Một số điểm mới của Thông tư số 06/2019/TT-BTP quy định Chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính

19/02/2020
Thống kê thi hành án dân sự là một trong những công cụ quan trọng phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý, điều hành hoạt động thi hành án dân sự của các cơ quan có thẩm quyền. Kết quả thống kê thi hành án dân sự là nguồn thông tin, dữ liệu chủ yếu, tổng hợp, phản ánh toàn diện kết quả hoạt động tổ chức thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính.


Để có cơ sở pháp lý cho việc thực hiện công tác thống kê thi hành án, ngày 03/01/2013, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 01/2013/TT-BTP hướng dẫn Chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự và ngày 26/6/2015, Bộ Tư pháp tiếp tục ban hành Thông tư số 08/2015/TT-BTP sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2013/TT-BTP. Sau hơn 7 thi hành Thông tư số 01/2013/TT-BTP và gần 5 năm thi hành Thông tư số 08/2015/TT-BTP, công tác thống kê thi hành án dân sự dần dần đi vào nề nếp, kết quả báo cáo thống kê đã phản án tương đối đầy đủ, toàn diện, chính xác, trung thực kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ tổ chức thi hành án của từng Chấp hành viên và của các cơ quan thi hành án dân sự.
Tuy nhiên, trong bối cảnh sự phát triển nhanh và toàn diện các mặt kinh tế, xã hội của đất nước, chủ trương của Đảng và nhà nước trong việc chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, việc áp dụng Thông tư số 01/2013/TT-BTP và Thông tư số 08/2015/TT-BTP trong thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như một số nội dung biểu mẫu, tiêu chí thống kê không còn phù hợp, các biểu mẫu và chỉ tiêu thống kê chưa phản ánh hết được được một số vấn đề mới phát sinh như phản ánh việc thi hành liên quan đến các khoản thu trong các bản án, quyết định về thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế...
Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật làm căn cứ cho việc ban hành Thông tư số 01/2013/TT-BTP và Thông tư số 08/2015/TT-BTP đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới như Luật Thống kê năm 2015, Luật Tố tụng hành chính năm 2015; Nghị định số 97/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; Nghị định số 60/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 quy định chi tiết nội dung báo cáo thống kê cấp quốc gia...
Vì vậy, để khắc phục hạn chế, bất cập từ tình hình thực tiễn nêu trên, qua đó kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với công tác thi hành án dân sự trong giai đoạn hiện nay, ngày 21/11/2019, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 06/2019/TT-BTP quy định chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự, theo dõi án hành chính.
Thông tư số 06/2019/TT-BTP gồm có 3 chương, 16 điều, kế thừa các nội dung còn phù hợp của Thông tư số 01/2013/TT-BTP và Thông tư số 08/2015/TT-BTP như các cơ quan nhận báo cáo thống kê, chế độ và kỳ báo cáo thống kê, giá trị pháp lý của số liệu thống kê thi hành án dân sự, phương pháp tính trong báo cáo thống kê, việc chỉnh sửa số liệu trong báo cáo thống kê, thẩm quyền công bố và phổ biến thông tin thống kê, việc sử dụng số liệu, thông tin trong báo cáo thống kê và trách nhiệm thực hiện báo cáo thống kê.
Đồng thời, Thông tư số 06/2019/TT-BTP cũng đã sửa đổi, bổ sung các quy định quan trọng, phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, tạo nền tảng, cơ sở pháp lý hữu hiệu, khả thi cho công tác thống kê thi hành án dân sự, góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước về thi hành án dân sự. Một số nội dung mới của Thông tư số 06/2019/TT-BTP cụ thể như sau:
Thứ nhất, Thông tư số 06/2019/TT-BTP đã thu gọn hệ thống các biểu mẫu thống kê thi hành án dân sự.
Theo quy định mới, hệ thống biểu mẫu thống kê đã được rà soát, chỉnh lý và thu gọn từ 19 biểu mẫu[1] theo quy định trước đây xuống còn 12 biểu mẫu, bao gồm: (1) Kết quả thi hành án dân sự tính bằng việc; (2) Kết quả thi hành án dân sự tính bằng tiền; (3) Kết quả thi hành cho ngân sách nhà nước; (4) Kết quả thi hành án dân sự tính bằng việc chia theo cơ quan Thi hành án và Chấp hành viên; (5) Kết quả thi hành án dân sự tính bằng tiền chia theo cơ quan Thi hành án và Chấp hành viên; (6) Kết quả đề nghị, xét miễn và giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự; (7) Kết quả cưỡng chế thi hành án dân sự; (8) Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự; (9) Tiếp công dân trong thi hành án dân sự; (10) Kết quả giám sát, kiểm sát thi hành án dân sự; (1l) Kết quả bồi thường nhà nước trong thi hành án dân sự; (12) Kết quả theo dõi việc thi hành án hành chính.
Số biểu thống kê mặc dù được thu gọn, giảm bớt nhưng vẫn đảm bảo việc cập nhật, phản án đầy đủ, chi tiết số liệu, kết quả công tác tổ chức thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính và quan trọng là phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, qua đó phần nào giảm bớt công việc  chấp hành viên, công chức làm công tác thống kê.
Thứ hai, mặc dù đã giữ nguyên nhiều quy định liên quan đến kỳ báo cáo, cách lập báo cáo, phương thức báo cáo thống kê... tuy nhiên để đề cao trách nhiệm của các cơ quan thực hiện báo cáo, Thông tư số 06/2019/TT-BTP đã điều chỉnh một số nội dung liên quan. Cụ thể là: trước hết, Thông tư số 06/2019/TT-BTP bổ sung quy định các cơ quan THADS ở địa phương phải chốt số liệu án chưa có điều kiện thi hành đã được chuyển sổ theo dõi riêng gửi cơ quan THADS cấp trên để theo dõi, quản lý theo kỳ báo cáo thống kê. Tiếp đó, về phương thức báo cáo, Thông tư số 06/2019/TT-BTP bổ sung phương thức Gửi bản scan (quét) báo cáo giấy hoặc báo cáo bằng văn bản điện tử qua thư điện tử công vụ do Bộ Tư pháp cấp hoặc Cục, Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ in trực tiếp từ phần mềm quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê thi hành án dân sự đối với các đơn vị đã có đầy đủ dữ liệu trên phần mềm theo đề nghị bằng văn bản của Thủ trưởng đơn vị. Thông tư số 06/2019/TT-BTP cũng quy định Chi cục trưởng, Cục trưởng chỉ đạo in bản lưu tại đơn vị vào ngày khóa sổ và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, kịp thời của số liệu trong các báo cáo được in từ phần mềm. Đồng thời, thời hạn gửi báo cáo thống kê cũng đã được điều chỉnh theo hướng chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự, có trách nhiệm gửi báo cáo thống kê cho thủ trưởng đơn vị nơi công tác, Cục Thi hành án dân sự, Tổng cục thi hành án dân sự sớm hơn so với quy định trước đây, từ chậm nhất trước 02 ngày của kỳ báo cáo kế tiếp (đối với chấp hành viên), 04 ngày (đối với chi cục thi hành án dân sự), 07 ngày (đối với Cục thi hành án dân sự) theo quy định trước đây xuống tương ứng còn 01 ngày, 02 ngày và 04 ngày theo quy định tại Thông tư số 06/2019/TT-BTP.
Thứ ba, Thông tư số 06/2019/TT-BTP bổ sung, thay thế quy định thanh tra thống kê bằng quy định về thẩm tra thống kê, cụ thể việc thẩm tra thống kê thi hành án dân sự bao gồm các nội dung: Số liệu thống kê, bảng phân tích số liệu thống kê; nguồn số liệu thống kê; phương pháp tính số liệu thống kê; các báo cáo về số liệu thống kê; dữ liệu điện tử thi hành án dân sự và các số liệu khác liên quan đến thống kê thi hành án dân sự. Việc điều chỉnh, bổ sung quy định thẩm tra thống kê thay thế cho quy định về thanh tra thống kê để bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là quy định tại khoản 1 Điều 67 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về trách nhiệm của thẩm tra viên trong việc thẩm tra thống kê, báo cáo, dữ liệu về thi hành án dân sự.
Thứ tư, về cách tính số liệu thống kê, tuy chỉ là nội dung quy định mang tính kỹ thuật nhưng lại là nội dung hết sức quan trọng trong hoạt động thống kê thi hành án dân sự, ảnh hưởng đến kết quả báo cáo thống kê thi hành án dân sự và kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ của chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự.
Trước hết, theo quy định của Thông tư số 01/2013/TT-BTP và Thông tư số 08/2015/TT-BTP thì số việc/tiền đã chuyển sang sổ theo dõi riêng được thống kê vào số việc/tiền chưa có điều kiện thi hành và được thống kê vào tổng số việc/tiền đã giải quyết, số việc/tiền năm trước chuyển sang và tổng số việc/tiền phải thi hành. Để số liệu thống kê phản ánh chính xác hơn thực chất kết quả tổ chức thi hành án dân sự, Thông tư số 06/2019/TT-BTP quy định số việc và số tiền đã chuyển sang sổ theo dõi riêng không được tính vào số việc/tiền chưa có điều kiện thi hành và cũng không được tính vào tổng số việc/tiền đã giải quyết, số việc/tiền năm trước chuyển sang và tổng số việc/tiền phải thi hành.
Đồng thời, Thông tư số 06/2019/TT-BTP đã bổ sung loại việc/tiền chưa có điều kiện thi hành ngoài số việc/tiền được xác định theo quyết định về việc/tiền chưa có điều kiện thi hành theo quy định tại Điều 44a Luật Thi hành án dân sự đã được quy định tại Thông tư số 08/2015/TT-BTP.
Theo quy định tại Thông tư số 06/2019/TT-BTP, việc chưa có điều kiện thi hành theo quy định hiện hành còn được xác định là (i) việc thi hành án mà người phải thi hành án có tài sản, nhưng tài sản đã được đảm bảo cho việc thi hành một nghĩa vụ khác mà đã xác định được số tiền còn lại không đủ để thi hành án hoặc tài sản đang bị cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế hình sự, biện pháp khẩn cấp tạm thời để đảm bảo xét xử và thi hành cho nghĩa vụ khác; (ii) việc thi hành các khoản thu cho Nhà nước trong trường hợp thi hành bản án, quyết định của Tòa án có xử lý tài sản bảo đảm thi hành khoản nợ xấu trong thời gian thực hiện thí điểm theo quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội, nếu giá trị tài sản không đủ hoặc chỉ vừa đủ thi hành khoản thu cho tổ chức tín dụng mà người phải thi hành án không có tài sản nào khác và tổ chức tín dụng cũng không đồng ý trích một phần để thi hành khoản thu cho ngân sách nhà nước.
Cùng với đó, tiền chưa có điều kiện thi hành cũng được quy định rộng hơn so với Thông tư số 08/2015/TT-BTP, cụ thể Thông tư số 06/2019/TT-BTP quy định tiền chưa có điều kiện thi hành còn được xác định là (i) số tiền còn phải thi hành sau khi Chấp hành viên xử lý tài sản của người phải thi hành án hoặc sau khi người được thi hành án nhận tài sản để trừ vào tiền thi hành án; (ii) số tiền của việc thi hành các khoản thu cho Nhà nước trong trường hợp như đã nêu ở trên (đối với việc chưa có điều kiện thi hành) và (iii) số tiền còn phải thi hành sau khi đối trừ giá trị tài sản tại thời điểm báo cáo mà đã giảm giá lần thứ hai không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành.
Ngoài ra, đối với cách thống kê về việc/tiền trong các trường hợp khác, Thông tư số 06/2019/TT-BTP đã bổ sung số việc/số tiền đang trong thời gian tạm dừng thi hành án để giải quyết khiếu nại, tố cáo, bên cạnh số việc/tiền đang trong thời hạn tự nguyện thi hành án và số việc đang trong thời gian chờ ý kiến của cơ quan có thẩm quyền đã được quy định tại Thông tư số 01/2013/TT-BTP và Thông tư số 08/2015/TT-BTP.
Có thể nói, việc ban hành Thông tư số 06/2019/TT-BTP là một bước hoàn thiện thể chế về chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự. Thông tư số 06/2019/TT-BTP sau khi được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động thống kê của các chấp hành viên và các cơ quan thi hành án dân sự. Công tác thống kê thi hành án dân sự sẽ có nhiều đổi mới mang tính tiến bộ, nâng cao tính toàn diện, đầy đủ và chính xác của số liệu, kết quả thống kê thi hành án dân sự, đồng thời cũng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong công tác thi hành án dân sự.
Lại Thế Anh, Cục THADS tỉnh Ninh Bình
 

[1] (i) Kết quả thi hành án dân sự tính bằng việc chủ động thi hành án; (ii) Kết quả thi hành án dân sự tính bằng việc theo yêu cầu thi hành án; (iii) Kết quả thi hành án dân sự tính bằng tiền  chủ động thi hành án; (iv) Kết quả thi hành án dân sự tính bằng tiền theo yêu cầu thi hành án; (v) Kết quả thi hành án dân sự tính bằng tiền theo tổ chức, cá nhân được thi hành án; (vi) Kết quả thi hành án dân sự tính bằng việc chia theo cơ quan Thi hành án và Chấp hành viên; (vii) Kết quả thi hành án dân sự tính bằng tiền chia  theo cơ quan Thi hành án và Chấp hành viên; (viii) Kết quả đề nghị xét miễn, giảm thi hành án dân sự; (ix) Số việc và  số tiền trong các bản án, quyết định Toà án tuyên không rõ, có sai sót, cơ quan Thi hành án đã yêu cầu giải thích, kiến nghị và kết quả trả lời của Tòa án hoặc người có thẩm quyền; (x) Số việc cưỡng chế thi hành án không huy động lực lượng và có huy động lực lượng; (xi) Khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong thi hành án dân sự; (xii) Tố cáo và giải quyết tố cáo trong thi hành án dân sự; (xiii) Kết quả thực hiện chỉ tiêu biên chế và cơ cấu công chức của cơ quan Thi hành án dân sự; (xiv) Trình độ công chức của cơ quan Thi hành án dân sự; (xv) Số cuộc giám sát và kết quả thực hiện kết luận giám sát; (xvi) Số cuộc kiểm sát và kết quả  kiểm sát; (xvii) Số việc, số tiền  bản án, quyết định có kháng nghị và xử lý kháng nghị của Toà án và Viện Kiểm sát; (xviii) Số việc, số tiền bồi thường của Nhà nước trong thi hành án dân sự; (xix) Số việc đôn đốc thi hành án hành chính.