Một số điểm mới của Nghị định số 152/NĐ-CP ngày 15/11/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2025/NĐ-CP và Nghị định số 33/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/01/2025.(Phần 1)

19/11/2024


Ngày 15/11/2024, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 152/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ. Nghị định số 152/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, trong đó có một số điểm mới cần lưu ý như sau:
1. Tại khoản 1 Điều 1 của Nghị định đã bổ sung quy định trường hợp đương sự phải thực hiện theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các trở ngại khách quan khác theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật dân sự mà không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thuộc trường hợp trở ngại khách quan trong THADS vào điểm b khoản 3 Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.
Ví dụ: trường hợp dịch bệnh, đương sự phải thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước về việc không được di chuyển ra khỏi vùng dịch hoặc phải thực hiện cách ly thì sẽ thuộc trường hợp được tính là trở ngại khách quan.
2. Tại khoản 2 Điều 1 Nghị định bổ sung quy định mở rộng phạm vi chứng kiến thỏa thuận của Chấp hành viên ngoài trụ sở cơ quan THADS vào khoản 4 Điều 5 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, cụ thể: Việc chứng kiến thỏa thuận được thực hiện tại trụ sở cơ quan thi hành án dân sự. Đối với các trường hợp thỏa thuận giao quyền sử dụng đất, giao nhà, tài sản gắn liền với đất; giao quyền nuôi dưỡng người chưa thành niên; giao quyền thăm nom, chăm sóc người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người không có khả năng lao động thì Chấp hành viên chứng kiến ngoài trụ sở cơ quan nếu đương sự yêu cầu.
3. Tại khoản 3 Điều 1 Nghị định bổ sung khoản 7 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định Chấp hành viên có thể xác minh thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ 4.0 thì cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu quốc gia về đất đai và các cơ sở dữ liệu khác là một bước tiến mới trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước và phục vụ người dân, góp phần chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số, công dân số. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mang lại nhiều lợi ích như: Giảm thiểu chi phí và thời gian khi làm các thủ tục hành chính liên quan đến thông tin cá nhân; tăng cường tính minh bạch và công khai trong quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Do đó, quy định cho Chấp hành viên có thể xác minh thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định của pháp luật. Kết quả xác minh là một trong những căn cứ để tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự nhằm giảm tải chi phí, thời gian, hiệu quả hơn, có thể sử dụng một trong những căn cứ để tổ chức thi hành án.
4. Tại khoản 4 Điều 1 Nghị định bổ sung quy định thông báo thi hành án qua VNeID hoặc Trang thông tin điện tử của Cục Thi hành án dân sự và Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp khoản 1 Điều 12 Nghị định 62/2015/NĐ-CP như sau:
Thực tiễn công tác THADS hiện nay, phát sinh nhiều vụ việc mà đương sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có số lượng nhiều, địa chỉ ở rải rác khắp cả nước nên việc thực hiện thông báo thi hành án theo quy định tại Điều 39, 40, 41, 42 Luật THADS gặp khó khăn. Trình tự, thủ tục thi hành án phát sinh nhiều văn bản, nếu thực hiện thông báo như quy định hiện hành phát sinh chi phí, thời gian, nhân lực và không bảo đảm đúng quy định pháp luật. Mặt khác, hiện nay ứng dụng VNeID có nhiều tiện ích trong đó có tiện ích nhận thông báo để phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội nên nếu có quy định để thực hiện thông báo thi hành án trên VNeID thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi tiếp cận thông tin thi hành án.
Do đó, để giảm tải thủ tục, rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án, Nghị định đã bổ sung quy định việc thông báo về thi hành án theo quy định tại Điều 40, Điều 41, Điều 42 của Luật Thi hành án dân sự được thực hiện lần đầu. Trường hợp người được thông báo đồng ý thì từ lần thông báo thứ hai trở đi, cơ quan thi hành án dân sự có thể thực hiện thông báo qua VNeID hoặc Trang thông tin điện tử của Cục Thi hành án dân sự và Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp. Nếu người được thông báo không đồng ý về hình thức thông báo từ lần thứ hai trở đi thì cơ quan thi hành án dân sự thực hiện thông báo theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.
5. Tại khoản 5 Điều 1 Nghị định bổ sung quy định xử lý chứng khoán, cổ phần, phần vốn góp và giấy tờ có giá trong THADS như sau:
“5. Việc xử lý chứng khoán đang niêm yết hoặc đang đăng ký giao dịch tại các sở giao dịch chứng khoán được thực hiện như sau:
a) Chấp hành viên ra quyết định phong tỏa chứng khoán gửi Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (sau đây được viết tắt là VSDC) và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định tại Điều 67 của Luật Thi hành án dân sự. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định của Chấp hành viên, VSDC thực hiện phong tỏa chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán và gửi thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự và thành viên lưu ký.
Quyết định phong tỏa chứng khoán gồm những nội dung sau: nội dung yêu cầu phong tỏa chứng khoán; họ và tên, số và ngày cấp chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân đối với cá nhân; tên, số và ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương đối với pháp nhân; mã chứng khoán và số lượng chứng khoán đề nghị phong tỏa.
b) Chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý chứng khoán theo quy định tại khoản 3 Điều 71 của Luật Thi hành án dân sự.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày được thông báo hợp lệ quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý chứng khoán, đương sự được thỏa thuận về việc bán chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thông báo bằng văn bản cho cơ quan thi hành án dân sự về việc thỏa thuận đó.
Hết thời hạn trên, cơ quan thi hành án dân sự ban hành văn bản yêu cầu VSDC chuyển chứng khoán đã kê biên sang cơ quan thi hành án dân sự. Cơ quan thi hành án dân sự có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật đối với số chứng khoán đã nhận. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự, VSDC phải thực hiện việc chuyển chứng khoán. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày hoàn tất việc chuyển chứng khoán, Chấp hành viên thực hiện việc bán theo thỏa thuận của đương sự. Trường hợp đương sự không thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì Chấp hành viên thực hiện bán chứng khoán theo phương thức khớp lệnh với mức giá tham chiếu theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Trường hợp chủ động ra quyết định thi hành án thì ngay sau khi ban hành quyết định cưỡng chế kê biên, cơ quan thi hành án dân sự ban hành văn bản yêu cầu VSDC chuyển chứng khoán đã kê biên sang cơ quan thi hành án dân sựthực hiện việc bán chứng khoán theo phương thức khớp lệnh với mức giá tham chiếu theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
6. Việc xử lý chứng khoán chưa niêm yết, chưa đăng ký giao dịch và đã đăng ký tập trung tại VSDC hoặc đang niêm yết, đăng ký giao dịch nhưng không bán được theo quy định tại khoản 5 Điều này, Chấp hành viên thực hiện phong tỏa theo quy định tại Điều 67 của Luật Thi hành án dân sự; ra quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản theo quy định tại khoản 3 Điều 71 của Luật Thi hành án dân sự. Trình tự, thủ tục định giá, bán chứng khoán được thực hiện theo quy định tại Điều 98, Điều 99, Điều 101 và quy định khác của Luật Thi hành án dân sự, pháp luật về bán đấu giá tài sản và pháp luật khác có liên quan. Sau khi bán chứng khoán, cơ quan thi hành án dân sự gửi văn bản yêu cầu VSDC thực hiện chuyển quyền sở hữu chứng khoán cho người mua theo quy định của pháp luật.
7. Việc xử lý chứng khoán, cổ phần, phần vốn góp không thuộc quy định khoản 5, khoản 6 Điều này và giấy tờ có giá thì Chấp hành viên kê biên, xử lý theo quy định tại Điều 71, Điều 83, Điều 92, Điều 98, Điều 99, Điều 101 và quy định khác của Luật Thi hành án dân sự, pháp luật về bán đấu giá tài sản, pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan. Khi ra quyết định kê biên, Chấp hành viên đồng thời ban hành văn bản thông báo về việc kê biên tài sản đó cho doanh nghiệp nơi người phải thi hành án góp vốn và các cơ quan, tổ chức có liên quan để ngăn chặn việc chuyển quyền sở hữu, thay đổi hiện trạng tài sản cho đến khi có quyết định của cơ quan thi hành án dân sự.”
Như vậy, Nghị định đã bổ sung quy định hướng dẫn trình tự, thủ tục xử lý tài sản đặc thù là chứng khoán, cổ phần, cổ phiếu, phần vốn góp nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập và thực hiện nhiệm vụ được Thủ trướng Chính phủ giao tại Quyết định số 17/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự đối với các bản án, quyết định kinh doanh, thương mại. Theo đó, cơ quan THADS cần lưu ý đối với các loại tài sản (chứng khoán đang niêm yết hoặc đang đăng ký giao dịch tại các sở giao dịch chứng khoán; chứng khoán chưa niêm yết, chưa đăng ký giao dịch và đã đăng ký tập trung tại VSDC hoặc đang niêm yết, đăng ký giao dịch nhưng không bán được theo quy định tại khoản 5 Điều này; chứng khoán, cổ phần, phần vốn góp không thuộc quy định khoản 5, khoản 6 Điều này và giấy tờ có giá) để áp dụng thống nhất theo quy định nêu trên.
6. Bổ sung biện pháp nhằm hạn chế người phải thi hành án tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ gây khó khăn cho quá trình tổ chức thi hành án dân sự khi cơ quan thi hành án dân sự kê biên, xử lý tài sản tương ứng với nghĩa vụ và chi phí thi hành án.
Tại khoản 5 Điều 1 Nghị định bổ sung khoản 8 Điều 13 như sau:
“8. Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đang áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và chi phí thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều này mà người phải thi hành án còn tài sản khác thì Chấp hành viên có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền liên quan thông báo ngay cho cơ quan thi hành án dân sự khi phát sinh các giao dịch đối với tài sản đó để phối hợp xử lý theo quy định pháp luật.”
Thực tiễn công tác THADS cho thấy, trong nhiều trường hợp cơ quan THADS đã kê biên tài sản tương ứng nghĩa vụ thi hành án nhưng quá trình xử lý, giá trị tài sản không còn đáp ứng điều kiện tương ứng nghĩa vụ thi hành án và chi phí xử lý tài sản thi hành án (lý do: biến động giá, do bán đấu giá nhiều lần không có người mua nên phải giảm giá; tài sản có tranh chấp được Toà án thụ lý giải quyết kéo dài...), trong khi người phải thi hành án vẫn còn tài sản khác thì họ đã thực hiện việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với các tài sản khác, dẫn đến việc nếu tài sản trước đó Chấp hành viên kê biên tương ứng nhưng không đủ, không còn căn cứ để kê biên tiếp thì việc xử lý tài sản khác gặp khó khăn.
Ví dụ: Người phải thi hành án có ba tài sản, Chấp hành viên kê biên tài sản thứ nhất (tương ứng). Tuy nhiên, quá trình xử lý tài sản bán nhiều lần không thành, giá trị tài sản giảm không đủ thi hành nghĩa vụ và chi phí cưỡng chế. Chấp hành viên không có căn cứ để tiếp tục xử lý 2 tài sản còn lại hoặc khi có căn cứ xử lý thì các tài sản này đương sự đã thực hiện giao dịch khác dẫn đến khó khăn trong việc xử lý.
Do đó, Nghị định đã bổ sung quy định đối với các trường hợp này Chấp hành viên có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền liên quan thông báo ngay cho cơ quan thi hành án dân sự khi phát sinh các giao dịch đối với tài sản đó để phối hợp xử lý theo quy định pháp luật. Tùy vào từng vụ việc, cơ quan THADS có thể thực hiện ngăn chặn để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án.(còn tiếp)
Đậu Thị Hiền, Vụ NV1