Trước ngày 01/7/2009, Pháp lệnh Thi hành án dân sự mặc dù đã qua nhiều lần xây dựng, sửa đổi, bổ sung nhưng chưa một lần nào đề cập đến việc tham gia của cơ quan Thi hành án dân sự vào công tác đặc xá. Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành chỉ quy định việc xét miễn, giảm thi hành án đối với khoản án phí, tiền phạt của người phải thi hành án. Cơ quan Thi hành án dân sự các cấp thực hiện việc phục vụ công tác xét đặc xá thông qua các văn bản hướng dẫn của cơ quan quản lý Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp.
Khi Luật Thi hành án dân sự ra đời thì công tác xét đặc xá và việc phục vụ công tác xét đặc xá đã được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 14, Điều 128, và khoản 4 Điều 169.
Khoản 3 Điều 14 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh: “phối hợp với cơ quan Công an trong việc lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm chấp hành hình phạt tù và đặc xá cho người có nghĩa vụ thi hành án dân sự đang chấp hành hình phạt tù”.
Điều 128 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định việc thu án phí, tiền phạt và các khoản phải thu khác đối với người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù:
“1. Giám thị trại giam, trại tạm giam nơi người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù thu các khoản tiền, tài sản mà người phải thi hành án , thân nhân của người phải thi hành án nộp để thi hành án và chuyển cho cơ quan thi hành án dân sự xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp người phải thi hành án chuyển trại giam, trại tạm giam hoặc được đặc xá, được miễn chấp hành hình phạt tù hoặc chết thì Giám thị trại giam, trại tạm giam nơi người đó chấp hành hình phạt tù phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan thi hành án dân sự”.
Khoản 4 Điều 169 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công an trong thi hành án dân sự: “Chỉ đạo cơ quan Công an có thẩm quyền phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự đề nghị Toà án xét miễn, giảm hình phạt cho những người phải thi hành án có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, theo quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh là một trong những cơ quan phối hợp với cơ quan Công an trong công tác đặc xá tha tù trước thời hạn cho người bị kết án tù, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chủ trương, chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước và truyền thống của dân tộc ta. Đây là bước chuyển biến quan trọng làm thay đổi nhận thức cũng như trách nhiệm của cơ quan Thi hành án dân sự đối với công tác đặc xá và của cơ quan Công an đối với các cơ quan Thi hành án dân sự trong công tác phối hợp thông báo khi người phải thi hành án chuyển trại giam, trại tạm giam hoặc được đặc xá, được miễn chấp hành hình phạt tù hoặc chết.
Để thực hiện tốt công tác đặc xá, hàng năm, trên cơ sở sự chỉ đạo của Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk đều có văn bản triển khai, quán triệt các quy định của pháp luật về đặc xá đến toàn thể cán bộ, công chức của Cục Thi hành án dân sự tỉnh và Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện trực thuộc để tuyên truyền, vận động thân nhân của người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù nộp tiền, tài sản thay người phải thi hành án. Đồng thời, mở đợt cao điểm tập trung thi hành phần dân sự trong bản án, quyết định về hình sự; phân công cán bộ, công chức trực tại cơ quan cả ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật để thu tiền, tài sản do thân nhân của người phải thi hành án đến nộp hoặc xác nhận kết quả thi hành án theo yêu cầu của người phải thi hành án.
Bên cạnh đó, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk cũng có văn bản gửi các trại giam, trại tạm giam trên địa bàn tỉnh để phối hợp trong việc thông báo, đôn đốc, hướng dẫn người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù nộp tiền, tài sản tại trại giam, trại tạm giam để cơ quan Thi hành án dân sự cử cán bộ, Chấp hành viên đến thu hoặc hướng dẫn thân nhân gia đình của họ đến nộp tiền, tài sản tại các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh Đắk Lắk kể cả ngày thứ bảy và chủ nhật.
Được sự quan tâm của Cấp uỷ, chính quyền địa phương, sự nỗ lực, quyết tâm của các cơ quan thi hành án dân sự nói chung và của từng công chức ngành thi hành án dân sự trong toàn tỉnh nói riêng, kết quả thi hành án dân sự phục vụ công tác đặc xá đã có những chuyển biến tích cực, phục vụ tốt các yêu cầu của người bị kết án tù và thân nhân của họ.
Kết quả cụ thể việc tổ chức thi hành án phần dân sự trong bản án hình sự của các cơ quan Thi hành án dân sự trong toàn tỉnh từ năm 2000 đến năm 2011 như sau:
Tổng số việc thi hành xong hoàn toàn: 2.413 việc;
Tổng số tiền thực thu: 3.593.249.305 đồng;
Do triển khai một cách tích cực, đồng bộ nên chỉ tính riêng trong đợt đặc xá năm 2011, các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh Đắk Lắk đã thi hành xong 380 việc, với số tiền 991.429.232 đồng; trong đó: thu nộp ngân sách 567.062.222 đồng; bồi thường công dân 424.367.010 đồng; xác nhận kết quả thi hành án cho 553 trường hợp theo Điều 53 Luật Thi hành án dân sự năm 2008.
Những khó khăn, vướng mắc:
Đặc xá là một chủ trương lớn mà nhiệm vụ trọng tâm thuộc về cơ quan Công an nhưng cũng cần sự góp sức không nhỏ của các cơ quan hữu quan nói chung và cơ quan Thi hành án dân sự nói riêng. Do đó, nếu làm tốt việc thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự sẽ góp phần tích cực trong việc xét đặc xá của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho một bộ phận không nhỏ người phải chấp hành hình phạt tù sớm được đoàn tụ với gia đình.
Trong thời gian qua, việc thi hành phần nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự phục vụ công tác đặc xá đối với người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam của các cơ quan thi hành án dân sự nói chung, các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk nói riêng đã đạt được những kết quả nhất định, song vẫn chưa cao. Theo tôi có những nguyên nhân chủ yếu sau:
- Khi có quyết định thi hành án chấp hành hình phạt tù của Toà án đối với bị cáo, Toà án không gửi thông báo cho cơ quan Thi hành án dân sự biết phạm nhân đó chấp hành hình phạt tù tại trại giam, trại tạm giam nào; bên cạnh đó một số trại giam, trại tạm giam không thông báo phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù tại trại mình phụ trách cho cơ quan Thi hành án dân sự biết, do đó rất khó khăn cho các cơ quan Thi hành án dân sự khi thực hiện việc thông báo về thi hành án; thu tiền, tài sản, trả lại tài sản… cho người phải thi hành án.
- Thân nhân của người phải thi hành án khi đến các cơ quan Thi hành án dân sự nộp tiền, tài sản thay cho người phải thi hành án không cung cấp Bản án của Toà án, Quyết định thi hành án của cơ quan Thi hành án dân sự hay các tài liệu khác có liên quan. Điều đó rất khó khăn cho cán bộ, công chức thi hành án, phải mất nhiều thời gian tra cứu hồ sơ, sổ sách để có đủ cơ sở thu tiền, tài sản. Bởi vì có rất nhiều trường hợp Bản án của Toà án, Quyết định thi hành án của cơ quan Thi hành án dân sự đã ban hành trên 10 (mười) năm, thân nhân của người phải thi hành án mới đến nộp tiền, trong khi hiện nay các cơ quan Thi hành án dân sự chưa có phần mềm để theo dõi.
- Đối với các khoản bồi thường công dân, có nhiều trường hợp bản án đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án rất nhiều năm nhưng người được thi hành án không chứng minh được lý do khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng nên cơ quan Thi hành án dân sự không thể thu số tiền của người phải thi hành án tự nguyện nộp mà chỉ có văn bản từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án thông báo cho người phải thi hành án biết. Nhưng khi thân nhân của phạm nhân cung cấp cho trại giam, trại tạm giam văn bản từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án của cơ quan Thi hành án dân sự để làm cơ sở xét đặc xá cho các phạm nhân thì trại giam, trại tạm giam không chấp nhận văn bản này mà yều cầu phải có biên lai thu tiền của cơ quan Thi hành án dân sự.
Kiến nghị, đề xuất:
Để công tác xét đặc xá trong thời gian tới đạt được hiệu quả cao, bản thân tôi có một số kiến nghị, đề xuất như sau:
Đề nghị Toà án khi ra quyết định thi hành án hình phạt tù đối với bị cáo phải thông báo cho cơ quan Thi hành án dân sự biết về nơi bị cáo chấp hành hình phạt tù để cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện đúng và đầy đủ theo qui định của pháp luật đối với người phải thi hành án.
Bộ Tư pháp và Bộ Công an cần sớm ban hành Thông tư liên tịch về thu các khoản tiền, tài sản mà người phải thi hành án, thân nhân của người phải thi hành án nộp tại trại giam, trai tạm giam để thi hành án.
Bộ Tư pháp cần có phần mềm để quản lý kết quả thi hành án làm giảm việc tra cứu mất nhiều thời gian và có thể nhầm lẫn như hiện nay.
Bộ Công an cần chỉ đạo các trại giam, trại tạm giam thực hiện:
- Thông báo cho cơ quan Thi hành án dân sự biết khi người phải thi hành án chuyển trại giam, trại tạm giam hoặc được đặc xá, được miễn chấp hành hình phạt tù hoặc chết được qui định tại khoản 2 Điều 128 Luật Thi hành án dân sự năm 2008;
- Chấp nhận các tài liệu như: Thông báo từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án của cơ quan Thi hành án dân sự với lý do bản án hết thời hiệu yêu cầu thi hành án; Giấy biên nhận tiền của người phải thi hành án tự nguyện bồi thường cho người được thi hành án tại nơi họ cư trú được chính quyền địa phương nơi người phải thi hành án hoặc người được thi hành án xác nhận, đây là các tài liệu chứng minh người phải thi hành án đã thi hành xong khoản nghĩa vụ phải thi hành theo Bản án, quyết định của Toà án để xem xét đặc xá cho phạm nhân.
Bùi Đăng Thuỷ