Ngày 26/12/2023, được sự đồng ý của Uỷ ban nhân dân tỉnh và đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh, Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động của Ban Chỉ đạo THADS năm 2023 và triển khai công tác THADS, theo dõi THAHC năm 2024. Đồng chí Lê Hữu Hồng - Cục trưởng Cục THADS tỉnh chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ngành; thành viên Ban Chỉ đạo THADS tỉnh; Trưởng Ban Chỉ đạo THADS huyện, thành phố; lãnh đạo Cục THADS tỉnh, lãnh đạo các Phòng chuyên môn, Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng, Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Kế toán các cơ quan THADS.
Đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2023
Năm 2023, mặc dù trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, Lãnh đạo Cục THADS tỉnh đã tích cực, chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp để chỉ đạo các cơ quan THADS cố gắng thực hiện tốt nhất có thể nhiệm vụ, chỉ tiêu THADS được giao. Kết quả THADS về việc: đã thi hành xong 4.280 việc, tăng 367 việc
(tăng 8,57%) so với cùng kỳ năm 2022;
đạt tỷ lệ 83,79% (tăng 0,03% so với cùng kỳ năm 2022). So với chỉ tiêu của Tổng cục giao vượt 0,49%. Về tiền: đã thi hành xong 210 tỷ 617 triệu 190 nghìn đồng,
tăng 64 tỷ 204 triệu 536 nghìn đồng (
tăng 30,48% so với cùng kỳ năm 2022);
đạt tỷ lệ 51,49% (giảm 0,26% so với cùng kỳ năm 2022). So với chỉ tiêu của Tổng cục giao vượt 2,99%. Việc thi hành các vụ việc liên quan đến thu hồi tài sản cho ngân sách nhà nước, khoản nợ của các tổ chức tín dụng, các vụ việc phức tạp, kéo dài, ... được tập trung giải quyết. Ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với 41 trường hợp, trong đó có 06 cuộc cưỡng chế có huy động lực lượng, 35 cuộc không huy động lực lượng.
Về công tác theo dõi thi hành án hành chính, Cục THADS tỉnh Ninh Thuận đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, có văn bản đề nghị Tòa án rà soát chuyển giao bản án hành chính để tổ chức theo dõi theo đúng quy định. Năm 2023, thực hiện theo dõi 09 vụ việc có quyết định buộc THAHC và đăng tải công khai 09 quyết định buộc thi hành án.
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm chỉ đạo giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật; Công tác kiểm tra, tự kiểm tra được tăng cường, kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót và ban hành văn bản chỉ đạo rút kinh nghiệm trong toàn tỉnh; Công tác quản lý, sử dụng kinh phí, tài sản công được đảm bảo; Các chế độ chính sách đối với công chức và người lao động luôn được quan tâm và thực hiện tốt. Công tác tổ chức cán bộ tiếp tục được củng cố, kiện toàn; kỷ cương, kỷ luật hành chính được thực hiện tốt. Không có đơn thư khiếu nại, tố cáo trong nội bộ hoặc công dân phản ánh dấu hiệu vi phạm về đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực của công chức các cơ quan THADS tỉnh Ninh Thuận.
Trong thành tích nêu trên của các cơ quan THADS tỉnh Ninh Thuận, có đóng góp rất lớn của Ban Chỉ đạo THADS hai cấp; các thành viên Ban chỉ đạo THADS luôn thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công và phối hợp tốt với cơ quan thi hành án dân sự; đặc biệt là từ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành trong công tác THADS tại địa phương.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác THADS tỉnh Ninh Thuận vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: một số vụ việc khó khăn, phức tạp, kéo dài chưa được xử lý dứt điểm; việc triển khai, phát động phong trào thi đua cao điểm ở một số đơn vị chưa thực sự mạnh mẽ, sâu rộng, hiệu quả; một số đơn vị chưa tranh thủ được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ. Tại cấp Chi cục vẫn còn thiếu sự kiểm tra, chỉ đạo chưa toàn diện, năng lực điều hành còn hạn chế; một bộ phận công chức chưa nêu cao ý thức trách nhiệm, thiếu tập trung, chưa nỗ lực cao trong quá trình giải quyết án cần khắc phục triệt để, nhằm hoàn thành tốt chỉ tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới
Một là, Tiếp tục tham mưu, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết đại hội XIII của Đảng, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết đại hội XIII; Kết luận số 05-KL/TW; các Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác THADS, THAHC. Đặc biệt là Chỉ thị số 04-CT/TW, ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế”; Nghị quyết số 23-NQ/BCSĐ ngày 29/3/2022 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ trọng tâm thi hành án dân sự (THADS), theo dõi thi hành án hành chính (THAHC) giai đoạn 2022-2026.
Hai là, Tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác THADS, trong đó, tập trung thi hành hiệu quả phần tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng. Tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt công tác theo dõi và THAHC.
Ba là, Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ Chấp hành viên, công chức làm công tác THADS, bảo đảm vững chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, thực sự liêm chính, hoạt động hiệu quả. Tổ chức thực hiện các giải pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm, trong đó đặt trọng tâm tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình hành động số 87-CTr/BCSĐ của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thi hành án dân sự giai đoạn 2023-2026; Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Bốn là, Tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm tra công vụ, nội bộ, kịp thời chấn chỉnh, xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu các đơn vị thực hiện không hiệu quả công tác kiểm tra, tự kiểm tra. Kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm mọi trường hợp, mọi hành vi lợi dụng, lạm dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thi hành án, các trường hợp sai phạm phát hiện sau thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Năm là, Cục và các Chi cục tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo THADS, tiếp tục thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự trong công tác quản lý, chỉ đạo, tổ chức Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh. Tham mưu duy trì sinh hoạt Ban chỉ đạo THADS các cấp theo đúng quy định và Quy chế tổ chức, hoạt động đã ban hành.
Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành bảo đảm xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác THADS, THAHC; tích cực, chủ động tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành liên quan đối với công tác THADS, THAHC.
Sáu là, Tiếp tục đổi mới phương pháp, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tuyên truyền, vận động, giáo dục thuyết phục nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật THADS; kịp thời thông tin đầy đủ, khách quan về hoạt động THADS, THAHC tạo sự ủng hộ của cán bộ, công chức và nhân dân đối với các công tác này. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động THADS.
Nhân dịp này, thừa uỷ quyền của Bộ Tư pháp, đồng chí Lê Hữu Hồng, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác phối hợp tổ chức thi hành án dân sự, thành tích trong triển khai thi hành Luật Thi hành án dân sự tại địa phương. Lãnh đạo Cục THADS tỉnh đã trao khen thưởng cho các tập thể và cá nhân thuộc các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có thành tích xuất sắc trong công tác thi hành án dân sự và hành chính tỉnh năm 2023./.
Ngọc Kính