Một số điểm mới của Nghị định số 152/NĐ-CP ngày 15/11/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2025/NĐ-CP và Nghị định số 33/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/01/2025.(Phần 2)

19/11/2024


7. Bổ sung quy định hướng dẫn thủ tục chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án theo quy định tại Điều 54 Luật THADS tại Điều 15 như sau:
3. Việc ra quyết định chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 54 của Luật Thi hành án dân sự phải trên cơ sở quyết định của cơ quan có thẩm quyền, phù hợp với pháp luật về thi hành án dân sự và pháp luật khác có liên quan.
Khi thực hiện chuyển giao quyền, nghĩa vụ theo Điều 54 của Luật Thi hành án dân sự, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thu hồi quyết định thi hành án cũ, ra quyết định thi hành án mới tương ứng với phần quyền, nghĩa vụ được chuyển giao và phần quyền chưa được chuyển giao (nếu có).”
Như vậy, Nghị định đã bổ sung quy định khi thực hiện chuyển giao quyền, nghĩa vụ theo Điều 54 của Luật Thi hành án dân sự, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thu hồi quyết định thi hành án cũ, ra quyết định thi hành án mới tương ứng với phần quyền, nghĩa vụ được chuyển giao và phần quyền chưa được chuyển giao (nếu có) để thống nhất áp dụng đối với các trường hợp chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án.
8. Bổ sung một số quy định hướng dẫn liên quan đến lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản và xử lý kết quả bán đấu giá.
- Bổ sung quy định trường hợp đương sự không thỏa thuận được việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản thì Chấp hành viên lựa chọn theo pháp luật về đấu giá tài sản tại khoản 1 Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP để phù hợp với pháp luật về đấu giá. Như vậy, kể từ thời điểm Nghị định này có hiệu lực thì cơ quan THADS thực hiện lựa chọn tổ chức đấu giá theo quy định của pháp luật về đấu giá, không bị hạn chế địa giới hành chính như quy định trước đây.
- Bổ sung quy định quyền hủy hợp đồng mua bán của cơ quan THADS trong trường hợp người mua trúng đấu giá không nộp hoặc nộp không đủ tiền mua tài sản đấu giá tại khoản 3 Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP như sau: “Người mua được tài sản bán đấu giá phải nộp tiền vào tài khoản của cơ quan thi hành án dân sự trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày đấu giá thành và không được gia hạn thêm. Trường hợp người mua được tài sản đấu giá không nộp hoặc nộp không đủ tiền mua tài sản trong thời hạn quy định thì cơ quan thi hành án dân sự căn cứ quy định của pháp luật hủy bỏ giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, hủy bỏ hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc yêu cầu Tòa án hủy bỏ theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trường hợp người mua được tài sản đấu giá không nộp hoặc nộp không đủ tiền mua tài sản trong thời hạn quy định thì hợp đồng mua bán tài sản đấu giá bị hủy bỏ hoặc yêu cầu Tòa án hủy bỏ nhằm ràng buộc trách nhiệm của người mua tài sản đấu giá và tạo cơ sở để cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục xử lý tài sản theo quy định của pháp luật.
- Sửa đổi thời hạn giao tài sản cho người mua trúng đấu giá tại khoản 3 Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP như sau: Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày người mua được tài sản đấu giá nộp đủ tiền, cơ quan thi hành án dân sự tổ chức việc giao tài sản cho người mua được tài sản đấu giá, trừ trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.
Như vậy, Nghị định hiện hành đã sửa đổi bổ sung quy định trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày người mua được tài sản đấu giá nộp đủ tiền thay vì quy định trong thời hạn không quá 30 ngày, trường hợp khó khăn, phức tạp thì không quá 60 ngày, kể từ ngày người mua được tài sản nộp đủ tiền như trước đây.
- Bổ sung quy định hướng dẫn xử lý đối với khoản tiền lãi phát sinh từ khoản tiền mua tài sản đấu giá Nghị định quy định 2 trường hợp:
+ Phần lãi từ tiền gửi phát sinh trong thời hạn giao tài sản theo quy định (60 ngày) được cộng vào số tiền gửi ban đầu để thi hành án.
+ Phần lãi từ tiền gửi phát sinh ngoài thời hạn giao tài sản quy định tại khoản 3 Điều này thuộc về người mua tài sản. Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự áp dụng biện pháp cưỡng chế thì người phải thi hành án, người có tài sản hoặc người đang quản lý tài sản thi hành án phải chịu mọi chi phí cưỡng chế theo quy định tại Điều 73 của Luật Thi hành án dân sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
9. Sửa đổi, bổ sung trình tự, thủ tục (cơ quan có thẩm quyền, thời hạn) trong trường hợp không thu hồi được Giấy chứng nhận theo quy định tại khoản 4 Điều 106 Luật THADS để phù hợp với Luật Đất đai năm 2024, Nghị định số 101/2024/NĐ-CP ngày 29/7/2024 của Chính phủ và pháp luật liên quan tại khoản 2 Điều 28 như sau:
“2. Trường hợp tài sản là quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã được cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật mà không thu hồi được Giấy chứng nhận thì thực hiện như sau:
a) Cơ quan thi hành án dân sự gửi văn bản kiến nghị thu hồi Giấy chứng nhận đến Ủy ban nhân dân có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 136 của Luật Đất đai đối với Giấy chứng nhận được cấp lần đầu hoặc tổ chức đăng ký đất đai hoặc chi nhánh của tổ chức đăng ký đất đai quy định tại khoản 2 Điều 136 của Luật Đất đai đối với Giấy chứng nhận đã cấp khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất;
b) Trong thời hạn 25 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan có thẩm quyền nêu tại điểm a khoản 2 Điều này quyết định thu hồi, hủy Giấy chứng nhận đã cấp. Việc cấp, cấp lại Giấy chứng nhận thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.”
10. Bổ sung quy định dẫn chiếu các căn cứ để xác định trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan không tính vào thời hiệu khiếu nại để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại tại khoản 9 Điều 1 Nghị định bổ sung khoản 6 Điều 38 như sau: “Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại căn cứ quy định tại Điều 4 Nghị định này, pháp luật khác có liên quan để xác định thời gian trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng và thời gian này không tính vào thời hạn khiếu nại theo quy định tại khoản 2 Điều 140 của Luật Thi hành án dân sự.”
Tại Điều 140 Luật THADS quy định “Trường hợp do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hạn khiếu nại.” Tuy nhiên, chưa có hướng dẫn thống nhất cách thức áp dụng các trường hợp trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng để không tính vào thời hiệu khiếu nại. Như vậy, Nghị định quy định hướng dẫn thống nhất để người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại và thụ lý khiếu nại áp dụng để tính thời hiệu khiếu nại cho người khiếu nại trên tinh thần bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.
11. Bổ sung quy định hướng dẫn khoản chi phí cưỡng chế, bảo quản tài sản khi đã tiến hành tổ chức cưỡng chế xong nhưng việc thi hành án phải đình chỉ trong một số trường hợp (đương sự chết, giải thể; bản án bị hủy) là chi phí cần thiết khác do Ngân sách nhà nước trả theo Điều 73 Luật Thi hành án dân sự để phù hợp với thực tế trong quá trình tổ chức thi hành án. Theo đó, Nghị định đã bổ sung thêm cụm từ “đã tổ chức cưỡng chế xong”vào điểm e khoản 1 Điều 43 Nghị định.
12. Bổ sung quy định hướng dẫn thủ tục thanh toán tiền từ việc xử lý tài sản bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể theo quy định tại khoản 3 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự mà có nhiều người được thi hành án nhưng chỉ một hoặc một số người yêu cầu thi hành án nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự và thực hiện đúng nội dung bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật như sau:
“7. Trường hợp thanh toán tiền khi xử lý tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể theo quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Thi hành án dân sự có nhiều người được thi hành án nhưng chỉ một hoặc một số người yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự thanh toán cho những người đã yêu cầu theo tỷ lệ mà họ được nhận, số tiền còn lại gửi vào ngân hàng theo hình thức tiền gửi kỳ hạn 01 tháng, đồng thời thông báo cho những người chưa yêu cầu về quyền yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án.
Hết thời hiệu yêu cầu thi hành án mà cơ quan thi hành án dân sự không nhận được yêu cầu thì số tiền đã gửi và tiền lãi được thanh toán tiếp cho những người đã có yêu cầu thi hành án trong bản án, quyết định đó; số tiền còn lại được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác (nếu có) tính đến thời điểm thanh toán hoặc trả cho người có tài sản bị kê biên, xử lý.
Thực tiễn công tác thi hành án dân sự, có nhiều trường hợp bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể, cơ quan thi hành án dân sự sau khi thu được tiền chia tỷ lệ nhưng có nhiều người được thi hành án khác trong bản án, quyết định đó chưa làm đơn yêu cầu. Tiền theo tỷ lệ họ được nhận cơ quan thi hành án dân sự chưa có cơ sở để xử lý và bị tồn tại cơ quan thi hành án.
Do đó, Nghị định quy định bổ sung quy định trường hợp sau khi chia tỷ lệ mà người được thi hành án chưa làm đơn yêu cầu thi hành án thì cơ quan THADS gửi tiết kiệm số tiền đó và thông báo cho những người chưa yêu cầu về quyền yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án và thực hiện thanh toán theo quy định nêu trên.
13. Bãi bỏ điểm c khoản 2 Điều 24 của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự.
Quy định tại điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP gây khó khăn cho Chấp hành viên trong quá trình thực hiện bởi vì Chấp hành viên không có cơ sở để xác định được các tiêu chí thực hiện việc phân chia tài sản chung vợ chồng, hộ gia đình. Khi Chấp hành viên thực hiện khởi kiện yêu cầu Toà án thực hiện phân chia theo quy định của pháp luật tại khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự thì Toà án nhân dân các cấp không thụ lý yêu cầu vì cho rằng Chấp hành viên chưa thực hiện hết quyền theo quy định này nên không có cơ sở để thụ lý yêu cầu của Chấp hành viên. Thực tế hiện nay, tài sản thi hành án thuộc trường hợp tài sản chung vợ chồng, hộ gia đình khá phổ biến, đương sự không hợp tác dẫn đến việc thi hành án có điều kiện thi hành nhưng cơ quan thi hành án dân sự không xử lý được tài sản, đây cũng là một trong nhưng nguyên nhân dẫn đến án tồn đọng, khiếu nại tố cáo kéo dài. Đối với các vụ án kinh tế tham nhũng việc Chấp hành viên phân chia có thể dẫn đến thất thoát tài sản của Nhà nước nếu không có căn cứ để tính công sức đóng góp vào tài sản.
Do đó, theo quy định nêu trên, kể từ thời điểm Nghị định này có hiệu lực cơ quan THADS áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự để thực hiện.
14. Ngoài ra, Nghị định còn sửa đổi thẩm quyền quy định mã số, ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ, xếp lương; thẩm quyền bổ nhiệm vào ngạch, chuyển ngạch, miễn nhiệm; nội dung hình thức thi, xét nâng ngạch các ngạch Chấp hành viên, Thẩm tra viên và Thư ký thi hành án để phù hợp với khoản 6 Điều 73 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức (Điều 56, Điều 66, Điều 69, Điều 71, Điều 78); (3) Bổ sung quy định Bộ Tư pháp quyết định việc cấp phát, sử dụng trang phục, phù hiệu, cấp hiệu thi hành án dân sự (Điều 83).
Đậu Thị Hiền, Vụ Nghiệp vụ 1