Ngành tư pháp với những con số biết nói

20/12/2021
(Chinhphu.vn) - Năm 2021, toàn ngành tư pháp đã tập trung rà soát được 29.955 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), giảm 9% so với năm 2020, kiến nghị xử lý (sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới) đối với 5.581 văn bản (tăng 15,9% so với năm 2020).

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Quốc Hoàn, Chánh văn phòng Bộ Tư pháp cho biết, ngày 21/12 tới đây, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2022, theo hình thức trực tuyến và trực tiếp. Hội nghị này có ý nghĩa quan trọng đánh giá những kết quả của Bộ, ngành tư pháp đạt được trong năm 2021 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của ngành năm 2022, định hướng đến năm 2025.
Tiếp tục rà soát pháp luật, tháo gỡ khó khăn cho người dân
Theo đó, một trong những kết quả nổi bật của ngành tư pháp năm 2021 là công tác rà soát văn bản QPPL được thực hiện thường xuyên và có trọng tâm, trọng điểm. Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã tập trung nguồn lực tiếp tục thực hiện rà soát văn bản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ theo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản QPPL.
Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trong việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 07/6/2021 về Danh mục VBQPPL cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, bao gồm: 16 luật, 12 nghị định, 04 văn bản do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành; xây dựng Báo cáo số 112/BC-BTP ngày 18/6/2021 của Bộ Tư pháp về việc báo cáo tình hình rà soát văn bản QPPL về đầu tư, kinh doanh.
Đặc biệt, trước những tác động, diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã tiếp tục rà soát pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh và đời sống nhân dân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Một trong những kết quả nổi bật khác của ngành tư pháp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 là công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính ngày càng được quan tâm lớn của các cấp, các ngành. Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tham mưu, trình Ban Bí Thư ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế để triển khai trong toàn hệ thống chính trị. Nhiều bộ, ngành và các tỉnh, thành phố đã kịp thời ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 04-CT/TW nêu trên, bảo đảm đồng bộ, thống nhất.
Thi hành án dân sự đạt trên 45.705 tỷ đồng
Mặc dù dịch bệnh COVID-19 gây trở ngại trên nhiều mặt cho việc thực hiện quyền yêu cầu thi hành án của người dân, doanh nghiệp và tác nghiệp tại cơ sở của Chấp hành viên, nhưng các cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) đã nỗ lực thi hành xong 493.971 việc với trên 45.705 tỷ đồng, trong đó có hơn 4.000 tỷ đồng từ các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi. Việc xử lý các vụ việc phức tạp, kéo dài, xử lý thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và án tín dụng, ngân hàng tiếp tục được lãnh đạo các cấp, các ngành liên quan quan tâm và tập trung chỉ đạo quyết liệt. Việc phối hợp với các ngành nội chính, tòa án, kiểm sát, công an, ngân hàng, bảo hiểm xã hội trong hoạt động THADS tiếp tục được thực hiện kịp thời, chặt chẽ, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành án. Ban chỉ đạo THADS các cấp tiếp tục được rà soát, kiện toàn, kịp thời giải quyết nhiều vụ việc phức tạp.
Các cơ quan THADS đã thực hiện nghiêm việc theo dõi Thi hành án hành chính (THAHC) theo quy định, kết quả THAHC có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2021, cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước phải thi hành 944 bản án, quyết định về vụ án hành chính; kết quả đã thi hành xong 455 việc (tăng 92 việc so với năm 2020).
Ưu tiên thể chế hóa chính sách lớn trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, Bộ Tư pháp xác định ưu tiên thể chế hóa những định hướng chính sách lớn, then chốt trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tiếp tục tham gia hiệu quả trong việc xây dựng, trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ban hành và tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Tham mưu thực hiện hiệu quả, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án luật, pháp lệnh thuộc Đề án về định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội. Tập trung nguồn lực xây dựng và trình Chính phủ, Quốc hội Đề nghị xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi).
Tổ chức thi hành hiệu quả văn bản QPPL, nhất là triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVIHC) cùng với các Nghị định quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự sau khi được Quốc hội thông qua. Tăng cường công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Chú trọng thực hiện có chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các công tác này, nhất là việc theo dõi, đôn đốc việc xử lý văn bản trái pháp luật, xử lý kết quả rà soát văn bản của các bộ, ngành, địa phương.
Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về THADS và các quy định của pháp luật có liên quan để giải quyết các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, nhất là các quy định liên quan đến việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế theo yêu cầu tại Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu THADS được Quốc hội giao năm 2022 trong bối cảnh thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19. Bảo đảm 100% bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án về vụ án hành chính được theo dõi thi hành theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.
Triển khai thực hiện Nghị định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp; kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan tư pháp các cấp; tăng cường phân công, phân cấp, phân quyền trong các cơ quan, đơn vị trong ngành tư pháp gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và cá thể hóa trách nhiệm; nâng cao tinh thần trách nhiệm, vai trò gương mẫu của người đứng đầu. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 2069/QĐ-TTg ngày 08/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành tư pháp và Quyết định số 2070/QĐ-TTg ngày 08/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành Tư pháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Lê Sơn
Nguồn: chinhphu.vn