Thực trạng công tác giải quyết khiếu nại ở Thừa Thiên Huế và giải pháp tăng cường hiệu quả.

01/04/2013


I. Đặt vấn đề

Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người nói chung và quyền khiếu nại, tố cáo của công dân nói riêng không những được Nhà nước ghi nhận, mở rộng mà Nhà nước còn tạo mọi điều kiện để nhân dân dễ dàng thực hiện. Trong Hội nghị Thanh tra toàn Miền Bắc ngày 05/3/1960 Bác Hồ đã huấn thị: “Đồng bào có oan ức mới khiếu nại hoặc chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại. Ta phải giải quyết nhanh, tốt thì đồng bào thấy rõ Đảng và Chính phủ quan tâm lo lắng đến quyền lợi của họ, do đó mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Chính phủ càng được tốt hơn”. Lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ quyền khiếu nại của công dân và bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Quyền khiếu nại, tố cáo có liên quan chặt chẽ đến các quyền và nghĩa vụ khác của công dân, chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống các quyền cơ bản của công dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị - xã hội. Công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo là điều kiện để các quyền khác được pháp luật ghi nhận không bị xâm hại. Hay nói cách khác bất kỳ sự vi phạm nào đối với quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đều có thể dẫn đến việc công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của mình.

Vì vậy, Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ghi nhận đầy đủ các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đặc biệt là các quyền khiếu nại, tố cáo của công dân được ghi nhận đầy đủ rõ ràng trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật. Đồng thời Nhà nước Việt Nam cũng quan tâm đảm bảo những điều kiện thuận lợi nhất để công dân thực hiện các quyền của mình.

Việc nghiên cứu thực trạng giải quyết khiếu nại, để xác định một cơ chế và đưa ra những giải pháp cụ thể để giải quyết có hiệu quả khiếu nại nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết.

II. Công tác giải quyết khiếu nại ở Thừa Thiên Huế

1. Thực trạng công tác giải quyết khiếu nại

Trong hơn 5 năm qua (2008 - 6/2012), UBND tỉnh và Thủ trưởng các cấp các ngành các ở Thừa Thiên Huế đặc biệt quan tâm đến công tác giải quyết khiếu nại về lĩnh vực đất đai. Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành chức năng đã thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại của công dân bảo đảm lợi ích hợp pháp của nhân dân và Nhà nước trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành.

Năm 2008, UBND tỉnh và Thủ trưởng các cấp, các ngành đã giải quyết 285/312 đơn thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 91%, trong đó:

- Đơn khiếu nại đã giải quyết 79/89 đơn, đạt tỷ lệ 88,8%,

- Đơn tranh chấp đã giải quyết 55/63 đơn, đạt tỷ lệ 87,3%,

- Đơn kiến nghị, phản ánh đã giải quyết 116/120 đơn, đạt tỷ lệ 96,7%.

UBND tỉnh đã ban hành văn bản giải quyết 67 trường hợp khiếu nại, tố cáo và tranh chấp. Trong đó, ban hành 48 quyết định và 19 văn bản khác (thông báo, công văn, kết luận).

Năm 2009, đã giải quyết 396 đơn/435 đơn thuộc thẩm quyền; đạt tỷ lệ 91%, trong đó:

- Đơn khiếu nại đã giải quyết 87/110 đơn, đạt tỷ lệ 79,1%,

- Đơn tranh chấp đã giải quyết 93/97 đơn, đạt tỷ lệ 95,9%,

- Đơn kiến nghị, phản ánh đã giải quyết 195/199 đơn, đạt tỷ lệ 98%.

UBND tỉnh đã ban hành văn bản giải quyết 40 trường hợp khiếu nại, tranh chấp và kiến nghị. Trong đó, ban hành 20 quyết định và 20 văn bản khác (thông báo, công văn).

Năm 2010, đã giải quyết 511 đơn/568 đơn thuộc thẩm quyền; đạt tỷ lệ 90%, trong đó:

- Đơn khiếu nại đã giải quyết 112/146 đơn, đạt tỷ lệ 76,7%,

- Đơn tranh chấp đã giải quyết 99/104 đơn, đạt tỷ lệ 95,2%,

- Đơn kiến nghị, phản ánh đã giải quyết 281/289 đơn, đạt tỷ lệ 97,2%.

UBND tỉnh đã ban hành văn bản giải quyết 39 trường hợp khiếu nại, tranh chấp và kiến nghị.

Năm 2011, theo báo cáo của các huyện, Sở, ngành trong năm 2011, UBND tỉnh và Thủ trưởng các cấp, các ngành đã giải quyết 136/180 đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 75,55%. Trong đó, số đơn khiếu nại có đúng, có sai là 77 đơn, số đơn khiếu nại sai là 59 đơn.

Phần lớn các vụ việc khiếu nại có đúng, có sai liên quan lĩnh vực nhà đất, bồi thường, hỗ trợ, bố trí đất tái định cư chưa phù hợp theo các quy định của pháp luật - đặc biệt là các vụ việc khiếu nại về bồi thường giá đất còn thấp so với giá đất thực tế; khiếu nại việc thu hồi đất của dân khi chưa có quyết định thu hồi đất của cấp có thẩm quyền.

Kết quả giải quyết khiếu nại UBND tỉnh, UBND thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, các huyện và các Sở đã ban hành 54 quyết định giải quyết khiếu nại (Chủ tịch UBND tỉnh đã giải quyết 52/94 vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền, trong đó ban hành 29 Quyết định). Số quyết định giải quyết khiếu nại đã được thi hành là 12 quyết định. Số quyết định giải quyết khiếu nại chưa được thi hành 42, số đơn khiếu nại còn tồn đọng là 44 đơn. Hiện nay, số đơn tồn đọng này đang trong thời gian triển khai thụ lý giải quyết của các cấp, các ngành; phần lớn những vụ việc này thường có nội dung phức tạp, có liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành nên cần phải có thời gian để kiểm tra, xác minh thu thập đầy đủ chứng cứ để có cơ sở kết luận chính xác.

Sáu tháng đầu năm 2012, UBND tỉnh, UBND thành phố Huế, thị xã, các huyện và các Sở, ngành đã giải quyết 50/90 vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 55,6%. Trong đó, số vụ việc khiếu nại sai là 22 vụ việc, khiếu nại đúng là 06 vụ việc, số vụ việc khiếu nại có đúng, có sai là 22 vụ việc; đã ban hành 19 quyết định giải quyết khiếu nại (UBND cấp tỉnh 14 quyết định, UBND cấp huyện 04 quyết định; cấp sở, ban, ngành 01 quyết định). Số vụ việc đang giải quyết 40 đơn khiếu nại.

2. Những ưu điểm, tồn tại trong công tác giải quyết khiếu nại

a. Ưu điểm

Nhìn chung, tình hình đơn thư có xu hướng giảm dần nhưng số vụ việc năm sau lại tăng so với cùng kỳ năm trước. Đơn thư khiếu kiện chủ yếu tập trung vào việc yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai ranh giới, bờ rào, lối ngõ và tranh chấp sử quyền sử dụng đất, giá đất trong truy thu tiền các lô đất tồn đọng, khiếu nại về giá đền bù do Nhà nước quy hoạch mở đường, tiền hỗ trợ giải quyết việc làm cho con em nông dân khi nhà nước thu hồi đất. Tuy vẫn còn một số vụ việc phức tạp, kéo dài, tồn đọng nhưng nhìn chung đến cuối năm 2008 thì đã giải quyết tương đối dứt điểm, không để xảy ra điểm nóng về giải quyết đơn thư.

Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân luôn được Thường trực tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá cụ thể thông qua các kỳ giao ban công tác nội chính hàng tháng. Vì vậy, trách nhiệm của UBND các huyện, thành phố đã được nâng cao trong việc giải quyết đơn thư phát sinh.

Thanh tra tỉnh đã phối hợp với Văn phòng Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh tham mưu, xử lý kịp thời các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân để Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ cho các Sở, thành phố, huyện giải quyết theo luật định. Ngoài ra định kỳ tháng Chủ tịch UBND tỉnh đều dành thời gian 1 đến 2 buổi nghe kết quả giải quyết đơn thư và cho ý kiến chỉ đạo giải quyết các vụ việc nổi cộm, phức tạp do Thanh tra tỉnh tham mưu, nhờ đó mà tỷ lệ và chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng được nâng lên.

Uỷ ban nhân dân tỉnh thường xuyên tranh thủ ý kiến các ngành chuyên môn liên quan đến các vụ việc khiếu kiện, các ngành nội chính của tỉnh để có sự thống nhất cao trong xử lý đơn thư, để đảm bảo sự thống nhất trong tỉnh.

b. Tồn tại, vướng mắc

Mặc dù tỉnh đã có nhiều cố gắng trong công tác giải quyết khiếu nại và đã đạt được những kết quả nhất định nhưng nhìn chung công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế như:

- Nhận thức về công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại của một số đơn vị chưa đầy đủ. Công tác tiếp dân ở một số địa phương chưa nghiêm túc, chưa đúng quy định, địa điểm, thời gian tiếp dân chưa phù hợp, xử lý nhiệm vụ sau tiếp dân chưa kịp thời và chưa có hiệu quả. Việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn hạn chế ở một số phòng, ban, đơn vị, phường, xã. Một số phường, xã chưa thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về xử lý các tranh chấp khiếu nại, tố cáo. Trách nhiệm của một số lãnh đạo phường, xã trong chấp hành các quy định về tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo chưa tốt dẫn đến đơn thư khiếu nại vượt cấp.

- Hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước vẫn còn có hạn chế trên một số lĩnh vực dễ dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo như bồi thường giải phóng mặt bằng, giải quyết đất ở tồn đọng, giải quyết đất nhà tập thể, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý trật tự đô thị, xây dựng cơ bản, thu chi tài chính…

- Công tác phối hợp giải quyết một số nội dung bức xúc trên các lĩnh vực về đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, quản lý đô thị, tài chính, xây dựng cơ bản…giữa UBND thành phố, UBND huyện với UBND cấp tỉnh, giữa UBND phường, xã với UBND thành phố, huyện có lúc chưa kịp thời, thiếu thống nhất dẫn đến chậm trễ trong giải quyết một số vụ việc.

- Công tác hoà giải ở một số phường, xã, đơn vị cơ sở chưa tích cực để xử lý hiệu quả các vụ việc bức xúc ngay từ cơ sở, thiếu phương pháp hoà giải nên dẫn đến chất lượng hoà giải chưa cao, nhất là đối với các tranh chấp đât đai. Các vụ việc tranh chấp đất đai hoà giải tại cơ sở ở một số phường, xã thực hiện hiệu quả còn thấp, làm cho công dân bức xúc gửi đơn khiếu kiện nhiều nơi, buộc tỉnh thành phố phải xem xét giải quyết.

- Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật trên các lĩnh vực về xây dựng, đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng còn có hạn chế nên khi Nhà nước thực hiện xử lý vi phạm, giải toả, đền bù hoặc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phát sinh khiếu kiện do người dân không nắm bắt được thông tin hoặc chưa được hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó còn thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc để tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, nhất là các văn bản pháp luật mới được ban hành, sửa đổi, bổ sung.

- Đội ngũ cán bộ, công chức chưa đủ mạnh trong tham mưu dẫn đến chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ hoặc thiếu chủ động trong công việc làm hạn chế hiệu quả giải quyết công việc cho dân. Một số đơn vị chưa thực sự quan tâm việc bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, dẫn đến hiện tượng giải quyết vụ việc kéo dài, vi phạm quy định của luật khiếu nại, tố cáo. Một số sở, huyện của thành phố giải quyết nhiều vụ việc nhưng không dứt điểm; một số phòng, ban, phường, xã không giải quyết hết nội dung công dân khiếu kiện làm cho việc tiếp khiếu của công dân tái diễn.

- Việc thực hiện nhiệm vụ được giao về giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số cơ quan chưa nghiêm túc, chưa đúng thời gian theo quy định dẫn đến việc công dân bức xúc gửi đơn đi nhiều nơi và vượt cấp.

- Một số đoàn thanh tra, phòng, ban chuyên môn và Uỷ ban nhân dân phường, xã chưa thực sự quan tâm và chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ giải quyết đơn thư, năng lực của một số cán bộ chuyên viên còn hạn chế nên chưa làm tốt công tác giải thích, hướng dẫn thực hiện kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong tham mưu còn chưa xem xét làm rõ hết nội dung khiếu nại dẫn đến công dân còn bức xúc khiếu nại nhiều nơi.

3. Nguyên nhân của những tồn tại, vướng mắc

Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh còn có những tồn tại, hạn chế như trên là vì các nguyên nhân chính sau:

- Số lượng đơn thư và vụ việc giữa các năm vẫn tăng là vì đơn thư chủ yếu tập trung vào việc yêu cầu giải quyết các tranh chấp đất đai, trong khi đó các hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn lại trong dân phần lớn là vướng mắc, khó xử lý khi thực hiện các quy định, chính sách về đất đai hiện hành. Một số lượng đất tồn đọng chưa được giải quyết. Vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng liên quan đến giá đất, thu hồi đất…Các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 84 chưa được ban hành đầy đủ. Ngoài ra, việc đơn thư tăng còn là do trình độ hiểu biết và nhận thức về pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, dễ bị người khác lôi kéo, một số ít công dân còn lợi dụng quyền dân chủ để khiếu nại, tố cáo vượt cấp kéo dài.

- Chưa có hệ thống dữ liệu chung về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, vì vậy chưa nâng cao được chất lượng thông tin, báo cáo. Bên cạnh đó, năng lực chuyên môn và nghiệp vụ của một số cán bộ tham gia tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các phòng, ban chuyên môn của Uỷ ban nhân dân thành phố, Uỷ ban nhân dân các phường, xã vẫn còn hạn chế, ảnh hưởng đến kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là đối với các đơn vị phường, xã.

- Việc áp dụng các quy định của pháp luật vào điều kiện thực tế trên một số lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là trên lĩnh vực đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng…vẫn gặp nhiều khó khăn do một số quy định chưa cụ thể và không phù hợp với thực tiễn quản lý.

- Số lượng cán bộ trực tiếp giải quyết khiếu nại, tố cáo còn ít,chưa được bổ sung đủ, trong khi đó số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo tăng nhiều dẫn đến việc quá tải trong giải quyết các vụ việc.

- Thái độ, tác phong làm việc và đạo đức công vụ của một số cán bộ công chức ở thành phố và ở phường, xã còn chưa đáp ứng được yêu cầu trong quá trình tiếp dân, xử lý hồ sơ hành chính của dân. Có những cán bộ có trình độ pháp luật nhưng hạn chế về nghiệp vụ hoặc ngược lại cũng là nguyên nhân hạn chế về chất lượng công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của dân.

- Một số phòng, Uỷ ban nhân dân các phường, xã chưa thực sự có trách nhiệm trong việc chủ động hoặc phối hợp trong việc chỉ đạo thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chưa xem công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo là một nhiệm vụ quan trọng ưu tiên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị. Thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát ở cơ quan, đơn vị, phường xã dẫn đến hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa cao.

III. Những giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở Thừa Thiên Huế

Như trên đã trình bày về thực trạng công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Thừa Thiên Huế, trong đó đã phân tích, làm rõ những tồn tại, vướng mắc và nguyên nhân của những tồn tại vướng mắc đó. Ở phần này chúng tôi xin trình bày một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thứ nhất: Thực hiện tốt công tác tiếp công dân định kỳ và tiếp công dân thường xuyên theo Quyết định số 1871/QĐ-UBND ngày 09/09/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy chế tổ chức tiếp công dân, xử lý đơn, thư khiếu nại, đơn tố cáo tiếp nhận được, khắc phục việc chuyển đơn lòng vòng, hướng dẫn không đúng quy định. Triển khai có hiệu quả, theo đúng nội dung, tiến độ yêu cầu của Đề án Đổi mới công tác tiếp dân theo Quyết định số 858/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 48/KH-UBND ngày 13/6/2011 của UBND tỉnh.

Nâng cao chất lượng công tác thanh tra trách nhiệm đối với Thủ trưởng các cấp, các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18 tháng 05 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ "Về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo", Chỉ thị số 21/CT-UBND ngày 20 tháng 6 năm 2012 của Chủ tịch UBND tỉnh "Về việc chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh".

Thứ hai: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân. Phối hợp với các ngành chức năng liên quan tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, thực hiện tốt Đề án 03 của Chính phủ về tăng cường giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho cán bộ nhân dân các phường, xã.

Thứ ba: Tăng cường bám sát cơ sở, nắm rõ tình hình và bản chất từng vụ việc, xử lý dứt điểm tại nơi phát sinh theo đúng thẩm quyền pháp luật quy định. Thường xuyên phối kết hợp với các ngành kiểm tra, đánh giá chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo và trách nhiệm của cấp uỷ cơ sở. Quan tâm, động viên các tổ hoà giải và chất lượng giải quyết đơn thư từ cơ sở. Khi khiếu kiện phát sinh cần tăng cường biện pháp hoà giải tại cơ sở, khối xóm, tăng cường công khai đối thoại để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của công dân, của cán bộ trong cộng đồng dân cư gắn với mục tiêu xây dựng khối xóm văn hoá, hạn chế tối đa phát sinh khiếu kiện đông người, đơn thư vượt cấp, không để xẩy ra điểm nóng trên địa bàn.

Thứ tư: Tiếp tục phối hợp giữa Uỷ ban nhân dân, Ban pháp chế Hội đồng nhân dân và Liên đoàn lao động tỉnh kiểm tra hoạt động của Thanh tra nhân dân trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Nắm chắc tình hình trên địa bàn, biểu dương, uốn nắn, xếp loại động viên cơ sở trong việc giải quyết khiếu kiện của công dân.

Thứ năm: Chăm lo xây dựng lực lượng trực tiếp làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cả về chất lượng và số lượng. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tạo điều kiện cơ sở vật chất cần thiết cho các Đoàn thanh tra hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thứ sáu: Thực hiện tốt quy trình thanh tra, quy trình tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân theo tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO 9001-2000.

Thứ bảy: Thực hiện kịp thời, nghiêm túc việc xem xét kỷ luật cán bộ công chức vi phạm. Xử lý nhanh việc thu hồi đất đã giao không đúng quy định, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, truy thu nghĩa vụ tài chính…theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ tám: Giám sát và có biện pháp xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chậm giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của Trưởng các Đoàn thanh tra, Trưởng các phòng ban, đơn vị và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và các phường, xã.

Như vậy, để đảm bảo quyền khiếu nại, tố cáo của công dân và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên phạm vi cả nước nói chung và ở Thừa Thiên Huế nói riêng thì trước hết phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về công tác này, đồng thời phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và Luật khiếu nại nói riêng để mọi người dân sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. Muốn làm được điều đó thì phải có một đội ngũ cán bộ, công chức vừa giỏi về kỹ năng, nghiệp vụ, vừa am hiểu pháp luật, thực sự là công bộc của nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ. Bên cạnh đó phải luôn đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước thông qua Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các cấp uỷ Đảng và sự phối hợp nhịp nhàng với các cơ quan chức năng và các tổ chức đoàn thể.

Tài liệu tham khảo:

Báo cáo công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo của Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế (2008 – 2010).

Báo cáo công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo năm 2008- Kỷ yếu kỳ họp thứ XI, HĐND tỉnh khoá V, tr 161

Báo cáo công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo năm 2009 và phương hướng nhiệm vụ 2010- Kỷ yếu kỳ họp khoá thứ XIII, HĐND tỉnh khoá V, tr 180.

Báo cáo công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo năm 2010 và phương hướng nhiệm vụ 2011- Kỷ yếu kỳ họp khoá thứ XV, HĐND tỉnh khoá V, tr 222.

Báo cáo công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo năm 2011 và phương hướng nhiệm vụ 2012- Kỷ yếu kỳ họp thứ XV, HĐND tỉnh khoá VI, tr 79.

Báo cáo công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo sáu tháng đầu năm 2012 - Kỷ yếu kỳ họp thứ XV, HĐND tỉnh khoá VI, tr 70.

Chỉ thị số 18/2006/CT-UBND, ngày 15/5/2006 của UBND tỉnh về công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18 tháng 05 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ "Về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo".

Chỉ thị số 21/CT-UBND ngày 20 tháng 6 năm 2012 của Chủ tịch UBND tỉnh "Về việc chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh".

Quyết định số 1490/2007/QĐ-UBND quy định về thẩm quyền, trình tự giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thông báo số 01/TB-VPUB ban hành ngày 03/01/2011 về việc phân công nhiệm vụ cán bộ, chuyên viên phòng tiếp tân và giải quyết khiếu nại tố cáo.

TS. Nguyễn Duy Phương

Khoa Luật, Đại học Huế