Tham dự Hội nghị có các đồng chí Lãnh đạo Công an tỉnh, TAND tỉnh, Viện KSND tỉnh, Cục Thi hành án dân sự; Lãnh đạo các phòng chuyên môn, Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thành phố và Chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự tỉnh.
Hội nghị đã thông qua báo cáo sơ kết, đánh giá kết quả đạt được và những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự, cụ thể như sau: Ngay sau khi Quy chế liên ngành số 14/2013/QCLN/ BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC có hiệu lực thi hành, Cục Thi hành án dân sự đã chủ trì phối hợp với các cơ quan Công an tỉnh, Viện KSND tỉnh, TAND tỉnh ký kết Quy chế liên ngành số 01/QCLN/CTHADS-CA-TAND-VKSND ngày 29/4/2014 về phối hợp công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Lào Cai; sau đó các Ngành đã triển khai Quy chế đã ký kết đến các đơn vị trực thuộc để thống nhất áp dụng trong phạm vi toàn tỉnh.
Trong quá trình thực hiện Quy chế, các Ngành liên quan thường xuyên nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự các cấp; các Ngành thường xuyên giữ mối liên hệ, phát huy vai trò phối hợp, tích cực trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ hoạt động thi hành án dân sự, đẩy nhanh tiến độ tổ chức thi hành các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án, góp phần tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân. Từ đó, giúp cơ quan Thi hành dân sự hoàn thành các chỉ tiêu theo Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án cũng như các chỉ tiêu nhiệm vụ được Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án giao hàng năm, cụ thể: Năm 2014 các cơ quan Thi hành án thụ lý 4.585 việc = 72.417.885.000 tiền, đã giải quyết xong 3.294 việc = 46.223.949.000đ (đạt tỷ lệ 95% về việc, 93% về tiền, vượt 1% về việc, 10% về tiền so với chỉ tiêu được giao), năm 2015 thụ lý 4.637 việc = 74.279.387.000 tiền, đã giải quyết xong 3.449 việc = 39.528.333.000đ (đạt tỷ lệ 95% về việc,92% về tiền, vượt 1% về việc, 7% về tiền so với chỉ tiêu được giao).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được việc thực hiện Quy chế còn một số hạn chế, vướng mắc như: Có lúc thiếu sự thống nhất giữ các Ngành trong giải quyết một số vụ việc cụ thể; Một số việc thi hành án dân sự có người phải thi hành án là người nước ngoài, sau khi chấp hành xong hình phạt tù họ trở về nước thì việc xác minh, đôn đốc thi hành án không thực hiện được nhưng hiện tại chưa có biện pháp giải quyết; Vẫn có trường hợp cơ quan Tòa án chuyển giao bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật hoặc bản án quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa đóng dấu “có hiệu lực pháp luật” khi chuyển giao cho cơ quan Thi hành án dân sự; Việc thông báo nhận bản án, quyết định của cơ quan Thi hành án cho cơ quan Tòa án còn chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời; Việc giao, nhận vật chứng là tiền mặt giữa cơ quan Công an và cơ quan Thi hành án dân sự còn chưa được thực hiện nghiêm túc theo Nghị định số 70/2013/NĐ-CP ngày 02/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý kho vật chứng ban hành kèm theo Nghị định 18/2002/NĐ-CP ngày 18/02/2002 của Chính phủ, mặc dù không nhiều nhưng vật chứng là tiền mặt chưa được niêm phong và gửi tại hệ thống kho bạc nhà nước cùng cấp theo quy định.
Để công tác phối hợp ngày càng hiệu quả, các ý kiến phát biểu, thảo luận tại Hội nghị đếu thống nhất: Trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tốt Quy chế liên ngành đã ký kết, kịp thời rà soát sửa đổi, bổ sung những vấn đề còn bất cập; thường xuyên thông tin, báo cáo tình hình, kết quả công tác thi hành án dân sự với cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự. Phát huy sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, Thi hành án dân sự trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là phối hợp trong giải quyết các vụ cưỡng chế thi hành án, những vụ việc trọng điểm, phức tạp./.
Trần Vân Anh - Cục THADS tỉnh Lào Cai