Về nguồn tại một số địa chỉ đỏ của tỉnh Lào Cai

05/12/2022
Ngày 04/12/2022, đoàn công tác của Đảng uỷ, Lãnh đạo, Đoàn cơ sở Tổng cục Thi hành án dân sự và Chi uỷ, Lãnh đạo, Chi đoàn Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai đã tổ chức về nguồn dâng hương tại khu Di tích Lịch sử cách mạng Cam Đường và thăm cột mốc biên giới số 102(2) của tỉnh Lào Cai.
 

Khu căn cứ cách mạng Cam đường được công nhận là Di tích Lịch sử cách mạng theo Quyết định số 1568/QĐ-VH ngày 20/4/1995. Đây là nơi Chi bộ nông thôn đầu tiên được thành lập ngày 10/10/1948, là một thắng lợi hết sức to lớn của Đảng, làm thức tỉnh các tầng lớp nhân dân hướng theo cách mạng. Tháng 10/1948, tỉnh ủy Lào Cai quyết định lấy địa điểm thuộc xã Cam Đường là trung tâm Căn cứ Cách mạng vì nơi đây nằm giữa vùng địch hậu, có vị trí chiến lược quan trọng để làm bàn đạp mở rộng xây dựng các khu du kích khác. Trong Chiến dịch Lê Hồng Phong giải phóng Lào Cai, các lực lượng trinh sát, quân báo và cả Trung đoàn 148 đều xuất phát từ Cam Đường. Khu du kích Cam Đường – Xuân Giao – Gia Phú suốt một thời gian dài còn là điểm đặt cơ quan lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Tỉnh đội Lào Cai , nhiều cuộc họp quan trọng của tỉnh được tổ chức ở nơi đây.[1]
 
Đoàn công tác đã đến dâng hương, ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng và tri ân những hi sinh, đóng góp của cha anh cho nền độc lập, hoà bình của dân tộc.
 
 

Cùng ngày, đoàn cũng đã đến thăm cột mốc biên giới số 102(2) được đặt trên bờ sông Nậm Thi. Cột mốc này làm bằng đá hoa cương, cao khoảng 2,2 m, chân rộng 0,9 m và thân rộng 0,5 m. Hai mặt mốc quay về phía Việt Nam và Trung Quốc có gắn quốc huy của nước CHXHCN Việt Nam. Đây là mốc quốc giới đầu tiên đoạn phía tây trên biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, được cắm ngày 13/7/2002; là bước tiến quan trọng và tiền đề thuận lợi cho việc triển khai cắm các mốc giới trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung. Việc phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới dài khoảng 1.400 km từ Tây sang Đông hoàn thành ngày 31/12/2008, là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại trong quan hệ Việt - Trung, thể hiện mong muốn và quyết tâm của hai Đảng, hai Nhà nước XHCN giải quyết hoà bình, công bằng các vấn đề do lịch sử để lại, có tính đến lợi ích của nhau, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế và Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt - Trung năm 1999, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, phù hợp với xu thế hoà bình, hữu nghị và hợp tác ở khu vực và trên thế giới.[2]
 
 

Các thành viên tham gia đoàn công tác càng nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa quan trọng của chủ quyền biên giới quốc gia, việc duy trì và bảo vệ đường biên giới hữu nghị giữa hai nước để phát triển giao lưu hợp tác giữa các địa phương biên giới nói riêng và Việt Nam – Trung Quốc nói chung.
 Đoàn cơ sở Tổng cục THADS