Một số vấn đề về ủy thác trong thi hành án dân sự

17/03/2015
Uỷ thác thi hành án dân sự là thẩm quyền  của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự được quy định trong Luật thi hành án dân sự. Việc uỷ thác được thực hiện bằng một Quyết định để chuyển hồ sơ vụ việc thi hành án thuộc thẩm quyền của đơn vị mình cho một cơ quan thi hành án khác có điều kiện để tổ chức thi hành. Việc uỷ thác thi hành án là trách nhiệm của cơ quan thi hành án nơi có thẩm quyền nhưng không có điều kiện để tổ chức thi hành mà phải chuyển hồ vụ việc cho cơ quan thi hành án khác có điều kiện tổ chức thi hành vụ việc. Trong bài viết này, tôi xin phân tích và làm rõ một số nội dung trong uỷ thác thi hành án dân sự. 


1. Về cơ sở pháp lý

Uỷ thác thi hành án dân sự được hiểu là việc chuyển giao toàn bộ hoặc từng phần quyết định thi hành án từ cơ quan thi hành án này sang cơ quan thi hành án khác theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định nhằm đảm bảo việc thi hành án các bản án, quyết định của Toà án liên tục và trên thực tế, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân được pháp luật bảo vệ. 

Uỷ thác thi hành án là một trong các biện pháp để giải quyết khó khăn trong công tác thi hành án, bởi trong thực tế, việc một cá nhân đăng ký hộ khẩu một nơi nhưng làm việc hay tạm trú ở nơi khác, có nhiều tài sản ở nhiều địa phương khác nhau là hiện tượng khá phổ biến trong xã hội, trong khi các cơ quan thi hành án dân sự được tổ chức thực hiện, chức năng theo địa bàn lãnh thổ. Để khắc phục thực tế này, cơ chế uỷ thác đã giải quyết khó khăn trên cho hoạt động thi hành án và để đảm bảo quyền, nghĩa vụ cá nhân, tổ chức được thực hiện bình đẳng trước pháp luật thì cơ chế uỷ thác thi hành án đặt ra là yêu cầu khách quan và tất yếu.

Về nguyên tắc, đối với bản án, quyết định của Toà án, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thụ lý là cơ quan thi hành án nơi có Toà án đã xét xử sơ thẩm. Việc uỷ thác thi hành án sẽ giúp cho việc xác minh điều kiện thi hành án được dễ dàng, các thủ tục thi hành án  được tiến hành nhanh chóng, chính xác và tiết kiệm được tiền bạc, thời gian đi lại. Việc uỷ thác thi hành án được thực hiện giữa các cơ quan thi hành án không phân biệt địa bàn hoạt động và cơ quan thi hành án trong quân đội. Cơ quan thi hành án cấp quận, huyện không được uỷ thác cho cơ quan thi hành án cấp tỉnh của địa phương mình, nhưng có thể uỷ thác cho cơ quan thi hành án cấp tỉnh ở địa phương khác.   

Về cơ sở pháp lý, hiện nay việc uỷ thác thi hành án được quy định tại các Điều 55, 56, 57 Luật Thi hành án dân sự 2008 và Điều 22 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP, ngày 13/7/2009 của Chính phủ đối với uỷ thác thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tại điểm 5 bổ sung Điều 8b và bổ xung điểm 8c Điều 1 Nghị định 125/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013, sửa đổi bổ xung một số điều của Nghị Định 58/2009/NĐ-CP  ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự. Ngoài ra, uỷ thác còn được quy định tại khoản 5 Điều 3 Thông tư số 144/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 23/9/2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp đối với uỷ thác liên quan đến thu phí thi hành án.

2. Cơ sở thực tiễn

Việc uỷ thác thi hành án về trình tự, thủ tục cần phải thực hiện một cách nghiêm túc và kịp thời để việc uỷ thác thực sự có hiệu quả và đúng với ý nghĩa của nó là để thuận lợi hơn trong việc tổ chức thi hành án, nhằm làm giảm chi phí từ ngân sách Nhà nước cũng như chi phí do đương sự phải chịu.

Tại Điều 55 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định:  

"1. Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự phải uỷ thác thi hành án cho cơ quan Thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở.

2. Trường hợp người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở ở nhiều địa phương thì Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự uỷ thác thi hành án từng phần cho cơ quan Thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có điều kiện thi hành án để thi hành phần nghĩa vụ của họ.

Trường hợp ủy thác thi hành nghĩa vụ liên quan đến tài sản thì Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự ủy thác đến cơ quan Thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản; nếu không xác định được nơi có tài sản hoặc nơi có tài sản trùng với nơi làm việc, cư trú, có trụ sở của người phải thi hành án thì ủy thác đến nơi làm việc, cư trú hoặc nơi có trụ sở của người đó.

Trường hợp thi hành nghĩa vụ liên đới mà người phải thi hành án cư trú hoặc có tài sản ở các địa phương khác nhau thì Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự uỷ thác toàn bộ nghĩa vụ thi hành án đến cơ quan Thi hành án dân sự thuộc một trong các địa phương nơi người phải thi hành án có điều kiện thi hành án.

3. Việc ủy thác phải thực hiện trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày xác định có căn cứ ủy thác. Trường hợp cần thiết phải ủy thác việc thi hành quyết định của Tòa án về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì việc uỷ thác phải thực hiện ngay sau khi có căn cứ uỷ thác."

Thứ nhất: Tại khoản 1 quy định “Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự phải uỷ thác thi hành án cho cơ quan Thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở”. Chúng tôi muốn nhấn mạnh chữ “Phải” ở đây để khẳng định các nhà làm Luật đã quy định dứt khoát Thủ trưởng cơ quan Thi hành án phải hành động ngay trong việc uỷ thác, không thể chậm trễ, chần chừ bởi quy định tại khoản 3 Điều 55 quy định : Việc ủy thác phải thực hiện trong thời hạn 05 ngày làm việc.

Tuy nhiên trên thực tế, việc thực hiện uỷ thác thường bị chậm về thời gian theo quy định bởi nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân khách quan: lượng việc quá tải cho cán bộ thụ lý, thông thường các Chi cục Thi hành án bố trí một đến hai đồng chí nên hàng tháng toà án chuyển giao các bản án quyết định sang cho cơ quan thi hành án cùng cấp thông thường là rất nhiều  có thể lên đến vài hàng chục bản án, quyết định nên thường chậm về thời gian ra quyết định bởi theo quy định có quá nhiều công đoạn (rà soát bản án về hình thức, vào sổ nhận bản án, vào sổ thụ lý và ra quyết định thi hành án, trình thủ trưởng phê duyệt và giao cho chấp hành viên). Đối với đơn vị nhận uỷ thác, căn cứ các quy định trên nên khi hồ sơ quá thời hạn 05 ngày, thường bị trả lại nơi uỷ thác, trong khi nơi uỷ thác không thể khắc phục được vi phạm, dẫn đến uỷ thác lòng vòng mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân.

Đề xuất: Trước mắt để khắc phục tình trạng này, đối với các đơn vị, trong từng thời gian cụ thể phải tăng cường chuyên viên để kịp thời thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật, mặt khác để tránh nhầm lẫn về giá trị khoản phải thi hành án, cán bộ thụ lý phải đối chiếu với kế toán nghiệp vụ về các khoản tiền do đương sự đã nộp trước cũng như các khoản phải thi hành. Đối với chấp hành viên phải nhanh chóng, kịp thời thực hiện việc uỷ thác theo đúng quy định pháp luật. Mặt khác, về trình tự thủ tục thi hành án nên chăng giảm bớt một số thủ tục, biểu mẫu (thiết kế lại sổ nhận bản án và sổ thụ lý thi hành án để có thể chỉ cần vào 01 sổ mà vẫn theo dõi, quản lý được...)

Về lâu dài, đề nghị Tổng cục hoặc các Cục Thi hành án cấp tỉnh nên xây dựng phần mềm thụ lý và ra quyết định thi hành án cho thống nhất trong tỉnh hoặc trong phạm vi cả nước nhằm giảm tải cho cán bộ thụ lý và phục vụ cho việc quản lý kiểm tra, đối chiếu.

Về tổ chức, nên phân loại các đơn vị cấp quận huyện theo tiêu chí các vụ việc thụ lý trong một năm (dưới 1000 việc/năm; 1000 đến 1500 việc/ năm.....) cho phù hợp làm căn cứ để bố trí biên chế cho mỗi đơn vị cho hiệu quả tránh lãng phí nguồn nhân lực theo cách dàn trải. Đồng thời với những đơn vị quận huyện có lượng việc trên 1000 việc/năm thì cho phép tổ chức tổ văn phòng (từ 2-5 đồng chí) .

Thứ hai: Việc uỷ thác thi hành án đã thực hiện nhiều năm, nhưng hiện nay nhận thức và áp dụng pháp luật về vấn đề uỷ thác ở mỗi nơi có khác nhau. Trong khi các văn bản hướng dẫn không đề cập. Thực tiễn hiện nay phổ biến có ba trường hợp:

Uỷ thác thẳng;

Thụ lý, ra quyết định thi hành án rồi mới uỷ thác;

Việc uỷ thác theo đúng quy định.

Trường hợp uỷ thác thẳng là trường hợp ngay sau khi nhận bản án, quyết định của Toà án, người phải thi hành án có nơi cơ trú hoặc tài sản ở huyện khác hoặc tỉnh khác thì cơ quan thi hành án nhận bản án sơ thẩm ra quyết định uỷ thác ngay (không qua thụ lý, không ra quyết định thi hành án). Với nhận thức mặc dù thuộc thẩm quyền của cơ quan thi hành án khi nhận bản án sơ thẩm (thẩm quyền theo lãnh thổ) nhưng ngay trong bản án đã ghi rõ nơi cơ trú (hoặc nơi có tài sản) không thuộc thẩm quyền nên uỷ thác thẳng mà không cần phải thụ lý và ra quyết định thi hành án. Thuận lợi trong trường hợp này là kịp thời, không mất thời gian, tiết kiệm được chi phí, nhưng cũng có bất lợi là hồ sơ uỷ thác kèm theo bản án chính (bản án có đóng dấu của toà án) nếu uỷ thác bằng hình thức gửi bưu điện, có thể bị thất lạc (trường hợp này không hiếm trên thực tế) thì cơ quan uỷ thác khó có thể phục hồi (bởi không còn tài liệu nào được lưu lại) và cơ quan nhận uỷ thác không nhận được nên cũng không biết, quyền lợi của các đương sự bị “Treo”. Mặt khác, vì uỷ thác thẳng (không ra quyết định thi hành án) nên không có hồ sơ cũng như việc theo dõi quản lý loại việc này không chặt chẽ và khi uỷ thác thẳng không được tính vào tỉ lệ giải quyết việc và giá trị của đơn vị cũng như cá nhân chấp hành viên.

Trường hợp trước khi uỷ thác vẫn thụ lý và ra quyết định  là trường hợp ngay sau khi nhận bản án, quyết định của Toà án, người phải thi hành án có nơi cơ trú hoặc tài sản ở huyện khác hoặc tỉnh khác thì cơ quan thi hành án nhận bản án sơ thẩm vẫn thụ lý và ra quyết định thi hành án theo các trường hợp thông thường sau đó ra quyết định thu hồi (toàn bộ hoặc từng phần) và ra quyết định uỷ thác. Với nhận thức việc ra thụ lý và ra quyết định thi hành án là đúng thẩm quyền theo quy định pháp luật. Thuận lợi trong trường hợp này là quản lý chặt chẽ đầu vào của cơ quan thi hành án, có thể khắc phục được ngay khi cơ quan thi hành án không nhận được uỷ thác; trong trường hợp này chỉ tiêu được giao được tính vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân cũng như tập thể, nhưng việc thực hiện quá rườm rà, mất thời gian, chi phí và công sức.   

Trường hợp thứ ba: Theo bản án người phải thi hành án có nơi cơ trú tại địa phương thuộc thẩm quyền của Chi cục thi hành án ra quyết định thi hành án, qua kết quả xác minh cho thấy người phải thi hành án đã chuyển nơi cơ trú đến địa phương khác. Căn cứ kết quả xác minh thì uỷ thác đến nơi người phải thi hành án đang cư trú mới, đây là trường hợp thông thường và không có gì vướng mắc.

Đề xuất: Đề nghị Tổng cục Thi hành án dân sự nên hướng dẫn các đơn vị thi hành án theo hướng uỷ thác thẳng kịp thời gian theo quy định, tiết kiệm chi phí, tuy nhiên nên quy định trong việc tính chỉ tiêu đối với trường hợp này và quy định phải lưu hồ sơ như các trường hợp khác nhằm khắc phục hạn chế như trên đã trình bày. 

Thứ ba: Theo quy định tại khoản 1 : “Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự phải uỷ thác thi hành án cho cơ quan Thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở”. Việc xác định nơi cơ trú của đương sự được hiểu đơn giản là nơi có hộ khẩu của đương sự theo ghi nhận của bản án mà các cơ quan thi hành án mà chưa dẫn chiếu Luật cư trú 2006 để hiểu đầy đủ  

"1. Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.

Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.

Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú.

Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú.

2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống."

Như vậy, theo dẫn chiếu của Luật Cư trú thì nơi cư trú của công dân nói chung và của đương sự trong thi hành án dân sự nói riêng rất rộng. Tuy nhiên, hiện nay khi thực hiện việc uỷ thác, nơi uỷ thác và nơi nhận uỷ thác chỉ bó hẹp theo phần mở đầu của bản án, quyết định của Toà án (gồm tên tuổi, nơi tạm  trú, nơi thường trú hoặc nơi đăng ký hộ khẩu...). Vì vậy, để việc uỷ thác đúng pháp luật thì phải hiểu đầy đủ khái niệm nơi cư trú của công dân để nơi uỷ thác phải kịp thời xác minh đầy đủ chính xác của đương sự trước khi uỷ thác, kể cả chỗ ở hợp pháp (nơi thuê, nơi mượn hoặc nơi ở nhờ...).

Hiện tượng uỷ thác lòng vòng hoặc từ chối nhận nhận uỷ thác diễn ra không phải là hiếm gặp mà không có điểm dừng bởi quy định pháp luật về vấn đề này cũng chưa rõ ràng, còn quá chung chung. 

Đề xuất: để việc uỷ thác vừa đúng pháp luật và có cơ sở chấm dứt uỷ thác lòng vòng nên quy định nguyên tắc :  Trong trường hợp nơi nhận uỷ thác nơi thường trú của công dân mà không phát hiện được nơi ở mới thì phải giữ lại hồ sơ không được trả lại hồ sơ hoặc uỷ thác thiếu căn cứ.

Trên đây là một số ý kiến cá nhân về nội dung uỷ thác thi hành án dân sự, rất mong nhận được sự phản hồi, chia sẻ của các đồng chí, đồng nghiệp.

Phạm Quang Dũng

Chi cục THADS quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội