Cần cơ chế bảo vệ chấp hành viên.

08/08/2019
10 cán bộ bị thương, trong đó 03 công chức, Chấp hành viên của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cái Nước (Cà Mau) đã bị một số đối tượng dùng hung khí và xăng chống đối quyết liệt. Từ câu chuyện này đặt ra vấn đề về cơ chế bảo vệ người thi hành công vụ, trong đó có chấp hành viên và công chức làm công tác thi hành án dân sự


9 giờ sáng ngày 7/8, tại ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, các lực lượng chức năng tiến hành công bố quyết định cưỡng chế thi hành án tại gia đình ông Phạm Hoàng Kiếm và bà Lê Thị Hiến thì ông Kiếm, bà Hiến không đồng tình. Khi đoàn cưỡng chế đang tiến hành cưỡng chế theo kế hoạch thì bị nhiều đối tượng dùng hung khí và xăng chống đối quyết liệt khiến nhiều người trong đoàn bị bỏng. Những người tham gia đoàn cưỡng chế đã nhanh chóng dập lửa, đưa các nạn nhân đi cấp cứu.
Trao đổi với Báo PLVN, ông Huỳnh Văn Hiệu, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Cà Mau cho biết, trong số 10 người bị thương có 3 chấp hành viên, công chức Chi cục THADS Cái Nước, 5 người là chiến sỹ Công an huyện và 2 là cán bộ xã Thạnh Phú. Các trường hợp cán bộ, công chức bị thương hiện đang điều trị tại bệnh viện tỉnh và huyện, một trường hợp bỏng nặng đã được chuyển lên tuyến trên.
Ngay trong tối 7-8, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã phát công văn hỏa tốc chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý ngay vụ chống người thi hành công vụ trong công tác thi hành án tại huyện Cái Nước xảy ra vào sáng ngày 7/8.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau tập trung tích cực chữa trị cho các cán bộ, chiến sỹ bị thương đang điều trị tại bệnh viện; Giao Chủ tịch UBND huyện Cái Nước kết hợp với Công an tỉnh; Cục Thi hành án dân sự tỉnh tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các cán bộ, chiến sỹ bị thương; quan tâm và kịp thời hỗ trợ đối với gia đình các cán bộ, chiến sỹ bị thương có hoàn cảnh khó khăn.
Đối với các đối tượng chống người thi hành công vụ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao Giám đốc Công an tỉnh khẩn trương chỉ đạo điều tra, kịp thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, yêu cầu Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh tiếp tục chỉ đạo kiên quyết cưỡng chế thi hành đối với vụ việc trên theo đúng kế hoạch.
Được biết, hiện nay, Công an huyện Cái Nước đang tạm giữ, làm việc với 4 người có liên quan và tiếp tục tiến hành điều tra, làm rõ.
Ngay sau khi nhận được tin báo vụ việc, ngày 08/8/2019, Bộ Tư pháp đã cử Đoàn công tác gồm lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự và Lãnh đạo Cục Công tác phía Nam đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các cán bộ, chiến sỹ bị thương trong vụ cưỡng chế.
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra vụ việc đương sự chống đối khiến người thi hành công vụ bị thương trong quá trình cưỡng chế thi hành án dân sự. Trước đây, nhiều địa phương đã từng xảy ra các vụ việc tương tự.
Ông Huỳnh Văn Hiệu, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Cà Mau cho rằng, Luật THADS đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chấp hành viên. “Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chấp hành viên phải tuân theo pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án và được pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín”. Tuy nhiên, lại thiếu những cơ chế bảo vệ họ, đặc biệt trong cưỡng chế thi hành án – một công việc rất nhiều hiểm nguy.
Chung nhận định, ông Nguyễn Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hải Dương nhìn nhận, hiện nay, mặc dù việc tác nghiệp của chấp hành viên, công chức các cơ quan thi hành án dân sự đã được quan tâm, tạo điều kiện tuy nhiên pháp luật trong lĩnh vực này còn chưa đồng bộ; chưa có cơ chế sử dụng công cụ hỗ trợ, chưa có quy định cụ thể bảo vệ chấp hành viên và công chức làm công tác thi hành án dân sự. “Nhiều vụ việc cưỡng chế chấp hành viên phải tự mình lao vào làm những công việc cụ thể, hết sức nguy hiểm”, ông Tuấn nói.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Trần Thị Phương Hoa, Tổng cục Thi hành án dân sự đã ghi nhận ý kiến phản ánh của nhiều địa phương về đề xuất các quy định bảo vệ chấp hành viên trong tác nghiệp. Chia sẻ với những khó khăn, vất vả, hiểm nguy của cán bộ, chấp hành viên ở cơ sở, bà Phương Hoa cũng cho biết, sẽ xem xét nghiên cứu các đề xuất này trong quá trình tham mưu, xây dựng, hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự. Đồng thời, cũng mong muốn các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng chống đối người thi hành công vụ để làm gương.
                                                Thu Hằng