Hiến pháp năm 2013 quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật
[1]” và “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật
[2]”. Để bảo đảm thực hiện tốt quyền con người và những quyền cơ bản của công dân theo quy định nêu trên của Hiến pháp và những văn bản pháp luật mới có liên quan, ngày 20 tháng 6 năm 2017, Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 3 đã thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2018 (sau đây gọi tắt là Luật TNBTNN năm 2017), thay thế cho Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 (sau đây gọi tắt là Luật TNBTNN năm 2009).