Sự cần thiết sửa đổi, bổ sung quy định về phân cấp quản lý công chức, viên chức, người lao động thuộc hệ thống Thi hành án dân sự

10/09/2024


1. Quy định về phân cấp quản lý công chức, viên chức, người lao động thuộc Hệ thống Thi hành án dân sự theo pháp luật hiện hành
Ngày 26/6/2015, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 09/2015/TT-BTP quy định việc phân cấp quản lý công chức, viên chức, người lao động thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) các cơ quan THADS (gọi tắt là Thông tư 09). Thông tư số 09 đã phân cấp thẩm quyền của từng chức danh như: Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng Cục trưởng, Cục trưởng, Chi cục trưởng trong công tác cán bộ Hệ thống THADS. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp trực tiếp quyết định các vấn đề: Quyết định chiến lược, quy hoạch, đề án kiện toàn nguồn nhân lực THADS; Giao chỉ tiêu biên chế công chức hành chính toàn ngành THADS; giao số lượng người làm việc đối với đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng cục THADS; Quyết định nội dung thi tuyển, xét tuyển, phê duyệt kế hoạch và kết quả tuyển dụng công chức THADS; Quyết định các nội dung quản lý công chức, viên chức, người lao động đối với Tổng/Phó Tổng cục trưởng, Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục THADS, Cục trưởng Cục THADS; Phó Cục trưởng Cục THADS thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS được phân cấp quyết định các vấn đề: Giao chỉ tiêu biên chế công chức hành chính đối với các đơn vị thuộc Tổng cục THADS; tổng biên chế công chức hành chính đối với các cơ quan THADS cấp tỉnh và cấp huyện; Tuyển dụng công chức, viên chức THADS; Quyết định các nội dung quản lý công chức, viên chức, người lao động đối với Phó Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục THADS; Phó Cục trưởng Cục THADS, trừ Phó Cục trưởng Cục THADS thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Chi cục trưởng Chi cục THADS, Công chức, viên chức chuyên môn và người lao động từ ngạch thẩm tra viên chính và tương đương trở xuống thuộc Tổng cục THADS …, Cục trưởng Cục THADS được phân cấp quyết định các vấn đề: Giao chỉ tiêu biên chế công chức hành chính đối với các phòng và tương đương thuộc Cục THADS và các Chi cục trực thuộc; Thực hiện các nội dung quản lý công chức, người lao động đối với Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Cục THADS; Kế toán trưởng và Phó Chi cục trưởng Chi cục trực thuộc, Công chức giữ ngạch Chấp hành viên trung cấp, chuyên viên chính và tương đương trở xuống, người lao động thuộc Cục, Chi cục trực thuộc; Phân công công tác đối với công chức, người lao động trong nội bộ Cục THADS; điều động, luân chuyển, biệt phái đối với công chức Cục, Chi cục THADS trực thuộc trong phạm vi địa phương…, Chi cục trưởng Chi cục THADS được phân cấp quyết định các vấn đề: Thực hiện việc quản lý, phân công công tác, đánh giá, cho nghỉ phép và các nội dung quản lý khác theo quy định của pháp luật (trừ nội dung thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS và Cục trưởng Cục THADS ) đối với Phó Chi cục trưởng Chi cục THADS, công chức, người lao động thuộc Chi cục THADS; Đề xuất với Cục trưởng Cục THADS về biên chế, tuyển dụng, tiếp nhận, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, cho chuyển công tác, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ, chính sách đối với công chức, người lao động của Chi cục; Thống kê, báo cáo Cục trưởng và cơ quan có thẩm quyền về tình hình quản lý đội ngũ công chức, người lao động của Chi cục.
Sau 09 năm triển khai thực hiện Thông tư 09 có thể thấy rằng việc phân cấp quản lý công chức trong Hệ thống THADS cơ bản đã được quy định đầy đủ, rõ ràng và phù hợp thực tiễn. Công tác này đến nay cơ bản đã ổn định, đi vào nề nếp, góp phần nâng cao chất lượng công tác THADS và theo dõi thi hành án hành chính. Việc phân cấp trong cơ chế quản lý, chỉ đạo, điều hành phù hợp với tổ chức, bộ máy của hệ thống ngành dọc, tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Các cơ quan THADS địa phương tranh thủ được sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương, thuận lợi trong việc phối hợp với các cơ quan, ban ngành hữu quan trong công tác THADS, thuận lợi trong việc giữ ổn định về tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên của cơ quan THADS.
2. Một số hạn chế, bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định về phân cấp quản lý đối với công chức, viên chức, người lao động hệ thống THADS theo Thông tư số 09/2015/TT-BTP
Thực tiễn áp dụng quy định về phân cấp quản lý công chức, viên chức, người lao động thuộc Hệ thống THADS theo Thông tư 09 còn tồn tại một số vướng mắc, chồng chéo, không phù hợp với quy định hiện hành có liên quan, cụ thể:
Thứ nhất, theo quy định hiện hành thì việc đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện chế độ chính sách, cho nghỉ hưu, thôi việc đối với Chi cục trưởng Chi cục THADS do Cục trưởng Cục THADS thực hiện, trong khi việc quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, điều động, biệt phái đối với chức danh Chi cục trưởng Chi cục THADS do Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS cho chủ trương, Cục trưởng Cục THADS thực hiện toàn bộ các bước quy trình nhân sự theo quy định, phối hợp với cấp ủy địa phương cho ý kiến và kết luận tiêu chuẩn chính trị…sau khi hoàn thiện tất cả quy trình, hồ sơ thì báo cáo, đề nghị Tổng Cục trưởng ra quyết định[1]. Như vậy, đối với nội dung quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, điều động, biệt phái đối với chức danh Chi cục trưởng Chi cục THADS hiện nay do hai cấp cùng làm, một cấp thực hiện quy trình, một cấp ra Quyết định. Điều này khiến thời gian thực hiện quy trình công tác cán bộ bị kéo dài, chưa tạo ra được sự chủ động, linh hoạt cho các cơ quan THADS địa phương khi có nhu cầu cần kiện toàn Chi cục trưởng hoặc cần điều động, luân chuyển ngay đối với Chi cục trưởng để đáp ứng tính cấp thiết, yêu cầu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, về phía Tổng cục THADS, do phải dành nhiều thời gian thực hiện các sự vụ cụ thể liên quan đến nội dung quản lý đối với chức danh Chi cục trưởng nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng tham mưu quản lý ngành.
Thứ hai, liên quan đến thẩm quyền xử lý kỷ luật Chi cục trưởng Chi cục THADS, theo quy định tại Thông tư 09, Cục trưởng Cục THADS tiến hành xử lý kỷ luật Chi cục trưởng Chi cục THADS với hình thức khiển trách, cảnh cáo, buộc thôi việc, trong khi đó Tổng Cục trưởng tiến hành xử lý kỷ luật Chi cục trưởng với hình thức giáng chức, cách chức. Quy định này là chưa thực sự phù hợp về mức độ, bởi lẽ hình thức xử lý kỷ luật buộc thôi việc là hình thức nặng hơn so với giáng chức, cách chức nhưng hai hình thức này lại được phân cấp cho Cục trưởng. Ngoài ra, quy định này cũng chưa phù hợp với nguyên tắc người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc được phân cấp thẩm quyền bổ nhiệm tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý quy định tại Khoản 1 Điều 24 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 71/2023/NĐ-CP).
Thứ ba, theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 09/2015/TT-BTP thì Cục trưởng có thẩm quyền bổ nhiệm Kế toán trưởng của Chi cục THADS. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 6 Thông tư 04/2018/TT-BNV ngày 27/3/2018 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về thẩm quyền, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, thay thế và phụ cấp trách nhiệm công việc của kế toán trưởng, phụ trách kế toán của các đơn vị kế toán trong lĩnh vực kế toán nhà nước thì: “Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại phụ trách kế toán do người đứng đầu cơ quan, đơn vị kế toán quyết định” nghĩa là việc bổ nhiệm phụ trách kế toán của Chi cục THADS thuộc thẩm quyền của Chi cục trưởng Chi cục THADS.
3. Đề xuất sửa đổi quy định về phân cấp quản lý đối với công chức, viên chức, người lao động hệ thống THADS
a) Cơ sở chính trị
Hiện nay, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6, khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã xác định: “Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm; đồng thời, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện”. Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước đã xác định nhiệm vụ: “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phải đi đôi với bảo đảm cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính để tổ chức thực hiện có hiệu quả, phù hợp với điều kiện, đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và yêu cầu quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực; kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành, lĩnh vực với quản lý theo lãnh thổ, bảo đảm một việc không quá 02 cấp hành chính quản lý”.
b) Cơ sở thực tiễn: là những bất cập, hạn chế, vướng  mắc nêu trên trong quá trình thực hiện quy định hiện hành về nội dung phân cấp quản lý công chức, viên chức, người lao động hệ thống THADS.
c) Nội dung đề xuất
Để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan, đặc biệt là thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các cơ quan địa phương, đồng thời, để khắc phục những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực tiễn áp dụng, thấy rằng cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định của Thông tư 09 theo hướng đẩy mạnh phân cấp quản lý cho các cơ quan THADS địa phương, xác định rõ ràng, cụ thể hơn và tăng thẩm quyền, trách nhiệm của Cục trưởng Cục THADS địa phương trong công tác quản lý cán bộ, nhất là nội dung quản lý đối với chức danh Chi cục trưởng Chi cục THADS.
 Sau khi phân cấp, Tổng cục THADS cần thực hiện nhiều biện pháp để kiểm soát việc thực hiện các nội dung phân cấp quản lý công chức, viên chức, người lao động của Cục THADS địa phương như: tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra, yêu cầu gửi các văn bản, quyết định về công tác tổ chức, cán bộ, kèm theo Phiếu tự kiểm tra Trên cơ sở đó, Tổng cục THADS kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn để cơ quan THADS địa phương thực hiện đúng, hiệu quả quy định về phân cấp quản lý công chức, người lao động, đồng thời có biện pháp, hình thức xử lý nghiêm đối với các trường hợp có hành vi vi phạm, có hành vi tiêu cực trong quá trình thực hiện các nội dung phân cấp theo thẩm quyền./.
                                                                       Thùy Linh - Vụ Tổ chức cán bộ
 

[1] Khoản 3 Điều 4; khoản 3, khoản 5 Điều 5 Thông tư 09/2015/TT-BTP