến mức tối thiểu việc điều chỉnh, làm sai lệch số liệu, đồng thời giúp quản lý, điều hành kịp thời việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS. Đặc biệt, Thông tư số 06/2019/TT-BTP khắc phục được mâu thuẫn trong việc thống nhất quy định thống kê kết quả THADS về việc, về tiền tại
Nghị định số 97/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và Nghị định số 60/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ quy định chi tiết nội dung Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia, từ đó đảm bảo tính thống nhất, tính hợp pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng thống nhất pháp luật về thống kê trong THADS.
Ngoài ra, việc bổ sung các chỉ tiêu chưa có điều kiện chuyển sổ theo dõi riêng; mở rộng, xác định việc chưa có điều kiện một phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảm số việc chưa thi hành xong vì lý do người phải THA không có điều kiện trong báo cáo hàng năm trước Quốc hội. Đồng thời giúp Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS nâng cao định mức tỉ lệ giao chỉ tiêu thi hành xong về việc, về tiền, phù hợp thực tiễn THADS (về tiền giao tăng từ 30% lên trên 40%; về việc giao tăng từ 70% lên hơn 80%).
1.2. Hạn chế, vướng mắc, bất cập và nguyên nhân trong thống kê THADS
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thống kê THADS trong thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung, cụ thể:
1.2.1. Hạn chế, vướng mắc, bất cập
a. Về chỉ tiêu thống kê
- Chưa có chỉ tiêu phân loại vụ việc đang trong quá trình tổ chức THA (còn trong thời gian tự nguyện, thời hạn xác minh và thời hạn thực hiện các trình tự, thủ tục THA theo quy định), do đó việc tính kết quả THA và xác định trách nhiệm của Chấp hành viên trong việc chậm tổ chức THA còn gặp nhiều khó khăn, gây áp lực cho Chấp hành viên và cơ quan THADS.
- Quy định của Thống kê THADS chưa làm rõ khái niệm “có điều kiện THA” với “việc THA có điều kiện”, do đó dẫn đến đồng nhất khái niệm “có điều kiện THA” với “việc THA có điều kiện”, dẫn đến nhiều trường hợp người phải THA có tài sản, có thu nhập nhưng vẫn được xếp vào loại “việc chưa có điều kiện” hoặc có những việc thuộc trường hợp có tài sản, thu nhập được xếp vào loại có điều kiện nhưng không được phép tổ chức THA do theo quy định của pháp luật hoặc vì các điều kiện chính trị - xã hội khác mà không thể tổ chức THA. Do đó, cần nghiên cứu làm rõ nội hàm khái niệm “có điều kiện THA” với khái niệm “việc THA có điều kiện”. Bên cạnh đó, do xác định “có điều kiện THA” là trường hợp người phải THA có thu nhập, có tài sản dẫn tới một số trường hợp người phải THA với những khoản phải THA lớn nhưng thực tế tài sản có giá trị rất nhỏ, cơ quan THADS chưa đủ thời gian xử lý vẫn tiếp tục phân loại có điều kiện dẫn đến không phản ánh đúng bản chất việc THA, ví dụ: vụ Huỳnh Thị Huyền Như phải thi hành khoảng 15.000 tỷ đồng, tài sản ước tính chỉ đạt 500 tỷ đồng nhưng vẫn phải xác định có điều kiện đối với toàn bộ nghĩa vụ 15.000 tỷ đồng dẫn đến giảm đáng kể kết quả THA.
- Về việc xử lý các chỉ tiêu trùng lắp (có vùng chồng lấn) đối với các chỉ tiêu dân sự; kinh doanh thương mại; tín dụng; dân sự trong hình sự (các tội tham nhũng, chức vụ và xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (XPTrTQLKT))… là chỉ tiêu bộ phận trong phân tổ chỉ tiêu chung về kết quả THA. Tuy nhiên, trong thực tiễn THA dân sự cho thấy trong loại án hình sự có cả tín dụng; liên quan đến nhiều tội, có nhiều nội dung thuộc các chỉ tiêu khác nhau nhưng hiện tại quy định của Thống kê THADS cũng chưa quy định rõ dẫn đến trùng lắp số liệu, do có một số chỉ tiêu được thống kê hai lần, ví dụ đối với khoản thu cho tổ chức tín dụng vừa được thống kê trong chỉ tiêu tín dụng, nhưng đồng thời được thống kê trong chỉ tiêu XPTrTQLKT.
- Thống kê THADS chưa dự liệu, xác định việc chưa có điều kiện đối với trường hợp đặc biệt, dẫn tới việc xác định kết quả THA và trách nhiệm của Chấp hành viên chưa chính xác, ví dụ như trường hợp Ngân hàng yêu cầu giữ tiền, tài sản của người phải THA để thanh toán khoản nợ đặc biệt (Vụ Phương Trang – Ngân hàng Xây Dựng); việc kê biên quyền sử dụng đất đã hết thời hạn sử dụng, việc kê biên tài sản hình thành trong tương lai nhưng tại thời điểm THA không có tài sản trên thực tế…
b. Về cách quy đổi giá trị tài sản để xác định khoản phải thi hành đối với chỉ tiêu thi hành án về tiền
- Chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể đối với việc thống kê và quy đổi giá trị tài sản, giấy tờ có giá trị, kim khí quy ra tiền. Do đó, nhiều trường hợp Tòa án không tuyên giá trị tiền đối với các tài sản phải thi hành gây khó khăn cho cơ quan THADS khi thống kê giá trị tài sản. Bên cạnh đó, quy định của chế độ báo cáo thống kê THADS hiện hành chưa hướng dẫn cụ thể thời điểm xác định giá trị tài sản để thống kê dẫn tới việc thực hiện không thống nhất (có đơn vị quy đổi ngay tại thời điểm phát sinh, có đơn vị quy đổi tại thời điểm xử lý tài sản) gây biến động bất thường trong phản ánh số liệu thống kê, không công bằng trong việc tính kết quả THA.
- Chưa có quy định cụ thể việc xác định khoản thi hành đối với những trường hợp Tòa án tuyên kê biên tài sản để đảm bảo THA với trường hợp Tòa án tuyên tịch thu tài sản… gây khó khăn cho việc xác định khoản thi hành đối với một số cơ quan THADS do không thực hiện thống nhất, ví dụ: trường hợp Tòa án tuyên kê biên tài sản để đảm bảo THA, Cơ quan THADS thống kê nghĩa vụ về tiền là một khoản phải thi hành; xử lý tài sản kê biên là một khoản phải thi hành dẫn đến thống kê hai lần, phản ánh không đúng bản chất việc THA.
c. Về cách tính một số chỉ tiêu
Theo quy định, một số chỉ tiêu thống kê liên quan đến “kết quả theo dõi THA hành chính” chưa phù hợp như “Số bản án, quyết định đã ra thông báo tự nguyện THA” và chỉ tiêu “Số quyết định buộc THA hành chính đã đăng tải công khai” có thể trùng lặp do một việc đã ra thông báo tự nguyện THA vừa phải đăng tải công khai. Mặt khác chỉ tiêu số đầu vào là “số quyết định buộc THA hành chính được Tòa án chuyển giao cho Cơ quan THADS chia theo nội dung theo dõi” trong khi chỉ tiêu kết quả đầu ra lại tính theo “bản án, quyết định” ….là chưa phù hợp với thực tế, cần được quy định lại hoặc quy định thống kê đối với án tín dụng và án dân sự trong hình sự hiện đang có sự chồng lấn cần phải quy định rõ đối với các chỉ tiêu thống kê này….
d. Về phối hợp liên ngành
- Thông tư liên tịch số 12/2021/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC đã triển khai, thực hiện qua 02 kỳ báo cáo 10 tháng và 12 tháng năm 2022, tuy nhiên, Tổng cục THADS nhận thấy còn nhiều Cục THADS chưa thực hiện phối hợp rà soát, đối chiếu ký liên ngành, gửi báo cáo có đủ chữ ký liên ngành về Tổng cục THADS theo quy định tại khoản 2 Điều 8 của Thông tư. Chưa lập danh sách liên quan đến bản án, quyết định của TAND cấp cao gửi về Tổng cục theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 8 của Thông tư.
1.2. Nguyên nhân
- Nguyên nhân khách quan:
Một số quy định về thống kê THADS chưa phù hợp với thực tiễn công tác THADS; quy trình quản lý chất lượng thống kê; hệ thống bảng, biểu thu thập số liệu; xây dựng báo cáo thống kê, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê...còn chưa đảm bảo tính đồng bộ, kịp thời;
Chưa có quy định thống nhất đối với thống kê kết quả thi hành án hành chính hay chỉ thống kê đối với các vụ việc thi hành án hành chính có nội dung theo dõi;
Nguồn lực làm công tác thống kê THADS còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng, chủ yếu là công chức kiêm nhiệm, không có công chức chuyên trách có trình độ được đào tạo về thống kê trong toàn Hệ thống THADS, công chức mới vào ngành thường được giao tổng hợp, thống kê dẫn đến chất lượng thống kê chưa đảm bảo chính xác, kịp thời.
Việc báo cáo hiện nay đa số được Chấp hành viên theo dõi và xuất báo cáo từ phần mềm Thụ lý THADS, nhưng hiện nay phần mềm chỉ hỗ trợ xuất thống kê theo Thông tư 08, việc bóc tách số liệu từ Thông tư 08 sang Thông tư 06 cũng gặp một số khó khăn.
- Nguyên nhân chủ quan:
Đội ngũ công chức làm công tác thống kê của các đơn vị (cấp Chi cục, cấp Cục) chủ yếu là công chức kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi người làm tổng hợp, trong khi số lượng và các yêu cầu báo cáo từ các cấp ngày càng nhiều, đòi hỏi mức độ chính xác và tính thống nhất giữa các báo cáo ngày càng cao dẫn đến kết quả tổng hợp của đơn vị có tính chính xác chưa cao, ảnh hưởng đến công tác tổng hợp chung của đơn vị.
Một số lãnh đạo Cục, Chi cục và công chức chưa nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác báo cáo thống kê THADS, dẫn đến kỳ thống kê chưa có sự phối hợp chặt chẽ với công chức có liên quan để đối soát, phát hiện những sai sót để kịp thời xử lý, dẫn đến việc thống nhất số liệu của đơn vị đôi lúc còn chậm, chưa chính xác về số liệu. Việc phối hợp trong xử lý chênh lệch về số liệu, về cách thức, phương thức xử lý số liệu, tiêu chí thống kê đối với những chỉ tiêu trong báo cáo đôi lúc còn chưa thống nhất, dẫn đến chưa phát huy được hết giá trị của số liệu, làm giảm hiệu quả trong công tác báo cáo thống kê THADS.
2. Giải pháp hoàn thiện
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đòi hỏi hệ thống THADS cần có những giải pháp đồng bộ, trong đó cần nhận thức rõ, quan tâm hơn nữa đến công tác thống kê THADS nhất là hoàn thiện thể chế và bổ sung nguồn lực con người, phải coi thống kê THADS là một công cụ để đánh giá chất lượng công tác THADS. Từ thực tiễn công tác THADS cho thấy, công tác thống kê THADS không thể tách biệt với công tác nghiệp vụ THADS, vì hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ sẽ là cơ sở đảm bảo cho hiệu quả thống kê được đầy đủ, kịp thời, chính xác. Hiện nay, Luật số 01/2021/QH15 ngày 12/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều và phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật thống kê; Điều 55, 56, 57 Luật THADS đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật THADS đã được ban hành, do đó cần có giải pháp, hoàn thiện các quy định đối với thống kê THADS:
- Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế đối với công tác thống kê THADS, phù hợp với Luật thống kê và các Nghị định quy định chỉ tiêu thống kê trong đó có chỉ tiêu về việc, về tiền, kết quả thi hành án hành chính trong toàn Hệ thống THADS (Thông tư thống kê mới hiện nay đã được đăng tải, lấy ý kiến của các Bộ, ban, ngành, các Cục THADS địa phương và cá nhân, tổ chức có liên quan).
- Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng thống kê cho công chức được phân công làm công tác thống kê; Thường xuyên tập huấn chuyên sâu về kỹ năng thống kê, nghiệp vụ THADS để nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực của Thủ trưởng và công chức các cơ quan THADS về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác thống kê; đặc biệt tăng trách nhiệm của người làm công tác thống kê, tăng tính giải trình và minh bạch của số liệu.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thống kê THADS, nâng cấp, hoàn thiện các Phần mềm đang được sử dụng trong đó ưu tiên nâng cấp Phần mềm Quản lý quá trình thụ lý, tổ chức THADS và báo cáo thống kê THADS phù hợp với quy định của Thông tư thống kê mới.
- Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác thống kê THADS, bảo đảm thống kê chính xác, kịp thời phản ánh kết quả thi hành của toàn Hệ thống. Sử dụng có hiệu quả số liệu thống kê trong phân tích số liệu, biến con số khô khan thành con số biết nói để phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành bám sát thực tế trong lĩnh vực THADS, THAHC.
- Tăng cường công tác kiểm tra đối với công tác thống kê THADS trong việc phân loại án, nhất là án chưa có điều kiện chuyển sổ theo dõi riêng hàng năm.