Bàn về địa điểm niêm yết công khai việc bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự.

26/06/2013
Bán đấu giá tài sản là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động thi hành án dân sự vì đây là một trong những cách thức khá quan trọng để “xử lý tài sản thi hành án”.


Thực tế hiện nay, khi bản án đã có hiệu lực pháp luật, nhiều tổ chức, cá nhân không tự nguyện thi hành án. Vì vậy, có không ít trường hợp cơ quan Thi hành án dân sự phải sử dụng biện pháp cưỡng chế để tổ chức thi hành án. Mỗi một biện pháp cưỡng chế thi hành án lại có những cách thức thực hiện khác nhau. Trong đó, để thực hiện biện pháp cưỡng chế “Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án” thì cách thức thường được sử dụng nhiều nhất đó là “bán đấu giá tài sản thi hành án”. Việc bán đấu giá tài sản thi hành án phải tuân thủ các quy định chung của pháp luật về bán đấu giá tài sản. Trong phạm vi bài viết, chúng ta không đi sâu phân tích tất cả các quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản mà chỉ phân tích một khía cạnh nhỏ, đó là quy định về: “niêm yết công khai thông báo bán đấu giá tài sản”. Niêm yết công khai thông báo bán đấu giá tài sản là một quy định nhằm mục đích để tất cả mọi đối tượng đều biết về sự kiện bán đấu giá tài sản sẽ diễn ra để có thể tham gia vào hoạt động bán đấu giá đó. Số lượng người tham gia bán đấu giá tài sản càng lớn thì việc bán đấu giá sẽ càng công khai, minh bạch hơn, cạnh tranh sẽ lành mạnh và giá cả hàng hóa sẽ bán được với mức giá hợp lý hơn. Vì vậy, yêu cầu “niêm yết công khai về bán đấu giá tài sản” là một yêu cầu bắt buộc và thực sự cần thiết.

Tuy nhiên, quy định của pháp luật về vấn đề này lại chưa thực sự rõ ràng. Hiện nay, hoạt động bán đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 17/2010/NĐ/CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về Bán đấu giá tài sản. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 28 Nghị định 17/2010/NĐ- CP, đối với tài sản là bất động sản thì thông báo bán đấu giá tài sản phải được niêm yết đồng thời tại ba nơi là: “Nơi bán đấu giá; nơi có bất động sản bán đấu giá; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có bất động sản bán đấu giá”. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có quy định nào hướng dẫn cụ thể về “nơi có bất động sản bán đấu giá” là nơi nào. Quay lại lịch sử các quy định pháp luật về bán đấu giá tài sản, chúng ta có thể thấy:

Tại Nghị định 86/CP ngày 19 tháng 12 năm 1996 về việc ban hành Quy chế Bán đấu giá tài sản quy định:

“Trước khi tiến hành bán đấu giá bảy ngày đối với động sản và ba mươi ngày đối với bất động sản, người bán đấu giá phải niêm yết việc bán đấu giá tại nơi bán đấu giá, nơi trưng bày tài sản, nơi đặt trụ sở của người bán đấu giá, nơi có bất động sản bán đấu giá”.

Như vậy, ở quy định này, thông báo bán đấu giá tài sản ở 4 nơi:

- Nơi bán đấu giá: là nơi sẽ diễn ra việc bán đấu giá tài sản. Đây có thể là trụ sở của người bán đấu giá hoặc một nơi khác do người bán đấu giá chỉ định.

- Nơi trưng bày tài sản (đối với động sản).

- Nơi đặt trụ sở của người bán đấu giá.

Người bán đấu giá là Trung tâm bán đấu giá được thành lập theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, do Sở Tư pháp trực tiếp quản lý. Trung tâm bán đấu giá thuộc Sở Tư pháp là đơn vị hành chính sự nghiệp có thu, có tư cách pháp nhân, có tài khoản riêng và con dấu riêng. Người bán đấu giá cũng có thể là doanh nghiệp nhà nước được thành lập theo Luật Doanh nghiệp nhà nước, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần được thành lập theo Luật Công ty hoạt động bán đấu giá chuyên nghiệp và không kinh doanh ngành nghề khác do Sở Tư pháp quản lý về nghiệp vụ (Điều 1 Nghị định 86/CP).

- Nơi có bất động sản bán đấu giá (đối với bất động sản)

Kế thừa các quy định tại Nghị định 86/CP, tại Nghị định 05/2005/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản quy định:

“Người bán đấu giá tài sản phải niêm yết việc bán đấu giá tài sản tại nơi bán đấu giá, nơi trưng bày tài sản, nơi đặt trụ sở của người bán đấu giá tài sản, nơi có bất động sản bán đấu giá chậm nhất là bảy ngày đối với động sản, ba mươi ngày đối với bất động sản trước ngày mở cuộc bán đấu giá tài sản”.

Tuy nhiên, tại tất cả các văn bản nêu trên, dù là văn bản còn hiệu lực hay những văn bản đã hết hiệu lực cũng đều không có hướng dẫn “nơi có bất động sản bán đấu giá” là nơi nào?

Về vấn đề này vẫn tồn tại hai quan điểm:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Nơi có bất động sản là chính tại địa điểm có bất động sản đó, hay nói cách khác, phải niêm yết tại chính bất động sản đó.

Ví dụ: Nếu bán đấu giá một mảnh đất tại số 45, Phố Phủ, thị trấn Khoái Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên thì thông báo bán đấu giá tài sản phải được niêm yết tại ba nơi:

- Nơi bán đấu giá tài sản- đó là nơi phiên bán đấu giá tài sản sẽ diễn ra.

- Chính tại bất động sản mảnh đất sẽ bị bán đấu giá (tại số 45, Phố Phủ, thị trấn Khoái Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên).

- Ủy ban nhân dân thị trấn Khoái Châu

Quan điểm thứ hai cho rằng: Niêm yết tại nơi có bất động sản bán đấu giá được hiểu là chỉ cần niêm yết tại khu vực nơi có bất động sản (ví dụ như tại Bảng tin ở khu phố hoặc tổ dân phố, thôn, xóm, bản, làng; Nhà văn hóa khu dân cư…) là đã đảm bảo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 28 Nghị định 17/2010/NĐ-CP. Theo quan điểm này thì trong ví dụ nêu trên, việc niêm yết thông báo bán đấu giá tài sản phải được thực hiện tại ba nơi:

- Nơi bán đấu giá tài sản.

- Bảng tin, Bảng thông báo chung của thôn Phố Phủ hoặc tại Nhà văn hóa của thôn.

- Ủy ban nhân dân thị trấn Khoái Châu.

Theo quan điểm của tôi, thông báo công khai bán đấu giá tài sản chỉ cần niêm yết tại khu vực nơi có bất động sản là đã đáp ứng quy định của pháp luật. Vì trong nhiều trường hợp, ví dụ như đất ruộng ở giữa cánh đồng; đầm, ao cá xa khu dân cư không có người qua lại… thì không thể niêm yết tại bất động sản đó được hoặc nếu có niêm yết tại đó thì cũng không có tác dụng và không thể hiện được ý nghĩa của việc công khai bán đấu giá tài sản vì những nơi đó có niêm yết cũng không hề có người lui tới để biết được thông tin đó. Còn Bảng tin, bảng thông báo của khu phố hoặc tổ dân phố, thôn, xóm, bản, làng, nhà văn hóa thôn… là nơi mọi người trong địa phương đó thường xuyên qua lại, thường xuyên theo dõi nên việc công khai niêm yết sẽ đạt hiệu quả cao nhất, phù hợp với mục đích hướng tới của các quy định pháp luật, phù hợp với tư tưởng của các nhà làm luật khi đặt ra các quy định này. Hiện nay, đa số các thông báo bán đấu giá tài sản đều được người bán đấu giá tài sản niêm yết tại khu vực nơi có bất động sản.

Tuy nhiên, đây chỉ là quan điểm cá nhân dựa trên sự hiểu biết về mục đích của các quy định của pháp luật, dựa trên quan điểm chủ quan và dựa trên thực tế áp dụng luật của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Vì vậy, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn việc niêm yết công khai bán đấu giá tài sản để các quy định của pháp luật được áp dụng thống nhất, tránh tình trạng áp dụng khác nhau ở các nơi khác nhau, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản bán đấu giá và làm mất đi ý nghĩa, tính cạnh tranh, tính công khai, minh bạch của hoạt động bán đấu giá tài sản./.

Hoàng Thu Thủy