Sign In

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự: Thi Chấp hành viên giỏi lần thứ nhất - đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của Chấp hành viên

08/04/2016

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự: Thi Chấp hành viên giỏi lần thứ nhất - đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của Chấp hành viên
       Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Thi hành án dân sự (19/7/1946 - 19/7/2016), Bộ Tư pháp tổ chức Hội thi Chấp hành viên giỏi. Đây là lần đầu tiên hội thi được tổ chức trên quy mô toàn quốc. Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn nhanh ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) - Phó trưởng Ban Thường trực Hội thi Chấp hành viên giỏi lần thứ nhất về sự kiện nhiều ý nghĩa này.
          - Thưa ông, Hội thi Chấp hành viên giỏi lần thứ nhất có ý nghĩa như thế nào trong công tác THADS hiện nay và dịp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống THADS?
       Hội thi Chấp hành viên giỏi là một sự kiện quan trọng trong các hoạt động được tổ chức nhằm chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống THADS (19/7/1946 - 19/7/2016) và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS, đồng thời đây cũng là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016-2020 và Nghị quyết 111/2015/QH13 về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác Thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo. Hội thi tạo ra đợt sinh hoạt sâu rộng tìm hiểu về chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức pháp lý, kỹ năng xử lý tình huống về THADS đối với Chấp hành viên, Thừa phát lại trên toàn quốc. Thông qua đó, nâng cao chất lượng về chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, tăng cường sự phối hợp, nâng cao tình đoàn kết của đội ngũ Chấp hành viên, Thừa phát lại.

       Qua Hội thi nhằm phát hiện, tuyên dương những Chấp hành viên, Thừa phát lại giỏi để nhân rộng điển hình; xây dựng hình ảnh Chấp hành viên, Thừa phát lại trong sự nghiệp đổi mới và cải cách tư pháp. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào về truyền thống THADS, nâng cao lòng yêu ngành, yêu  nghề, thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ của Ngành trong toàn thể công chức và người lao động của các cơ quan THADS và các Văn phòng Thừa phát lại.

       -Hiện nay, với số lượng trên 3 ngàn chấp hành viên trong cả nước, việc lựa chọn đối tượng dự thi có bị hạn chế không, thưa ông?
     Về nguyên tắc Ban Tổ chức Hội thi khuyến khích sự tham gia đông đảo, đầy đủ nhất của các Chấp hành viên, Thừa phát lại. Tuy nhiên, để Hội thi diễn ra nghiêm túc, đúng yêu cầu, mục đích của Kế hoạch đề ra, Ban Tổ chức đã ban hành Thể lệ Hội thi, theo đó, đối tượng dự thi là Chấp hành viên hiện đang công tác tại Chi cục, Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng Thi hành án quân khu và tương đương thuộc Bộ Quốc phòng (gọi tắt là thí sinh) được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, không bị áp dụng các hình thức kỷ luật, không bị xử lý vi phạm hành chính, xem xét xử lý trách nhiệm hình sự trong 3 năm liền. Riêng đối với vòng 1 thi tại Cục thì các Lãnh đạo Cục, Chấp hành viên được cử tham gia Ban Tổ chức, Ban Chấm thi, Hội đồng thi không bắt buộc phải tham dự Hội thi.

       Thừa phát lại hiện đang làm việc tại các Văn phòng Thừa phát lại không bị áp dụng các hình thức kỷ luật, không bị xử lý vi phạm hành chính, xem xét xử lý trách nhiệm hình sự.

       Đối với Chấp hành viên đủ điều kiện của cơ quan THADS phải tham gia dự thi. Tuy nhiên, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, do số lượng Chấp hành viên lớn nên Ban Tổ chức yêu cầu các đồng chí Cục trưởng căn cứ tình hình cụ thể để lựa chọn Chấp hành viên tham dự thi cho phù hợp. Đối với Chấp hành viên Phòng Thi hành án quân khu và tương đương thuộc Bộ Quốc phòng, Thừa phát lại do cơ quan cấp trên và cơ quan quản lý nhà nước của các cơ quan, tổ chức này quyết định.


          - Được tiến hành trên phạm vi toàn quốc, quy mô Hội thi và cách thức tổ chức như thế nào?
      Cuộc thi sẽ được tổ chức ở 3 vòng: Cấp Cục, Khu vực và chung kết tại Hà Nội. Mỗi vòng thi sẽ quy định hình thức thi cụ thể cho phù hợp. Chẳng hạn, vòng 1 sẽ tiến hành thi viết, vòng 2 Hội thi được tổ chức thi tập thể theo hình thức sân khấu, gồm 3 phần thi thời gian mỗi Đội thi không quá 50 phút (mỗi Đội số lượng từ 5-7 người). Các đội thi sẽ phải trải qua phần thi chào hỏi; xử lý tình huống và thi năng khiếu. Trên cơ sở kết quả thi của vòng 2 tại các Khu vực, tiến hành tổ chức thi vòng 3 chung kết tại Hà Nội.

       Đối với các Văn phòng Thừa phát lại, Ban tổ chức Hội thi có trách nhiệm phối hợp với Cục Bổ trợ tư pháp trao đổi với Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội chủ trì cùng với Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất lựa chọn lập thành một Đội Thừa phát lại (số lượng từ 5-7 người) để dự thi vòng 3 chung kết toàn quốc tại thành phố Hà Nội. Thời gian hoàn thành trước 15/5/2016.

       Đối với Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng, Cục trưởng Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng quyết định tổ chức thi hoặc lựa chọn từ các Chấp hành viên tại Phòng Thi hành án quân khu và tương đương, lập thành một Đội (số lượng từ 5-7 người) để dự thi vòng 3 chung kết toàn quốc tại thành phố Hà Nội. Thời gian hoàn thành trước 15/5/2016.

       - Ngày 9/4/2016 theo kế hoạch, các Cục sẽ đồng loạt tiến hành thi vòng 1, xin ông cho biết đến nay việc chuẩn bị ở cấp này đã được thực hiện ra sao?
       Với tinh thần ý thức trách nhiệm cao, ngay sau khi Bộ Tư pháp ban hành kế hoạch, Ban tổ chức Hội thi đã có văn bản gửi Cục trưởng Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó nêu rõ những nội dung cần thiết để tiến hành tổ chức thi, đặc biệt là vòng 1 được giao cho các đồng chí Cục trưởng thực hiện. Trên cơ sở đó, các Cục THADS tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng và các Văn phòng Thừa phát lại và đã hưởng ứng tích cực, trong đó các Cục THADS tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng Kế hoạch và thành lập các Ban cần thiết để tổ chức Hội thi; Sở Tư pháp thành phố Hà Nội là đơn vị đầu mối chủ trì chủ động phối hợp với Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh và Cục Bổ trợ Tư pháp lựa chọn Đội thi Thừa phát lại có chất lượng tham gia Hội thi chung kết; Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng đã tích cực hưởng ứng xây dựng và triển khai Kế hoạch, tập trung, đầu tư thời gian tập luyện để vững tin bước vào Hội thi. Chuẩn bị cho vòng thi 1, các Cục THADS đã triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản Kế hoạch và các văn bản Hướng dẫn của Ban Tổ chức Hội thi. Qua đó, thấy được hiệu ứng và sự lan tỏa rộng rãi của Hội thi, đồng thời đội ngũ Chấp hành viên và Thừa phát lại phấn khởi tích cực hưởng ứng tham dự Hội  thi.

       Tại Tổng cục THADS, Ban Tổ chức đã chỉ đạo các Ban chuyên môn như: Ban Đề thi, Ban Giám khảo, Ban Giám sát chuẩn bị các nội dung cần thiết để tổ chức thi theo Kế hoạch, đồng thời nội dung ôn thi cho thí sinh đã được phổ biến trước thời điểm thi 10 ngày. Có thể khẳng định đến nay mọi việc đã sẵn sàng để tổ chức thi vòng 1 được diễn ra theo đúng Kế hoạch.

       Với sự chuẩn bị trách nhiệm, chu đáo cùng với sự hưởng ứng tích cực, nhiệt tình của các Chấp hành viên, Thừa phát lại dự thi, Ban Tổ chức tin tưởng rằng, Hội thi sẽ đạt kết quả tốt và để lại ấn tượng tốt đẹp đối với các Chấp hành viên và Thừa phát lại tham dự cũng như trong toàn Hệ thống cơ quan THADS.

-Trân trọng cảm ơn ông!
Thu Hằng (Thực hiện) 

Các tin đã đưa ngày: