1. Vướng mắc, bất cập
* Tại Điều 92 Luật Thi hành án dân sự quy định kê biên vốn góp như sau:
“1. Chấp hành viên yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức nơi người phải thi hành án có vốn góp cung cấp thông tin về phần vốn góp của người phải thi hành án để kê biên phần vốn góp đó. Trong trường hợp cần thiết, Chấp hành viên yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác định phần vốn góp của người phải thi hành án; trưng cầu tổ chức, cá nhân có chuyên môn xác định phần giá trị vốn góp của người phải thi hành án để cưỡng chế thi hành án.
2. Đương sự có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần vốn góp của người phải thi hành án.”
Tại Điều 83 Luật Thi hành án dân sự quy định bán giấy tờ có giá: “Việc bán giấy tờ có giá được thực hiện theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, pháp luật về thi hành án dân sự hiện nay không có quy định riêng về việc xử lý cổ phiếu để thi hành án mà chỉ có quy định về thu giữ, xử lý giấy tờ có giá để thi hành án. Tuy nhiên, rà soát các quy định pháp luật hiện tại, không có quy định nào xác định “cổ phiếu là giấy tờ có giá”, do vậy mà việc xác định cổ phiếu có phải là giấy tờ có giá hay không vẫn đang có những quan điểm cách hiểu khác nhau. Trước đây tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, quy định: “Giấy tờ có giá bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, séc, chứng chỉ quỹ, giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật, trị giá được thành tiền và được phép giao dịch”. Tuy nhiên, hai Nghị định này hiện nay đã được thay thế bởi Nghị định số 21/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, trong Nghị định này đã không còn đưa ra khái niệm về giấy tờ có giá (bao gồm cổ phiếu) như trước đây.
* Rà soát các quy định pháp luật có liên quan có một số quy định như sau:
+ Bộ luật Dân sự năm 2015 (Điều 105 khoản 1) quy định về Tài sản: “1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”;
+ Điểm a khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định “Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần”. Khoản 1 Điều 121 Luật Doanh nghiệp năm 2020 giải thích về cổ phiếu như sau: “Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó”.
+ Luật Chứng khoán quy định: “Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây: a) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ” (Điều 1 khoản 1 điểm a);
“Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành”.
+ Khoản 8 Điều 6 của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định: “giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”.
+ Thông tư 16/2022/TT-NHNN ngày 30/11/2022 quy định về việc lưu ký và sử dụng giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại khoản 1 Điều 3 quy định: “Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác. Giấy tờ có giá bao gồm: giấy tờ có giá loại ghi sổ (dưới hình thức bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử) và giấy tờ có giá loại chứng chỉ”.
+ Thông tư số 01/2021/TT-NHNN ngày 31/3/2021 của Ngân hàng nhà nước quy định về phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đối tượng điều chỉnh của Thông tư này quy định việc phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi; phát hành, chào bán trái phiếu trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để huy động vốn trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Đối tượng phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu (sau đây gọi là giấy tờ có giá) theo quy định tại Điều 3 Thông tư này.
Từ các quy định pháp luật nêu trên có thể thấy chưa có quy định chung về giấy tờ có giá gồm những loại giấy tờ nào.
* Khó khăn trong thủ tục phong tỏa tài khoản chứng khoán, xử lý cổ phiếu đã niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán để thi hành án:
+ Theo pháp luật về chứng khoán hiện nay, khi thực hiện hoạt động đầu tư, giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư phải mở tài khoản tại công ty chứng khoán (Điều 15 Thông tư 121/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ Tài chính, Điều 6 Thông tư 120/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ Tài chính). Đồng thời, pháp luật chứng khoán quy định Công ty chứng khoán không được nhận lệnh, thanh toán giao dịch với người không phải là người đứng tên tài khoản giao dịch mà không có ủy quyền của người đứng tên tài khoản bằng văn bản. Công ty chứng khoán không được lạm dụng tiền của khách hàng dưới mọi hình thức. Các giao dịch liên quan đến tiền của khách hàng chỉ được phép thực hiện theo quy định của pháp luật.
+ Cũng theo quy định pháp luật chứng khoán thì việc thực hiện giao dịch bán/chuyển quyền sở hữu chứng khoán trên tài khoản của nhà đầu tư bao gồm Chủ tài khoản (là nhà đầu tư), người được chủ tài khoản ủy quyền giao dịch hoặc theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền (Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự). Do vậy, để thực hiện theo phương thức giao dịch qua hệ thống của sở giao dịch chứng khoán cơ quan thi hành án dân sự phải thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu chứng khoán từ đối tượng phải thi hành án sang cơ quan thi hành án dân sự. Sau đó, cơ quan thi hành án dân sự thực hiện bán cổ phiếu căn cứ vào tình hình thực tế tại ngày giao dịch. Cơ quan thi hành án dân sự không thể ra quyết định “thu giữ” chứng khoán trên sàn giao dịch chứng khoán như những loại tài sản hữu hình vì nó tồn tại dưới dạng dữ liệu điện tử hoặc bút toán ghi sổ.
* Khó khăn vướng mắc trong cách hiểu và áp dụng quy định Luật thi hành án dân sự và Luật doanh nghiệp liên quan đến “phần vốn góp” tại doanh nghiệp của người phải thi hành án:
Điều 92 Luật THADS quy định về kê biên vốn góp: “1. Chấp hành viên yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức nơi người phải thi hành án có vốn góp cung cấp thông tin về phần vốn góp của người phải thi hành án để kê biên phần vốn góp đó. Trong trường hợp cần thiết, Chấp hành viên yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác định phần vốn góp của người phải thi hành án; trưng cầu tổ chức, cá nhân có chuyên môn xác định phần giá trị vốn góp của người phải thi hành án để cưỡng chế thi hành án”.
Tuy nhiên, khoản 27 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 định nghĩa: “phần vốn góp là tổng giá trị tài sản của một thành viên đã góp hoặc cam kết góp vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh. Tỷ lệ phần vốn góp là tỷ lệ giữa phần vốn góp của một thành viên và vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh”.
Quy định của Luật doanh nghiệp nêu trên khi nói đến “phần vốn góp” là chỉ bao gồm tài sản của tổ chức, cá nhân đã góp hoặc cam kết góp vào công ty TNHH, công ty hợp danh mà không bao gồm loại hình công ty cổ phần. Điều này có thể gây bất cập, khó khăn, vướng mắc khi Chấp hành viên yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức nơi người phải thi hành án có vốn góp cung cấp thông tin về phần vốn góp của người phải thi hành án để kê biên phần vốn góp đó.
* Khó khăn trong việc bán cổ phiếu để thi hành án
+ Hiện nay việc bán tài sản là giấy tờ có giá để thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 83 Luật Thi hành án dân sự. Tuy nhiên, tại điều luật này cũng chỉ quy định rất chung chung “Việc bán giấy tờ có giá được thực hiện theo quy định của pháp luật” nhưng lại không dẫn chiếu đến quy định pháp luật nào, hoặc chưa có hướng dẫn cụ thể nên việc bán cổ phiếu để thi hành án dân sự hiện nay làm cho Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự chưa thống nhất trong quá trình áp dụng.
+ Việc thẩm định giá cổ phiếu, xác định giá khởi điểm làm cơ sở bán cổ phiếu cũng tồn tại nhiều khó khăn bất cập. Thực tiễn cho thấy việc xác định giá cổ phiếu khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều so với thẩm định giá trị các loại tài sản khác. Đối với cổ phiếu đã giao dịch trên thị trường chứng khoán thì giá thị trường của cổ phiếu biến động, thay đổi liên tục, có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị sổ sách của doanh nghiệp. Đối với cổ phần/cổ phiếu khác chưa niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoãn thì khoản 14 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020 quy định “Giá thị trường của phần vốn góp hoặc cổ phần là giá giao dịch trên thị trường tại thời điểm liền kề trước đó, giá thỏa thuận giữa người bán và người mua hoặc giá do một tổ chức thẩm định giá xác định”. Việc xác định giá trị tài sản là cổ phần, phần vốn góp trong trường hợp này cũng vô cùng khó khăn, nhất là khi xác định giá giao dịch trên thị trường, giá thỏa thuận giữa người bán và người mua hoặc giá do một tổ chức thẩm định giá xác định có sự khác nhau, hoặc cổ phần có giá trị âm hoặc phải thẩm định giá, phải thẩm định lại giá trị doanh nghiệp để làm cơ sở xác định giá cổ phiếu.
+ Pháp luật thi hành án dân sự hiện không có quy định cụ thể về thời điểm chốt giá cũng như giá khởi điểm để bán.
(i) Đối với giá cổ phiếu đã niêm yết, giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán thì giá biến động từng phiên, từng thời điểm hoặc có thể bị ảnh hưởng của tình hình kinh tế, thị trường theo từng ngày với biên độ giao động giá trị rất lớn. Do vậy, việc xác định thời điểm nào thực hiện việc bán (đặt lệnh bán) để hạn chế tối đa thiệt hại cho nhà đầu tư cũng như tránh rủi ro khiếu nại của người phải thi hành án dân sự nếu họ cho rằng cổ phiếu bị bán vào thời điểm giá thị trường/phiên giao dịch không thuận lợi cũng là một vấn đề đặt ra.
(ii) Đối với bán đấu giá cổ phiếu, cổ phần chưa niêm yết, đăng ký giao dịch trên Thị trường chứng khoán thì việc bán cổ phiếu cũng gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế pháp lý khi chưa có quy định về việc đấu giá cổ phiếu, cổ phần để thi hành án. Cụ thể: Luật Thi hành án dân sự hiện nay không quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thời điểm thực hiện việc đấu giá tài sản là cổ phiếu, cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp chưa lên sàn giao dịch chứng khoán. Luật đấu giá hiện nay cũng không quy định về việc đấu giá đối với cổ phần, cổ phiếu, phần vốn góp theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Khoản 2 Điều 3 Luật Đấu giá hiện nay chỉ quy định “việc đấu giá đối với chứng khoán được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán” và pháp luật chứng khoán xác định giá cổ phiếu giao dịch trên Thị trường chứng khoán trên cơ sở khớp lệnh; đồng thời điểm g khoản 1 Điều 46 Luật Chứng khoán chỉ quy định một trong các quyền của sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam là “cung cấp dịch vụ đấu giá, đấu thầu” và việc cung cấp dịch vụ này dựa trên các quy định pháp luật có liên quan.
Ngoài ra, trình tự, thủ tục bán cổ phần, cổ phiếu để thi hành án dân sự còn phụ thuộc rất nhiều vào các quy định pháp luật khác có liên quan như: nếu là cổ phần theo Luật doanh nghiệp thì phải xác định các vấn đề có liên quan như giá trị doanh nghiệp, cổ phần đó là cổ phần phổ thông hay cổ phần ưu đãi do hiện Luật Doanh nghiệp không có ngoại trừ việc bán theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan thi hành án dân sự. Do vậy, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự thiếu về cơ sở pháp lý cho việc xử lý, bán cổ phiếu, cổ phần để thi hành án dân sự trong trường hợp người phải thi hành án là cổ đông của Công ty cổ phần mà cổ phiếu chưa phát hành ra thị trường chứng khoán. Trên thực tế hiện nay các cơ quan thi hành án dân sự và Chấp hành viên khi xử lý, bán cổ phiếu của người phải thi hành án thì thường phải trao đổi với các cơ quan chuyên môn có liên quan để thống nhất đưa ra hướng xử lý cho từng vụ việc cụ thể mà chưa có sự thống nhất, hướng dẫn chung.
Mặt khác, Điều 183 Luật Thi hành án dân sự đã quy định: “Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật; hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước”.
Như vậy, việc quy định hướng dẫn trình tự, thủ tục xử lý chứng khoán, cổ phần, cổ phiếu, phần vốn góp là cần thiết trong quá trình tổ chức thi hành án.
2. Đề xuất hoàn thiện thể chế
Với xu thế phát triển kinh tế hiện nay, việc các cơ quan THADS phải xử lý các loại tài sản là cổ phần, cổ phiếu, vốn góp ngày càng phổ biến. Để có hành lang pháp lý giúp Chấp hành viên có cơ sở thực hiện đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, tác giả đề xuất hoàn thiện thể chế pháp luật THADS theo hướng quy định rõ từng loại chứng khoán đang niêm yết hoặc đang đăng ký giao dịch tại các sở giao dịch chứng khoán; chứng khoán chưa niêm yết, chưa đăng ký giao dịch và đã đăng ký tập trung tại VSDC hoặc đang niêm yết, đăng ký giao dịch nhưng không được bán theo quy định và cổ phần, phần vốn góp, giấy tờ có giá khác, cụ thể:
- Đối với Việc xử lý chứng khoán đang niêm yết hoặc đang đăng ký giao dịch tại các sở giao dịch chứng khoán được thực hiện như sau:
+ Chấp hành viên ra quyết định phong tỏa chứng khoán gửi Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (sau đây được viết tắt là VSDC) và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định tại Điều 67 Luật Thi hành án dân sự. Sau khi nhận được quyết định của Chấp hành viên, VSDC thực hiện phong tỏa chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán và gửi thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự và thành viên lưu ký.
Quyết định phong tỏa chứng khoán gồm những nội dung sau: nội dung yêu cầu phong tỏa chứng khoán; họ và tên, số và ngày cấp chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân đối với cá nhân; tên, số và ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương đối với pháp nhân; mã chứng khoán và số lượng chứng khoán đề nghị phong tỏa.
+ Chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý chứng khoán theo quy định tại khoản 3 Điều 71 Luật Thi hành án dân sự.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày được thông báo hợp lệ quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý chứng khoán, đương sự được thỏa thuận về việc bán chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thông báo bằng văn bản cho cơ quan thi hành án dân sự về việc thỏa thuận đó.
Hết thời hạn trên, cơ quan thi hành án dân sự ban hành văn bản yêu cầu VSDC chuyển chứng khoán đã kê biên sang cơ quan thi hành án dân sự. Trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm nhận được văn bản yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự, VSDC phải thực hiện việc chuyển chứng khoán. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày hoàn tất việc chuyển chứng khoán, Chấp hành viên thực hiện việc bán theo thỏa thuận của đương sự. Trường hợp đương sự không thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì Chấp hành viên thực hiện bán chứng khoán theo phương thức khớp lệnh với mức giá nằm trong biên độ giá giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán tại ngày thực hiện.
Trường hợp chủ động ra quyết định thi hành án thì ngay sau khi ban hành quyết định cưỡng chế kê biên, cơ quan thi hành án dân sự ban hành văn bản yêu cầu VSDC chuyển chứng khoán đã kê biên sang cơ quan thi hành án dân sự và thực hiện việc bán chứng khoán theo phương thức khớp lệnh với mức giá nằm trong biên độ giá giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán tại ngày thực hiện.
- Đối với chứng khoán chưa niêm yết, chưa đăng ký giao dịch và đã đăng ký tập trung tại VSDC hoặc đang niêm yết, đăng ký giao dịch nhưng không được bán theo quy định tại khoản 5 Điều này, Chấp hành viên thực hiện phong tỏa theo quy định tại Điều 67 Luật Thi hành án dân sự; ra quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản theo quy định tại khoản 3 Điều 71 Luật Thi hành án dân sự. Trình tự, thủ tục định giá, bán chứng khoán được thực hiện theo quy định tại Điều 98, Điều 99, Điều 101 và quy định khác tại Luật Thi hành án dân sự, pháp luật về bán đấu giá tài sản và pháp luật khác có liên quan. Sau khi bán chứng khoán, Chấp hành viên gửi văn bản yêu cầu VSDC thực hiện chuyển giao quyền sở hữu chứng khoán cho người mua theo quy định của Nghị định này.
- Đối với cổ phần, phần vốn góp không thuộc quy định khoản 5, khoản 6 Điều này và giấy tờ có giá thì Chấp hành viên kê biên, xử lý theo quy định tại Điều 71, Điều 83, Điều 92, Điều 98, Điều 99, Điều 101 và quy định khác tại Luật Thi hành án dân sự, pháp luật về bán đấu giá tài sản, pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan. Khi ra quyết định kê biên, Chấp hành viên đồng thời ban hành văn bản thông báo về việc kê biên tài sản đó cho doanh nghiệp nơi người phải thi hành án góp vốn và các cơ quan, tổ chức có liên quan để ngăn chặn việc chuyển quyền sở hữu, thay đổi hiện trạng tài sản cho đến khi có quyết định của cơ quan thi hành án dân sự.
Đậu Thị Hiền, Vụ Nghiệp vụ 1