Sign In

Mỗi Chấp hành viên hãy thực sự là một người “Trọng tài tốt” trong thực thi nhiệm vụ

19/07/2023

(PLVN) -Thi hành án dân sự (THADS) là một nghề tư pháp, khó khăn, gian khổ, rủi ro, áp lực đa chiều … chia sẻ những khó khăn vất vả của cán bộ, chấp hành viên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS), TS. Nguyễn Quang Thái cũng mong muốn “mỗi công chức THADS hãy tự hành trang cho mình kiến thức pháp luật dày dặn, bài bàn, chuyên nghiệp, bản lĩnh trong nghề nghiệp với một đạo đức trong sáng.”

-Thưa Tổng cục trưởng, ông đánh giá như thế nào về sự trưởng thành của Hệ thống Thi hành án dân sự (THADS) trong sự phát triển của đất nước?

Tháng 8/1945, Nhà nước cách mạng Việt Nam ra đời khởi đầu cho quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Bằng sắc lệnh số 13/SL ngày 24/01/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh (quy định về tổ chức các Tòa án nhân dân và các ngạch Thẩm phán) đã đánh dấu sự ra đời về tổ chức và hoạt động của cơ quan Thi hành án dân sự (THADS). Trải qua 77 năm xây dựng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Hệ thống THADS không ngừng được củng cố kiện toàn, thực hiện hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó qua từng thời kỳ của đất nước.

Sự trưởng thành có thể nhận thấy ở nhiều góc độ khác nhau: (i) Nhận được sự quan tâm thường xuyên của Đảng, Nhà nước, đồng thời Hệ thống THADS cũng đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách lớn, quan trọng về THADS, thi hành án hành chính (THAHC); (ii) Có được hệ thống pháp luật THADS tương đối đầy đủ, đồng bộ với nòng cốt là Luật THADS và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn, thi hành (từ chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức cán bộ, kiểm tra, v.v); (iii) Có bộ máy tổ chức các cơ quan THADS từ Trung ương đến cấp huyện với chức năng, nhiệm vụ nặng nề, nhưng cũng rất vinh dự khi mang trọng trách đưa nội dung của bản án, quyết định của Tòa án thực thi trên thực tế (hằng năm các cơ quan THADS đang phải tổ chức thi hành với số lượng từ 800 đến 900 ngàn vụ việc với số tiền lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng, qua đó góp phần giải phóng một nguồn lực rất lớn cho xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật); (iv) Chất lượng, kinh nghiệm, tính chuyên nghiệp, bản lĩnh nghề nghiệp của đội ngũ công chức THADS cũng ngày càng được nâng lên cho dù khối lượng, áp lực công việc ngày càng lớn (có những vụ việc phải thi hành lên tới hàng ngàn đương sự, số lượng tiền phải thi hành hàng ngàn tỷ đồng, tính chất pháp lý của tài sản vô cùng đa dạng, phức tạp.v.v); (v) Nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến cấp cơ sở. Thi hành án dân sự không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành Tư pháp mà là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị. Các cơ quan THADS thực sự trở thành nòng cốt của quá trình tổ chức thi hành, đưa bản án, quyết định của Tòa án vào cuộc sống.

-Trong bối cảnh án dân sự ngày càng gia tăng (cả số lượng việc, tiền), nhiều vụ việc khó khăn phức tạp, vậy toàn Hệ thống đã có giải pháp gì để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ, kết quả năm sau cao hơn năm trước?

Đúng là những năm gần đây, số lượng việc, tiền thi hành án ngày càng tăng, tính chất ngày càng phức tạp. Để thực hiện hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao, toàn Hệ thống THADS phải thực hiện rất nhiều giải pháp. Có thể kể đến một số giải pháp chủ yếu như: Giao chỉ tiêu đi đôi với việc xác định các giải pháp cụ thể, rõ trách nhiệm đối với từng cơ quan trong Hệ thống THADS từ Tổng cục, Cục, đến các Chi cục (trong quyết định giao chỉ tiêu, mỗi chỉ tiêu Tổng cục trưởng đều xác định rõ các giải pháp đi kèm với việc xác định trách nhiệm của từng chủ thể từ Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, Thủ trưởng cơ quan THADS cấp tỉnh, cấp huyện);

Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành từ Tổng cục, Cục, các Chi cục (Thủ trưởng đơn vị thường xuyên kiểm tra, kiếm soát công việc của đơn vị, địa bàn phụ trách; bắt tay vào công việc ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm công tác, không để tình trạng đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vất vả; xác định trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; phân loại chính xác việc thi hành án có điều kiện, chưa có điều kiện; chủ động phát hiện những điểm nóng, điểm nghẽn để tháo gỡ; Tổng cục tăng cường kiểm soát đối với hoạt động của Cục, Cục tăng cường kiểm soát Chi cục; chú trọng kiểm soát hoạt động của đội ngũ công chức, nhất là người có chức danh tư pháp trong cơ quan THADS; thường xuyên thông tin những tồn tại, hạn chế qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm sát để các đơn vị khác phòng ngừa, v.v);

Kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ đối với các vụ việc khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành, các vụ việc thu hồi tài sản tham nhũng, chỉ đạo thi hành dứt điểm các vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng; Tăng cường kiểm soát công tác xác minh điều kiện thi hành án, xử lý tài sản kê biên, phong tỏa, thẩm định giá... theo đúng quy định của pháp luật; giám sát chặt chẽ các vụ việc cưỡng chế, nhất là kê biên, bán đấu giá tài sản thi hành án; chú trọng công tác phối hợp liên ngành để tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong THADS (nhất là các cơ quan trong khối nội chính); tranh thủ tối đa sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác THADS, nhất là công tác cán bộ và việc tháo gỡ, giải quyết những vụ việc phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương (Tổng cục thường xuyên thông tin trao đổi tình hình THADS, THAHC đến đồng chí Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo thi hành án để nắm bắt tình hình, chủ động phối hợp, nhất là thời điểm những tháng cuối năm công tác; tập trung chỉ đạo giải quyết những vụ việc lớn, khó khăn, phức tạp, kéo dài, nhất là những việc phải cưỡng chế thi hành án, v.v);

Chú trọng kiểm tra (bắt đầu từ công tác tự kiểm tra; kiểm tra cấp trên đối với cấp dưới; giám sát chặt chẽ đối với khâu dễ sai phạm như cưỡng chế, bán đấu giá, thu chi thi hành án); thực hiện tốt công tác tiếp công dân, công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo (coi đây là kênh rất quan trọng để kiểm soát hoạt động của Chấp hành viên);

Đề cao vai trò của Viện Kiểm sát trong việc kiểm sát hoạt động THADS (thông qua việc kiểm sát đối với từng vụ việc thi hành án cụ thể, thực hiện kiến nghị, kháng nghị thi hành án); Kiên quyết xử lý nghiêm đối với sai phạm trong THADS (nhất là những vụ việc tiêu cực, tham nhũng; trường hợp đến mức phải xem xét trách nhiệm hình sự thì chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định), v.v.

-Ông đánh giá như thế nào về bảo đảm nguồn lực thi hành án trong cải cách tư pháp?

Có thể nói thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta luôn chăm lo, bảo đảm nguồn lực cho công tác THADS, THAHC. Đây chính là cơ sở rất quan trọng để Hệ thống THADS có thể hoàn thành nhiệm vụ. Hiện nay, trong bối cảnh cải cách tư pháp đã và đang đặt ra rất nhiều yêu cầu đối với các cơ quan tư pháp nói chung và THADS nói riêng. Những vấn đề này các ngành đều nhận thức rất rõ. Đối với Hệ thống THADS tôi cho rằng cũng cần phải vạch ra các lộ trình khác nhau để bảo đảm nguồn lực THADS.

Trước mắt cần phải bảo đảm nguồn lực để đáp ứng ngay tình trạng quá tải công việc đang diễn ra phổ biến ở nhiều cơ quan THADS. Cùng với đó thì phải không ngừng nâng cao chất lượng. Việc nâng cao chất lượng cán bộ được thực qua rất nhiều khâu (từ tuyển đầu vào, tăng cường đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, đào tạo bồi dưỡng qua kinh nghiệm thực tiễn, tiến hành sàng lọc thông qua tổ chức thi tuyển chấp hành viên, thực hiện tốt công tác quy hoạch, kiên quyết loại bỏ những cán bộ thoái hóa biến chất, v.v). Bên cạnh đó tăng cường nguốn lực thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa, chuyển đổi số.

-Thời gian tới, công tác THADS có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Vậy các cơ quan THADS sẽ ưu tiên thực hiện những giải pháp trọng tâm nào, thưa Tổng cục trưởng?

Thời gian tới, công tác THADS có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, vì vậy các cơ quan THADS sẽ ưu tiên thực hiện những giải pháp trọng tâm sau: (i) Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực liên quan đến công tác THADS, theo dõi THAHC. Xác định công tác hoàn thiện thể chế về THADS là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu qua đó triển khai có hiệu quả định hướng của Đảng: “Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan thi hành án. ... Hoàn thiện cơ chế nâng cao chất lượng, hiệu quả THADS, hành chính theo hướng rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí.”

Để thực hiện chủ trương này, thời gian qua Tổng cục đã chủ động phối hợp trong việc tham mưu sửa đổi những bất cập liên quan đến Luật đất đai, Luật đấu giá tài sản, Luật các tổ chức tín dụng, v.v liên quan đến THADS. Đang tiến hành tổng kết 14 năm Luật THADS đến tiến tới tham mưu sửa đổi, bổ sung toàn diện đối với Luật này. Ngay trong năm nay cũng sẽ nghiên cứu để tham mưu sửa đổi, bổ sung Nghị định 62/2015/NĐ-Cp. Tăng cường tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập từ pháp luật làm ảnh hưởng đến hoạt động THADS;
 

Đề cao thỏa thuận, tự định đoạt của các bên đương sự trong THADS, đồng thời kiểm soát tốt tình hình tổ chức thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ Chấp hành viên THADS, bảo đảm hoạt động THADS được thực hiện chặt chẽ, đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật. Mọi hoạt động của đội ngũ Chấp hành viên đều bị kiểm soát bởi cơ chế, pháp luật và kiểm sát chặt chẽ của Viện Kiểm sát nhân dân. Tập trung chỉ đạo xử lý tài sản kê biên bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định; chủ động phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xác minh làm rõ hiện trạng, tình trạng pháp lý của tài sản để đẩy nhanh tiến độ thi hành án. Theo dõi đầy đủ, kịp thời các vụ việc THAHC tại địa bàn; kịp thời thực hiện kiến nghị xử lý trách nhiệm người phải thi hành án chậm THAHC, không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ, không đúng bản án, quyết định của Toà án;

Tăng cường công tác phối hợp với các bộ, ngành, các tỉnh/thành ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan THADS trong quá trình tổ chức thi hành án. Tranh thủ sự chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương nhất là sự vào cuộc chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đối với công tác thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế, trong đó Tổng cục THADS sẽ tham mưu cho Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp có văn bản đề nghị Bí thư tỉnh ủy, thành ủy và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quan tâm, phối hợp chỉ đạo công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế;
 

ăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tập trung mọi nguồn lực, rà soát, đánh giá, xây dựng kế hoạch để tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án, đặc biệt là các vụ việc có giá trị lớn, các vụ việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; các vụ việc thi hành các khoản thu có liên quan đến tổ chức tín dụng có giá trị trên 20 tỷ đồng, có điều kiện thi hành, đã quá 03 năm chưa thi hành xong...;

Tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Quyết định số 196/QĐ-TCTHADS ngày 03/3/2021 của Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS về việc ban hành Quy chế kiểm tra trong THADS. Việc kiểm tra, tự kiểm tra phải nghiêm túc, tránh hình thức, kịp thời phát hiện, khắc phục những vi phạm, thiếu sót, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm do lỗi cố ý. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện các giải pháp cụ thể để phòng ngừa các vi phạm pháp luật được chỉ ra trong quá trình giám sát, kiểm tra, thanh tra, đặc biệt là kiến nghị phòng ngừa của Viện Kiểm sát nhân dân các cấp;

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, đặc biệt khai thác có hiệu quả các phần mềm đang sử dụng trong Hệ thống THADS để phục vụ công tác quản lý, điều hành hoạt động THADS. Tập trung nghiên cứu các giải pháp cải cách hành chính nhằm giảm thiểu thời gian, chi phí trong quá trình THADS.

-Trân trọng cám ơn Tổng cục trưởng!


Theo https://baophapluat.vn/

Các tin đã đưa ngày: