Triển khai thực hiện Kế hoạch số 23-KH/ĐU ngày 23/9/2021 của Đảng ủy Bộ Tư pháp về thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 19/5/2016 của Bộ Chính trị trong Hệ thống Thi hành án dân sự

05/10/2023


Trong những năm qua, việc thực hiện Kế hoạch số 23-KH/ĐU ngày 23/9/2021 của Đảng ủy Bộ Tư pháp về việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 và Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị khóa XII, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của Đảng ủy Tổng cục THADS đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, thiết thực, với nhiều cách làm mới, sáng tạo, ngày càng đi vào thực chất, chiều sâu, từng bước trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi Chi bộ và từng đảng viên. Qua đó, phong trào đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, có sức lan tỏa trong toàn Hệ thống, đưa đến những thay đổi tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tạo cơ sở, nền tảng quan trọng cho việc ra sức thi đua, tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Đảng ủy Tổng cục THADS là đảng ủy lớn, đặc thù, có vị trí, vai trò quan trọng, bao gồm các tổ chức đảng trong tham mưu ở cấp quản lý Hệ thống THADS, với 08 Chi bộ trực thuộc và có trên 140 đảng viên. Đội ngũ đảng viên trực tiếp làm nhiệm vụ tham mưu chỉ đạo và hướng dẫn nghiệp vụ trong hệ thống THADS. Do đó, việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Kế hoạch số 23-KH/ĐU ngày 23/9/2021, Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 19/5/2016 của Bộ Chính trị trong hệ thống THADS có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng to lớn, tác động trực tiếp và sâu rộng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của cả Hệ thống, giúp nâng cao hiệu quả công tác THADS và có có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của Bộ, Ngành Tư pháp.
I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
1. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Tổng cục
Thực hiện Kế hoạch số 23-KH/ĐU ngày 23/9/2021, Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 19/5/2016 của Bộ Chính trị; các văn bản, hướng dẫn của các cấp ủy đảng về việc triển khai thực hiện, Đảng ủy Tổng cục THADS đã chủ động, tích cực triển khai đến các Chi bộ trực thuộc, qua đó để nâng cao nhận thức, ý nghĩa, tầm quan trọng trong việc đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong công tác tham mưu, quản lý ngành. Theo đó, Đảng ủy Tổng cục THADS đã xây dựng, ban hành và tham mưu ban hành các văn bản sau:
- Xây dựng Kế hoạch toàn khóa số 118-KH/ĐU ngày 05/11/2021 thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
- Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2023.
- Ban hành Kế hoạch số 133-KH/ĐU ngày 05/10/2020 về quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Tư pháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
-  Ban hành Công văn số 153-CV/ĐU ngày 04/11/2020 gửi Đảng ủy Bộ Tư pháp về góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
- Ban hành Kế hoạch số 29-KH/ĐU ngày 31/3/2022 về thực hiện Kết luận số 01-KL/TW trong năm 2022. Theo đó, Kế hoạch đã cụ thể hóa những nội dung, giải pháp và công việc cần thực hiện trong năm 2022.
- Ban hành và triển khai Kế hoạch số 27-KH/ĐU ngày 28/3/2022 về công tác tuyên giáo năm 2022.
- Ban hành báo cáo kết quả 01 năm triển khai thực hiện Kết luận chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (theo Công văn số 18-CV/BTG ngày 07/9/2022 của Ban Tuyên giáo Đảng ủy Bộ Tư pháp).
- Xây dựng Báo cáo kết quả 05 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng" và Chỉ thị số 07-CT/ĐUK ngày 06/7/2018 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối về "Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn và giáo dục lịch sử Đảng" theo yêu cầu (theo yêu cầu tại Công văn số 15-CV/ĐU ngày 15/8/2022 của Ban Tuyên giáo Đảng ủy Bộ Tư pháp).
2. Kết quả đạt được về mặt nhận thức
Theo đó, việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Kế hoạch số 23-KH/ĐU ngày 23/9/2021; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 19/5/2016 của Bộ Chính trị trong Hệ thống THADS đã nhanh chóng được tuyệt đại đa số đảng viên và quần chúng đồng tình hưởng ứng, từng bước đi vào chiều sâu và đạt được kết quả bước đầu. Đáng chú ý là:
- Công tác chỉ đạo triển khai cuộc vận động nhìn chung được tiến hành kịp thời, nghiêm túc, có những cách làm sáng tạo, nội dung sát hợp với đặc điểm tình hình và thực trạng đạo đức, lối sống của đảng viên. Quá trình chỉ đạo, công tác kiểm tra, sơ kết được tiến hành thường xuyên; kịp thời phát hiện, nhân rộng, phát huy những cách làm hay để đẩy mạnh Cuộc vận động, tháo gỡ dần những lúng túng trong công tác chỉ đạo, triển khai.
- Công tác tuyên truyền, giáo dục được duy trì thường xuyên, dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, qua đó, từng bước giúp cho mọi người nhận thức sâu sắc hơn những giá trị tư tưởng vĩ đại và phẩm chất đạo đức cách mạng cao cả của Bác Hồ; từ đó, nâng cao hơn nữa niềm tự hào và lòng tôn kính Bác Hồ và cũng chính điều đó đã giúp cho mỗi người tự suy ngẫm, tự soi rọi để xây dựng ý thức tự giác rèn luyện, phấn đấu của bản thân mình.
- Nội dung Cuộc vận động đã từng bước gắn chặt với các phong trào mang tính đặc thù của ngành và Hệ thống. Qua triển khai Cuộc vận động, nhiều cấp chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của đảng viên và quần chúng; Phong cách làm việc của các cấp ủy đảng và lãnh đạo các cấp có chuyển biến tiến bộ, xử lý kịp thời hơn những tình huống phát sinh.
- Trong phần đông đảng viên, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, tinh thần phục vụ nhân dân, ý thức vượt khó vươn lên để hoàn thành nhiệm vụ thể hiện ngày càng rõ hơn; nhờ vậy, tuy còn nhiều khó khăn nhưng qua hàng năm, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đều được hoàn thành tốt, xuất hiện những tấm gương liêm khuyết, tận tụy phục vụ …
  1. Kết quả đạt được về công tác chuyên môn, nghiệp vụ
Từ những kết quả đạt được về mặt nhận thức nêu trên; đồng thời, thể chế hóa các Văn bản, Nghị quyết và chỉ đạo của Đảng ủy các cấp về thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng ủy, Lãnh đạo Tổng cục đã lãnh đạo, chỉ đạo Hệ thống THADS thực hiện nghiêm túc để hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Đảng, nhà nước, Quốc hội giao. Một số kết quả nổi bật có thể kể đến như:
  1. Về xây dựng thể chế
- Năm 2021:
Việc xây dựng, ban hành đề án văn bản, quy chế, quy trình nội bộ tiếp tục được quan tâm thực hiện. Ngay từ đầu năm, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã ban hành Nghị quyết số 85-NQ/BCSĐ về công tác THADS năm 2021 để tăng cường lãnh đạo đối với công tác này. Bộ Tư pháp đã ban hành 02 Thông tư, 02 Đề án.
Tham mưu Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp phối hợp với các ban, bộ, ngành có liên quan trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế để triển khai thực hiện trong toàn hệ thống chính trị. Ngày 06/8/2021, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 18-KH/BCSĐ để thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW trong Bộ, ngành Tư pháp (tại các địa phương, các Tỉnh ủy, Thành ủy đã và đang ban hành Kế hoạch để triển khai thực hiện các nội dung của Chỉ thị quan trọng này).
Việc ban hành các quy chế, quy trình nội bộ tiếp tục được các cơ quan THADS chú trọng, hoàn thiện với việc ban hành 06 Quy trình, Quy chế[1]. Các cơ quan THADS tích cực đóng góp ý kiến đối với các dự thảo do cấp trên gửi lấy ý kiến, đồng thời thường xuyên chú trọng rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật và chủ động xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy trình nội bộ tại địa phương phù hợp với thực tiễn để bảo đảm công tác đi vào nề nếp, hiệu quả như: Quy chế làm việc, Quy chế chi tiêu nội bộ, Đề án nâng cao công tác kiểm tra của hệ thống THADS…
- Năm 2022:  Tham mưu Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ tham mưu giúp Chính phủ xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 09 Luật trong đó có Luật THADS để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào ngày 11/01/2022. Ngày 09/3/2022, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật THADS[2]. Trong kỳ, Bộ Tư pháp cũng đã ban hành 02 Thông tư, 02 Quyết định và chủ trì, phối hợp ban hành 01 Thông tư liên tịch để tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy định về THADS, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động THADS [3].
Tham mưu trình Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp ban hành Nghị quyết số 23-NQ/BCSĐ ngày 29/3/2022 về lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm THADS, theo dõi THAHC giai đoạn 2022-2026 trong Hệ thống THADS, Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết nêu trên[4] để tăng cường lãnh đạo đối với công tác này. Hệ thống THADS tổng kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan hữu quan trình Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022, theo đó, kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 từ ngày 15/8/2022 đến hết ngày 31/12/2023.
Thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Tổng cục đã tham mưu Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ, ngành có liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THADS đối với các bản án, quyết định kinh doanh, thương mại”. Chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành các văn bản như: Đề án “Biên lai điện tử thu tiền trong hoạt động THADS”; đề tài khoa học cấp bộ “Định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”; ban hành Quy trình tổ thi hành án trong nội bộ ngành THADS.
Về Thi hành án hành chính: đã thực hiện sơ kết 05 năm thực hiện Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục THAHC và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án để làm cơ sở hoàn thiện quy định của Nghị định, trên cơ sở kết quả sơ kết 05 năm triển khai thi hành Nghị định số 71/2016/NĐ-CP và tiếp thu kiến nghị giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và THAHC, đang triển khai nghiên cứu, có văn bản đề nghị Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
Tham mưu phối hợp Bộ Tư pháp với VKSND tối cao, TAND tối cao ban hành Thông tư liên tịch số 12/2021/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 29/12/2021 quy định về phối hợp trong thống kê THADS, theo dõi THAHC liên ngành (thay thế Thông tư số 06/2016/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn phối hợp trong thống kê THADS, theo dõi THAHC); đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, trong đó, quy định chỉ tiêu về THAHC là một trong những chỉ tiêu thống kê Quốc gia.
Tham mưu ban hànhCông văn số 842/BTP-TCTHADS ngày 22/3/2022 đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính ở bộ, ngành và địa phương mình; tổ chức các buổi làm việc trực tuyến về công tác THAHC giữa Bộ Tư pháp với UBND các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Nam, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang là các địa phương có số lượng án hành chính lớn nhằm đôn đốc, có biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác THAHC.
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã thực hiện giám sát chuyên đề việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND[5]. Để triển khai thực hiện kế hoạch giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Bộ Tư pháp đã tham mưu xây dựng báo cáo của Chính phủ[6] và xây dựng báo cáo của Bộ Tư pháp gửi Ủy ban Tư pháp[7], đồng thời, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký báo cáo và dự họp, giải trình với Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp về kết quả giám sát[8].
- 10 tháng năm 2023:
+ Về công tác rà soát văn bản trong lĩnh vực thi hành án dân sự: Nhận thức rõ vai trò quan trọng của thể chế, chính sách trong hoạt động THADS, năm 2023, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được duy trì và triển khai rà soát, hệ thống hóa văn bản pháp luật, trong đó có rà soát văn bản về THADS và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm phát hiện các quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn hoặc không còn phù hợp, gây vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án theo yêu cầu tại Kết luận số 84-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Đến nay, việc rà soát các văn bản trong lĩnh vực THADS cơ bản được hoàn thiện, làm tiền đề cho việc sửa đổi, bổ sung Luật THADS. Kết quả: Sau 10 tháng, đã chỉ đạo thực hiện 13 lượt rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về THADS. Trong đó, rà soát định kỳ 03 lượt[9], rà soát đột xuất theo chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan liên quan 10 lượt.
+ Về hoàn thiện thể chế:
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết 27-NQ/TW), đã phối hợp với Viện Chiến lược và khoa học pháp lý tham mưu Bộ Tư pháp trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 12/5/2023 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, với nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, trong đó giao Bộ Tư pháp nghiên cứu, xây dựng Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ công chức làm công tác THADS đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030.
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Nghị quyết số 27-NQ/TW, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 19/2023/QĐ-TTg ngày 02/8/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục THADS trực thuộc Bộ Tư pháp bảo đảm Hệ thống THADS tinh gọn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Để nâng cao chất lượng công tác thi hành án đáp ứng yêu cầu về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 theo Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị, Tổng cục đã tham mưu Bộ Tư pháp xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 17/QĐ-TTg ngày 13/01/2023 phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THADS đối với các bản án, quyết định kinh doanh, thương mại giai đoạn 2023-2028” với nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng.
Tham mưu Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ xây dựng Đề án của Ban cán sự đảng Chính phủ về biên chế tổng thể Hệ thống tổ chức THADS giai đoạn 2023-2026 để trình cơ quan có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, ngày 28/7/2023, Tổng cục đã tham mưu Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch tổng kết, đánh giá toàn diện 14 năm thi hành Luật THADS và đề xuất định hướng sửa đổi Luật THADS; ban hành Kế hoạch Lập đề nghị xây dựng Luật THADS (sửa đổi)[10]; chỉ đạo khẩn trương đề xuất sửa đổi Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS. Trong năm 2023, đã tham mưu Bộ Tư pháp ban hành 05 Thông tư[11] và một số quy trình, quy chế nội bộ[12] theo Kế hoạch công tác.
Đối với công tác THAHC: Đã chỉ đạo tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tố tụng hành chính (TTHC) năm 2015 và tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấp hành pháp luật TTHC và THAHC, trên cơ sở đó sẽ nghiên cứu, có báo cáo đề xuất xem xét, kiến nghị tiếp tục hoàn thiện về TTHC và THAHC.
b) Về kết quả THADS, THAHC
* Năm 2021:
- Về việc: Tổng số phải thi hành là 843.102 việc[13], trong đó, thụ lý mới là 563.798 việc, giảm 54.127 việc (giảm 8,76%) so với năm 2020; số chưa thi hành xong của năm 2020 chuyển sang là 290.929 việc (trừ số đã chuyển sổ theo dõi riêng).
Số có điều kiện thi hành án là 651.563 việc, chiếm 77,28%; số chưa có điều kiện thi hành án là 181.878 việc, chiếm 21,57%; số hoãn, tạm đình chỉ thi hành án là 9.661 việc.
Đã thi hành xong là 493.971 việc, giảm 82.962 việc, giảm 14,38% so với năm 2020, đạt tỉ lệ 75,81% (giảm 5,60% so với năm 2020). Số việc chuyển kỳ sau là 349.131 việc.
- Về tiền: Tổng số phải thi hành là 286.235 tỷ 493 triệu 492 nghìn đồng, trong đó thụ lý mới là 96.824 tỷ 472 triệu 870 nghìn đồng, giảm 22.970 tỷ 926 triệu 977 nghìn đồng, giảm 19,18% so với năm 2020; số tiền năm 2020 chuyển sang là 203.541 tỷ 232 triệu 043 nghìn đồng (trừ số đã chuyển sổ theo dõi riêng).
Số có điều kiện thi hành là 147.216 tỷ 803 triệu 315 nghìn đồng, chiếm 51,43%; số chưa có điều kiện thi hành là 122.865 tỷ 338 triệu 226 nghìn đồng, chiếm 42,92%; số hoãn, tạm đình chỉ là 1.145 tỷ 288 triệu 042 nghìn đồng.
Đã thi hành xong là 45.705 tỷ 148 triệu 397 nghìn đồng, giảm 8.045 tỷ 547 triệu 427 nghìn đồng (giảm 14,97% so với năm 2020), đạt tỉ lệ 31,05% (giảm 9,05% so với năm 2020). Số tiền chuyển kỳ sau là 240.530 tỷ 345 triệu 096 nghìn đồng.
- Kết quả về Thi hành án hành chính: Năm 2021, cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước phải thi hành 944 bản án, quyết định về vụ án hành chính.Trong đó, năm trước chuyển sang là 467 bản án (tăng 114 bản án so với năm 2020[14]). Tòa án đã ra quyết định buộc THAHC đối với 325 bản án.
Kết quả: Đã thi hành xong 455/944 bản án, quyết định, tăng 92 bản án, quyết định so với năm 2020[15]; đang tiếp tục thi hành 489 bản án, quyết định[16].
Các cơ quan THADS đã thực hiện nghiêm việc theo dõi THAHC theo quy định, nhất là đối với 325 bản án hành chính đã có quyết định buộc thi hành án của Tòa án; đã tổ chức làm việc với người phải thi hành án trong 258 vụ việc; có văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với 67 vụ việc; đăng tải công khai và theo dõi đối với 322 quyết định buộc THAHC của Tòa án.
Như vậy, có thể khẳng định, công tác theo dõi THAHC của các cơ quan THADS ngày càng đi vào nề nếp, đảm bảo thực hiện đúng, đủ trách nhiệm theo quy định của pháp luật, góp phần nâng cao kết quả THAHC.
* Năm 2022:  
- Về việc: tổng số phải thi hành là 860.509 việc[17], trong đó, thụ lý mới là 546.272 việc, giảm 17.526 việc (giảm 3,11%) so với năm 2021; số chưa thi hành xong của năm 2021 chuyển sang là 325.919 việc (trừ số chuyển sổ theo dõi riêng).
Số có điều kiện thi hành án là 652.826 việc, chiếm 75,87%; số chưa có điều kiện thi hành án là 195.551 việc, chiếm 22,73%; số hoãn, tạm đình chỉ thi hành án là 9.661 việc.
Đã thi hành xong là 538.630 việc, tăng 44.659 việc, tăng 9,4% so với năm 2021, đạt tỉ lệ 82,51% (tăng 6,69% so với năm 2021). Số việc chuyển kỳ sau là 321.879 việc, giảm 27.252 việc (giảm 7,81%) so với năm 2021.
- Về tiền: tổng số phải thi hành 333.770 tỷ 741 triệu 222 nghìn đồng, tăng 47.535 tỷ 247 triệu 730 nghìn đồng (tăng 16,61%) so với cùng kỳ năm 2021.
Số có điều kiện thi hành 164.761 tỷ 192 triệu 553 nghìn đồng, chiếm 49,36%; số chưa có điều kiện (trừ số đã chuyển sổ theo dõi riêng) 140.588 tỷ 350 triệu 243 nghìn đồng, chiếm 42,12%.
Đã thi hành xong 75.035 tỷ 774 triệu 688 nghìn đồng, tăng 29.330 tỷ 626 triệu 291 nghìn đồng (tăng 64,17%) so với năm 2021; đạt tỉ lệ 45,54% (tăng 14,50%) so với năm 2021. Số tiền chuyển kỳ sau 258.734 tỷ 966 triệu 533 nghìn đồng.
- Kết quả về Thi hành án hành chính: Tổng số bản án, quyết định là 992 (năm trước chuyển sang là 489). Tòa án đã ra quyết định buộc THAHC đối với 403 bản án, quyết định.
Các cơ quan THADS đã thực hiện nghiêm trách nhiệm chức năng theo dõi THAHC theo quy định của Luật TTHC, nhất là đối với 403 bản án hành chính đã có quyết định buộc thi hành án của Tòa án, đã tổ chức làm việc với người phải thi hành án trong 327 vụ việc; có văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với 77 vụ việc người phải thi hành án chậm thi hành án; đăng tải công khai lên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Cổng Thông tin điện tử THADS và theo dõi đối với 370 quyết định buộc THAHC của Tòa án.
Kết quả, các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đã thi hành xong 429 bản án, quyết định[18]; đang tiếp tục thi hành 563 bản án, quyết định, trong đó chủ yếu là các bản án, quyết định phát sinh trong năm 2021 và năm 2022. Riêng 32 bản án, quyết định người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND được Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp nêu tại Báo cáo số 1516/BC-UBTP ngày 26/9/2018, đến nay đã thi hành xong 26/32 bản án, quyết định”.
* 10 tháng năm 2023:
+ Về việc: Thụ lý mới 526.948 việc, tăng 79.109 việc (tăng 17,66%) so với cùng kỳ năm 2022; năm 2022 chuyển sang 309.072 việc.
Tổng số phải thi hành là 826.383 việc, trong đó, có điều kiện thi hành 619.028 việc, 74,91%; chưa có điều kiện 195.142 việc, chiếm 23,61%. Hoãn, tạm đình chỉ 12.213 việc (1,48%).
Đã thi hành xong 433.710 việc, tăng 34.634 việc (tăng 8,68%,) so với cùng kỳ năm 2022; đạt tỉ lệ 70,06% (tăng 1,87%) so với cùng kỳ năm 2022. Số việc chuyển kỳ sau là 392.673 việc (Phụ lục II).
+ Về tiền: Thụ lý mới 149.203 tỷ 259 triệu 926 nghìn đồng, tăng 30.308 tỷ 339 triệu 731 nghìn đồng (tăng 25,49%) so với cùng kỳ; năm 2022 chuyển sang  254.598 tỷ 342 triệu 004 nghìn đồng.
Tổng số phải thi hành là 387.021 tỷ 206 triệu 645 nghìn đồng. Trong đó, có điều kiện thi hành 220.810 tỷ 498 triệu 388 nghìn đồng, chưa có điều kiện 148.551 tỷ 543 triệu 322 nghìn đồng, chiếm 38,38% trong tổng số phải thi hành. Hoãn, tạm đình chỉ 17.659 tỷ 164 triệu 935 nghìn đồng (4,56%).
Đã thi hành xong 77.133 tỷ 466 triệu 047 nghìn đồng, tăng 18.309 tỷ 215 triệu 683 nghìn đồng (tăng 31,13%) so với cùng kỳ năm 2022; đạt tỉ lệ 34,93% (tăng 3,76%) so với cùng kỳ năm 2022. Số tiền chuyển kỳ sau 309.887 tỷ 740 triệu 598 nghìn đồng.
- Kết quả về Thi hành án hành chính: Trong 10 tháng năm 2023, tổng số bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có hiệu lực có nội dung phải thi hành là 1.213 bản án, quyết định (trong đó, kỳ trước chuyển sang 563 bản án, phát sinh trong kỳ báo cáo là 650 bản án), tăng 340 bản án so với cùng kỳ năm 2022. Số bản án, quyết định Tòa án đã ra quyết định buộc THAHC là 521 bản án. Các cơ quan THADS đã thực hiện theo dõi 1.213 bản án, trong đó: các cơ quan THADS đã ban hành văn bản thông báo tự nguyện thi hành án gửi người phải thi hành án đối với 617 vụ việc; tổ chức làm việc với người phải thi hành án trong 634 vụ việc; đăng tải công khai 491 quyết định buộc THAHC của Tòa án; có văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với 119 vụ việc.
Kết quả: đã thi hành xong 423/1.213 bản án, quyết định (tăng 136 bản án, quyết định so với cùng kỳ năm 2022); tạm đình chỉ thi hành 13 bản án; đang tiếp tục thi hành 777 bản án, quyết định, trong số này chủ yếu bản án, quyết định phát sinh trong năm 2022 và năm 2023
4. Kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng
a) Về công tác triển khai thực hiện
Thực hiện Kế hoạch số 36-KH/ĐU ngày 25/02/2022 của Đảng ủy Bộ Tư pháp về việc thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương; Kế hoạch số 03-KH/TW ngày 01/12/2021 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 56-KH/ĐUK ngày 26/01/2022 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương thực hiện Kết luận số 21-KL/TW về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, Đảng ủy Tổng cục THADS đã có 02 văn bản chỉ đạo:
- Các Chi bộ trực thuộc, Ủy ban kiểm tra, các Ban của Đảng ủy Tổng cục, các Tổ chức chính trị - xã hội thuộc Tổng cục tổ chức tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc đầy đủ Kế hoạch số 56-KH/ĐUK của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; Kế hoạch số 36-KH/ĐU ngày 25/02/2022 của Đảng ủy Bộ Tư pháp về thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, Kế hoạch số 03-KH/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Định kỳ 06 tháng, 01 năm các Chi bộ trực thuộc tổng hợp kết quả thực hiện Kế hoạch số 36-KH/ĐU ngày 25/02/2022 và báo cáo Đảng ủy Tổng cục để báo báo cáo Đảng ủy Bộ Tư pháp.
- Chi ủy các Chi bộ trực thuộc tăng cường công tác lãnh đạo, đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên; tăng cường công tác xây dựng đảng về chính trị tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. 
b) Về kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm
Theo Kế hoạch toàn khóa số 118-KH/ĐU ngày 05/11/2021 của Đảng ủy tổng cục về thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đảng ủy Tổng cục đã tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả sau:
Năm 2021: Đảng ủy Tổng cục đã:
 (1) Tham gia nghiêm túc Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”;
(2) Tham gia nghiêm túc Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền về chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(Đã tổ chức tháng 6/2021 kết nối với Hội nghị trực tuyến toàn quốc).
Năm 2022: Đảng ủy Tổng cục đã:
(1) Tổ chức Hội nghị nghiên cứu Chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong năm 2022;
(2) Tham gia và chỉ đạo các Chi bộ, đảng viên tham gia nghiêm túc các Hội nghị/hoạt động do Đảng bộ Bộ Tư pháp tổ chức theo Kế hoạch số 23-KH/ĐU, bao gồm:
- Hội nghị nghiên cứu Chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2022.
- Sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/ĐUK ngày 25/01/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối khóa XII về “Tăng cường tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong tình hình hiện nay”.
- Hội thảo khoa học: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác tư pháp và pháp luật”.
- Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK ngày 10/10/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối khóa XII về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính trị tư tưởng”.
Năm 2023: Đảng ủy Tổng cục đã:
(1) Tổ chức Hội nghị nghiên cứu Chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023 với chủ đề “tự soi, tự sửa”;
(2) Tham gia nghiêm túc đợt thi đua cao điểm chào mừng Kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2023) và Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương (07/11/1948-07/11/2023) theo yêu cầu của Đảng bộ Bộ Tư pháp;
(3) Tổ chức sơ kết 03 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW theo yêu cầu của Đảng bộ Bộ Tư pháp.
5. Kết quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng
* Kết quả kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng
Trong các năm 2021,2022, Đảng ủy Tổng cục đã hoàn thành kế hoạch kiểm tra đối với 02 tổ chức đảng trực thuộc. Cấp ủy cấp dưới tổ chức kiểm tra, giám sát đối với đảng viên theo thẩm quyền. Nội dung kiểm tra đối với các tổ chức đảng trực thuộc tập trung vào việc chấp hành, thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của cấp ủy cấp trên.
Năm 2023, Đảng ủy Tổng cục chưa thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, chưa phát hiện và thi hành kỷ luật đảng viên nào.
* Thực hiện nhiệm vụ giám sát
- Việc giám sát thường xuyên:
Thực hiện Chương trình công tác kiểm tra, giám sát các năm 2021, 2022, Đảng ủy Tổng cục đã phân công nhiệm vụ đối với từng thành viên Ủy ban Kiểm tra theo dõi, giám sát thường xuyên các tổ chức đảng trực thuộc và đảng viên trong việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quy định, kết luận của Trung ương, của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, của Đảng ủy Bộ Tư pháp, của Đảng ủy Tổng cục THADS, của đảng bộ, chi bộ mình. Thông qua giám sát thường xuyên đã kịp thời nắm bắt, đánh giá được ưu điểm, khuyết điểm, chất lượng của các cấp ủy và đảng viên trong Đảng bộ; đại đa số các cấp ủy đảng và đảng viên trong Đảng bộ luôn gương mẫu, giữ gìn, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong, chấp hành nghiêm túc kỷ luật của Đảng, nói và làm theo nghị quyết, chỉ thị của Đảng; thực hiện nghiêm túc chính sách, pháp luật Nhà nước trong công tác, cũng như cuộc sống hằng ngày. Việc giám sát thường xuyên ngày càng đi vào nề nếp, đảm bảo chất lượng.
- Giám sát chuyên đề:
Thực hiện Chương trình công tác kiểm tra, giám sát năm 2021 và năm  2022, Đảng ủy Tổng cục THADS đã tiến hành giám sát chuyên đề đối với 02 tổ chức đảng trực thuộc. Thông qua giám sát chuyên đề chỉ ra ưu, khuyết điểm còn tồn tại và kịp thời chỉ đạo khắc phục, góp phần chấn chỉnh tinh thần trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ.
Trong năm 2022, Đảng ủy Tổng cục thi hành kỷ luật 01 đảng viên do vi phạm chính sách dân số.
II. TỒN TẠI, HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN
  1. Tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Kế hoạch số 23-KH/ĐU ngày 23/9/2021; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 19/5/2016 của Bộ Chính trị trong Hệ thống THADS vẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Có thể kể đến như:
- Công tác chỉ đạo triển khai ở một số Chi bộ còn bộc lộ sự lúng túng, chưa thực sự sáng tạo; nội dung thực hiện Cuộc vận động còn chung chung, chưa thật sự sâu sát và phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của Chi bộ. Việc phát hiện, nhân rộng, phát huy những gương điển hình tiên tiến trong Cuộc vận động nhìn chung chưa được coi trọng đúng mức, thiếu kịp thời… nên chưa thường xuyên động viên, cổ vũ, thúc đẩy phong trào. Quá trình triển khai Cuộc vận động từng nơi, từng lúc chưa gắn chặt với việc phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm minh, kịp thời những vụ việc tiêu cực xảy ra nên tác dụng còn hạn chế.
- Quyết tâm chưa cao, thái độ hưởng ứng chưa thật tích cực. Trong một bộ phận đảng viên còn cho rằng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là chỉ để cho những đảng viên có chức vụ lãnh đạo thực hiện, hoặc “học tập” tấm gương đạo đức của Bác Hồ thì có thể được nhưng “làm theo” Bác Hồ thì không thể làm được.
- Nội dung đăng ký “làm theo” của không ít cán bộ, đảng viên, kể cả một số ít cán bộ chủ chốt các cấp chưa thật cụ thể, chưa thật sát với chức trách, nhiệm vụ được giao. Kết quả “làm theo” đạt được còn nhiều hạn chế. Ý thức rèn luyện, phấn đấu của một bộ phận đảng viên, trong đó có cả một số Lãnh đạo chủ chốt chưa thường xuyên, thiếu tự giác. Tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tình trạng thụ động, ỷ lại trong công tác vẫn còn xảy ra; còn không ít những chủ trương, chưa được triển khai nghiêm túc. Một số nơi tinh thần tự phê bình, phê bình còn yếu; chất lượng công tác kiểm tra, giám sát có hạn chế; mặc dù việc cảnh báo, phòng ngừa sai phạm đã được quan tâm, coi trọng nhưng vẫn có những công chức, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không được phát hiện sớm để uốn nắn, chấn chỉnh dẫn đến phải kỷ luật, xử lý theo quy định của pháp luật, thậm chí bị bắt giữ để điều tra hình sự, ảnh hưởng đến việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
2. Nguyên nhân
Công tác tuyên truyền, giáo dục chưa sâu, chưa làm cho tất cả mọi người nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng của Cuộc vận động. Sự lãnh đạo của cấp uỷ chưa thật đúng mức, thiếu thường xuyên. Một số cấp ủy chỉ đạo chưa sâu sát, chưa xác định rõ nội dung trọng tâm cần thực hiện; còn một phận đảng viên chưa tích cực trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, có biểu hiện thiếu quyết tâm, chưa gương mẫu. Có nơi còn biểu hiện hình thức trong chỉ đạo và thực hiện. Công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên. Tác dụng, hiệu quả tuyên truyền hạn chế. Việc biểu dương, khen thưởng chưa đi liền với việc kiểm tra, đô đốc, nhắc nhở, xử lý theo quy định những tập thể, cá nhân chưa làm tốt, thậm chí có khuyết điểm, sai phạm. Công tác tham mưu còn hạn chế, chưa đề xuất được nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.
 III. MỘT SỐ BÀI HỌC KINH NGHIỆM
Trên cơ sở những kết quả đạt được trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Kế hoạch số 23-KH/ĐU ngày 23/9/2021, Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 19/5/2016 của Bộ Chính trị trong Hệ thống THADS, Đảng ủy Tổng cục THADS rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây:
- Xác định đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc triển khai, quán triệt, tổ chức học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong tổ chức thực hiện, đề cao tính tiên phong, gương mẫu của lãnh đạo Đảng ủy và đảng viên. Đặc biệt chú trọng các biện pháp nhằm động viên tinh thần tự giác thực hiện của mỗi đảng viên, tạo sự chuyển biến thật sự rõ nét về hành động trong toàn Hệ thống THADS. Cấp ủy đảng phải thật sự quyết tâm, quyết liệt; lãnh đạo phải sâu sát trong chỉ đạo việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
- Đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình sinh hoạt định kỳ của chi bộ, gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở từng đơn vị. Ngoài ra, tùy vào tình hình thực tế các Chi bộ thường xuyên tổ chức sinh hoạt tài liệu về một số tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh; các bài nói, bài viết về phong cách, dân chủ, nêu gương, về tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các buổi sinh hoạt chính trị. Đồng thời, các đoàn thể tổ chức nhiều hội thi, giao lưu, toạ đàm nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức và hành động đảng viên.
- Tổ chức cho các đảng viên thực hiện nghiêm túc việc viết cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hàng năm. Cuối năm, căn cứ vào kết quả thực hiện để nhận xét, đánh giá và phân loại đảng viên.
- Thực hiện tốt việc theo dõi, đánh giá, kiểm tra giám sát thường xuyên. Phải quán triệt cho đảng viên nhận thức sâu sắc và khẳng định đây là biện pháp cơ bản, quan trọng, là việc làm thường xuyên, thiết thực để góp phần xây dựng Hệ thống THADS trong sạch, vững mạnh; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao; đồng thời, biểu thị quyết tâm làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua học tập, rèn luyện, công tác hàng ngày. Kiểm tra, giám sát nhằm phát huy mặt tích cực, chấn chỉnh hạn chế, thiếu sót; kịp thời rút kinh nghiệm, bổ sung biện pháp thực hiện. Sau kiểm tra, giám sát, cái sai phải được uốn nắn, nhắc nhở, phê bình, hướng dẫn khắc phục, sửa chữa ngay và cái đúng, cái tốt phải được biểu dương, khen thưởng kịp thời, đúng người, đúng thành tích  nhằm động viên, cổ vũ, thúc đẩy tinh thần phấn đấu và nhân rộng học tập trong toàn Hệ thống THADS.
- Trong thực hiện tự phê bình và phê bình, cần đề cao ý thức tự giác, trung thực, thẳng thắn của đảng viên. Lãnh đạo Đảng ủy gương mẫu, đi đầu trong thực hiện “nói đi đôi với làm”, “nói ít, làm nhiều”, làm việc khoa học, tác phong công tác gần dân, sát dân, vì dân, ... và khuyến khích đảng viên mạnh dạn phê phán những việc làm sai trái, những biểu hiện thiếu chuẩn mực về đạo đức, lối sống; thể hiện quyết tâm trong đấu tranh đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu. Từ đó, góp phần xây dựng nội bộ luôn đoàn kết, thống nhất cao; chấp hành nghiêm tổ chức kỷ luật, nội quy, quy chế làm việc,... ra sức phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
- Chú trọng công tác truyền truyền, giáo dục, xây dựng điển hình tiên tiến; phổ biến, nhân rộng cách làm hay, mô hình hiệu quả. Đặc biệt, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải gắn liền với các phong trào khác.
Từ việc triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 23-KH/ĐU ngày 23/9/2021, Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 19/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Hệ thống THADS đã đạt được những kết quả tích cực. Việc học Bác, làm theo Bác đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, liên tục và ngày càng thấm sâu vào tư tưởng, hành động của mỗi đảng viên. Để từ đó, ngày càng nâng cao hiệu quả công tác THADS, góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Quốc hội giao.
IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI
Thông qua những kết quả đạt được, những bài học kinh nghiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Kế hoạch số 23-KH/ĐU ngày 23/9/2021, Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 19/5/2016 của Bộ Chính trị nêu trên, Đảng ủy Tổng cục THADS đề ra một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới như sau:
Một là, cần nhận thức sâu sắc, thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Coi đây là công việc thường xuyên, không thể thiếu đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về nội dung, giá trị và ý nghĩa to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Học tập và làm theo Bác để Đảng ta và mỗi đảng viên xứng đáng với vai trò, sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam và sự tin cậy của nhân dân.
 Hai là, các cấp ủy đảng đưa nội dung làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết của Chi bộ mình, gắn với nhiệm vụ chính trị. Kết hợp chặt chẽ giữa học tập với làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi đơn vị và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; giải quyết hiệu quả các khâu đột phá và các vấn đề trọng tâm, bức xúc trong thực tiễn.
Ba là, đẩy mạnh tuyên truyền, gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước nhằm lan tỏa, khơi dậy tinh thần cống hiến, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Mỗi đảng viên nhận thức sâu sắc và tự giác thực hiện bổn phận, trách nhiệm của bản thân, gắn bó chặt chẽ, liên hệ mật thiết với nhân dân, "trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân",  làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội. Nghiên cứu tổ chức cuộc vận động "Toàn Đảng, toàn dân khơi dậy khát vọng phát triển đất nước", với quyết tâm "sánh vai với các cường quốc" như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 Bốn là, nêu cao trách nhiệm nêu gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí, tự lực, tự cường dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh trong cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Đề cao việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, theo phương châm đảng viên có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, khẳng định vai trò lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu "trên trước, dưới sau", "đảng viên đi trước, làng nước theo sau". Mỗi đảng viên cần phát huy vai trò nêu gương trong xây dựng ý chí, khát vọng phát triển của bản thân và của cơ quan, đơn vị. Mỗi đảng viên tự nêu gương sáng, hàng triệu đảng viên là những tấm gương sáng, toàn Đảng ta sẽ thực sự trong sạch, vững mạnh, gắn bó máu thịt với nhân dân. Đây là điều kiện tiên quyết để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong Đảng và xã hội.
 Năm là, nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng phù hợp với điều kiện mới, làm cơ sở cho đảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, nêu cao bản lĩnh chính trị, đấu tranh có hiệu quả với mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, bệnh quan liêu, cơ hội, cục bộ, bè phái, "lợi ích nhóm", mất đoàn kết nội bộ, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, nâng cao ý thức tu dưỡng, "nói đi đôi với làm", "rèn luyện suốt đời", thường xuyên "tự soi", "tự sửa".
 Sáu là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn, phù hợp với từng đối tượng. Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.
 Bảy là, nâng cao tính khoa học, tính chiến đấu trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị. Chủ động thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, đúng định hướng chính trị để đảng viên tích cực đấu tranh phòng, chống "diễn biến hòa bình", bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Tám là, coi trọng công tác kiểm tra, giám sát. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả thực chất./.
Ban Tuyên giáo Đảng ủy Tổng cục

[1]Quy chế đánh giá công chức, người lao động trong Hệ thống THADS; Quy chế kiểm tra trong THADS; Quy chế phối hợp truyền thông trong công tác THADS, theo dõi THAHC; Quy trình thực hiện công tác Thi đua khen thưởng trong Hệ thống THADS; Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công. Quy trình lựa chọn tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản theo Quyết định số 1079/QĐ-TCTHADS ngày 25/12/2021.
[2] Quyết định số 353/QĐ-BTP.
[3] Thông tư số 13/2021/TT-BTP ngày 30/12/2021; Thông tư số 06/2021/TT-BTP ngày 14/10/2021 của Bộ Tư pháp bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về công tác cán bộ trong lĩnh vực THADS; Thông tư liên tịch số 12/2021/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 21/12/2021 về phối hợp trong thống kê THADS, THAHC; Quyết định số 1557/QĐ-BTP ngày 20/10/2021 về việc ban hành Chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên; Quyết định số 1542/QĐ-BTP ngày 14/10/2021 về việc bãi bỏ một số nội dung tại Khung năng lực vị trí việc làm của Tổng cục THADS;
[4] Quyết định số 1520/QĐ-BTP ngày 13/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
[5] Kế hoạch giám sát số 389/KH-UBTP15 ngày 22/02/2022.
[6] Báo cáo số 203/BC-CP ngày 23/5/2022
[7] Báo cáo số 102/BC-BTP ngày 16/5/2022
[8] Phiên họp được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức vào ngày 29/7/2022.
[9] Theo quy định tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
[10] Quyết định số 1430/QĐ-BTP ngày 28/7/2023.
[11] (1) Thông tư thay thế Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong THADS; (2) Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 06/2019/TT-BTP ngày 21/11/2019 quy định chế độ báo cáo thống kê THADS, theo dõi THAHC; (3) Thông tư thay thế Thông tư số 03/2017/TT-BTP ngày 05/4/2017 của Bộ Tư pháp quy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức chuyên ngành THADS; (4) Thông tư ban hành Quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái công chức, viên chức Hệ thống THADS; (5) Thông tư quy định về vị trí việc làm công chức chuyên môn nghiệp vụ ngành Tư pháp.
[12]Quy trình hướng dẫn nghiệp vụ THADS trong Hệ thống THADS; xây dựng Quy trình thu nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án trên cổng thông tin dịch vụ Quốc gia; Quy trình thực hiện bảo đảm tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án; Quy chế đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức Hệ thống THADS.
[13] Sau khi trừ đi số ủy thác 11.213 việc, số thu hồi, hủy quyết định thi hành án 413 việc.
[14]Năm 2020, số bản án phải thi hành là 830 bản án, quyết định của Tòa án.
[15]Năm 2020, số bản án đã thi hành xong là 363 bản án, quyết định của Tòa án.
[16] Trong số này có đến 252 bản án, quyết định phát sinh trong năm 2020 và năm 2021.
[17] Sau khi trừ đi số ủy thác 11.213 việc, số thu hồi, hủy quyết định thi hành án 413 việc.
[18] Trong đó có các bản án, quyết định có hiệu lực từ nhiều năm đã được thi hành dứt điểm.