Bàn về trách nhiệm hướng dẫn quyền yêu cầu thi hành án dân sự

15/10/2018
Quyền yêu cầu thi hành án cũng thuộc nội hàm các quyền cơ bản của công dân được quy định tại Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được thể hiện dưới hình thức các quyền cơ bản như: Quyền có nơi ở hợp pháp (1), quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; quyền sở hữu về tài sản... Các quyền này được Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật (2). Theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Bộ luật dân sự năm 2015 thì quyết định của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật là một trong những căn cứ xác lập quyền dân sự. Do đó, để khôi phục lại quyền dân sự đã bị xâm hại, trên cơ sở phán quyết của Tòa án, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu thi hành án để bảo vệ quyền dân sự của họ.


Về vấn đề hướng dẫn quyền yêu cầu thi hành án dân sự, trước đây Điều 18 Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1993 chỉ quy định “khi cấp bản sao bản án, quyết định, Tòa án giải thích cho người được thi hành án biết quyền làm đơn yêu cầu thi hành án”. Điều 18 Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 đã quy định cụ thể hơn về vấn đề này. Theo đó, Tòa án phải giải thích cho người được thi hành án, người phải thi hành án về quyền yêu cầu, thời hạn yêu cầu thi hành án và nghĩa vụ thi hành án theo quy định của pháp luật. Kế thừa nội dung trên, Điều 26 Luật thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 (gọi tắt là Luật Thi hành án dân sự) cũng quy định về việc hướng dẫn quyền yêu cầu thi hành án dân sự nhưng mở rộng hơn về chủ thể thực hiện. Ngoài Tòa án nhân dân, Luật thi hành án dân sự quy định thêm về trách nhiệm của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, Trọng tài thương mại:“Khi ra bản án, quyết định, ngoài việc giải thích cho đương sự, Tòa án, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, Trọng tài thương mại còn phải ghi rõ trong bản án, quyết định về quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu yêu cầu thi hành án của các đương sự”.
Quy định này cũng tương đồng với quy định tại Điều 483 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: Trường hợp trong bản án, quyết định của Tòa án có quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 482 của Bộ luật này thì trong phần quyết định của bản án, quyết định của Tòa án phải ghi rõ nội dung về quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu yêu cầu thi hành án. Khi ra bản án, quyết định, Tòa án phải giải thích rõ cho đương sự biết về quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu yêu cầu thi hành án theo quy định của Luật thi hành án dân sự.
Trách nhiệm giải thích về quyền yêu cầu thi hành án không chỉ là yêu cầu đối với các cơ quan có thẩm quyền ra bản án, quyết định mà còn giúp đương sự hiểu rõ và thực hiện đúng các quyền, nghĩa vụ của mình trong giai đoạn thi hành án. Trong thực tiễn, đã có những trường hợp quyền yêu cầu thi hành án của đương sự bị ảnh hưởng, thậm chí là không được thực hiện chỉ vì không biết về quyền yêu cầu thi hành án của mình. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, có thể do lỗi của Tòa án đã ra bản án, quyết định không giải thích cho đương sự về quyền yêu cầu thi hành án; cũng có thể do nhận thức hạn chế, đương sự không biết đến quyền yêu cầu thi hành án vì cho rằng bản án tự động sẽ được thi hành trên thực tế hoặc người được thi hành án đợi người phải thi hành án chấp hành xong hình phạt tù thì mới yêu cầu thi hành án … dẫn đến hết thời hiệu yêu cầu thi hành án mà không có căn cứ nào để chứng minh được là do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng dẫn đến không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn (3).
Quy định về trách nhiệm hướng dẫn quyền yêu cầu thi hành án dân sự của các cơ quan ban hành phán quyết là rất quan trọng và cần thiết, tuy nhiên quy định này vẫn còn một số điểm chưa thống nhất với những quy định pháp luật có liên quan.
Đối với phán quyết của Trọng tài Thương mại, mặc dù tại Điều 66 Luật Trọng tài Thương mại năm 2010 có quy định: Hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài theo quy định tại Điều 69 của Luật này, bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài. Tuy nhiên, nội dung của phán quyết trọng tài theo quy định tại Điều 61 Luật Trọng tài Thương mại năm 2010 chỉ ghi “thời hạn thi hành phán quyết” mà không quy định rõ về quyền yêu cầu thi hành phán quyết. Do đó, cần xem xét bổ sung quy định Trọng tài Thương mại phải “ giải thích” đồng thời phải “ghi rõ” trong phán quyết của Trọng tài Thương mại về quyền yêu cầu thi hành phán quyết, nghĩa vụ thi hành phán quyết, thời hiệu yêu cầu thi hành phán quyết của bên được thi hành phán quyết, bên phải thi hành phán quyết để thống nhất với các quy định của Luật thi hành án dân sự.
Đối với quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, theo Điều 121 Luật Cạnh tranh năm 2004, sau thời hạn 30 ngày, kể từ ngày quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực pháp luật, nếu bên phải thi hành không tự nguyện thi hành, không khởi kiện ra Toà án thì bên được thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Trường hợp quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành thì bên được thi hành có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có trụ sở, nơi cư trú hoặc nơi có tài sản của bên phải thi hành tổ chức thực hiện quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Tuy nhiên, Điều 105 Luật Cạnh tranh quy định về các nội dung chính của quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh lại không quy định việc ghi rõ trong quyết định về quyền yêu cầu thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, nghĩa vụ thi hành, thời hiệu yêu cầu thi hành quyết định như Luật Thi hành án dân sự đã quy định. Do đó cần xem xét bổ sung quy định trách nhiệm của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh trong việc giải thích cho đương sự về quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu yêu cầu thi hành án để phù hợp với các quy định tại Bộ luật Dân sự và Luật thi hành án dân sự. Đối với trường hợp quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành thì phải giải thích rõ về thẩm quyền thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự.
Đồng thời Luật thi hành án dân sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan cũng cần quy định rõ hơn về việc giải thích bản án, quyết định của các chủ thể ban hành bản án, quyết định. Việc giải thích sẽ được thực hiện theo hình thức nào, các nội dung cụ thể cần phải giải thích, trách nhiệm của Tòa án, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, Trọng tài Thương mại nếu không giải thích hoặc giải thích không đầy đủ dẫn đến thiệt hại cho đương sự? Trường hợp có thiệt hại xảy ra, thẩm phán, người ban hành phán quyết, quyết định có phải liên đới chịu trách nhiệm hoặc bị xử lý bằng các chế tài hành chính hay hình sự không…Đây cũng là một trong những vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện trong thời gian tới.
ThS. Hoàng Thị Thanh Hoa
Chi cục THADS huyện Phú Xuyên, Hà Nội
1. Khoản 1 và khoản 2 Điều 32 Hiến pháp năm 2013
2. Khoản 1 Điều 14 Hiến pháp năm 2013.
3. Lê Anh Thọ, Bàn về quyền yêu cầu  thi hành án và thời hiệu yêu cầu thi hành án của người phải thi hành án dân sự, http://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/81/534; trc: 20/7/2018.