Tăng cường kiểm tra lĩnh vực có nguy cơ phát sinh vi phạm cao trong Thi hành án dân sự

05/01/2022
(PLVN) -Công tác kiểm tra trong hệ thống THADS được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, luôn được quan tâm, chú trọng triển khai kịp thời. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, việc kiểm tra còn nhiều hạn chế.

Một số lĩnh vực quan trọng chưa được kiểm tra
Thời gian qua, với cách thức và quy trình kiểm tra trong THADS được quy định cụ thể đã giúp công tác kiểm tra tiếp tục được thực hiện bài bản, phát huy hiệu quả nhất định. Việc tự kiểm tra đã được các cơ quan THADS xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kiểm tra từ cấp Cục đến cấp Chi cục. Một số Cục THADS đã chủ động triển khai thực hiện việc tự kiểm tra, đảm bảo thời hạn theo yêu cầu của Tổng cục như: TP Hồ Chí Minh, Nam Định, Sơn La, Thái Nguyên, Lào Cai, Hải Dương….
Qua công tác thẩm tra kết quả tự kiểm tra cho thấy, về cơ bản các cơ quan THADS địa phương đã thực hiện tự kiểm tra toàn diện trên tất cả các mặt công tác của đơn vị, đã có đánh giá, nhận xét về kết quả đạt được và hạn chế, vi phạm, đề ra được một số giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, vẫn còn một số Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo Chi cục chưa ý thức và nhận thức đúng về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác tự kiểm tra trong việc quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ. Nhiều địa phương còn lúng túng trong việc thực hiện tự kiểm tra theo Quy chế mới.
Nội dung tự kiểm tra chưa toàn diện, một số lĩnh vực quan trọng, có nguy cơ phát sinh vi phạm cao chưa được kiểm tra hoặc có kiểm tra nhưng chưa đạt yêu cầu như công tác tiếp nhận, bảo quản, xử lý vật chứng, công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, công tác nghiệp vụ tổ chức thi hành án. Các biện pháp xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc để xảy ra vi phạm còn chung chung, chưa được xác định cụ thể làm căn cứ xử lý nghiêm, đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa vi phạm.
Tăng cường kiểm tra đột xuất
Trong khi đó, pháp luật về THADS và các quy định pháp luật có liên quan mới chỉ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền tổ chức kiểm tra và nguyên tắc hoạt động kiểm tra mà chưa có quy định về các loại hình kiểm tra, trình tự, thủ tục kiểm tra. Tổng cục THADS mới chỉ ban hành Quy chế kiểm tra trong THADS là văn bản mang tính chất nội bộ, cá biệt, quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện kiểm tra của từng loại hình kiểm tra. Vì vậy, cần bổ sung quy định pháp luật về các loại hình kiểm tra, trình tự, thủ tục kiểm tra làm căn cứ pháp lý cho hoạt động kiểm tra vào văn bản quy phạm hướng dẫn thi hành Luật THADS.
Về tổ chức thực hiện công tác kiểm tra trong Hệ thống THADS, cần đảm bảo nguyên tắc kiểm tra theo phân cấp đã được đề ra tại Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra trong Hệ thống THADS”. Tổng cục THADS cần xác định lĩnh vực, đơn vị, cá nhân có nhiều vi phạm hoặc dấu hiệu vi phạm, thực hiện không nghiêm công tác kiểm tra hoặc thực hiện không đúng kết luận kiểm tra đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra đột xuất, kiểm tra chuyên đề.
Cùng với đó, cần đổi mới hình thức kiểm tra phù hợp với tình hình mới, áp dụng linh hoạt hình thức kiểm tra trực tiếp hoặc gián tiếp qua nghiên cứu báo cáo, tài liệu có liên quan đảm bảo kết luận kiểm tra khách quan, toàn diện. Tổng kết, đánh giá công tác kiểm tra, định kỳ có các hình thức tổ chức rút kinh nghiệm trong toàn Hệ thống cũng như nhân rộng cách làm hay, hiệu quả, điển hình tiên tiến. Xử lý nghiêm người đứng đầu cơ quan để xảy ra vi phạm nhưng không phát hiện qua công tác tự kiểm tra; có biện pháp xử lý trách nhiệm tương xứng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm phát hiện qua công tác kiểm tra
Đồng thời cần tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan về THADS; nâng cao hiệu quả phối kết hợp giữa hoạt động kiểm tra với hoạt động thanh tra, kiểm sát và giám sát trong THADS để nâng cao hiệu quả công tác THADS.
Tại các Cục THADS địa phương, cần xây dựng kế hoạch kiểm tra, tự kiểm tra của Cục và chỉ đạo các Chi cục xây dựng kế hoạch kiểm tra tập trung vào mảng việc, lĩnh vực còn xảy ra nhiều vi phạm, để phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo trong kỳ báo cáo; những địa bàn còn yếu hoặc đã được kiểm tra nhưng không có sự thay đổi tích cực.
Tổ chức và thực hiện nghiêm kết luận kiểm tra, xử lý các cá nhân để xảy ra vi phạm và có biện pháp khắc phục hậu quả; chú trọng thường xuyên tự kiểm tra, kiểm tra nội bộ để phòng ngừa và khắc phục vi phạm. Tăng cường công tác hậu kiểm và khắc phục, phòng ngừa vi phạm. Thực hiện sắp xếp tăng cường đội ngũ làm công tác kiểm tra. Tăng cường phối hợp với Viện KSND cùng cấp trong việc xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm sát THADS hàng năm, tăng cường thực hiện việc kiểm tra liên ngành.
Đối với các Chi cục THADS, cần chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tự kiểm tra, kiểm tra nội bộ; kết hợp kiểm tra theo kế hoạch với kiểm tra đột xuất, trong đó, tăng cường kiểm tra đột xuất, kiểm tra chuyên đề những cá nhân có nhiều vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm, thực hiện không nghiêm hoặc không đúng kết luận kiểm tra. Thực hiên nghiêm túc, đầy đủ các Kết luận kiểm tra, đề cao trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan trong công tác kiểm tra, tự kiểm tra...
Bảo Ngọc
Nguồn: baophapluat.vn