Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Biên lai điện tử thu tiền trong hoạt động thi hành án dân sự” năm 2022 và quý I/2023 của Tổng cục Thi hành án dân sự

03/10/2022
Ngày 13/9/2022, Tổng cục Thi hành án dân sự đã ban hành Quyết định số 734/QĐ-TCTHADS về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Biên lai điện tử thu tiền trong hoạt động thi hành án dân sự” năm 2022 và quý I/2023 của Tổng cục Thi hành án dân sự.


1. Mục đích
a) Thực hiện có chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ các nhiệm vụ do Tổng cục Thi hành án dân sự chủ trì theo Quyết định số 1693/QĐ-BTP ngày 09/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án “Biên lai điện tử thu tiền trong hoạt động thi hành án dân sự” (sau đây gọi là Đề án).
b) Đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật và giải pháp công nghệ thông tin bao gồm hệ điều hành máy chủ, phần mềm quản lý biên lai điện tử, máy in biên nhận/biên lai cầm tay để phục vụ cho công tác triển khai thí điểm tại các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương bắt đầu từ ngày 01/4/2023.
c) Đảm bảo tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai bằng các hình thức phù hợp theo quy định tại các địa phương dự kiến tổ chức thí điểm áp dụng biên lai điện tử đối với Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án và Biên lai thu phí và lệ phí.
d) Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công chức, viên chức, người lao động trong toàn Hệ thống Thi hành án dân sự về thực thi công vụ, đặc biệt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thu nộp tiền thi hành án và hiện đại hóa hành chính để phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
2. Yêu cầu       
a) Bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án tại Quyết định số 1693/QĐ-BTP ngày 09/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
b) Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong triển khai thực hiện; phân công rõ trách nhiệm cho từng cơ quan, tổ chức, đơn vị tham gia thực hiện Đề án; bảo đảm đúng thời gian, chất lượng và hiệu quả thực hiện.
3. Các hoạt động thực hiện Đề án bao gồm các nội dung chính sau:
a. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, điều hành
- Xây dựng, ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án của Tổng cục Thi hành án dân sự và tham mưu thành lập Tổ công tác chỉ đạo thực hiện Đề án.
- Tham mưu xây dựng, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện thí điểm sử dụng biên lai điện tử tại 09 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Lâm Đồng, Bình Dương và Đồng Tháp.
b. Triển khai các quy định liên quan đến hoạt động thu tiền thi hành án dân sự
- Tổ chức thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động thu, chi tiền thi hành án tại Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự.
- Làm việc với các cơ quan, đơn vị có liên quan về việc triển khai sử dụng hình thức biên lai điện tử đối với biên lai thu phí và lệ phí
c. Xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ việc triển khai hệ thống Biên lai điện tử trong công tác thu tiền thi hành án dân sự
- Tổ chức triển khai mua sắm trang thiết bị, máy móc (máy tính, máy in biên lai/biên nhận cầm tay,...) phục vụ quản lý thu, nộp tiền thi hành án
- Xây dựng Hệ thống phần mềm quản lý biên lai điện tử
- Đánh giá khả năng kết nối, liên thông dữ liệu các phần mềm và cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã/đang triển khai, trích xuất biên lai điện tử lên Cổng dịch vụ công Bộ Tư pháp, Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
- Kiểm tra, rà soát, đánh giá mức độ đảm bảo an toàn thông tin hệ thống mạng nội bộ cơ quan thi hành án dân sự.
- Triển khai chữ ký số tại các cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện thí điểm áp dụng Biên lai điện tử.
d. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền về việc triển khai áp dụng biên lai điện tử thu tiền trong hoạt động thi hành án dân sự tại các địa phương dự kiến thực hiện thí điểm.