Trao đổi bài viết: “Để việc thoả thuận tại Toà án thuận lợi cho cơ quan thi hành án dân sự”

01/12/2011
Sau khi đọc được bài viết của tác giả Lương Thanh Tùng có tiêu đề "Để việc thoả thuận tại Toà án thuận lợi cho cơ quan thi hành án dân sự", trên cơ sở nghiên cứu các quy định của pháp luật có liên quan, tôi xin có ý kiến tham gia, trao đổi đối với bài viết của tác giả, qua chuyên trang về công tác thi hành án dân sự để làm rõ hơn nội dung cũng như để các đồng chí là cán bộ công tác trong ngành thi hành án dân sự tham khảo.


Nội dung trao đổi như sau:

Trong bài viết của tác giả Lương Thanh Tùng có nêu những vấn đề về lý luận thông qua phân tích một ví dụ rất rõ ràng, qua đó chúng ta cũng có thể thấy được khó khăn, vướng mắc của cơ quan thi hành án dân sự khi cố gắng đảm bảo một cách tương đối trọn vẹn cả về "tình" và "lý" (thuật ngữ do tác giả đưa ra). Nhưng có thể thấy một điều từ những phân tích của tác giả là trong tình huống cụ thể như tác giả nêu ra, cơ quan thi hành án không thể chủ động hoặc tự mình đảm bảo được "tình" và "lý" như mong muốn. Bản thân tôi đánh giá ở tác giả một tinh thần trách nhiệm cao khi đã nghiên cứu và đưa ra hướng để giải quyết những loại vụ việc như vậy. Có thể hiểu nội dung biện pháp tác giả đưa ra là cơ quan thi hành án cần phối hợp tốt với Toà án nhân dân để khi giải quyết nhưng vụ việc có liên quan đến việc cấp dưỡng, Toà án sẽ định hướng và công nhận cho đương sự thoả thuận về thời điểm chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng khi có một trong các căn cứ quy định tại điều 61 Luật hôn nhân và gia đình chứ không để tình trạng đương sự chỉ thoả thuận nghĩa vụ cấp dưỡng kết thúc khi con chung đủ 18 tuổi (như trong ví dụ tác giả nêu ra). Theo ý kiến của cá nhân tôi thấy rằng nếu sự phối hợp giữa cơ quan thi hành án và Toà án đạt được đúng như vậy thì sau khi Toà án ban hành bản án, quyết định, tính khả thi sẽ rất cao, đồng thời cơ quan thi hành án cũng sẽ không gặp phải những vướng mắc như trong bài viết tác giả đã phân tích. Tuy nhiên, nếu sự phối hợp không được như mong muốn và Quyết định công nhận sự thoả thuận giữa hai bên của Toà án vẫn cứ ghi nhận nội dung " Anh Vũ Văn T cấp dưỡng nuôi con chung cho chị Nguyễn Thị H với mức 275.000 đ/một tháng/một cháu kể từ tháng 3/2009 cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi" thì có còn cách nào để tháo gỡ hay không? Lúc này, cá nhân tôi cho rằng cần nghiên cứu và xem xét một cách chặt chẽ một số quy định sau đây để làm rõ nội dung thoả thuận như vậy có đảm bảo hay không?

Khoản 2 Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định:

"1. Ðương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.

2. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, các đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi các yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội."

Điều 4 Bộ luật Dân sự quy định:

"Quyền tự do cam kết, thỏa thuận trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự được pháp luật bảo đảm, nếu cam kết, thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.

Trong quan hệ dân sự, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được áp đặt, cấm đoán, cưỡng ép, đe dọa, ngăn cản bên nào.

Cam kết, thỏa thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên và phải được cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng."

Những quy định trên mang tính nguyên tắc và xuyên suốt trong quá trình Toà án giải quyết vụ việc. Điều này cũng thể hiện việc Nhà nước luôn tôn trọng ý kiến thoả thuận, quyết định của chính các bên trong quan hệ dân sự hoặc hôn nhân gia đình. Tinh thần điều luật cũng đã chỉ rõ sự thoả thuận của các bên được Toà án ghi nhận có giá trị thực hiện và các bên có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền tổ chức thi hành các nội dung mà họ đã thoả thuận tại Toà án trong trường hợp nếu một trong các bên đã không thực hiện theo đúng thoả thuận tại Toà. Tuy nhiên, cũng cần chú ý rằng chỉ những thoả thuận nào không trái pháp luật và đạo đức xã hội thì Toà án mới được ghi nhận và có giá trị thực hiện.

Quay trở lại ví dụ tác giả nêu ra, theo quan điểm của cá nhân tôi, sự thoả thuận giữa anh Vũ Văn T và chị Nguyễn Thị H là chưa phù hợp và đầy đủ so với quy định của pháp luật. Cụ thể, điều 61 Luật hôn nhân và gia đình quy định:

"Nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

1. Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động;

2. Người được cấp dưỡng có thu nhập hoặc tài sản để tự nuôi mình;

3. Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi;

4. Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng;

5. Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết;

6. Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn với người khác;

7. Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật."

Theo nội dung quy định trên thì nếu rơi vào một trong các trường hợp mà điều luật đã liệt kê, đương nhiên nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ chấm dứt, người có nghĩa vụ cấp dưỡng cũng sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nữa. Nhưng trong nội dung thoả thuận của anh Vũ Văn T và chị Nguyễn Thị H có thể hiểu rằng điều kiện để chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng của anh T khi và chỉ khi các con đã đủ 18 tuổi, tức là dù có điều kiện thuộc khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 điều 61 mà không thoả mãn nội dung về tuổi của các con thì nghĩa vụ của anh T vẫn không được chấm dứt, điều này là trái với quy định tại điều 61 đã nêu ở trên. Vì vậy, Toà án không được ghi nhận nội dung thoả thuận này mà phải giải thích rõ cho anh T và chị H biết rằng thoả thuận này là chưa đầy đủ và không phù hợp với quy định của pháp luật (cụ thể là điều 61 Luật Hôn nhân và gia đình). Bản thân tôi nhất trí với tác giả Lương Thanh Tùng về việc Toà án cần định hướng và chỉ ghi nhận sự thoả thuận nếu các bên thoả thuận rõ rằng " anh Vũ Văn T cấp dưỡng nuôi con chung cho chị Nguyễn Thị H với mức 275.000 đồng/một tháng/một cháu kể từ tháng 3/2009 cho đến khi có một trong các điều kiện quy định tại điều 61 luật Hôn nhân và gia đình" hoặc chỉ cần ghi " ... cho đến khi có căn cứ chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật."

Như vậy, khi có một trong các căn cứ đã nêu tại điều 61 Luật Hôn nhân và gia đình, trong tình huống cụ thể này thì kể từ khi anh T đón 2 con về trực tiếp nuôi dưỡng, nghĩa vụ cấp dưỡng của anh T sẽ chấm dứt và việc thi hành án đã đương nhiên kết thúc (vì anh T đã đóng góp được 01 tháng, đến tháng tiếp theo anh đã đón 2 con về nuôi dưỡng) theo quy định.

Trên đây là ý kiến trao đổi của tôi về bài viết của tác giả Lương Thanh Tùng, dù không phải là người công tác trong ngành thi hành án dân sự, nhưng bản thân tôi thường xuyên theo dõi và rất quan tâm đến các bài viết có liên quan đến công tác thi hành án dân sự. Mong rằng sẽ có nhiều bài viết có chất lượng hơn nữa để các đồng chí cán bộ cơ quan thi hành án có tư liệu để tham khảo, phục vụ tốt cho hoạt động chuyên môn của mình.

Phạm Thị Minh - Công an huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương