Vướng mắc trong việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự

15/07/2019
Việc tạm hoãn xuất cảnh của người phải thi hành án được quy định tại Điều 51 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật thi hành án dân sự (THADS). Trên thực tế, việc áp dụng quy định này đã mang lại những hiệu quả nhất định trong công tác thi hành án dân sự.


Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện vẫn còn có một số vướng mắc như sau:
Thứ nhất: Về tên văn bản “Quyết định về việc tạm hoãn xuất cảnh”:
Tại Điều 21 Nghị định 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (Nghị định số 136/2007/NĐ-CP) quy định: " Công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
1. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm.
2. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự.
3. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế.
4. Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó.
5. Vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan.
6. Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
7. Có hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh theo quy định của Chính phủ".
 Và tại khoản 1 Điều 22 của Nghị định số 136/2007/NĐ-CP quy định: "1. Thẩm quyền quyết định chưa cho công dân Việt Nam xuất cảnh:
a) Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án hoặc cơ quan thi hành án các cấp quyết định chưa cho xuất cảnh đối với những người nêu tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 21 Nghị định này..."
Đồng thời, để hướng dẫn về việc áp dụng Nghị định 136/2007/NĐ-CP, ngày 25/4/2011 Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 21/2011/TT-BCA quy định về trình tự, thủ tục thực hiện quyết định chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh (Thông tư số 21). Tại Điều 3 của Thông tư số 21 quy định: "Chưa được xuất cảnh là việc cơ quan, người có thẩm quyền quyết định không cho phép công dân Việt Nam xuất cảnh". "Tạm hoãn xuất cảnh là việc cơ quan, người có thẩm quyền quyết định tạm dừng xuất cảnh có thời hạn đối với người nước ngoài, người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài đang cư trú ở Việt Nam".
Trong khi đó, Thông tư số 01/2016/BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự (Thông tư số 01) tại Biểu mẫu B47a và C49 lại sử dụng tên Quyết định là "Quyết định về việc tạm hoãn xuất cảnh" đối với công dân Việt Nam. Căn cứ những quy định nêu trên, Viện kiểm sát nhân dân tại địa phương cho rằng tên "Quyết định về việc tạm hoãn xuất cảnh" đối với công dân Việt Nam theo Biểu mẫu B47a và C49 là không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành mà cần phải thay đổi lại là "Quyết định chưa được xuất cảnh" hoặc “ Quyết định chưa cho công dân Việt Nam xuất cảnh”.
Thứ hai: Về căn cứ pháp lý:
Tại các Biểu mẫu B47a và C49 ban hành kèm theo Thông tư số 01có ghi căn cứ pháp lý như sau: "Căn cứ khoản 1 Điều 23, khoản 1 Điều 11 Luật Thi hành án dân sự; khoản.....Điều 21 và điểm a khoản 1 Điều 22 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 65/2012/NĐ-CP ngày 06/9/2012 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam".
Trong khi đó, khi ban hành biểu mẫu nêu trên kèm theo Thông tư số 01 thì Nghị định 65/2012/NĐ-CP đã hết hiệu lực và đã được thay thế bởi Nghị định số 94/2015/NĐ-CP ngày 16/10/2015 hướng dẫn một số điều của Nghị định 136/2007/NĐ-CP ngày 18/7/2007 về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Như vậy, căn cứ pháp lý để ban hành Quyết định tạm hoãn xuất cảnh là Nghị định số 65/2012/NĐ-CP ngày 06/9/2012 nêu trên đã không phù hợp.
Thứ 3: Về thời hạn tạm hoãn xuất cảnh:
Tại khoản 2, khoản 3 Điều 3 Thông tư số 21/quy định:
"Chưa được xuất cảnh là việc cơ quan, người có thẩm quyền quyết định không cho phép công dân Việt Nam xuất cảnh.
Tạm hoãn xuất cảnh là việc cơ quan, người có thẩm quyền quyết định tạm dừng xuất cảnh có thời hạn đối với người nước ngoài, người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài đang cư trú ở Việt Nam".
Với quy định trên, việc tạm dừng xuất cảnh có thời hạn chỉ áp dụng đối với người nước ngoài, người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam. Đối với việc không cho công dân Việt Nam xuất cảnh thì không xác định thời hạn và hiện tại Biểu mẫu B47a và C49 không quy định thời hạn tạm hoãn xuất cảnh đối với công dân Việt Nam. Tuy nhiên tại khoản 1 Điều 5 Thông tư số 21 lại quy định: "Thời hạn áp dụng quyết định chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh ghi tại văn bản thông báo của cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 6 Thông tư này được xác định căn cứ vào tính chất, mức độ, yêu cầu của từng trường hợp cụ thể, nhưng không quá 03 năm cho mỗi trường hợp".
Như vậy, quy định tại Điều 3 và Điều 5 của Thông tư số 21 có sự mâu thuẫn: Tại Điều 5 thì thời hạn "không quá 3 năm " được quy định cho tất cả mọi trường hợp chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh hay tạm hoãn xuất cảnh; nhưng Điều 3 của Thông tư thì thời hạn tạm hoãn chỉ áp dụng với người nước ngoài, người Việt Nam mang họ chiếu nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.
Chính vì những quy định còn có sự mâu thuẫn nêu trên mà thực tế áp dụng vẫn có vướng mắc và quan điểm khác nhau. Có cơ quan THADS thì xác định thời hạn, nhưng cũng có đơn vị không áp dụng thời hạn khi  áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người phải thi hành án là công dân Việt Nam.
Thứ tư: Về nội dung của quyết định về việc tạm hoãn xuất cảnh:
Theo Biểu mẫu B47a và C49, tại Điều 1 của Quyết định  đơn giản chỉ yêu cầu họ tên và địa chỉ của người phải thi hành án bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Tuy nhiên, Điều 6 Thông tư số 21yêu cầu rất nhiều thông tin, cụ thể quy định như sau:
"1. Văn bản thông báo của cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại các Điều 4, 5, 6 và 7 của Thông tư này phải là bản chính, gồm:
a) Tên cơ quan, chữ ký của người có thẩm quyền (ghi rõ họ tên, chức danh) và đóng dấu của cơ quan; số điện thoại liên hệ của cán bộ cơ quan mà người có thẩm quyền giao trách nhiệm trực tiếp giải quyết các vấn đề liên quan đến người có nghĩa vụ chấp hành quyết định việc chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh.
b) Thông tin về người có nghĩa vụ chấp hành quyết định chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh gồm những nội dung cụ thể sau:
- Họ và tên;
- Ngày tháng năm sinh, nơi sinh;
- Giới tính;
- Quốc tịch;
- Số hộ chiếu hoặc giấy chứng minh nhân dân;
- Ảnh cỡ 4x6 cm;
- Địa chỉ cư trú hiện tại;
- Thời hạn, lý do ngăn chặn;
- Biện pháp xử lý khi phát hiện.
2. Văn bản thông báo này được gửi ngay tới Cục Quản lý xuất nhập cảnh bằng cách trực tiếp, qua đường công văn hoặc đường chuyển phát nhanh của bưu  điện".
Trên thực tế hiện nay, mỗi cơ quan THADS thực hiện một cách khác nhau: có cơ quan ban hành Quyết định tạm hoãn xuất cảnh theo đúng mẫu của Thông tư số 01 và gửi kèm theo 01 văn bản Thông báo các thông tin yêu cầu quy định tại Điều 6 Thông tư số 21, nhưng cũng có nhiều cơ quan THADS lồng ghép tất cả các thông tin yêu cầu tại Điều 6 Thông tư số 21 vào nội dung của Quyết định về việc tạm hoãn xuất cảnh. Như vậy, chưa có sự thống nhất trong việc ban hành và sử dụng Quyết định tạm hoãn xuất cảnh trong toàn hệ thống THADS cả nước.
Từ những vướng mắc nêu trên, đề nghị Tổng Cục Thi hành án dân sự nghiên cứu, tham mưu với Bộ Tư pháp phối hợp cùng Bộ Công an để có hướng dẫn áp dụng pháp luật phù hợp về nội dung này; đồng thời, Bộ Tư pháp nghiên cứu chỉnh sửa Biểu mẫu B47a vàC49 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2016/TT-BTP để áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống.
Phạm Thị Thoa
Chấp hành viên Cục THADS tỉnh Lạng Sơn