Khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm đương sự thực hiện hành vi cản trở việc đo vẽ, định giá tài sản hoặc buộc đương sự mở cửa nhà để cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc đo vẽ nhà đất

01/04/2015
Trong thời gian vừa qua, một số Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời về việc cấm đương sự thực hiện hành vi cản trở việc đo vẽ, định giá tài sản hoặc buộc đương sự mở cửa nhà để cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc đo vẽ nhà đất, với các dạng quyết định như:


- Cấm đương sự thực hiện hành vi cản trở việc đo vẽ, định giá tài sản, ví dụ: Buộc ông/bà ... phải để cho cơ quan, tổ chức được Tòa án chấp nhận và Hội đồng định giá tài sản do Tòa án trưng cầu thực hiện việc đo vẽ, lập bản đồ chi tiết và thực hiện việc định giá đối với căn nhà...”

- Buộc đương sự mở cửa nhà để cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc đo vẽ nhà đất, ví dụ: “Buộc ông/bà… và những người có liên quan đang ở trong căn nhà số … phải để đơn vị đo vẽ hiện trạng và định giá tài sản là căn nhà và đất số …”

Đối với loại việc này, thì hầu hết các cơ quan thi hành án dân sự đều phải tiến hành cưỡng chế có huy động lực lượng vì trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa đương sự đã chống đối, không hợp tác. Tuy nhiên, kết quả thi hành rất hạn chế và có một số việc không thể thi hành được. Nguyên nhân là do các vướng mắc về mặt thể chế cả về pháp luật về tố tụng dân sự và pháp luật thi hành án dân sự.

I. Biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Pháp luật về tố tụng dân sự.

Hiện nay, theo quy định tại Điều 102 của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011 (BLTTDS), thì có các biện pháp khẩn cấp tạm thời sau:

“1. Giao người chưa thành niên cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục.

2. Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng.

3. Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm.

4. Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

5. Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định sa thải người lao động.

6. Kê biên tài sản đang tranh chấp.

7. Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.

8. Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp.

9. Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hoá khác.

10. Phong toả tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong toả tài sản ở nơi gửi giữ.

11. Phong toả tài sản của người có nghĩa vụ.

12. Cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định.

13. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác mà pháp luật có quy định”.

Theo quy định tại Điều 99 BLTTDS, thì các biện pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng khi:

“1. Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 162 của Bộ luật này có quyền yêu cầu Toà án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 102 của Bộ luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm việc thi hành án.

2. Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay bằng chứng, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền nộp đơn yêu cầu Toà án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 102 của Bộ luật này đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Toà án đó.

3. Toà án chỉ tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp quy định tại Điều 119 của Bộ luật này”.

Tại các mục 1, 2 và 3 của Nghị quyết 02/2005/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định tại Chương VIII “Các biện pháp khẩn cấp tạm thời” của Bộ luật tố tụng dân sự thì biện pháp khẩn cấp tạm thời chỉ được áp dụng trong những trường hợp sau đây:

“1. Về quy định tại khoản 1 Điều 99 của BLTTDS

1.1. Trong quá trình giải quyết vụ án (kể từ thời điểm Toà án thụ lý vụ án) chỉ có những cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây mới có quyền yêu cầu Toà án áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 102 của BLTTDS:

a. Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự;

b. Cơ quan về dân số, gia đình và trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình trong trường hợp do Luật hôn nhân và gia đình quy định;

c. Công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động do Bộ luật lao động và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan quy định.

1.2. Chỉ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây, cá nhân, cơ quan, tổ chức được hướng dẫn tại tiểu mục 1.1 mục 1 này mới có quyền yêu cầu Toà án áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 102 của BLTTDS:

a. Để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự có liên quan trực tiếp đến vụ án đang được Toà án giải quyết và cần phải được giải quyết ngay, nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng xấu đến đời sống, sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm... của đương sự;

b. Để bảo vệ chứng cứ trong trường hợp chứng cứ đang bị tiêu huỷ, có nguy cơ bị tiêu huỷ hoặc sau này khó có thể thu thập được;

c. Để bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, tức là bảo toàn mối quan hệ, đối tượng hiện có liên quan đến vụ án đang được Toà án giải quyết;

d. Để bảo đảm việc thi hành án tức là làm cho chắc chắn các điều kiện để khi bản án, quyết định của Toà án được thi hành thì có đầy đủ điều kiện để thi hành án.

2. Về quy định tại khoản 2 Điều 99 của BLTTDS

2.1. Chỉ khi có đầy đủ các điều kiện sau đây, đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện (đơn khởi kiện phải được làm theo đúng quy định tại Điều 164 của BLTTDS), thì cá nhân, cơ quan, tổ chức mới có quyền yêu cầu Toà án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 102 của BLTTDS:

a. Do tình thế khẩn cấp, tức là cần phải được giải quyết ngay, không chậm trễ;

b. Cần phải bảo vệ ngay bằng chứng trong trường hợp nguồn chứng cứ đang bị tiêu huỷ, có nguy cơ bị tiêu huỷ hoặc sau này khó có thể thu thập được;

c. Ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra (có thể là hậu quả về vật chất hoặc phi vật chất).

2.2. Trong trường hợp đơn khởi kiện đã có các nội dung để xác định việc thụ lý đơn khởi kiện và giải quyết vụ án là thuộc thẩm quyền của mình, nhưng cần phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác, thì Toà án thụ lý giải quyết đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay theo quy định tại khoản 3 Điều 117 của BLTTDS và hướng dẫn tại mục 6 Nghị quyết này. Việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện và thụ lý vụ án được thực hiện theo quy định tại Điều 169 và Điều 171 của BLTTDS.

2.3. Toà án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là Toà án có thẩm quyền thụ lý đơn khởi kiện và giải quyết vụ án theo quy định tại các điều 33, 34, 35 và 36 của BLTTDS và hướng dẫn tại mục 1 Phần I Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31-3-2005 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất "Những quy định chung" của BLTTDS.

3. Về quy định tại khoản 3 Điều 99 của BLTTDS

3.1. Toà án chỉ tự mình ra quyết định áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 102 của BLTTDS trong trường hợp đương sự không có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

3.2. Toà án chỉ tự mình ra quyết định áp dụng một biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể khi có đầy đủ các điều kiện do BLTTDS quy định đối với biện pháp khẩn cấp tạm thời đó.

3.3. Khi tự mình ra quyết định áp dụng một biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể, ngoài việc phải thực hiện đúng quy định tại điều luật tương ứng của BLTTDS, Toà án cần phải căn cứ vào các quy định của pháp luật liên quan để có quyết định đúng”.

Như vậy, việc buộc đương sự phải thực hiện hành vi mở cửa nhà để cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc đo vẽ nhà đất có phải là biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự không?

Theo chúng tôi, việc buộc đương sự thực hiện hành vi mở cửa nhà là để thực hiện việc đo vẽ là nhằm mục đích xem xét, thẩm định tại chỗ hoặc định giá tài sản. Do vậy, theo quy định thì việc xem xét, thẩm định tại chỗ hoặc định giá tài sản là hoạt động thu thập chứng cứ được quy định tại Điều 85 BLTTDS.

Theo hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2005/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì, “để bảo vệ chứng cứ” đã được quy định là một trong những căn cứ để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, nhưng “để thu thập chứng cứ” thì không được quy định là một trong những căn cứ để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Do vậy, việc một số Tòa án áp dụng khoản 12 Điều 102, 115 Bộ luật tố tụng dân sự để ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm đương sự thực hiện hành vi cản trở việc đo vẽ, định giá tài sản hoặc buộc đương sự mở cửa nhà để cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc đo vẽ nhà đất, theo chúng tôi là thiếu cơ sở pháp lý.

Mặc dù hiện nay Trên thực tế, có không ít trường hợp đương sự đang trực tiếp quản lý tài sản là nhà đất tranh chấp không hợp tác với Tòa án, gây khó khăn, cản trở hoặc không cho đo vẽ nhà đất bằng việc đóng cổng, đóng cửa, bỏ đi khỏi nhà đất tranh chấp mỗi khi Tòa án đến xem xét, thẩm định tại chỗ dẫn tới việc Tòa án không thể giải quyết được vụ án, không ít vụ án phải tạm đình chỉ không thời hạn.

Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng đó thì tại các khoản 6 và 7 Điều 9 Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (hướng dẫn Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP) thi hành một số quy định về “Chứng minh và chứng cứ” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011 hướng dẫn thực hiện Điều 89 Bộ luật tố tụng dân sự như sau:

“...6. Nếu có người nào cản trở Toà án tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ, thì Thẩm phán yêu cầu đại diện của Uỷ ban nhân dân hoặc cơ quan, tổ chức có biện pháp can thiệp, hỗ trợ kịp thời để thực hiện việc xem xét, thẩm định tại chỗ. Trong trường hợp cần thiết, Thẩm phán yêu cầu lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an nhân dân có thẩm quyền để có các biện pháp can thiệp, hỗ trợ, theo quy định tại Thông tư số 15/2003/TT-BCA(V19) ngày 10-9-2003 của Bộ Công an hướng dẫn hoạt động hỗ trợ tư pháp của lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an nhân dân.

7. Trường hợp đã thực hiện đầy đủ các biện pháp được hướng dẫn tại khoản 6 Điều này mà vẫn không tiến hành được, thì Thẩm phán lập biên bản về việc đương sự cản trở việc xem xét, thẩm định tại chỗ để lưu vào hồ sơ vụ án. Biên bản về việc đương sự cản trở việc xem xét, thẩm định tại chỗ, đồng thời, phải được gửi cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo pháp luật về hành vi chống người thi hành công vụ của đương sự ». 

Hơn nữa, hiện nay đã có Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BTC hướng dẫn thi hành Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự về định giá tài sản, thẩm định giá tài sản, trong đó tại Điều 16, 17 đã có quy định rõ, như sau:

“Điều 16. Xử lý trong trường hợp có hành vi cản trở Hội đồng định giá tiến hành định giá tài sản

Trường hợp có hành vi cản trở Hội đồng định giá tiến hành định giá tài sản thì Chủ tịch Hội đồng định giá yêu cầu đại diện Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, cơ quan Công an và các cơ quan chức năng khác có biện pháp can thiệp, hỗ trợ kịp thời. Tùy theo tính chất và mức độ của hành vi cản trở mà người có hành vi cản trở Hội đồng định giá bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp không thể tiến hành định giá tài sản, Hội đồng định giá lập biên bản về việc không thể tiến hành định giá tài sản do có hành vi cản trở và lưu vào hồ sơ vụ việc dân sự. Biên bản không thể tiến hành định giá tài sản được thực hiện theo Mẫu số 06 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.

Việc xác định giá tài sản cần định giá trong trường hợp Hội đồng định giá không thể tiến hành định giá được do có hành vi cản trở sẽ được xác định theo hướng dẫn tại Điều 17 Thông tư liên tịch này.

Điều 17. Tòa án xác định giá tài sản trong một số trường hợp khác

1. Trường hợp các bên đương sự không tự thỏa thuận được về việc xác định giá tài sản, nhưng không yêu cầu Tòa án yêu cầu tổ chức thẩm định giá tiến hành định giá tài sản hoặc không yêu cầu Toà án thành lập Hội đồng định giá tiến hành định giá tài sản thì Tòa án yêu cầu các bên đương sự đưa ra giá của tài sản nhưng không được vi phạm hướng dẫn tại các khoản 2, 3, 4 Điều 2 của Thông tư liên tịch này. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày đương sự nhận được yêu cầu của Toà án, nếu các bên đương sự đưa ra được một mức giá thống nhất, thì Tòa án lấy mức giá này làm giá tài sản. Trường hợp các đương sự đưa ra các mức giá khác nhau, thì Tòa án lấy mức giá trung bình cộng của các mức giá do các đương sự đã đưa ra. Trường hợp chỉ có một đương sự đưa ra giá tài sản còn các đương sự khác không đưa ra giá đối với tài sản đang tranh chấp thì Toà án xác định giá tài sản theo mức giá của bên đương sự đã đưa ra.

2. Trường hợp có đương sự cản trở Hội đồng định giá tiến hành định giá tài sản, thì Tòa án yêu cầu các đương sự không có hành vi cản trở đưa ra giá của tài sản, nhưng không được vi phạm hướng dẫn tại các khoản 2, 3, 4 Điều 2 của Thông tư liên tịch này. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Toà án, nếu các đương sự không có hành vi cản trở đưa ra được một mức giá thống nhất, thì Tòa án lấy mức giá này làm giá tài sản. Trường hợp các đương sự không có hành vi cản trở đưa ra các mức giá khác nhau, thì Tòa án lấy mức giá trung bình cộng của các mức giá do các đương sự đã đưa ra. Trường hợp chỉ có một đương sự không có hành vi cản trở đưa ra giá tài sản còn các đương sự khác không đưa ra giá đối với tài sản đang tranh chấp thì Toà án xác định giá tài sản theo mức giá của  đương sự đã đưa ra.

3. Trường hợp đương sự không đưa ra được giá tài sản theo quy định tại khoản 1, khoản 2 của Điều này hoặc các bên đương sự cùng có hành vi cản trở Hội đồng định giá tiến hành định giá tài sản hoặc không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản theo quy định của pháp luật, thì Tòa án căn cứ hồ sơ vụ việc để giải quyết vụ việc dân sự theo thủ tục chung.

4. Sau khi Toà án xác định giá tài sản theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà đương sự lại có yêu cầu định giá thì Toà án không tiến hành định giá tài sản.”

Như vậy, rõ ràng nếu trong quá trình giải quyết vụ án mà đương sự có hành vi cản trở việc đo vẽ, định giá tài sản thì Tòa án phải thực hiện theo những hướng dẫn trên chứ không phải vận dụng khoản 12 Điều 102 Bộ luật tố tụng dân sự, ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm đương sự thực hiện hành vi cản trở việc đo vẽ, định giá tài sản hoặc buộc đương sự mở cửa nhà để cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc đo vẽ nhà đất.

II. Khó khăn khi cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm đương sự thực hiện hành vi cản trở việc đo vẽ

Về mặt pháp lý: Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định về thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thì không có quy định cụ thể nào về thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm đương sự thực hiện hành vi cản trở việc đo vẽ, định giá tài sản hoặc buộc đương sự mở cửa nhà để cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc đo vẽ nhà đất. Để tổ chức thi hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm đương sự thực hiện hành vi cản trở việc đo vẽ, định giá tài sản hoặc buộc đương sự mở cửa nhà để cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc đo vẽ nhà đất thì cơ quan thi hành án phải vận dụng Điều 118 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 để buộc đương sự thực hiện.

Tuy nhiên, nếu đương sự không hợp tác thì cũng không có căn cứ và quy định để tiến hành cưỡng chế mở cửa…vì cưỡng chế buộc đương sự mở của nhà chỉ áp dụng đối với trường hợp kê biên tài sản, đồ vật bị khóa hoặc đóng gói và đã có quy định rõ về việc xử lý tài sản trong những trường hợp này. Còn đối với trường hợp đo vẽ, định giá này thì, khi người phải thi hành án khóa cửa không có mặt tại nhà, hoặc vắng mặt tại địa phương không chấp hành việc thi hành án, thì khi cơ quan thi hành án khi tổ chức cưỡng chế có được phá khóa của người phải thi hành án không. Tài sản sau khi phá khóa có phải liệt kê, mô tả, chuyển về nơi giữ bảo quản tài sản không. Chi phí này ai phải chịu. Nếu không liệt kê mô tả tài sản mà niêm phong khóa lại nhưng Hội đồng cưỡng chế rút khỏi địa bàn nhưng không có người trông giữ khi cửa bị khóa sẽ xử lý như thế nào.

Đối với việc tổ chức thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật, sau khi thực hiện việc mở khóa để kê biên tài sản mà người phải thi hành án, chủ sở hữu tài sản, người đang quản lý tài sản hoặc người thân thích của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật không nhận bảo quản tài sản kê biên thì Chấp hành viên thuê người bảo quản tài sản (Điều 58), chi phí bảo quản tài sản do người bị cưỡng chế chịu. Tuy nhiên, các quyết định khẩn cấp tạm thời của Tòa án ban hành chỉ quy định về chi phí đo vẽ, định giá, không quy định chi phí bảo quản tài sản. Như vậy khi xảy ra trường hợp phải thuê bảo quản tài sản khi cưỡng chế thì sẽ không có chi phí để thực hiện.

 Vì những lý do trên, nên thực tế hiện nay rất nhiều vụ việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm đương sự thực hiện hành vi cản trở việc đo vẽ, định giá tài sản hoặc buộc đương sự mở cửa nhà để cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc đo vẽ nhà đất Cơ quan thi hành án dân sự không thể thi hành được và vụ việc rơi vào bế tắc cho cả cơ quan thi hành án và Tòa án. Do vậy, theo chúng tôi Tòa án không nên vận dụng khoản 12 Điều 102 Bộ luật tố tụng dân sự để ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm đương sự thực hiện hành vi cản trở việc đo vẽ, định giá tài sản hoặc buộc đương sự mở cửa nhà để cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc đo vẽ nhà đất.

Hồ Quân Chính

Cục THADS Tp.Hồ Chí Minh