1. Về khái niệm người có tài sản đấu giá
Khoản 5 Điều 5 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định khái niệm người có tài sản đấu giá như sau:
“5. Người có tài sản đấu giá là cá nhân, tổ chức sở hữu tài sản, người được chủ sở hữu tài sản ủy quyền bán đấu giá tài sản hoặc người có quyền đưa tài sản ra đấu giá theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.”
Tại Điều 101 Luật Thi hành án dân sự thì Chấp hành viên là người ký Hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản với tổ chức bán đấu giá hoặc Chấp hành viên là người có quyền bán tài sản kê biên.
Như vậy theo quy định nêu trên, trong hoạt động thi hành án dân sự người có quyền đưa tài sản ra đấu giá theo quy định của pháp luật là Chấp hành viên. Tuy nhiên, pháp luật về thi hành án dân sự hiện hành quy định về nhiệm vụ quyền hạn của Chấp hành viên chưa có quy định rõ về quyền đưa tài sản thi hành án ra bán đấu giá. Do đó, trong quá trình nghiên cứu hoàn thiện thể chế về pháp luật thi hành án dân sự (sửa đổi Luật THADS) cần nghiên cứu quy định cụ thể, rõ ràng hơn để Chấp hành viên có đủ quyền theo quy định của pháp luật.
2. Về quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá
Hiện nay, quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá được quy định tại Điều 47 Luật Đấu giá tài sản 2016. Chấp hành viên với tư cách là người có tài sản đấu giá thì có đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 47 nêu trên. Tuy nhiên, quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định này, phát sinh một số khó khăn, vướng mắc cần lưu ý:
Thứ nhất, về quyền “
giám sát quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá”: Việc giám sát này được thực hiện cả quá trình bán đấu giá tài sản (từ khi ký hợp đồng đến khi thanh lý hợp đồng). Tuy nhiên, pháp luật về THADS cũng như pháp luật về đấu giá tài sản chưa có quy định cách thức thực hiện giám sát. Do đó, có thể hiểu việc giám sát này là quyền của người có tài sản, người có tài sản được quyền lựa chọn hình thức, cách thức thực hiện việc giám sát (trực tiếp, gián tiếp, yêu cầu báo cáo…), nhằm mục đích nắm được thông tin cần thiết.
Thứ hai, về quyền
“yêu cầu tổ chức đấu giá tài sản dừng việc tổ chức đấu giá khi có căn cứ cho rằng tổ chức đấu giá tài sản có hành vi vi phạm quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 9 của Luật này”. Điểm b, điểm c khoản 2 Điều 9 của Luật Đấu giá tài sản quy định tổ chức đấu giá tài sản không được thực hiện các hành vi thông đồng, móc nối để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản; Cản trở, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá.
Tuy nhiên, hiện nay trên thực tế chưa có quy định để Chấp hành viên xác định như thế nào là có căn cứ cho rằng tổ chức bán đấu giá có hành vi vi phạm, cụ thể: Trường hợp khi Chấp hành viên nhận được thông tin phản ánh của đương sự, người có quyền nghĩa vụ liên quan về việc tổ chức đấu giá tài sản có hành vi thông đồng, móc nối, cản trở, gây khó khăn thì đơn thư phản ánh này có được xem là căn cứ để Chấp hành viên yêu cầu tổ chức đấu giá tài sản dừng việc tổ chức đấu giá hay tạm dừng để thực hiện việc xác minh làm rõ. Mặt khác, trường hợp Chấp hành viên yêu cầu tổ chức đấu giá tài sản dừng việc tổ chức đấu giá, nhưng sau đó xác định không có căn cứ cho rằng tổ chức bán đấu giá vi phạm thì trình tự, thủ tục bán đấu giá tiếp theo được thực hiện như thế nào, tiếp tục cuộc đấu giá đó (kéo dài thời gian nộp hồ sơ tham gia đấu giá để bù vào thời gian dừng) hay thực hiện lại thủ tục từ đầu của lần bán đấu giá tài sản đó.
Luật Đấu giá tài sản hiện hành cũng chưa có quy định người có tài sản bán đấu giá (Chấp hành viên) có quyền yêu cầu tổ chức đấu giá tài sản dừng việc tổ chức đấu giá trong trường hợp khi có quyết định hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, tạm dừng việc thi hành án để giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan có thẩm quyền vì đối với các trường hợp này, cơ quan thi hành án dân sự phải dừng tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự (trong đó có thủ tục bán đấu giá tài sản).
Thứ ba, về quyền đơn phương chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá: Theo quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 33 Luật Đấu giá tài sản thì “
5. Người có tài sản đấu giá hoặc tổ chức đấu giá tài sản có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật về dân sự trước khi tổ chức đấu giá tài sản nhận hồ sơ tham gia đấu giá của người tham gia đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.”
Người có tài sản đấu giá có quyền hủy bỏ Hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 33 Luật Đấu giá tài sản. Kết quả đấu giá tài sản bị hủy theo thỏa thuận giữ người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản và người trúng đấu giá về việc hủy kết quả đấu giá tài sản hoặc giữa người có tài sản đấu giá và người trúng đấu giá về việc hủy giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, hủy bỏ hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản bị hủy theo quy định tại hoản 6 Điều 33 Luật Đấu giá tài sản.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì người có tài sản đấu giá không có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản sau khi đã bán đấu giá thành. Trường hợp Hợp đồng mua bán tài sản đã được công chứng mà nay muốn hủy bỏ thì có thể thỏa thuận hủy bỏ theo quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật Đấu giá tài sản, quy định của Bộ luật dân sự, Luật Công chứng hoặc khởi kiện ra Tòa án để hủy bỏ hợp đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 72 Luật Đấu giá tài sản và quy định của Bộ luật dân sự.
Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay của cơ quan thi hành án dân sự là trường hợp đã bán đấu giá thành nhưng quá trình tổ chức thi hành án có vi phạm xét thấy cần thiết phải hủy kết quả bán đấu giá để bảo đảm quyền lợi của đương sự nhưng pháp luật về thi hành án dân sự cũng như pháp luật về đấu giá tài sản chưa có quy định rõ biện pháp giải quyết đối với các văn bản (Hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản thi hành án, kết quả bán đấu giá, Hợp đồng mua bán tài sản thi hành án) dẫn đến vẫn có nhiều quan điểm khác nhau: quan điểm chỉ cần hủy bỏ Hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản thi hành án thì đương nhiên kết quả bán đấu giá, hợp đồng mua bán tài sản thi hành án hết giá trị; cũng có quan điểm Hợp đồng mua bán tài sản thi hành án chỉ được hủy bỏ nếu có thỏa thuận hoặc phải khởi kiện ra Tòa án.
3. Hoàn thiện thể chế về đấu giá tài sản
Hiện nay, Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đã nghiên cứu và bổ sung một số quy định nhằm làm rõ hơn một số quy định có liên quan, cụ thể:
* Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 47 Luật Đấu giá tài sản về quyền của người có tài sản đấu giá trong đó có bổ sung thêm 1 điểm vào khoản 1 như sau:
“
đ2) Yêu cầu tổ chức hành nghề đấu giá tài sản tạm dừng việc tổ chức đấu giá; đấu giá viên tạm dừng cuộc đấu giá khi có quyết định hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, tạm dừng việc thi hành án để giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp đấu giá tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;
đ3) Yêu cầu tổ chức hành nghề đấu giá tài sản dừng và hủy bỏ việc tổ chức đấu giá trong trường hợp có căn cứ xác định tài sản đấu giá không đủ điều kiện đưa ra đấu giá hoặc chủ sở hữu chung mua phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản thuộc sở hữu chung hoặc người phải thi hành án nhận lại tài sản trong trường hợp đấu giá tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;
đ4) Yêu cầu đấu giá viên dừng và hủy bỏ việc đấu giá đối với các tài sản đấu giá còn lại trong cùng một cuộc đấu giá trong trường hợp giá trúng đấu giá của tài sản đã đưa ra đấu giá trước đó đã đủ để thi hành án và các chi phí theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;
đ5) Thỏa thuận với tổ chức hành nghề đấu giá tài sản về việc lựa chọn Trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản hoặc Cổng Đấu giá tài sản quốc gia để tổ chức việc đấu giá tài sản trong trường hợp việc đấu giá được thực hiện bằng hình thức trực tuyến;”.
* Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đã sửa đổi, bổ sung Điều 73 Luật Đấu giá tài sản như sau:
“Điều 73. Hậu quả pháp lý khi hủy kết quả đấu giá
1. Trường hợp hủy kết quả đấu giá tài sản theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 Điều 72 của Luật này thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận, nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải trả bằng tiền. Bên gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp hủy kết quả đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 72 của Luật này thì người có tài sản thực hiện việc hủy quyết định phê duyệt kết quả đấu giá, hủy bỏ giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, hủy bỏ hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc yêu cầu Tòa án hủy bỏ hoặc tuyên bố hợp đồng mua bán tài sản đấu giá vô hiệu theo quy định của pháp luật.
Trường hợp kết quả đấu giá tài sản thi hành án bị hủy mà hợp đồng mua bán tài sản đấu giá đã được công chứng thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án hủy bỏ hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.”
Như vậy, có thể thấy rằng khi Chấp hành viên tham gia vào hoạt động bán đấu giá tài sản thi hành án dân sự với tư cách là người có tài sản đấu giá phát sinh nhiều vướng mắc cần được pháp luật về thi hành án dân sự cũng như pháp luật về đấu giá tài sản thi hành án quy định rõ ràng, cụ thể hơn. Hiện nay, Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đã giải quyết được một số vấn đề vướng mắc trong hoạt động bán đấu giá tài sản thi hành án. Trong thời gian tới, quá trình nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự cần quy định cụ thể hơn để hạn chế thấp nhất khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác này.