Sign In

Thi hành án dân sự 72 năm một chữ “Tâm”

18/07/2018

       Nói đến Thi hành án dân sự (THADS) thì không ít người cho rằng thi hành án dân sự là “nghề đòi nợ”. Đó là cách hiểu không đúng về ngành THADS. THADS có thể hiểu một cách khái quát là việc tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người được thi hành án, người phải thi hành án và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và mặt khác bảo đảm việc thực hiện quyền tư pháp của Nhà nước
       Trong tổ chức bộ máy nhà nước ta, THADS là lĩnh vực hoạt động được chú trọng và là một nhiệm vụ của ngành Tư pháp. Trải qua 72 năm hình  thành và phát triển, THADS tạo ra những tiền đề quan trọng, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển ngành Tư pháp, xây dựng Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Không những thế 72 năm điều lắng đọng lại mà không phải ai cũng có thể nhận thấy đó chính là cái “Tâm” của những người làm công tác thi hành án dân sự nói chung và của Chấp hành viên nói riêng.

Lãnh đạo, cán bộ, công chức cơ quan thi hành án dân sự Lào Cai tháng 6/2018

       Với tính chất phức tạp của công tác THADS, trực tiếp liên quan đến quyền và lợi ích của các bên đương sự ở nhiều lĩnh vực khác nhau, mỗi lĩnh vực đều có những quy định riêng, đặc thù. Để xác minh tài sản của người phải thi hành án là việc làm không đơn giản đối với các Chấp hành viên, cơ quan THADS, chưa kể đến những khó khăn từ phía đương sự, do những đối tượng này không cộng tác đối với các Chấp hành viên, cơ quan THADS, như tẩu tán, che giấu tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án, thậm chí là chống đối Chấp hành viên trong quá trình tác nghiệp. Mặt khác, kết quả của hoạt động THADS, không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Chấp hành viên, cơ quan THADS mà còn phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, vai trò của cơ quan điều tra Công an, chức năng kiểm sát của Viện Kiểm sát các cấp, chất lượng xét xử của Thẩm phán. Một bản án không nghiêm minh, không đúng pháp luật, chưa thấu tình đạt lý thì việc giải quyết ở giai đoạn THADS vô cùng khó khăn, phức tạp. Chính vì vậy, để có thể thi hành có hiệu quả trên thực tế những bản án, quyết định đó thì đòi hỏi chấp hành viên phải biết kết hợp hài hòa giữa “cái tình” và “cái lý”, không những giải quyết trên cơ sở quy định của pháp luật mà còn phải bằng cả cái tâm hết lòng vì công việc, vì lợi ích của người dân thì việc THADS mới được giải quyết “thấu tình đạt lý”.

       Các vụ việc mà Chấp hành viên phải tổ chức thi hành rất đa dạng, phức tạp nên không thể dập khuôn máy móc những biện pháp đã áp dụng ở vụ việc này vào việc giải quyết vụ việc khác. Vì vậy, thông qua quá trình suy lý, lập luận chân thực, Chấp hành viên phải tìm ra cách làm mới, biện pháp mới để giải quyết các vụ việc khác nhau. Đối với từng vụ việc cụ thể, Chấp hành viên không những dựa trên cơ sở quy đinh của pháp luật mà còn phải bằng cái tâm của mình để có hướng xử lý hiệu quả mọi vấn đề có liên quan đến vụ việc. Điều đó có thể nhận thấy trong quá trình giải quyết án của Chấp hành viên trong một số trường hợp như:

       Cưỡng chế thi hành án là biện pháp cần thiết để bản án, quyết định của Tòa án được thi hành triệt để, nhưng khi phải tổ chức cưỡng chế sẽ tốn kém thời gian, công sức, tiền của …vì thế Chấp hành viên rất trăn trở và phải áp dụng các biện pháp “dân vận khéo”, tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp đương sự tự nguyện chấp hành bản án. Trên thực tế mọi trường hợp không tự nguyện thi hành án đều có nguyên nhân riêng (đa phần là do không hiểu luật). Vấn đề đặt ra là phải tìm cho ra nguyên nhân và xử lý dứt điểm, sẽ thành công. Nghe thì đơn giản nhưng đó là cả một quá trình mà người Chấp hành viên phải biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý và tình, giữa mềm mỏng và kiên quyết, giữa nguyên tắc và linh hoạt bằng một cái tâm sáng làm cho đương sự chuyển hóa từ bất hợp tác sáng hợp tác, từ chống đối sang đồng thuận. Không chỉ gặp gỡ, làm việc riêng với đương sự mà nhiều khi Chấp hành viên còn phải tác động đến người thân của đương sự, bàn bạc với chính quyền nơi đương sự cư trú, cơ quan nơi đương sự làm việc để cùng phối hợp vận động; không chỉ đơn thuần giữ cương vị của người tổ chức thi hành bản án, có lúc người Chấp hành viên còn phải đảm nhận vai trò người tư vấn để đương sự thực hiện nghĩa vụ thi hành án một cách thuận tiện và có lợi nhất. Trên thực tế rất nhiều vụ việc bằng cái tâm mong muốn điều có lợi nhất cho đương sự mà Chấp hành viên đã thuyết phục thành công giúp chuyển hóa từ vụ việc phải cưỡng chế sang chấp thuận thi hành án, việc thi hành án đạt kết quả đảm bảo bản án được thực thi nghiêm túc và không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

       Đối với các vụ việc về cấp dưỡng nuôi con: THADS về cấp dưỡng là một trong những loại việc khó thi hành, mất nhiều thời gian công sức và không đơn giản để kết thúc nhanh một vụ việc. Loại việc này, đòi hỏi Chấp hành viên phải kiên trì, phải khéo léo, linh hoạt thuyết phục hai bên đương sự hoặc theo dõi thi hành án dần hàng tháng, hàng quý… để việc thi hành án có thể kết thúc, không xảy ra tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo. Hơn thế nữa là góp phần giảm bớt mâu thuẫn giữa các bên đương sự, từ đó thi hành việc cấp dưỡng được thuận lợi và đạt kết quả.

       Đặc trưng của loại việc cấp dưỡng nuôi con là theo định kỳ và thời gian dài có khi đến 18 năm và cũng có khi còn lâu hơn đối với những vụ người được cấp dưỡng mất năng lực hành vi, mất khả năng lao động… thì thời gian cấp dưỡng là suốt cuộc đời của họ. Giá trị thi hành thường nhỏ, giá trị thấp, bình quân số tiền cấp dưỡng nuôi con là khoảng từ 500.000 đồng - 1.500.000đồng/tháng/người. Nếu người phải thi hành án không tự nguyện thi hành hoặc có đủ điều kiện thi hành án đi chăng nữa, thì cơ quan THADS cũng khó có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án. Trường hợp có cưỡng chế kê biên tài sản, bán đấu giá để thi hành án thì tính chất của vụ việc cấp dưỡng cũng không kịp thời. Vì vậy, đối với loại án này công tác vận động, thuyết phục là vô cùng quan trọng để đảm bảo cuộc sống bình thường cho người được cấp dưỡng. Công việc này đòi hỏi phải thường xuyên, linh động, không những vận động, thuyết phục đối với người phải thi hành án, người được thi hành án mà còn phải vận động, thuyết phục cả những người liên quan khác như ông bà nội, ngoại của người được cấp dưỡng. Và trên thực tế Chấp hành viên khi giải quyết vụ việc về cấp dưỡng nhất là Chấp hành viên nữ không những trên cương vị của người đại diện cho pháp luật mà cứng nhắc giải quyết vụ việc, họ còn đặt vị trí của mình vào vị trí của đương sự để động viên, chia sẻ giúp cho người có nghĩa vụ cấp dưỡng hiểu được trách nhiệm cấp dưỡng của mình là đúng đắn, để đảm bảo cuộc sống bình thường cho người được cấp dưỡng mà tự nguyện thi hành nghĩa vụ.

       Trong quá trình giải quyết vụ việc, đặc biệt là quá trình xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, Chấp hành viên có điều kiện tiếp xúc, gần gũi với người phải thi hành án. Chấp hành viên không chỉ tiến hành xác minh về tài sản mà còn nắm bắt về nhân thân, về hoàn cảnh gia đình của họ.

       Bên cạnh đó, trên thực tế cho thấy rất nhiều người phải thi hành án có hoàn cảnh éo le, khó khăn về kinh tế, có trường hợp đương sự còn là người già, chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương sinh sống thì đã ở độ tuổi ngoài 60, sức khỏe yếu, không có công ăn việc làm, có người còn bày tỏ “Bác mong ở trong tù hơn cháu ạ, vì bây giờ ra tù tuổi cao sức yếu không ai thuê làm, không có tiền sinh sống thì sao mà có tiền thi hành án được”. Chấp hành viên cần lắng nghe, chia sẻ nỗi niềm cùng người phải thi hành án, động viên và tạo điều kiện giúp đỡ họ tìm công ăn việc làm, giúp họ ổn định cuộc sống và có điều kiện để thi hành án.

       Công tác thi hành án dân sự khó khăn, phức tạp nhưng trong thời gian qua đội ngũ Chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án đã có cái “Tâm” với nghề, họ đã và đang nỗ lực hết mình, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để tiếp tục xây dựng và phát triển ngành thi hành án dân sự vững mạnh, luôn  xứng đáng với danh hiệu “người con trung hiếu, vì nước quên thân vì dân phục vụ”.
                     N.H.Đ - Cục THADS tỉnh 

Các tin đã đưa ngày: