Một số vấn đề trong hoạt động thi hành án dân sự

17/03/2015


Trong những năm gần đây, công tác thi hành án dân sự thực sự có những chuyển biến rất tích cực, nhờ có sự quan tâm đúng mức của Đảng và Nhà nước cả về điều kiện, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng và cơ chế, chính sách; mặt khác thẩm quyền đối với các chấp hành viên, cơ quan Thi hành án dân sự cũng được cụ thể hóa, tạo điều kiện để chấp hành viên, cơ quan Thi hành án độc lập tuân theo pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự, gắn trách nhiệm của chấp hành viên với từng hồ sơ thi hành án. Đặc biệt năm 2012 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 37, về việc giao chỉ tiêu thi hành án đối với các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương, trong đó đã giao chỉ tiêu rất cụ thể (tỷ lệ thi hành án về việc trên 88 %, về tiền trên 77 % trong tổng số án có điều kiện thi hành. Ra quyết định thi hành án đúng thời hạn đối với 100% các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực theo đúng quy định của pháp luật); cơ bản khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thi án. Trên cơ sở các chỉ tiêu Quốc hội giao, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự và cơ quan Thi hành án dân sự địa phương tiến hành giao các chỉ tiêu hàng năm đối với các chấp hành viên, cơ quan Thi hành án có thể cao hơn tùy thuộc tình hình cụ thể tại mỗi địa phương nhưng không thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội đã giao. Các chấp hành viên đã nỗ lực, cố gắng thực hiện hết khả năng để đạt và vượt mức các chỉ tiêu được giao hàng năm. Tuy nhiên đối với chỉ tiêu giảm việc thi hành án chuyển kỳ sau do Tổng cục thi hành án dân sự giao đối với các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương đang rất khó thực hiện nhiều việc thi hành án tồn đọng tại một số cơ quan Thi hành án dân sự hiện nay là loại việc không có điều kiện, không đủ điều kiện xét miễn, giảm theo quy định của pháp luật về thi hành án (phần lớn là các loại việc thuộc diện không rõ địa chỉ, hoặc không thu được 1/50 trên tổng số phải thi hành; người phải thi hành án phải chấp hành nhiều bản án, không có tài sản, hoặc chưa đủ thời gian xét miễn, giảm), vì thế chỉ tiêu giảm việc chuyển kỳ sau thực sự là áp lực đối với các chấp hành viên, cơ quan Thi hành án dân sự, một số cơ quan, đơn vị chỉ tiêu giảm việc chuyển kỳ sau không thể thực hiện.

Vấn đề phân loại án:

Nhiều việc thi hành án thuộc diện chủ động, số tiền phải thi hành án lớn, trong quá trình xác minh chấp hành viên nhận thấy người phải thi hành án có tài sản, tuy nhiên so với nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án lại không đáng kể, nhưng chấp hành viên không thể xếp những việc như vậy thuộc loại án không có điều kiện thi hành; đối với loại án cấp dưỡng, bản án tuyên người phải thi hành án có nghĩa vụ cấp dưỡng cho người được cấp dưỡng đến đủ 18 tuổi, trước khi thụ lý đơn yêu cầu, cơ quan Thi hành án đã giải thích, thuyết phục người được thi hành án yêu cầu theo định kỳ, người được thi hành án không chấp thuận, những việc như vậy kéo dài không thể thi hành dứt điểm, không thể xếp vào diện án không có điều kiện thi hành.

Có những loại việc thi hành án, Tòa án căn cứ khoản 4 Điều 30 Bộ luật Hình sự “ Tiền phạt có thể được nộp một lần hoặc nhiều lần trong thời hạn do Toà án quyết định trong bản án”. Tuy nhiên Tòa không tuyên cụ thể mức nộp cụ thể vào từng thời điểm.

Ví dụ: Bản án bản án tuyên phạt bị cáo phải nộp một khoản tiền trong vòng một năm, cá biệt Tòa còn tuyên người phải thi hành án phải nộp một khoản tiền sau khi chấp hành xong hình phạt chính nếu cơ quan Thi hành án tiếp nhận bản án mà không yêu cầu Tòa án làm rõ thì việc tổ chức thi hành gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều bản án hiện nay liên quan đến tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy. Tòa án đã căn cứ Điều 30, và khoản 5 Điều 194 Bộ luật Hình sự tuyên phạt bị cáo hàng trăm triệu đồng, tuy nhiên không hề có việc điều tra, xác minh khả năng tài chính của các bị cáo, bản án chuyển sang cơ quan Thi hành án dân sự để thi hành, không có giấy tờ chứng minh khả năng thi hành án của bị cáo, cơ quan Thi hành án dân sự vẫn thụ lý giải quyết, khi tổ chức thi hành án, người phải thi hành án không có tài sản để thi hành phần nghĩa vụ theo bản án đã tuyên. Mặc dù khoản 3 Điều 30 Bộ luật Hình sự đã quy định rất cụ thể: “Mức phạt tiền được quyết định tuỳ theo tính chất và mức độ nghiêm trọng của tội phạm được thực hiện, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động giá cả, nhưng không được thấp hơn một triệu đồng”.

Để bản án được thực thi trên thực tế, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, khi tuyên án về hình phạt tiền nhất thiết Tòa án phải xem xét đến khả năng tài chính của các bị cáo, tránh trường hợp việc tuyên án không tính đến hậu quả pháp lý của giai đoạn sau, khi chuyển bản án sang cơ quan Thi hành án dân sự để tổ chức thi hành, bản án không thể thi hành được và lại quay lại Tòa để xét miễn, giảm nghĩa vụ cho người phải thi hành án, gây tốn kém về thời gian, công sức, tiền của đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Mặt khác, các cơ quan Thi hành án dân sự trước khi thụ lý, ra quyết định thi hành án phải xem xét kỹ nội dung bản án và các giấy tờ kèm theo chứng minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng như Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án để kiến nghị giải quyết ngay từ khâu tiếp nhận bản án. Thực tế hiện nay có nhiều bản án, quyết định thi hành án từ các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương khác ủy thác đến, đã qua nhiều năm chưa thi hành được (cũng thuộc diện này), người phải thi hành án chuyển địa bàn sinh sống, cơ quan Thi hành án dân sự nơi có đương sự chuyển đến, thụ lý giải quyết, tiến hành xác minh điều kiện thi hành án, người phải thi hành án cũng không có tài sản gì để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.

Đối với các loại án thuộc diện theo đơn yêu cầu, do liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người được thi hành án là cá nhân, công dân, tổ chức nên người được thi hành án đã tích cực điều tra, xác minh khối tài sản của người phải thi hành án và đã yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp ngăn chặn ngay từ giai đoạn điều tra, xét xử vì thế hạn chế các trường hợp đương sự tẩu tán tài sản, nhằm trốn tránh nghĩa vụ ở giai đoạn thi hành án. Tuy nhiên với các loại việc thuộc diện chủ động thi hành án, các khoản như tiền phạt, truy thu sung ngân sách nhà nước, ít thấy các cơ quan tố tụng áp dụng các biện pháp ngăn chặn ngay từ giai đoạn đầu nên đến giai đoạn thi hành án dân sự gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều tra, truy tìm tài sản của người phải thi hành án.

Thi hành phần tiền lãi trong khoản tiền phạt của người phải thi hành án:

Đối với các loại án hình sự về ma túy, ngoài khoản tiền phạt đối với các bị cáo, Tòa án còn buộc bị cáo phải chịu khoản tiền lãi, tương ứng với thời gian chậm thi hành án của khoản tiền phạt đó, kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật. Hiện nay có nhiều việc thi hành án, chấp hành viên, cơ quan Thi hành án dân sự đã tổ chức thi hành xong khoản tiền phạt đối với người phải thi hành án, tuy nhiên phần tiền lãi đối với một số đối tượng thi hành án, qua nhiều năm số tiền lãi cũng lên tới vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng, nhưng người phải thi hành án không còn tài sản, không có nguồn thu nhập, hoặc nếu có cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống tối thiểu. Để thi hành rứt điểm, giảm tỷ lệ án tồn đọng chuyển kỳ sau đối với các cơ quan Thi hành án dân sự hiện rất khó khăn. Theo Điều 61 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định: Người phải thi hành án không có tài sản để thi hành các khoản thu nộp ngân sách nhà nước thì có thể được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án. Tuy nhiên tại Điều 1 Thông tư số 10/2010/TTLT-BTP-BTC-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/5/2010 giải thích từ ngữ: “Khoản thu nộp ngân sách nhà nước là các khoản tiền thu được phải nộp vào Ngân sách nhà nước gồm: Tiền phạt, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, tịch thu sung quỹ nhà nước được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án”, không gồm tiền lãi chậm thi hành án, do vậy đối với tiền lãi của các khoản tiền phạt không thuộc diện xét miễn, giảm theo quy định, chính vì thế những loại việc như vậy đến nay chưa có quy định để giải quyết.

Trên đây là một số tồn tại, bất cập trong hoạt động thi hành án dân sự hiện nay, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung hoặc có sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan tố tụng để hoạt động thi hành án dân sự hoạt động hiệu quả hơn.

Trần Ngọc Bản

Cục THADS tỉnh Điện Biên