Ngày 11/3/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành Kế hoạch số 856/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự đối với các bản án, quyết định kinh doanh, thương mại giai đoạn 2023 - 2028” trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch nhằm phổ biến, quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Đề án trên địa bàn tỉnh đảm bảo kịp thời, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thi hành án dân sự đối với các bản án, quyết định kinh doanh, thương mại (KDTM).
Theo đó, Uỷ ban nhân dân tỉnh phân công trách nhiệm thực hiện Đề án, cụ thể như sau:
1. Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh:
- Tiếp tục chỉ đạo công tác THADS tại địa phương, xác định công tác THADS là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương; quan tâm chỉ đạo cơ quan THADS, Ban Chỉ đạo THADS huyện, thành phố tập trung tổ chức thi hành những vụ việc về KDTM có giá trị lớn, có khó khăn, phức tạp; chỉ đạo các sở, ban, ngành chuyên môn thực hiện tốt công tác phối hợp với cơ quan THADS, nhất là trong công tác cưỡng chế thi hành án, công tác xác minh điều kiện thi hành án.
- Căn cứ điều kiện thực tiễn địa phương bố trí kinh phí và ngân sách thực hiện nhiệm vụ của Đề án; khi kết thúc Đề án chuyển giao kết quả thực hiện về Bộ Tư pháp để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Cục THADS tỉnh có trách nhiệm: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chưc liên quan tổ chức thực hiện Đề án; xây dựng Chương trình, kế hoạch cụ thể thực hiện Đề án; sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án, tổng hợp, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp kết quả thực hiện Đề án.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm: Chỉ đạo cơ quan Tài nguyên và Môi trường các cấp kịp thời cung cấp thông tin xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án liên quan đến đất đai; thực hiện kết nối điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhằm tạo điều kiện cho việc khai thác, xác minh điều kiện thi hành án trong tổ chức thi hành các bản án, quyết định về KDTM được thuận lợi, nhanh chóng và chính xác.
4. Công an tỉnh có trách nhiệm: Phối hợp với Sở Tư pháp trong việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành nhằm tạo điều kiện cho việc khai thác, xác minh điều kiện thi hành án trong tổ chức thi hành các bản án, quyết định về KDTM được thuận lợi, nhanh chóng và chính xác; chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với cơ quan THADS trong công tác bảo vệ cưỡng chế thi hành án, nhất là những vụ việc thi hành các bản án, quyết định về KDTM có tính chất phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương; kiên quyết xử lý hình sự đối với những trường hợp cản trở, chống đối việc thi hành án, cố ý chây ỳ, không chấp hành án theo quy định của pháp luật.
5. Sở Tài chính có trách nhiệm: Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức thẩm định giá nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm, góp phần chấn chỉnh công tác thẩm định giá trong lĩnh vực THADS; chỉ đạo phối hợp với Sở Tư pháp hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý tài sản của người phải thi hành án là phần vốn góp, cổ phần, cổ phiếu. Đồng thời, bố trí kinh phí chi thường xuyên trong dự toán ngân sách hàng năm để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án theo quy định của pháp luật.
6. Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp với Cục THADS tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin, báo chí thực hiện việc đưa tin, truyền thông về các nội dung của Đề án; tăng thời lượng thích hợp các chuyên trang, chuyên mục về phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành các bản án, quyết định về KDTM.
7. Các sở, ban, ngành, cơ quan có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình căn cứ điều kiện thực tiễn phối hợp với Sở Tư pháp triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án liên quan đến ngành, lĩnh vực mình quản lý. Kết quả thực hiện nhiệm vụ đề nghị chuyển giao về Sở Tư pháp để tổng hợp.
8. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh:
Tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng công tác xét xử án KDTM bảo đảm tính khả thi, trong đó chú trọng việc xem xét, thẩm định tại chỗ trước khi xét xử nhằm xác định chính xác nguồn gốc pháp lý, tình trạng sử dụng, giá trị tài sản… nhằm bảo đảm bản án tuyên được phù hợp, có tính khả thi trên thực tế; chỉ đạo Tòa án nhân dân cấp huyện thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về chuyển giao bản án, tài liệu liên quan đến tài sản bị kê biên, phong tỏa; kịp thời đính chính, giải thích bản án và các kiến nghị của cơ quan THADS có thẩm quyền.
9. Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh:
- Tăng cường công tác kiểm sát đối với hoạt động THADS nói chung, thi hành các bản án, quyết định về KDTM nói riêng. Quan tâm, kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác THADS; thực hiện kịp thời, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, xử lý vi phạm nhằm bảo đảm công tác thi hành án và việc chấp hành các bản án, quyết định về KDTM theo đúng pháp luật.
- Lãnh đạo, chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện tăng cường kiểm sát công tác THADS về các bản án, quyết định KDTM đối với cơ quan THADS, Chấp hành viên; kiểm sát việc gửi bản án, quyết định về KDTM, việc đính chính, giải thích bản án, việc xem xét, trả lời của Tòa án đối với kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của cơ quan THADS có thẩm quyền liên quan đến các bản án, quyết định về KDTM. Đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến thi hành các bản án, quyết định về KDTM, Viện kiểm sát nhân dân chú trọng hơn nữa trong kiểm sát việc tuân thủ pháp luật khi thực hiện các hoạt động liên quan đến THADS, nhằm phát hiện kịp thời vi phạm, sai sót để ban hành kiến nghị hoặc có biện pháp phù hợp khác xử lý theo quy định của pháp luật; khắc phục hậu quả, phòng ngừa nguyên nhân, điều kiện vi phạm.
10. Đề nghị Hội Luật gia tỉnh: Trên cơ sở rà soát, đánh giá tổng thể quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật của Luật Trọng tài thương mại nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác THADS nói chung, công tác thi hành các bán án, quyết định về KDTM nói riêng.
11. Đề nghị Đoàn Luật sư tỉnh:
- Phối hợp với Sở Tư pháp nghiên cứu, làm rõ vai trò, trách nhiệm của luật sư trong hoạt động THADS, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành.
- Chủ trì tổ chức các diễn đàn đối thoại nhằm tuyên truyền, phổ biến, nâng cao hơn nữa vai trò, sự tham gia của đội ngũ Luật sư trong quá trình tổ chức thi hành các bán án, quyết định về KDTM.
12. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Ninh Thuận:
- Tổng hợp tồn tại, vướng mắc khó khăn trong việc thi hành án các bản án, quyết định về KDTM có liê quan đến các tổ chức tín dụng ngân hàng.
- Tổ chức hội nghị (đối thoại), hội thảo nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đề xuất cơ chế chính sách có liên quan đến thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng và hoàn thiện khung pháp lý cho công tác THADS.
13. Đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội:
Quan tâm hơn nữa công tác giám sát hoạt động thi hành các bán án, quyết định về KDTM, nhất là tăng cường giám sát việc chấp hành của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong tổ chức thi hành các bản án, quyết định về KDTM cũng như sự phối hợp, trách nhiệm của các cơ quan sở, ban, ngành trong việc thực hiện các yêu cầu tổ chức thi hành bản án, quyết định về KDTM của cơ quan THADS; vận động, thuyết phục thành viên, hội viên và Nhân dân chấp hành nghiêm bản án, quyết định của Tòa án, phối hợp và chấp hành các yêu cầu, quyết định của cơ quan THADS trong tổ chức thi hành các bản án, quyết định về KDTM để bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật./.
Duy Phúc