Bối cảnh thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới vô cùng khó khăn (vừa phải nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao; vừa phải tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật, chấn chỉnh, xử lý nghiêm sai phạm; xây dựng hình ảnh mới của người cán bộ THADS), đồng thời phải ứng phó với tình hình dịch bệnh COVID-19 đang xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước (nhất các tỉnh, thành khu vực phía Nam và thành phố Hà Nội). Để nâng tiếp tục cao chất lượng, hiệu quả công tác THADS, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong THADS, đồng thời phòng, chống dịch bệnh thành công, Tổng cục trưởng yêu cầu:
1. Đẩy mạnh việc học tập Nghị quyết của Đảng, nâng cao tự nhận thức
Toàn Hệ thống THADS cần tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, Cục trưởng Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bí thư Chi bộ, Đảng bộ tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN) và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về công tác PCTN, tiêu cực đến toàn thể công chức trong từng đơn vị của Hệ thống THADS (
như: Kết luận số 05-KL/TW ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng[1]; Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc; Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Chỉ thị Số: 01/CT-BTP ngày 11 tháng 02 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc tăng cường phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong THADS; Chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên, v.v).
Yêu cầu việc quán triệt, học tập các Nghị quyết của Đảng phải đi vào thực chất, mỗi đảng viên, công chức trong toàn Hệ thống THADS phải tự nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương; nâng cao ý thức, trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực THADS.
2. Các giải pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong Hệ thống Thi hành án dân sự
2.1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kết hợp giữa "xây và chống" trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vi phạm trong hoạt động THADS. Xác định rõ và đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng; nhất là vai trò quản lý, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa, phát hiện tiêu cực, sai phạm của công chức trong cơ quan, đơn vị mình quản lý; thực hiện trách nhiệm nêu gương của lãnh đạo các cơ quan THADS.
2.2. Tổng cục, Cục, các Chi cục Thi hành án dân sự bám sát vào chủ trương của Đảng, Nhà nước, của Bộ và địa phương để xây dựng “
Chương trình hành động đẩy mạnh phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong thi hành án dân sự giai đoạn 2021-2025” tại đơn vị mình. Thời gian hoàn thành trước ngày 15/9/2021 (Chương trình hành động của Chi cục gửi về Cục, của Cục gửi về Tổng cục để theo dõi, kiểm tra). Chương trình hành động phải cụ thể, các giải pháp phải rõ ràng (bảo đảm tất cả các khâu của quá trình THADS phải được kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, sai phạm), trong đó đặt trọng tâm vào các khâu chủ yếu sau:
+ Về thể chế: Cần tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định (quy định, quy chế nội bộ, luật, văn bản dưới luật...) liên quan đến nghiệp vụ thi hành án, tổ chức cán bộ, kế hoạch tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản; nhất là những nội dung chưa rõ ràng, dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong THADS.
+ Về tổ chức THADS: Cần tập trung giải pháp để phòng ngừa, kiểm soát tốt các khâu của quá trình THADS (như:
phân công tổ chức thi hành vụ việc cho Chấp hành viên; việc thực hiện các trình tự thủ tục, tiến độ thi hành án; cách thức, giải pháp để kiểm soát việc Chấp hành viên, nhất là hoạt động kê biên, định giá, đưa tài sản ra bán đấu giá; kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức bán đấu giá tài sản; tổ chức cưỡng chế THADS có huy động lực lượng; vấn đề thanh toán tiền THADS; việc công bố công khai số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ hộp thư điện tử của cơ quan để tiếp nhận, xác minh, xử lý kịp thời thông tin về tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong THADS; việc công khai họ tên, chức vụ của người có thẩm quyền giải quyết công việc thi hành án dân sự cho tổ chức, cá nhân có liên quan biết; việc tập trung chỉ đạo, giải quyết những vụ án lớn, phức tạp, các vụ việc liên quan đến thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; thu hồi cho các tổ chức tín dụng, v.v).
+ Về công tác tổ chức, cán bộ: Cần tập trung các giải pháp kiểm soát tốt các khâu của công tác cán bộ (
công khai quy trình, thủ tục tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với công chức THADS; thực hiện nghiêm các quy định về công khai, dân chủ trong tổ chức, cán bộ; đánh giá cán bộ; Việc quy hoạch, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với công chức phải dựa trên cơ sở của đánh giá công chức; việc kiểm soát tài sản, thu nhập của công chức, thực hiện kiểm tra việc kê khai tài sản, thu nhập của công chức, định kỳ hàng năm và đột xuất,v.v).
+ Về lĩnh vực tài chính, kế toán và đầu tư xây dựng cơ bản: Cần tập trung các giải pháp kiểm soát tốt các khâu của công tác tài chính (
công khai, minh bạch trong lập dự toán, cấp phát kinh phí, đầu tư xây dựng cơ bản; ban hành và công khai chế độ, định mức, tiêu chuẩn liên quan đến việc sử dụng tài sản, vốn và ngân sách nhà nước; Việc lập, phân bổ dự toán ngân sách, thực hiện định mức phân bổ ngân sách; việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công; việc thẩm tra, phê duyệt quyết toán ngân sách vốn đầu tư, xây dựng cơ bản của cơ quan Thi hành án dân sự phải bảo đảm chặt chẽ, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; việc mua sắm tài sản công; v.v).
+ Về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo: Cần tập trung các giải pháp phòng ngừa, kiểm soát tốt các khâu của quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo (
chú trọng: tạo điều kiện thuận lợi để người dân có thể thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định; thực hiện các biện pháp, giải pháp để giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở; hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài; ngăn ngừa, phát hiện, xử lý trường hợp lợi dụng khiếu nại, giải quyết khiếu nại để trì hoãn, kéo dài việc thi hành án dân sự, v.v); có cơ chế bảo vệ, khen thưởng kịp thời, xứng đáng với cá nhân tích cực đấu tranh, tố cáo hành vi tham nhũng; xử lý nghiêm mọi hành vi trù dập, trả thù người tố cáo tham nhũng hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng, tiêu cực gây mất đoàn kết nội bộ.
+ Về công tác kiểm tra: Cần tập trung các giải pháp để phát huy tối đa hiệu quả của công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát (
như: tăng cường kiểm tra, giám sát nội bộ; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới và với cá nhân liên quan trực tiếp đến tất cả các khâu dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong thụ lý thi hành án, xác minh, phân loại án, áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế, thu, chi trả tiền thi hành án; trong tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, khen thưởng, xử lý vi phạm; trong cấp phát kinh phí, sử dụng, quyết toán thu, chi tài chính và đầu tư xây dựng cơ bản; hoạt động chi tiêu nội bộ; thuê kho vật chứng, bảo trì trụ sở, mua sắm, sử dụng tài sản, trang thiết bị; trong tiếp công dân, xác minh, quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo,v.v).
+ Về vai trò của cấp uỷ Đảng, tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh giám sát, Ban thanh tra nhân dân trong hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng chống tham nhũng, tiêu cực (
như: thông qua việc tiếp nhận các ý kiến phản ánh của công chức, viên chức; việc giám sát công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; kiểm tra việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước...theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; tiếp nhận, tích cực xử lý thông tin phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin về hành vi tham nhũng, tiêu cực, sai phạm).
+ Về thực hiện chế độ chính sách: Công khai, minh bạch về các chế độ, định mức, tiêu chuẩn của cơ quan và đơn vị trực thuộc; thực hiện nghiêm Quy chế làm việc và Quy chế chi tiêu nội bộ; tuân thủ các quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện tốt công tác kê khai tài sản, thu nhập và công khai bản kê khai tài sản thu nhập,... theo quy định của Luật phòng chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn.
+ Về tăng cường phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân các cấp: Tập trung vào các giải pháp để tăng cường phối hợp, kiểm sát các hoạt động nghiệp vụ của Chấp hành viên từ giai đoạn đầu đến khi kết thúc thi hành án (gửi quyết định, thông báo về thi hành án; áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế; lựa chọn, ký kết và thực hiện các hợp đồng dịch vụ thẩm định giá, đấu giá tài sản; giám sát hoạt động bán đấu giá tài sản; giao tài sản cho người mua đấu giá; thu, chi tiền thi hành án…) theo đúng quy định pháp luật.
+ Các nội dung khác: Phù hợp với đặc điểm tình hình của từng đơn vị.
3. Phân công thực hiện nhiệm vụ
3.1. Đối với Lãnh đạo Tổng cục
Tiếp tục đề cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò chủ động trong việc tổ chức triển khai các lĩnh vực theo phân công. Tăng cường kiểm soát hoạt động, chỉ đạo tổ chức kiểm tra đối với các đơn vị thuộc Tổng cục và các cơ quan THADS địa phương thuộc địa bàn phụ trách theo Kế hoạch kiểm tra của Tổng cục đối với các Cục THADS.
3.2. Đối với Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục THADS
- Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành.
- Tổ chức ngay việc rà soát kế hoạch công tác, các nhiệm vụ được giao để thực hiện nghiêm, không được bỏ quên, bỏ sót (nhất là các nhiệm vụ theo Kết luận của cấp trên; nhiệm vụ được Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục giao). Thường xuyên nắm bắt địa bàn, kịp thời tham mưu lãnh đạo Tổng cục hướng dẫn, chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh hoặc chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế của các cơ quan THADS địa phương.
- Khẩn trương đánh giá kết quả tự kiểm tra của các cơ quan THADS địa phương, có phương án xử lý, đề xuất kiểm tra đối với các cơ quan đơn vị có dấu hiệu vi phạm hoặc kết quả kiểm tra sơ sài, hình thức (xong trong tháng 9/2021).
3.3. Đối với Thủ trưởng các cơ quan THADS địa phương
- Khẩn trương xây dựng “
Chương trình hành động đẩy mạnh phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong thi hành án dân sự” tại đơn vị mình.
- Tập trung rà soát, lập kế hoạch, phương án giải quyết dứt điểm các vụ việc thi hành án có điều kiện, nhất là các vụ việc nhiều năm chưa thi hành xong, có lượng tiền phải thi hành lớn; vụ việc trọng điểm, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; các vụ việc tín dụng, ngân hàng; chỉ đạo Chấp hành viên, công chức, người lao động thuộc quyền quản lý khẩn trương căn cứ điều kiện thực tiễn tại địa phương kịp thời xác minh, phân loại chính xác về điều kiện thi hành án của từng hồ sơ để tổ chức thi hành; kịp thời cập nhật, thống kê, báo cáo kết quả thi hành án về Tổng cục THADS và cơ quan có thẩm quyền yêu cầu, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, chính xác và thống nhất số liệu từ trung ương đến địa phương.
- Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả chỉ đạo của Tổng cục THADS về các mặt công tác; chủ động kiểm soát công việc, liên đới chịu trách nhiệm nếu để công chức, người lao động thuộc quyền quản lý vi phạm pháp luật, nhất là các vi phạm liên quan đến đạo đức công vụ, tham nhũng trong THADS.
- Tăng cường giáo dục ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ người dân và doanh nghiệp của đội ngũ công chức, nhất là đội ngũ Chấp hành viên, Thẩm tra viên, thư ký thi hành án, kế toán, thủ kho, thủ quỹ; tập trung mọi nguồn lực, khắc phục khó khăn trong tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay nhằm đẩy nhanh tiến độ thi hành án, nỗ lực cao nhất, cố gắng phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2021 và các năm tiếp theo.
- Căn cứ tình hình tại địa phương, năng lực, trình độ của công chức, người lao động để phân công công việc hợp lý, bảo đảm đúng người đúng việc, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Tổ chức thực hiện nghiêm việc đánh giá, xếp loại công chức bảo đảm khách quan, công bằng, chính xác, đúng quy định của pháp luật; không nể nang, trù dập, thiên vị, hình thức.
- Tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, tự kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những công chức có sai phạm, đặc biệt là các sai phạm mang tính hệ thống.
- Kịp thời phối hợp, thông tin đầy đủ, chính xác các vấn đề liên quan đến hoạt động THADS tại địa phương mình cho các cơ quan báo chí, bảo đảm phù hợp với quy định, quy chế phát ngôn của đơn vị; tích cực, chủ động nắm bắt thông tin dư luận, báo chí để có giải pháp, biện pháp phòng ngừa, chấn chỉnh, xử lý các vi phạm (nếu có).
4. Về xử lý vi phạm tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong THADS
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong Hệ thống THADS cần xác định việc giáo dục công chức, viên chức, người lao động là nhiệm vụ trọng tâm nhằm chủ động phòng ngừa vi phạm, nhũng nhiễu, tham nhũng trong THADS. Đối với các hành vi tiêu cực, tham nhũng, sai phạm đã được phát hiện, kết luận thì phải xử lý thật nghiêm (kể cả phải áp dụng các hình thức xử lý cao nhất) theo đúng tinh thần “Không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào”; chủ động ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng “Tham nhũng vặt” trong thi hành công vụ theo Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm phải gắn với đánh giá công chức, thi đua, khen thưởng, đề bạt, bổ nhiệm... và bảo đảm thực chất, khách quan, công tâm.
Tổng cục trưởng Tổng cục THADS đề nghị các đồng chí từ Lãnh đạo Tổng cục, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, Cục trưởng Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thể hiện tinh thần gương mẫu, đồng sức, đồng lòng, thực hiện đồng bộ các giải pháp để không chỉ thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà còn xây dựng Hệ thống THADS kỷ cương, kỷ luật, không tiêu cực, tham nhũng./.