Một số vướng mắc, bất cập và đề xuất hoàn thiện một số quy định về lựa chọn tổ chức đấu giá và xử lý kết quả bán đấu giá tài sản trong THADS

28/10/2024


1.  Về lựa chọn tổ chức bán đấu giá: Khoản 2 Điều 101 Luật Thi hành án dân sự quy định “...Đương sự có quyền thỏa thuận về tổ chức bán đấu giá trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày định giá. Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản với tổ chức bán đấu giá do đương sự thỏa thuận. Trường hợp đương sự không thỏa thuận được thì Chấp hành viên lựa chọn tổ chức bán đấu giá để ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản”. Trường hợp tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản chưa có tổ chức bán đấu giá hoặc có nhưng tổ chức bán đấu giá từ chối ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản thì Chấp hành viên bán đấu giá tài sản kê biên.
Tuy nhiên, hiện nay pháp luật về bán đấu giá tài sản quy định về việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá theo quy định tại Điều 56 Luật Đấu giá tài sản và Điều 4 Thông tư 02/2022/TT-BTP ngày 08/2/2022 hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản thì “Sau khi có quyết định của người có thẩm quyền về việc đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của mình và Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản với đầy đủ tiêu chí quy định tại Điều 3 và Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này”.
Hiện nay, đang phát sinh hai quan điểm khác nhau trong việc áp dụng tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá theo Luật Thi hành án dân sự và Luật Đấu giá tài sản: Quan điểm thứ nhất cho rằng áp dụng quy định của pháp luật về thi hành án dân sự thì chỉ được lựa chọn tổ chức trên địa bàn nơi có tài sản bán đấu giá để bảo đảm tính thuận tiện, phù hợp trong công tác bán tài sản; quan điểm thứ hai cho rằng phải áp dụng quy định của pháp luật về đấu giá để lựa chọn tổ chức đủ điều kiện mà không giới hạn địa giới hành chính để bảo đảm tính công khai, minh bạch.
Do đó, đề xuất sửa đổi bổ sung khoản 1 Điều 27 quy định bổ sung về tiêu chuẩn lựa chọn tổ chức bán đấu giá theo hướng trường hợp đương sự không thỏa thuận được thì Chấp hành viên lựa chọn tổ chức bán đấu giá để ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản theo pháp luật về đấu giá tài sản mà không giới hạn việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá trên địa bàn có tài sản để đảm bảo tính cạnh tranh, công khai, minh bạch của hoạt động này: “1. Trường hợp đương sự không thỏa thuận được việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản thì Chấp hành viên lựa chọn theo pháp luật về đấu giá tài sản.
Trước khi bán đấu giá tài sản lần đầu đối với tài sản thuộc sở hữu chung mà có nhiều chủ sở hữu chung đề nghị mua phần tài sản của người phải thi hành án theo giá đã định thì Chấp hành viên thông báo cho các chủ sở hữu chung đó thỏa thuận người được quyền mua. Nếu không thỏa thuận được thì Chấp hành viên tổ chức bốc thăm để chọn ra người được mua tài sản.”
2. Về hủy Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá: tại đoạn 3 khoản 4 Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định “trường hợp đến hạn theo hợp đồng bán đấu giá tài sản mà không giao được tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá thì người này có quyền yêu cầu hủy bỏ hợp đồng”. Tuy nhiên, thực tế quá trình tổ chức thi hành án hiện nay những trường hợp người mua trúng đấu giá không nộp đủ tiền hoặc không đúng thời hạn theo quy định tại khoản Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP như sau: “Người mua được tài sản bán đấu giá phải nộp tiền vào tài khoản của cơ quan thi hành án dân sự trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày đấu giá thành và không được gia hạn thêm” thì chưa có cơ chế quy định cho cơ quan thi hành án dân sự (người có tài sản bán đấu giá) được hủy hợp đồng mua bán.
Do đó, đề xuất sửa đoạn 2 khoản 3 Điều 27 quy định bổ sung hủy hợp đồng mua bán tài sản thi hành án theo hướng:
“Người mua được tài sản bán đấu giá phải nộp tiền vào tài khoản của cơ quan thi hành án dân sự trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày đấu giá thành và không được gia hạn thêm. Trường hợp người mua được tài sản đấu giá không nộp hoặc nộp không đủ tiền mua tài sản trong thời hạn quy định thì cơ quan thi hành án dân sự căn cứ quy định của pháp luật hủy bỏ giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, hủy bỏ hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc yêu cầu Tòa án hủy bỏ theo quy định của pháp luật”.
3. Về thời hạn giao tài sản bán đấu giá thành: Tại đoạn 3 khoản 3 Điều 27 quy định: “Trong thời hạn không quá 30 ngày, trường hợp khó khăn, phức tạp thì không quá 60 ngày, kể từ ngày người mua được tài sản nộp đủ tiền, cơ quan thi hành án dân sự phải tổ chức việc giao tài sản cho người mua được tài sản, trừ trường hợp có sự kiện bất khả kháng...”.
Quy định “trường hợp khó khăn, phức tạp” nêu trên chưa thật cụ thể, rõ ràng, dẫn đến cách hiểu và thực hiện khác nhau, có thể dẫn đến bị lợi dụng để hình thành cơ chế “xin - cho” trong việc giao tài sản cho người mua trúng đấu giá tài sản thi hành án hoặc kéo dài thời hạn giao tài sản cho người mua trúng tài sản đấu giá để thi hành án.
Mặt khác, việc giao tài sản cho người mua trúng đấu giá còn phụ thuộc nhiều yếu tố như: trước khi cưỡng chế giao tài sản, Chấp hành viên thông báo cho đương sự, người quản lý tài sản tự nguyện giao trong thời hạn nhất định. Trường hợp họ không tự nguyện, Chấp hành viên phải xây dựng kế hoạch cưỡng chế, phối hợp với chính quyền địa phương sắp xếp nơi ở cho người phải thi hành án, người thân thích; phối hợp với cơ quan công an lên kế hoạch bảo vệ cưỡng chế, tình hình an ninh, trận tự tại địa phương; có trường hợp phải báo cáo Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự để xin chủ trương, chính sách nếu người phải thi hành án, nhân thân của họ là đối tượng chính sách, người có công.
Mặt khác, việc giới hạn thời hạn 30 ngày như hiện hành sẽ dẫn đến việc chậm giao tài sản vì lý do khách quan là sự phối hợp, chuẩn bị cưỡng chế của các cơ quan, ban ngành có liên quan.
Do đó, đề xuất sửa đổi đoạn 3 khoản 3 Điều 27 quy định cụ thể về thời hạn tối đa cơ quan thi hành án dân sự phải giao tài sản cho người mua trúng đấu giá theo hướng không quy định trường hợp khó khăn, phức tạp nhằm bao quát được các tình huống có thể xảy ra trên thực tế hạn chế các trường hợp khiếu nại, tố cáo kéo dài mà quy định:
“Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày người mua được tài sản đấu giá nộp đủ tiền, cơ quan thi hành án dân sự tổ chức việc giao tài sản cho người mua được tài sản đấu giá, trừ trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Tổ chức đấu giá tài sản có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong việc giao tài sản cho người mua được tài sản đấu giá. Tổ chức, cá nhân cản trở, can thiệp trái pháp luật dẫn đến việc chậm giao tài sản bán đấu giá thành mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.”
4. Về việc xác định khoản lãi tiền gửi của số tiền bán đấu giá thành tài sản trong thời gian chưa giao được tài sản cho người mua trúng đấu giá: Hiện nay, theo quy định tại khoản 4 Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP có hai cách hiểu khác nhau về chủ thể được hưởng khoản tiền lãi từ số tiền người mua trúng đấu giá nộp, cụ thể:
Ý kiến thứ nhất: Không giao được tài sản là trường hợp kết quả bán đấu giá, hợp đồng mua bán tài sản bị cơ quan có thẩm quyền hủy hoặc thỏa thuận hủy theo quy định của pháp luật thì phần lãi đối với khoản tiền gửi thuộc về người mua trúng đấu giá. Trong trường hợp chậm giao tài sản cho người mua trúng đấu giá (từ ngày thứ 61 đến thời điểm giao được tài sản), thì phần lãi tiền gửi được cộng vào số tiền gửi ban đầu để thi hành án (vì người phải thi hành án vẫn phải chịu lãi suất chậm thi hành án).
Ý kiến thứ hai: Trong thời hạn tối đa 60 ngày, kể từ ngày người mua được tài sản nộp đủ tiền mà không có sự kiện bất khả kháng thì cơ quan thi hành án dân sự phải có trách nhiệm giao tài sản cho người mua. Trong trường hợp hết thời hạn giao tài sản theo quy định của pháp luật cơ quan thi hành án dân sự không giao được tài sản cho người mua tài sản bất kể là do bất khả kháng hoặc do trở ngại khác quan hay do lỗi của người phải thi hành án thì tiền lãi phát sinh từ khoản tiền mua tài sản đều thuộc về người mua tài sản.
Đồng thời, nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tăng ý thức chấp hành pháp luật của người dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người mua trúng đấu giá thì cũng cần có quy định về việc trường hợp người phải thi hành án, người có tài sản hoặc người đang quản lý tài sản thi hành án phải chịu mọi chi phí phát sinh, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp không tự nguyện giao tài sản, cơ quan thi hành án dân sự phải áp dụng biện pháp cưỡng chế.
Do đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung đoạn 2, đoạn 3 khoản 4 Điều 27 việc xác định khoản lãi tiền gửi của số tiền bán đấu giá thành tài sản trong thời gian chưa giao được tài sản cho người mua trúng đấu giá theo hướng trường hợp quá thời hạn theo quy định tại khoản 3 Điều này, nếu cơ quan thi hành án dân sự chưa giao được tài sản khoản lãi tiền gửi ngân hàng phát sinh từ khoản tiền mua tài sản đấu giá thuộc về người mua tài sản. Quy định này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, người mua trúng đấu giá tài sản, hạn chế tình trạng “chây ỳ” của người phải thi hành án trong việc giao tài sản, cụ thể đề xuất sửa đổi, bổ sung đoạn 2, đoạn 3 khoản 4 Điều 27 như sau:
“4. Cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc thanh toán tiền thi hành án theo quy định tại Điều 47 của Luật Thi hành án dân sự trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá.
Cơ quan thi hành án dân sự làm thủ tục đứng tên gửi số tiền đó vào ngân hàng theo hình thức tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng cho đến khi giao được tài sản, phần lãi từ tiền gửi phát sinh trong thời hạn giao tài sản theo quy định tại khoản 3 Điều này được cộng vào số tiền gửi ban đầu để thi hành án; phần lãi từ tiền gửi phát sinh ngoài thời hạn giao tài sản quy định tại khoản 3 Điều này thuộc về người mua tài sản. Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự áp dụng biện pháp cưỡng chế thì người phải thi hành án, người có tài sản hoặc người đang quản lý tài sản thi hành án phải chịu mọi chi phí cưỡng chế theo quy định tại Điều 73 của Luật Thi hành án dân sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Trường hợp đến hạn theo hợp đồng bán đấu giá tài sản mà không giao được tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá thì người này có quyền yêu cầu hủy bỏ hợp đồng theo quy định của pháp luật.”
Đậu Thị Hiền, Vụ Nghiệp vụ 1