Biện pháp cưỡng chế khai thác tài sản của người phải thi hành án

28/08/2017
Cưỡng chế khai thác tài sản là một trong những biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự ở Việt Nam. Đây là biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự được quy định lần đầu tiên ở Việt Nam tại Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014 không sửa đổi đến những quy định cụ thể của cưỡng chế khai thác tài sản, do đó ngoài những quy định chung về cưỡng chế thi hành án dân sự theo quy định của Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2014 thì những quy định cụ thể về cưỡng chế khai thác tài sản vẫn được giữ nguyên theo quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008.


Quy định cụ thể về cưỡng chế khai thác tài sản ở Việt Nam trong pháp luật không nhiều và chỉ trong phạm vi Luật Thi hành án dân sự dân sự năm 2008, gồm khoản 4 Điều 71 và mục 7 Chương IV từ Điều 107, 108 và Điều 109. Nói đến cưỡng chế khai thác tài sản có nghĩa là nói đến “biện pháp cưỡng chế khai thác tài sản của người phải thi hành án. Nội dung pháp luật và thực tiễn thực hiện pháp luật về cưỡng chế khai thác tài sản có nhiều vấn đề.
1. Quyền yêu cầu áp dụng biện pháp cưỡng chế khai thác tài sản
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quyền của đương sự trong thi hành án dân sự, tại điểm a khoản 1 Điều 7 Luật Thi hành án dân sự 2008 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2014 quy định người được thi hành án có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự. Quy định này xuất phát từ việc Luật Thi hành án dân sự 2008 chưa quy định cụ thể về quyền yêu cầu áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự, tuy nhiên thực tiễn thi hành án dân sự có rất nhiều trường hợp đương sự yêu cầu Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự; mặt khác trong những trường hợp nhất định, người được thi hành án yêu cầu thay đổi Chấp hành viên do đó cũng đồng nghĩa với việc yêu cầu thay đổi người tiến hành cưỡng chế thi hành án dân sự đối với việc thi hành án đó. Cưỡng chế khai thác tài sản là một biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự do đó người được thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu Chấp hành viên, Thừa phát lại áp dụng biện pháp cưỡng chế khai thác tài sản của người phải thi hành án.
2. Về thẩm quyền và căn cứ áp dụng biện pháp cưỡng chế khai thác tài sản
Theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự Việt Nam hiện nay thì Chấp hành viên và Thừa phát lại có thẩm quyền tiến hành cưỡng chế thi hành án dân sự. Do đó, khi nói đến các nội dung pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự mà Chấp hành viên có thẩm quyền tiến hành thì cũng có nghĩa là nói đến Thừa phát lại có thẩm quyền tiến hành các nội dung đó. Vì thế, Chấp hành viên và Thừa phát lại có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế khai thác tài sản của người phải thi hành án dân sự.
Căn cứ để cưỡng chế thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 70 Luật Thi hành án dân sự bao gồm: Bản án, quyết định; quyết định thi hành án; quyết định cưỡng chế thi hành án.
3. Nội dung pháp luật về biện pháp cưỡng chế khai thác tài sản của người phải thi hành án
Thứ nhất, các trường hợp  cưỡng chế khai thác tài sản.
Cưỡng chế khai thác tài sản của người phải thi hành án trong các trường hợp sau đây:
- Tài sản của người phải thi hành án có giá trị quá lớn so với nghĩa vụ phải thi hành và tài sản đó có thể khai thác để thi hành án.
- Người được thi hành án đồng ý cưỡng chế khai thác tài sản để thi hành án nếu việc khai thác tài sản không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
Thứ hai, về cách thức tiến hành:
Chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế khai thác tài sản. Quyết định ghi rõ hình thức khai thác; số tiền, thời hạn, thời điểm, địa điểm, phương thức nộp tiền cho cơ quan thi hành án dân sự để thi hành án.
Quyết định cưỡng chế khai thác tài sản phải được gửi ngay cho cơ quan có thẩm quyền quản lý, đăng ký đối với tài sản đó và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản.
Việc thực hiện giao dịch, chuyển giao quyền sở hữu tài sản đối với tài sản đang khai thác phải được sự đồng ý của Chấp hành viên.
Thứ ba, hình thức cưỡng chế khai thác tài sản để thi hành án
Tài sản của người phải thi hành án bị cưỡng chế khai thác để thi hành án theo các hình thức sau đây:
- Tài sản mà người phải thi hành án đang trực tiếp khai thác hoặc cho người khác khai thác thì người đang khai thác được tiếp tục khai thác.
Trường hợp tài sản, bao gồm cả quyền sử dụng đất mà chưa khai thác thì Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án ký hợp đồng khai thác tài sản với tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác tài sản.
- Người khai thác tài sản phải nộp số tiền thu được từ việc khai thác tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự, sau khi trừ các chi phí cần thiết.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày yêu cầu mà người phải thi hành án không ký hợp đồng khai thác với người khác thì Chấp hành viên kê biên, xử lý tài sản đó để thi hành án.
Thứ tư, chấm dứt việc cưỡng chế khai thác tài sản
- Chấp hành viên ra quyết định chấm dứt việc cưỡng chế khai thác tài sản trong các trường hợp sau đây:
+ Việc khai thác tài sản không hiệu quả hoặc làm cản trở đến việc thi hành án;
+ Người phải thi hành án, người khai thác tài sản thực hiện không đúng yêu cầu của Chấp hành viên về việc khai thác tài sản;
+ Người phải thi hành án đã thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án và các chi phí về thi hành án;
+ Có quyết định đình chỉ thi hành án.
- Thủ tục chấm dứt cưỡng chế khai thác tài sản bằng việc Chấp hành viên ra quyết định chấm dứt việc cưỡng chế khai thác tài sản.
+ Trường hợp việc cưỡng chế khai thác tài sản chấm dứt theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 109 Luật Thi hành án dân sự (do tài sản không hiệu quả hoặc làm cản trở đến việc thi hành án; người phải thi hành án, người khai thác tài sản thực hiện không đúng yêu cầu của Chấp hành viên về việc khai thác tài sản) thì Chấp hành viên tiếp tục kê biên và xử lý tài sản đó để thi hành án.
+ Trường hợp việc cưỡng chế khai thác tài sản chấm dứt theo quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 109 Luật Thi hành án dân sự (do người phải thi hành án đã thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án và các chi phí về thi hành án hoặc có quyết định đình chỉ thi hành án)thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định, Chấp hành viên ra quyết định giải tỏa việc cưỡng chế khai thác tài sản và trả lại tài sản cho người phải thi hành án.
+ Trường hợp Chấp hành viên quyết định chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác khai thác, sử dụng thì việc chuyển giao quyền nói trên phải phù hợp với các quy định về chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ. Việc định giá quyền sở hữu trí tuệ để thi hành án thực hiện theo quy định của pháp luật về giá và pháp luật về thẩm định giá quyền sở hữu trí tuệ. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu định giá quyền sở hữu trí tuệ phải thanh toán chi phí cho việc định giá.
4. Một số kết quả đạt được trong thực tiễn áp dụng biện pháp cưỡng chế khai thác tài sản của người phải thi hành án
Tìm hiểu thực tiễn và qua Báo cáo số 166/BC-TKDLCT ngày 09/10/2015 thống kê kết quả THADS 12 tháng năm 2015, Báo cáo số 199/BC-TKDLCT ngày 07/12/2015 tổng kết thực hiện thủ tục thi hành án dân sự, Báo cáo số 188 /BC-TKDLCT ngày 07/10/2016 thống kê kết quả thi hành án dân sự 12 tháng năm 2016 và Báo cáo số 153 /BC-TKDLCT ngày 08/08/2017 thống kê kết quả thi hành án dân sự 10 tháng năm 2017 của Trung tâm Thống kê, Quản lý dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự cho thấy thực tiễn áp dụng biện pháp cưỡng chế khai thác tài sản đã được nhiều kết quả với số lượng việc từ tiền cưỡng chế thông qua biện pháp khai thác tài sản tuy không nhiều nhưng cũng có. Từ 01/10/2009 đến 31/07/2017, các Chấp hành viên đã ra 133 quyết định cưỡng chế khai thác tài sản, với số tiền cưỡng chế là 9.029.708.052 đồng; kết quả cưỡng chế thì đương sự tự nguyện thi hành trước khi cưỡng chế mặc dù đã ra quyết định cưỡng chế là 28 trường hợp, với số tiền thu được là 161.900.010 đồng; cưỡng chế thành công 59 trường hợp, với số tiền thu được 2.990.708.361 đồng, cưỡng chế không thành công 23 trường hợp, với số tiền 316.245.904 đồng; đã ra quyết định cưỡng chế nhưng chưa tiến hành cưỡng chế 23 trường hợp, với số tiền 5.560.853.777 đồng. Số việc và tiền cưỡng chế khai thác tài sản từ 01/10/2008 đến 31/7/2017 cụ thể như sau:
  Đơn vị tính: việc, tiền: đồng
Tổng số việc và tiền đã ra quyết định
cưỡng chế
Kết quả cưỡng chế
Việc Tiền Đương sự tự nguyện thi hành trước khi cưỡng chế  (đã ra quyết định cưỡng chế) Cưỡng chế thành công Cưỡng chế không thành công Đã ra quyết định cưỡng chế nhưng chưa tiến hành cưỡng chế
Việc Tiền Việc Tiền Việc Tiền Việc Tiền
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11
2009 1 15.000 1 15.000 0 0 0 0 0 0
2010 0 0 0 0 0 0 0 0 0 0
2011 2 784.000 2 784.000 0 0 0 0 0 0
2012 2 100 0 0 0 0 0 0 2 100
2013 4 106.094.315 2 80.000 1 14.315 1 106.000.000 0 0
2014 4 5.128.700.075 1 150.000 2 64.000 0 0 1 5.128.486.075
2015 43 3.563.574.825 11 160.058.228 17 2.770.674.609 13 209.091.988 2 423.750.000
2016 75 229.603.716 11 812.782 38 219.430.987 9 1.153.916 17 8.206.031
10 tháng2017 2 936.021 0 0 1 524.450 0 0 1 411.571
Tổng 133 9.029.708.052 28 161.900.010 59 2.990.708.361 23 316.245.904 23 5.560.853.777
                                                                                                                        Hà Minh Tuấn