Chuyên đề thứ nhất: Thi hành xong việc thi hành án bằng biện pháp tự nguyện

05/07/2011
Hiện nay không có giải thích thuật ngữ nào liên quan đến cụm từ "thi hành xong" mà chỉ có thuật ngữ "Kết thúc việc thi hành án" được quy định tại Điều 52 Luật Thi hành án dân sự. Tuy nhiên, cần lưu ý 2 thuật ngữ này là hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, không khó để hiểu thế nào là "thi hành xong". Có thể giải thích dựa vào chính quy định tại Điều 52 Luật Thi hành án dân sự như sau:


"Thi hành xong việc thi hành án là một hoạt động của Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự đã đảm bảo đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người được thi hành án và người phải thi hành án theo Quyết định thi hành án mà Chấp hành viên đang tổ chức thi hành".

Có thể giải thích thêm là tuỳ theo từng loại nghĩa vụ phải thi hành mà việc đảm bảo quyền, nghĩa vụ của các đương sự cũng khác nhau. Ví dụ như nếu Quyết định thi hành án cho thi hành khoản A phải trả cho B 100 triệu đồng thì việc thi hành án xong khi và chỉ khi A đã trả và B đã nhận được 100 triệu đồng, đồng thời B đã nộp phí thi hành án (nếu thuộc trường hợp phải chịu phí) theo quy định. Nếu nghĩa vụ là trả vật hoặc buộc phải thực hiện công việc nhất định thì việc thi hành án xong khi người được thi hành án đã nhận được vật theo quyết định thi hành án hoặc người phải thi hành án đã thực hiện xong công việc phải làm theo quyết định thi hành án... Trong trường hợp chủ động thi hành án cũng vậy, việc thi hành án chỉ được coi là xong khi người phải thi hành án đã nộp đủ khoản tiền theo quyết định thi hành án và cơ quan thi hành án đã thực hiện việc nộp khoản tiền đó vào ngân sách Nhà nước; đối với khoản hoàn trả tiền, tài sản thì việc thi hành án xong khi người được thi hành án đã nhận được khoản tiền hoặc tài sản đó.

Hiện nay, khối lượng lớn công việc cơ quan thi hành án dân sự mà cụ thể là Chấp hành viên giải quyết được chính là những việc thi hành án xong, đối với những loại việc này thường ít khiếu nại phát sinh vì đương sự đã được đảm bảo đúng quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Chính vì lý do đó nên nhiều Chấp hành viên lựa chọn hình thức này, dẫn đến đôi khi việc thi hành án kéo dài qua nhiều năm không giải quyết dứt điểm được.

Trong các quy định và hướng dẫn liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự hiện nay, để thi hành xong một việc thi hành án, có 2 biện pháp rõ ràng bao gồm tự nguyện và cưỡng chế thi hành án. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin đi vào phân tích cụ thể biện pháp tự nguyện thi hành án, đối với biện pháp cưỡng chế thi hành án sẽ được trình bày ở bài viết tiếp theo.

Điều 9 Luật Thi hành án dân sự quy định "Nhà nước khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án".

Việc đương sự tự nguyện thi hành nghĩa vụ của mình có thể nói là biện pháp hiệu quả mà tốn ít thời gian, công sức nhất. Nó giúp cho Chấp hành viên có thể giải quyết một cách nhanh chóng và "gọn gàng" nhất việc thi hành án mà không cần phải mất nhiều thời gian đôn đốc. Bất kỳ Chấp hành viên nào cũng đều mong muốn đương sự tự nguyện thi hành án nhằm giảm thiểu thời gian tổ chức đôn đốc, xác minh... để có thể tập trung vào giải quyết những vụ việc lớn, phức tạp khi mà biện pháp tự nguyện không đạt kết quả. Tuy nhiên, làm thế nào để đương sự tự nguyện thi hành án là bài toán không phải dễ giải, nhiều Chấp hành viên mặc dù có nhiều năm kinh nghiệm nhưng không thể chắc chắn rằng có thể làm cho đương sự tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình.

Để đạt hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục, thuyết phục đương sự hiểu và tự giác chấp hành pháp luật về thi hành án dân sự mà cụ thể là thực hiện nghĩa vụ của mình theo Bản án, quyết định, tôi xin đưa ra một vài ý kiến như sau:

1. Cần tìm hiểu rõ nhân thân, quan hệ gia đình của đương sự.

Ngay từ khi được giao hồ sơ thi hành án, Chấp hành viên cần nghiên cứu kỹ bản án, quyết định của Toà án để biết được các vấn đề liên quan đến đương sự như: tiền án, tiền sự để xác định thái độ của đương sự; quan hệ, đặc điểm về gia đình như: bố, mẹ, vợ, chồng cũng như nghề nghiệp của đương sự và những người trong gia đình họ để từ đó có kế hoạch tác động tâm lý đến họ hoặc những người trong gia đình có thể thực hiện thay nghĩa vụ của người phải thi hành án...

2. Cần tìm hiểu các mối quan hệ bên ngoài xã hội của người phải thi hành án.

Thông qua bản án, quyết định của Toà án hoặc các kênh thông tin khác nhau để nắm được các mối quan hệ giữa đương sự với người khác, qua đó chọn lọc và tác động đến những người đó để nhờ sự ảnh hưởng của họ đối với đương sự mà đạt được mục đích của mình

3. Cần tìm hiểu về điều kiện kinh tế và khả năng thực hiện nghĩa vụ của đương sự.

Nguyên tắc cơ bản là bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cần được tôn trọng thực hiện nhưng Chấp hành viên cũng cần phải tìm hiểu, xem xét và cân nhắc đến khả năng đương sự có thể thực hiện được hay không để sớm có kế hoạch xử lý hoặc đưa ra phương án cho đương sự làm sao thuận lợi nhất trong việc thực hiện nghĩa vụ của họ. Tránh tình trạng trước mắt đương sự chưa có tiền để nộp nhưng Chấp hành viên cứ cứng nhắc nói rằng họ phải thực hiện ngay và toàn bộ sẽ dẫn đến đương sự có tâm lý không tốt đối với Chấp hành viên và khi họ có tiền để nộp thì do không có "thiện cảm" mà họ để mặc nghĩa vụ của mình, đến khi đó Chấp hành viên coi như là chưa đạt được mục đích của mình.

4. Cần tìm hiểu các vấn đề khác có liên quan đến đương sự.

Về vấn đề này, có thể nói là không có một phương thức chung giống nhau cố định. Tuỳ thuộc vào từng loại vụ việc, từng đương sự sẽ có những đặc điểm khác nhau mà Chấp hành viên cần tinh ý, linh hoạt và khéo léo để có thể xác định cần thu thập những thông tin nào phục vụ cho việc tác động của mình.

Ví dụ khi nghiên cứu Bản án thấy rằng đương sự trong vụ án hình sự được hưởng án treo, Chấp hành viên có thể tác động trực tiếp đến họ, giải thích cho họ một số quy định về việc xoá án tích sau khi đã hết thời gian thử thách... thì khả năng họ tự nguyện thi hành án chắc chắn là sẽ cao hơn. Hoặc trong trường hợp đương sự trong vụ án ly hôn mà Chấp hành viên thấy rằng họ sắp kết hôn với người khác thì cần tác động đến cả đối tượng sắp kết hôn với người phải thi hành án để có thể đạt kết quả tác động như mong muốn...

Trong biện pháp tự nguyện thi hành án, đối với các vụ việc thi hành án theo đơn yêu cầu, một hình thức giúp giải quyết xong được việc thi hành án mà Chấp hành viên cần lưu ý tầm quan trọng của nó chính là "thoả thuận thi hành án". Và cũng cần lưu ý đối với việc thi hành án chủ động thì không thể và cũng không đặt ra vấn đề thoả thuận thi hành án, điều này xuất phát từ đặc trưng trong mối quan hệ giữa các chủ thể trong quan hệ pháp luật thi hành án dân sự.

Về cơ sở pháp lý, thoả thuận thi hành án được quy định tương đối cụ thể và chi tiết tại Điều 6 Luật thi hành án dân sự, Điều 3 Nghị định số 58 và nằm rải rác ở một số điều luật quy định riêng lẻ. Trong thực tiễn thi hành, nhiều Chấp hành viên chưa thực sự hiểu rõ bản chất của việc thoả thuận trong thi hành án dân sự như thế nào là đúng và được công nhận. Xin phân tích cụ thể như sau:

Điều 6 Luật Thi hành án dân sự quy định:

"1. Đương sự có quyền thoả thuận về việc thi hành án, nếu thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thoả thuận được công nhận.

Theo yêu cầu của đương sự, Chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến việc thoả thuận về thi hành án.

2. Trường hợp đương sự không thực hiện đúng thoả thuận thì có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định."

Về trình tự, thủ tục thoả thuận thế nào là hợp pháp cũng như trách nhiệm của Chấp hành viên chứng kiến việc thoả thuận đã được quy định rõ tại Điều 3 Nghị định số 58:

"1. Việc thỏa thuận về thi hành án của đương sự phải được lập thành văn bản nêu rõ thời gian, địa điểm, nội dung thỏa thuận, có chữ ký của các bên tham gia thỏa thuận và xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành việc thỏa thuận.

Trường hợp người phải thi hành án có yêu cầu về việc thi hành án khác với nội dung bản án, quyết định đã tuyên và được người được thi hành án chấp thuận thì việc thi hành án được thực hiện theo yêu cầu đó.

Việc thỏa thuận trước khi yêu cầu cơ quan thi hành án tổ chức thi hành do các đương sự tự nguyện thực hiện.

2. Sau khi Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ban hành quyết định thi hành án, đương sự có quyền yêu cầu Chấp hành viên chứng kiến việc thỏa thuận. Chấp hành viên được giao giải quyết việc thi hành án có trách nhiệm chứng kiến và ký tên vào văn bản thỏa thuận. Trường hợp thỏa thuận vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội thì Chấp hành viên có quyền từ chối nhưng phải lập biên bản và nêu rõ lý do.

Người yêu cầu Chấp hành viên chứng kiến việc thỏa thuận ngoài trụ sở cơ quan thi hành án dân sự mà phát sinh chi phí thì phải thanh toán các chi phí hợp lý cho cơ quan thi hành án dân sự.

3. Trường hợp đương sự không tự nguyện thực hiện theo đúng nội dung đã thỏa thuận thì cơ quan thi hành án dân sự căn cứ nội dung bản án, quyết định; đơn yêu cầu thi hành án và kết quả đã thi hành theo thỏa thuận để ra quyết định thi hành án.

Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đang tổ chức thi hành án mà đương sự thỏa thuận về việc không yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định thì căn cứ thỏa thuận của đương sự, cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với phần thỏa thuận không yêu cầu thi hành theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 của Luật Thi hành án dân sự, trừ trường hợp thỏa thuận vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội, không đúng với thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba hoặc nhằm trốn tránh phí thi hành án. Trường hợp thỏa thuận nêu trên được thực hiện sau khi tài sản đã được bán hoặc giao cho người khác nhận để thi hành án thì phải được sự đồng ý của người mua được tài sản hoặc người nhận tài sản để thi hành án."

Các quy định trên cần phải được hiểu như sau:

+/ Đối với các thoả thuận trước khi có quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án.

Về mặt pháp lý, Chấp hành viên chưa được phân công tổ chức thi hành vụ việc nên không có trách nhiệm và cũng không được phép chứng kiến các thoả thuận của đương sự, trừ trường hợp với tư cách cá nhân. Thoả thuận trong giai đoạn này dù có được lập thành văn bản có xác nhận của chính quyền địa phương thì cũng chỉ để cho các bên tự giác thực hiện với nhau, nếu sau khi đã tham gia vào quan hệ thi hành án dân sự, tức là sau khi có quyết định thi hành án mà 1 trong các bên có xuất trình văn bản thoả thuận nhưng bên kia không chấp nhận thì Chấp hành viên vẫn phải tổ chức thi hành theo đúng quyết định thi hành án được giao mà không được tổ chức thi hành theo thoả thuận đó. Vì bản chất của thoả thuận nằm ngay trong thuật ngữ của chính nó, " thoả thuận" là phải có ý kiến đồng nhất của tất cả các bên, trong quan hệ thi hành án dân sự thì phải là ý kiến của người phải thi hành án, người được thi hành án và người có quyền, nghĩa vụ liên quan (nếu có). Do vậy, khi tác nghiệp Chấp hành viên cần lưu ý có thể có những trường hợp Chấp hành viên biết được ý kiến của 1 bên nhưng trong hồ sơ thi hành án chỉ thể hiện ý kiến của phía bên kia mà đã tổ chức thi hành theo ý kiến đó thì sẽ gặp phải vấn đề sau này họ khiếu nại Chấp hành viên tự ý tổ chức thi hành án khác với Bản án, quyết định của Toà án.

+/ Đối với các thoả thuận sau khi có Quyết định thi hành án và Chấp hành viên đã được phân công tổ chức thi hành.

Trong trường hợp này, khi đương sự có yêu cầu thì việc chứng kiến thoả thuận được xác định là trách nhiệm của Chấp hành viên đang tổ chức thi hành vụ việc đó. Tức là Chấp hành viên không được từ chối nếu không thuộc trường hợp thoả thuận vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội.

Khi Chấp hành viên đã chứng kiến việc thoả thuận thi hành án và ký tên vào biên bản thoả thuận thì tuỳ vào nội dung thoả thuận mà có thể có các diễn biến tiếp theo:

- Nếu nội dung thoả thuận không làm thay đổi quyền và nghĩa vụ theo bản án, quyết định. Tức là có thể đương sự chỉ thoả thuận về phương thức, thời gian, địa điểm... thực hiện nghĩa vụ mà không thoả thuận thay đổi nội dung của nghĩa vụ đó.

Đối với trường hợp này, Chấp hành viên sẽ tổ chức thi hành theo đúng thoả thuận đó về phương thức, thời gian, địa điểm... Nếu đến thời gian, địa điểm đó mà đương sự không thực hiện đúng thoả thuận thì Chấp hành viên phải tổ chức thi hành vụ việc theo quy định chung của pháp luật mà không cần quan tâm đến nội dung đã thoả thuận. Thực chất, việc quy định như vậy là thể hiện việc Nhà nước luôn ghi nhận và tôn trọng ý kiến tự định đoạt của các bên ngay cả khi đã tham gia vào quan hệ thi hành án dân sự, Chấp hành viên lúc đó với vai trò là " trọng tài" để các bên tự giác thực hiện cam kết của mình, một khi cam kết đã không được chính các bên tham gia tôn trọng thực hiện thì khi đó, Chấp hành viên sẽ thực hiện đúng vai trò, chức năng của mình đã được pháp luật quy định đó là thi hành đúng nội dung bản án, quyết định được phân công.( Khoản 2 Điều 20 Luật Thi hành án dân sự).

- Nếu nội dung thoả thuận làm thay đổi quyền và nghĩa vụ theo bản án, quyết định. Đây là trường hợp đương sự thoả thuận với nhau về việc không thực hiện một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ đã được xác định trong Bản án. Chấp hành viên cần lưu ý để chứng kiến việc thoả thuận và ghi nhận một cách đầy đủ nhất. Nếu các đương sự đã thống nhất được với nhau về việc tự thực hiện nghĩa vụ với nhau hoặc vì lý do nào khác mà người được thi hành án cùng với người phải thi hành án thoả thuận với nhau không cần cơ quan thi hành án phải thi hành nữa. Khi lập biên bản thoả thuận, Chấp hành viên cần ghi rõ ý kiến của người được thi hành án là không yêu cầu cơ quan thi hành án tổ chức thi hành một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của người phải thi hành án nữa. Cũng cần lưu ý nếu thấy rằng việc thoả thuận trên có mục đích trốn tránh phí thi hành án hoặc làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người thứ ba thì Chấp hành viên cần giải thích rõ cho đương sự đồng thời từ chối không ký vào biên bản thoả thuận.

Nếu đã xác định việc thoả thuận không yêu cầu cơ quan thi hành án tổ chức thi hành một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định là hoàn toàn tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội cũng như không thuộc trường hợp nhằm trốn tránh phí thi hành án hoặc ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người thứ ba thì Chấp hành viên lập biên bản ghi rõ khoản thoả thuận là không yêu cầu tổ chức thi hành nữa, yêu cầu các đương sự ký tên vào biên bản. Đây chính là mấu chốt, là điểm quan trọng giúp giải quyết 1 phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ phải thi hành của người phải thi hành án, cũng là căn cứ để chấm dứt một phần hoặc toàn bộ quá trình tác nghiệp của Chấp hành viên. Sau khi đã ghi nhận được ý kiến thống nhất của các bên, Chấp hành viên có thể đề xuất Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với khoản không yêu cầu tổ chức thi hành nữa theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 Luật thi hành án dân sự.

Nói tóm lại, tự nguyện thi hành án là biện pháp thi hành ít tốn kém về thời gian, công sức nhất đối với Chấp hành viên và cơ quan Thi hành án dân sự cũng như tốn kém về chi phí đối với Ngân sách Nhà nước và người phải thi hành án. Chỉ khi đương sự ý thức rõ trách nhiệm của mình cũng như hiểu rõ hậu quả pháp lý mà mình phải gánh chịu thì họ mới tự nguyện thi hành. Do đó, để thực hiện tốt biện pháp này đòi hỏi kỹ năng giáo dục, thuyết phục của Chấp hành viên phải tốt dựa trên cơ sở lý luận, nghiệp vụ phải vững chắc. Bên cạnh đó, vai trò của công tác phổ biến, tuyên truyền và giáo dục pháp luật đến quần chúng nhân dân cũng cần phải được chú trọng. Tự nguyện thi hành án còn giúp cho hồ sơ thi hành án được giải quyết một cách triệt để , ít nảy sinh những vấn đề về khiếu nại, tố cáo. Từ đó giúp cho Chấp hành viên và cơ quan Thi hành án dân sự tiết kiệm được thời gian tập trung vào giải quyết những vụ việc phức tạp hơn, không để tình trạng án kéo dài qua nhiều năm mà chưa thi hành được. Nếu không làm tốt công tác giáo dục, thuyết phục để đương sự tự nguyện thi hành án cũng là nguyên nhân làm gia tăng lượng án tồn đọng hiện nay của các cơ quan Thi hành án dân sự./. 

Lương Thanh Tùng