Thực hiện Quy chế phối hợp số 3344/QCPH-TCTHADS-BPLVN ngày 08/10/2021 giữa Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) và Báo Pháp luật Việt Nam, Kế hoạch số 277/KH-TCTHADS ngày 21/01/2022 triển khai thực hiện công tác truyền thông trong lĩnh vực THADS, theo dõi thi hành án hành chính (THAHC); trên cơ sở Kế hoạch công tác năm 2022 và nhu cầu thực tế công tác của Tổng cục THADS và Báo Pháp luật Việt Nam, Tổng cục THADS phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam triển khai xây dựng Kế hoạch phối hợp truyền thông năm 2022 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Triển khai thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp số 3344/QCPH-TCTHADS-BPLVN ngày 08/10/2021 giữa Tổng cục THADS và Báo Pháp luật Việt Nam.
- Tăng cường hoạt động phối hợp giữa hai cơ quan từ trung ương đến địa phương để nâng cao hiệu quả truyền thông, tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật về THADS của cá nhân, tổ chức thông qua các kênh thông tin của Báo Pháp luật Việt Nam.
- Tiếp tục nhận thức, quán triệt sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng của truyền thông trong công tác thông tin, tuyên truyền về THADS, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
- Định hướng dư luận xã hội, tránh những thông tin sai lệch gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, vị thế cơ quan THADS.
2. Yêu cầu
- Công tác phối hợp truyền thông phải được thực hiện thường xuyên, kịp thời, chất lượng, hiệu quả; bám sát các quy định pháp luật về phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí, các nội dung trong Quy chế phối hợp số 3344/QCPH-TCTHADS-BPLVN ngày 08/10/2021, Kế hoạch số 277/KH-TCTHADS ngày 21/01/2022 và Kế hoạch công tác năm 2022 của Tổng cục THADS, Báo Pháp luật Việt Nam.
- Nội dung truyền thông phải gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của các bên phối hợp. Lựa chọn nội dung truyền thông có tính thời sự, thiết thực, đáp ứng nhu cầu của người dân, xã hội và phù hợp với định hướng, nhiệm vụ, mục tiêu của Bộ Tư pháp hướng trọng tâm vào các nhiệm vụ quan trọng trong năm 2022. Đa dạng hoá các loại hình truyền thông, khuyến khích áp dụng những cách thức truyền thông mới, đảm bảo chất lượng, thời lượng và thời gian đăng tải thông tin; chú trọng hoạt động truyền thông đối với người dân, doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
- Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan THADS với Báo Pháp luật Việt Nam; sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đảm bảo chất lượng, tiến độ các công việc đề ra.
- Nâng cao trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc Tổng cục THADS và Báo Pháp luật Việt Nam; phát huy vai trò đầu mối của Tổ công tác phối hợp và của các cộng tác viên cơ quan THADS các cấp. Nâng cao chất lượng tin bài, các sản phẩm truyền thông về công tác THADS; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; có cơ chế khuyến khích động viên các tập thể, cá nhân làm tốt công tác truyền thông về THADS…
- Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ công chức làm công tác truyền thông; tổ chức các lớp huấn luyện nghiệp vụ cho công chức khi cần thiết.
- Các hoạt động phối hợp truyền thông không được làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị phối hợp khác (nếu có).
II. NỘI DUNG CỦA KẾ HOẠCH
1. Các nội dung truyền thông thường xuyên về công tác THADS, theo dõi THAHC
1.1. Tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về công tác THADS, theo dõi THAHC; phản ánh những khó khăn, vướng mắc, bất cập của pháp luật trong thực tiễn THADS; kiến nghị, đề xuất hoàn thiện pháp luật.
1.2. Truyền thông về kết quả công tác THADS, theo dõi THAHC toàn Hệ thống; kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS được Quốc hội giao năm 2022; kết quả thực hiện Chỉ thị 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và Kế hoạch số 18/KH-BCS ngày 06/8/2021 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Hệ thống THADS.
1.3. Xây dựng, quảng bá hình ảnh của Hệ thống THADS (vị trí, vai trò, những đóng góp của Hệ thống đối với hoạt động chính trị, chuyên môn của Bộ Tư pháp nói riêng và cả nước nói chung…) nhằm bảo đảm lượng thông tin tích cực về công tác THADS, theo dõi THAHC được truyền tải chính xác, trung thực, khách quan, kịp thời đến người dân, doanh nghiệp; từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp trong các hoạt động truyền thông.
1.4. Xử lý các thông tin phản ánh không đúng sự thật, không chính xác về công tác THADS, THAHC trên các phương tiện thông tin đại chúng
1.5. Xây dựng chuyên mục giải đáp pháp luật về công tác THADS, theo dõi THAHC.
2. Các nội dung truyền thông về hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ
2.1. Thông tin về hoạt động phối hợp liên ngành trong công tác THADS
2.2. Thông tin về các vụ việc cưỡng chế khó khăn, phức tạp cần định hướng dư luận xã hội (vụ việc có khiếu nại, tố cáo gay gắt, vượt cấp; đương sự có hành vi chống đối, cản trở và không hợp tác thi hành án)
2.3. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo trong Hệ thống THADS
2.4. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong Hệ thống THADS
2.5. Thông tin về việc tổ chức các Hội nghị trong Hệ thống THADS
2.6. Truyền thông về các gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt và các phong trào thi đua trong Hệ thống THADS
2.7. Trả lời đơn thư bạn đọc khi có đề nghi của Báo Pháp luật Việt Nam
2.8. Các hoạt động tuyên truyền hướng tới kỷ niệm ngày Truyền thống THADS
3. Chuyên đề đăng tải trên các số báo theo tháng
3.1. Chuyên đề “Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong công tác THADS”
3.2. Chuyên đề “Tăng cường hiểu biết của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện quyền khiếu nại trong lĩnh vực THADS để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình”
3.3. Chuyên đề “Nghiên cứu xây dựng chiến lược cán bộ trong Hệ thống THADS đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”
3.4. Chuyên đề “Công tác thi hành án đối với các khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng”
3.5. Chuyên đề “Một số khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài và biện pháp giải quyết”
3.6. Chuyên đề “Những kết quả đạt được trong công tác theo dõi THAHC và giải pháp để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác này”
3.7. Chuyên đề “Đổi mới tổ chức bộ máy cơ quan THADS đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo tinh thần các Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII”
3.8. Chuyên đề “Nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.