Để việc thoả thuận tại Toà án thuận lợi cho cơ quan thi hành án dân sự

25/11/2011
Quyết định công nhận sự thuận tình ly hôn và sự thoả thuận của các đương sự số 09/2009/QĐST-HNGĐ, ngày 13/3/2009 của Toà án nhân dân huyện B giải quyết việc ly hôn giữa anh Vũ Văn T và chị Nguyễn Thị H. Về quan hệ con chung, quyết định ghi nhận như sau:


"Vợ chồng có hai con chung là Vũ Thanh L, sinh ngày 13/11/1996 và Vũ Thị Vân A, sinh ngày 07/9/2000. Hai bên thống nhất thoả thuận giao cho chị H được nuôi dưỡng cả hai cháu, anh T có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con cho Chị H 275.000 đ/một cháu/một tháng (nộp theo tháng) kể từ tháng 3/2009 cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi. Anh T được quyền đi lại thăm nom con chung".

Ngay sau khi quyết định được ban hành, chị Nguyễn Thị H làm đơn yêu cầu thi hành án gửi Chi cục thi hành án dân sự huyện B để yêu cầu thi hành khoản cấp dưỡng. Sau khi tiếp nhận đơn, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự huyện B đã ban hành quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành án theo đúng quy định của pháp luật.

Quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên đã thu được 550.000 đ là tiền cấp dưỡng tháng 3/2009 của anh Vũ Văn T và đã chi trả cho chị Nguyễn Thị H đảm bảo thời gian và thủ tục quy định.

Đến kỳ cấp dưỡng tiếp theo, anh Vũ Văn T trình bày tháng 4/2009 chị Nguyễn Thị H đã đi lao động ở nước ngoài, để lại 2 cháu cho bà ngoại đã già yếu nuôi dưỡng. Như vậy không đảm bảo sự phát triển bình thường về thể chất và tâm lý của đứa trẻ nên anh T đã trực tiếp đón 2 con về nuôi dưỡng, đại diện chính quyền địa phương nơi anh T cư trú cũng như bà ngoại của 2 cháu đã xác nhận nội dung này là đúng.

Cơ quan thi hành án đã hướng dẫn anh T liên hệ với Toà án nhân dân huyện B để làm thủ tục thay đổi người nuôi con, nhưng nhận được trả lời của Toà án là việc thay đổi trong trường hợp này chỉ có thể thực hiện khi có mặt của cả anh T và chị H, bởi lý do việc nuôi con cũng như cấp dưỡng do anh T, chị H đã thoả thuận trong quá trình giải quyết việc ly hôn và Toà án đã ra quyết định công nhận nội dung thoả thuận này, nếu muốn thay đổi cũng phải thực hiện bằng hình thức thoả thuận. Như vậy, trong tình huống này, việc thay đổi người nuôi con và nghĩa vụ cấp dưỡng là chưa thể thực hiện được.

Đến đây, việc tổ chức thi hành khoản cấp dưỡng gặp khó khăn do anh T không tự nguyện thực hiện, phương án áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với anh T cũng không thực hiện được do gặp phải sự phản đối của chính quyền địa phương cũng như các cơ quan hữu quan. Lý do duy nhất đưa ra là anh T đã trực tiếp nuôi con thì không thể buộc anh T phải cấp dưỡng cho chị H nữa vì thực tế chị H cũng đã không trực tiếp nuôi dưỡng các cháu nữa.

Vấn đề ở đây, nếu Chấp hành viên cứ chủ động áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với anh T thì cũng có thể sẽ thực hiện được mà không trái với các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Tức là đảm bảo được về mặt "lý". Nhưng về mặt "tình" thì không thể chấp nhận được. Xét cho cùng, trong quan hệ thi hành án dân sự khó có thể trọn vẹn cả tình và lý, nhưng ở một góc độ nào đó phải đảm bảo mặt "lý" trước tiên sau đó cần tính đến sự hài hoà về mặt "tình". Sự hài hoà ở đây được so sánh giữa việc làm của cơ quan thi hành án, cụ thể là Chấp hành viên với những quy tắc ứng xử của xã hội, có tính đến yếu tố đạo đức, tình cảm gia đình ....

Trong tình huống trên, nếu Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với anh Vũ Văn T để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của anh thì có đảm bảo quy tắc thông thường của xã hội hay không, xin nhường cho các đồng chí tự đánh giá.

Xuất phát từ tình huống cụ thể như trên, tôi muốn phân tích cụ thể một số quy định của pháp luật có liên quan để không chỉ Chấp hành viên cơ quan thi hành án vận dụng mà ngay cả Toà án nhân dân khi giải quyết vụ việc cũng cần lưu ý để vừa đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân cũng như đảm bảo được trọn vẹn về "tình".

Cụ thể, ở tình huống trên, theo như nội dung thoả thuận của anh T và chị H đã được Toà án nhân dân huyện B công nhận thì anh T phải cấp dưỡng đến khi các cháu đủ 18 tuổi với phương thức và mức cụ thể đã nêu. Có thể hiểu rằng, chỉ khi nào các cháu đã đủ 18 tuổi thì nghĩa vụ cấp dưỡng của anh T mới chấm dứt. Và chỉ khi đó, cơ quan thi hành án mới có cơ sở để kết thúc việc thi hành án (nếu đã thu và chi trả xong số tiền mà anh T phải cấp dưỡng), trừ khi giữa các bên có thoả thuận khác.

Chị Nguyễn Thị H đi lao động xuất khẩu, sau khi hết thời gian làm việc theo hợp đồng đã tự ý bỏ trốn ra ngoài nước sở tại để làm việc, thời hạn về nước không xác định được. Trong khi đó, anh T vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng để nuôi con mà chính anh lại là người đang trực tiếp nuôi dưỡng. Vậy thì đến khi nào mới có thể kết thúc được việc thi hành án này? Cho đến khi chị H trở về để các bên thoả thuận hay là cứ tổ chức thi hành, thậm chí áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với anh T khi không đảm bảo được về "tình" như đã nêu ở trên.

Bản thân tôi tin chắc rằng, trong toàn quốc thì số lượng những vụ việc thi hành án như thể này là không nhỏ, chính vì những vụ việc này, lượng án tồn đọng của các cơ quan thi hành án dân sự sẽ có chiều hướng gia tăng bởi gia tăng việc ly hôn do nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội .... Hàng năm, các cơ quan thi hành án dân sự đều được giao chỉ tiêu và ra sức nhằm làm giảm lượng án chuyển sang kỳ sau (trước đây sử dụng thuật ngữ án tồn đọng). Chúng ta chỉ ra sức giảm án tồn mà lại không tính đến việc giải quyết gọn ngay những án mới phát sinh. Vậy thì việc giảm án tồn có ý nghĩa gì không và sẽ phải thực hiện đến bao giờ mới có kết quả được?

Tôi xin mạnh dạn đưa ra ý kiến cá nhân của mình để giải quyết một cách hiệu quả, gọn nhất loại vụ việc thi hành án như trên đã nêu với mong muốn để hạn chế ngay từ đầu những nguồn làm phát sinh án tồn đọng. Tuy nhiên, phương pháp đưa ra không phải là chủ động của cơ quan thi hành án, nhưng cơ quan thi hành án có thể tham gia với vai trò đề xuất, góp ý để khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, sẽ thuận lợi hơn.

Trong quá trình giải quyết vụ việc ly hôn tại Toà án theo thẩm quyền, Toà án cũng tuân thủ nguyên tắc thoả thuận và tự định đoạt của đương sự theo Điều 4 Bộ luật dân sự và Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự. Khi giải quyết quan hệ về con chung, trong đó có nghĩa vụ cấp dưỡng, Toà án sẽ giải thích quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình để các bên thoả thuận về mức cấp dưỡng, phương thức thực hiện việc cấp dưỡng .... Nội dung quan trọng nhất là Toà án cần giải thích cho các bên biết rõ khi nào thì nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ chấm dứt. Theo Điều 61 Luật hôn nhân và gia đình quy định:

"Nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

1. Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động;

2. Người được cấp dưỡng có thu nhận hoặc tài sản để tự nuôi mình;

3. Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi;

4. Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng;

5. Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết;

6. Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn với người khác;

7. Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật."

Nếu các bên chỉ thoả thuận người không trực tiếp nuôi dưỡng có nghĩa vụ hoặc tự nguyện cấp dưỡng đến khi người được cấp dưỡng đủ 18 tuổi thì Toà án cần hướng dẫn và giải thích để họ thoả thuận, có thể như sau:

"Công nhận sự  thoả  thuận (hoặc chấp nhận sự tự nguyện) của anh Vũ Văn T cấp dưỡng nuôi con chung cho chị Vũ Thị H với mức cấp dưỡng là 275.000 đồng/một cháu/một tháng kể từ tháng 3/2009 cho đến khi có một trong các căn cứ quy định tại Điều 61 Luật Hôn nhân và gia đình."

Khi quyết định công nhận sự thoả thuận đã ghi nhận nội dung thoả thuận theo hướng này thì cơ quan thi hành án có thể giải quyết ngay ví dụ đã nêu ở trên. Khi đó, việc thi hành án sẽ đương nhiên kết thúc theo khoản 1 Điều 52 Luật THADS và quyền lợi của đứa trẻ cũng không bị ảnh hưởng và đã có anh T trực tiếp nuôi dưỡng.

Mặc dù sự thoả thuận của các đương sự là quan trọng nhất, nhưng để sự thoả thuận đó thực sự đạt được hiệu quả và có tính khả thi thì cũng cần có sự định hướng ngay từ giai đoạn Toà án đang giải quyết vụ việc. Để làm được điều này, cơ quan thi hành án dân sự cần tham gia đóng góp ý kiến hoặc đề nghị Toà án phối hợp chặt chẽ theo hướng đã nêu đối với loại vụ việc có liên quan đến cấp dưỡng. Có như vậy, hoạt động thi hành án dân sự mới thực sự có hiệu quả và đảm bảo tốt hiệu lực trên thực tế các bản án, quyết định của Toà án.

Trên đây là ý kiến cá nhân của tôi, nếu có hạn chế về mặt lý luận, rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các đồng chí, đồng nghiệp.

Xin chân thành cảm ơn!

Lương Thanh Tùng