Sự cần thiết ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 03/2017/TT-BTP ngày 05/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức chuyên ngành THADS (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020 và năm 2021)

24/01/2024


1. Cơ sở pháp lý
Căn cứ phân cấp của Chính phủ tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020) và Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức giao Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có thẩm quyền: “Quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ”, ngày 05/4/2017 Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 03/2017/TT-BTP quy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức chuyên ngành THADS (gồm: (1) chức trách, (2) nhiệm vụ, (3) tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, (4) tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng) đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 08/2020/TT-BTP và Thông tư số 06/2021/TT-BTP.
Tuy nhiên, một trong những nội dung quan trọng của Thông tư trên là tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng không phù hợp với quy định mới của Chính phủ về tiêu chuẩn chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng, cụ thể:
- Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quy định: các bộ, ngành xây dựng chương trình, tổ chức bồi dưỡng, cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước cho công chức chuyên ngành mà bộ ngành đó được giao quản lý như Công chức chuyên ngành thuế, hải quan, thống kê, thi hành án dân sự…
Nội dung chương trình cơ bản gồm 2 phần chính: kiến thức, kỹ năng chung về quản lý nhà nước (như các ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp) và nghiệp vụ chuyên ngành theo vị trí việc làm (ví dụ: thẩm tra viên, thư ký thi hành án…). Chứng chỉ này là điều kiện bổ nhiệm công chức chuyên ngành. Thông tư 03/2017/TT-BTP quy định các chứng chỉ này gồm: Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự, chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ ngạch chấp hành viên trung cấp, chứng chỉ nghiệp vụ chấp hành viên cao cấp, chứng chỉ nghiệp vụ thẩm tra viên thi hành án dân sự, chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thẩm tra viên chính,… là điều kiện bổ nhiệm ngạch tương ứng.
- Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2017/NĐ-CP đã quy định:
(1) Bãi bỏ quy định về thẩm quyền của các các bộ, ngành trong việc ban hành chương trình, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước cho công chức chuyên ngành do bộ ngành đó quản lý. Thay vào đó đã quy định:
 + Bộ Nội vụ là cơ quan duy nhất có trách nhiệm xây dựng, ban hành và quản lý Chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức từ chuyên viên và tương đương đến chuyên viên cao cấp và tương đương.
+ Các bộ, ngành ban hành Chương trình, tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ theo yêu cầu vị trí việc làm cho công chức chuyên ngành.
(2) Công chức tất cả các chuyên ngành đều phải được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo Chương trình trên từ khi Nghị định này có hiệu lực trước khi bổ nhiệm ngạch, ví dụ: Chấp hành viên sơ cấp, thẩm tra viên, thư ký thi hành án phải học chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên. Thẩm tra viên chính, chấp hành viên trung cấp phải học chương trình bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính…
Thực hiện quy định trên, các bộ, ngành phải sửa đổi các tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng trong tiêu chuẩn ngạch công chức của bộ, ngành mình. Đối với Bộ Tư pháp là tiêu chuẩn bổ nhiệm các ngạch chấp hành viên (sơ cấp, trung cấp, cao cấp), thẩm tra viên (thẩm tra viên, chính, cao cấp), thư ký thi hành án.
(3) Quy định chuyển tiếp về việc bổ nhiệm ngạch, sử dụng chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng theo hướng: Cán bộ, công chức, viên chức có chứng chỉ hoàn thành các chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước (chuyên ngành hành chính hoặc chuyên ngành khác) hoặc đã được bổ nhiệm vào chức vụ, ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức trước ngày 30 tháng 6 năm 2022 thì không phải tham gia các chương trình bồi dưỡng tương ứng theo quy định của Nghị định này (chứng chỉ nêu tại điểm (1) nêu trên).
Trường hợp vị trí việc làm chuyên biệt (theo nghề) thì công chức trước khi được bổ nhiệm vào ngạch phải có chứng chỉ đào tạo nghề (trừ trường hợp đặc biệt). Đối với hệ thống tổ chức THADS là các ngạch chấp hành viên phải có chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ THADS.
Hiện nay, căn cứ Nghị định số 89/2021/NĐ-CP, Bộ Nội vụ đã ban hành Chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức các ngạch từ chuyên viên đến chuyên viên cao cấp; ban hành Thông tư số 06/2022/TT-BNV ngày 28/6/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2021/TT-BNV ngày 11/6/2021 quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư - Đây là quy định chung, làm cơ sở để các bộ, ngành ban hành quy định tiêu chuẩn công chức chuyên ngành (mới) bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, cụ thể: (1) Đối với ngạch Chuyên viên cao cấp: bỏ quy định về bằng cử nhân chính trị do đây là bằng cấp đào tạo trình độ đại học được cấp cho mọi người học, không tương đương với trình độ cao cấp lý luận chính trị. Trong hợp cần thiết, người có bằng này phải thực hiện thủ tục hoặc học chuyển đổi để được cấp bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc giấy xác nhận trình độ lý luận chính trị tương đương cao cấp lý luận chính trị; (2) đối với ngạch chuyên viên chính và chuyên viên: Không còn được sử dụng bằng thạc sỹ quản lý hành chính công, tiến sỹ quản lý hành chính công thay cho chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý Nhà nước ngạch tương đương…
Bộ Tư pháp đã ban hành các chương trình: đào tạo nghiệp vụ THADS; các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ theo yêu cầu vị trí việc làm các ngạch: chấp hành viên trung cấp, cao cấp; thẩm tra viên, thẩm tra viên chính, thẩm tra viên cao cấp; thư ký thi hành án áp dụng cho công chức chuyên ngành THADS.
2. Cơ sở thực tiễn
Thực hiện quy định của pháp luật về phân cấp quản lý công chức, viên chức, thời gian qua Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 03/2017/TT-BTP. Việc ban hành và tổ chức thực hiện Thông tư nêu trên bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về cán bộ, công chức, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn trong từng giai đoạn; góp phần chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức chuyên ngành THADS.
Đến nay, bên cạnh phần lớn quy định vẫn còn phù hợp thì Thông tư số 03/2017/TT-BTP cũng đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập cần phải được sửa đổi, bổ sung như: vị trí việc làm làm công tác pháp luật chưa được xác định đầy đủ, khó lượng hóa được trong một số trường hợp; chỉ quy định người làm công tác pháp luật mà chưa xác định loại văn bản, hay giấy tờ gì để chứng minh, xác định người đó đã làm công tác pháp luật như: Thông tư số 01/2021/TT-BTP ngày 03/02/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Công chứng đã quy định rõ về người làm công tác pháp luật, giấy tờ chứng minh; một số quy định về nhiệm vụ, năng lực công chức chuyên ngành THADS còn có sự chồng chéo, chưa rõ, ví dụ: Nhiệm vụ, quyền hạn, năng lực của các ngạch thẩm tra viên. Các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ nằm rải rác trong toàn bộ Thông tư số 03/2017/TT-BTP.
Ngoài ra, các nội dung đã được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ của Thông tư số 03/2017/TT-BTP hiện đang được quy định ở một số văn bản khác nhau, dẫn đến khó tiếp cận, khó tra cứu (Thông tư số 08/2020/TT-BTP và Thông tư số 06/2021/TT-BTP).
 Do đó, việc ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 03/2017/TT-BTP là cần thiết.