Kết quả thực hiện Nghị định Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP trong lĩnh vực thi hành án dân sự

19/09/2023


Nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Luật BHVBQPPL năm 2015), ngày 14/5/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 34/3016/NĐ-CP (Nghị định số 34/2016/NĐ-CP) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tạo được hành lang pháp lý đồng bộ cho công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Tuy nhiên, qua 5 năm triển khai thực hiện Luật BHVBQPPL năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, một số nội dung của Luật BHVBQPPL và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP  đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập gây cản trở khó khăn cho việc xây dựng, ban hành VBQPPL cần phải được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Ngày 18/6/2020, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHVBQPPL (Luật sửa đổi, bổ sung), có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Luật sửa đổi, bổ sung có nhiều điểm mới quan trọng nhằm khắc phục những tồn tại vướng mắc trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL như: bổ sung quy định về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với các dự án, dự thảo VBQPPL; bổ sung một số hình thức VBQPPL, bổ sung thẩm quyền ban hành VBQPPL của cấp huyện trong trường hợp thực hiện phân cấp; thu hẹp phạm vi các loại VBQPPL phải thực hiện quy trình xây dựng chính sách; nâng cao trách nhiệm, hiệu quả phối hợp của các cơ quan trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án dự thảo văn bản; tiếp tục hoàn thiện các quy định về việc xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn; quy định thủ tục hành chính trong VBQPPL;…Để kịp thời triển khai Luật BHVBQPPL sửa đổi, bổ sung và khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Nghị định số 34/2016/NĐ-CP bảo đảm phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHVBQPPL, ngày 31/12/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 154/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trong lĩnh vực Thi hành án dân sự (THADS), Tổng cục THADS là cơ quan được giao nhiệm vụ “Xây dựng để Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền:  Dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội; dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định, nghị quyết của Chính phủ; dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; dự thảo thông tư, quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các văn bản khác về thi hành án dân sự, quản lý thi hành án hành chính”. Thực hiện Luật BHVBQPPL và các Nghị định hướng dẫn, Tổng cục THADS đã phổ biến quán triệt đến các đơn vị chuyên môn thuộc Tổng cục THADS để các đơn vị giúp Tổng cục trưởng tham mưu xây dựng một số VBQPPL trong lĩnh vực THADS; chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu kỹ các quy định của Nghị định, thực hiện nghiêm quy trình xây dựng VBQPPL theo đúng định của Luật ban hành văn bản QPPL và các Nghị định nêu trên. Việc hệ thống hóa, hợp nhất văn bản thực hiện theo đúng quy định. Việc kiểm tra, rà soát các văn bản sau khi ban hành cũng được Tổng cục THADS thực hiện thường xuyên, qua đó kịp thời đề xuất với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản, quy định không còn phù hợp.
Sau 7 năm triển khai thực hiện Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và 02 năm thực hiện Nghị định số 154/2020/NĐ-CP trong việc xây dựng pháp luật của Tổng cục Thi hành án dân sự đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, cụ thể:
Kết quả ban hành VBQPPL: Từ ngày 01/7/2016 đến nay, Tổng cục THADS đã tham mưu cấp thẩm quyền ban hành 01 Luật, 01 Nghị định, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 12 Thông tư và Thông tư liên tịch, bao gồm:
1. Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự;
2. Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật thi hành án dân sự;
3. Quyết định số 19/2023/QĐ-TTg ngày 02/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg ngày 31/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp;
4. Thông tư số 01/2017/TT-BTP ngày 23/01/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định quản lý kho vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự;
5. Thông tư số 02/2017/TT-BTP ngày 23/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn một số nội dung quản lý công chức, viên chức, người lao động thuộc hệ thống tổ chức thi hành án dân sự;
6. Thông tư số 03/2017/TT-BTP ngày 05/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc quy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức chuyên ngành thi hành án dân sự;
7. Thông tư số 18/2018/TT-BTP ngày 28/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2017/TT-BTP ngày 23/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số nội dung quản lý công chức, viên chức, người lao động thuộc hệ thống tổ chức thi hành án dân sự;
8. Thông tư số 06/2019/TT-BTP ngày 21/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp  quy định Chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính;
9. Thông tư số 08/2020/TT-BTP ngày 28/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2017/TT-BTP ngày 05/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức chuyên ngành thi hành án dân sự;
10. Thông tư số 06/2021/TT-BTP ngày 14/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về công tác cán bộ trong lĩnh vực thi hành án dân sự do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành;
11. Thông tư số 13/2021/TT-BTP ngày 30/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp          quy định quy trình xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự;
12. Thông tư số 04/2023/TT-BTP ngày 14/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự;
13.Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 của Bộ Tư pháp – Tòa án nhân dân tối cao – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quy định một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự      ;
14.Thông tư liên tịch số 07/2018/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 12/6/2018 của Bộ Tư pháp – Tòa án nhân dân tối cao – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quy định việc phối hợp trong thi hành quyết định của Tòa án giải quyết phá sản;
15.Thông tư liên tịch số 12/2021/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 29/12/2021         của Bộ Tư pháp – Tòa án nhân dân tối cao – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Quy định về phối hợp trong thống kê thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính liên ngành    .
Kết quả rà soát, thay thế, bãi bỏ VBQPPL: Từ ngày 01/7/2016 đến nay, Tổng cục THADS đã rà soát và tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản mới thay thế, bãi bỏ đối với 40 VBQPPL có mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp hoặc không còn được sử dụng trên thực tế.
Kết quả hệ thống hóa VBQPPL: Từ ngày 01/7/2016 đến nay, Tổng cục THADS đã tiến hành hệ thống hóa VBQPPL trong lĩnh vực THADS 02 lần, tương ứng với 02 kỳ hệ thống hóa (kỳ 2014 – 2018 và kỳ 2019 – 2013), đã lập các danh mục văn bản còn hiệu lực, hết hiệu lực toàn bộ, hết hiệu lực một phần và danh mục các văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế trong từng kỳ hệ thống hóa.
Có thể thấy rằng: từ thời điểm 01/7/2016 đến nay, Tổng cục THADS đã tham mưu cho các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều VBQPPL điều chỉnh hoạt động THADS, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi, đúng trình tự, thủ tục luật định. Đạt được các kết quả trên là thành quả của nhiều nguyên nhân, song một trong những nguyên nhân chính là quy trình soạn thảo, ban hành văn bản QPPL theo Luật BHVBQPPL và các Nghị định nêu trên cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn, chặt chẽ, công khai, minh bạch, dân chủ, bảo đảm sự tham gia rộng rãi của cơ quan tổ chức cá nhân, đặc biệt là đối tượng chịu sự tác động của văn bản. Về điều kiện bảo đảm: nhìn chung đã có sự thay đổi, phù hợp hơn, nhất là trách nhiệm thực hiện cơ chế phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong quá trình soạn thảo, tổ chức thực hiện VBQPPL.
Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP vào quá trình xây dựng pháp luật tại Tổng cục THADS gặp một số khó khăn, vướng mắc sau đây:
Một là, trong quá trình soạn thảo VBQPPL, một số thủ tục hành chính còn hình thức, hiệu quả không cao, kéo dài thời gian soạn thảo như: việc tổ chức đăng tải ở nhiều Trang thông tin điện tử tại cùng một thời điểm đối với Dự thảo Thông tư chỉ quy định những vấn đề mang tính quản lý nội bộ thuộc hệ thống ngành dọc mà không liên quan đến người dân, doanh nghiệp.
Hai là, quy định về hình thức phải ban hành VBQPPL để bãi bỏ một hoặc nhiều VBQPPL chưa phù hợp, về bản chất một văn bản QPPL nếu chỉ bãi bỏ một số nội dung hoặc toàn bộ VBQPPL khác hoặc nhiều VBQPPL khác thì văn bản bãi bỏ không chứa QPPL. Do vậy, nếu áp dụng quy trình soạn thảo, ban hành VBQPPL (bãi bỏ) như áp dụng quy trình soạn thảo, ban hành VBQPPL thông thường thì sẽ không hợp lý, mất nhiều thời gian, thủ tục hành chính không cần thiết, đặc biệt sẽ không đảm bảo tính kịp thời.
Ba là, liên quan đến việc xác định, đánh giá thủ tục hành chính trong dự thảo VBQPPL: hiện đang có nhiều cách hiểu khác nhau trong việc xác định loại thủ tục hành chính trong dự thảo VBQPPL. Theo đó, cách xác định thủ tục hành chính nội bộ hay thủ tục hành chính liên quan đến người dân doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về kiểm soát thủ tục hành chính cần phải tiếp tục được quy định rõ.
Bốn là, về kinh phí đảm bảo cho việc soạn thảo VBQPPL đã có những cải thiện đáng kể so với trước đây. Tuy nhiên, thực tế thì định mức cho việc soạn thảo Thông tư hiện đang áp dụng còn rất hạn chế, khó khăn cho việc tổ chức soạn thảo nhất là đối với việc xây dựng Thông tư có tính chất phức tạp, quá trình soạn thảo kéo dài cần phải khảo sát thực tế, xin ý kiến tham vấn chuyên gia, nhà khoa học...
Để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành VBQPPL trong thời gian tới, cần phải hoàn thiện pháp luật về công tác xây dựng, ban hành VBQPPL theo hướng:  
Một là, về quy trình xây dựng soạn thảo VBQPPL, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật BHVBQPPL và các Nghị định nêu trên theo hướng tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết đối với một số hình thức VBQPPL.
Hai là, nghiên cứu cắt giảm một số hình thức VBQPPL, trong đó không nhất thiết quy định hình thức VBQPPL bãi bỏ VBQPPL phải bằng một VBQPPL của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ba là, tiếp tục nghiên cứu đổi mới cơ chế phẩn bổ kinh phí xây dựng văn bản QPPL phù hợp với tính chất đặc thù của hoạt động xây dựng pháp luật đối với từng hình thức VBQPPL, không nên quy định mức trần cho từng loại văn bản một cách máy móc theo cấp độ thẩm quyền từ thấp đến cao như hiện nay.
Mai Loan, Vụ Nghiệp vụ 3