Mô hình giải quyết khiếu nại, khiếu kiện ở một số nước và kinh nghiệm cho Việt Nam

21/05/2018
Hiện Tổng cục Thi hành án dân sự đang tiến hành việc nghiên cứu nhằm đổi mới cơ chế giải quyết khiếu nại, khiếu kiện đáp ứng yêu cầu của đời sống xã hội và các điều kiện pháp luật của WTO. Trên thực tế, việc giải quyết khiếu nại, khiếu kiện ở một số nước do mô hình tổ chức phù hợp đã dẫn tới những thành công trong hoạt động giải quyết khiếu nại, khiếu kiện hành chính như Hoa Kỳ, Canađa, Pháp...và những quy định pháp luật của họ đã trở thành những tiêu chuẩn mà WTO đòi hỏi.


Với lý do trên, việc tham khảo các mô hình giải quyết khiếu nại, khiếu kiện ở một số nước trên thế giới sẽ có những tác dụng nhất định cho việc sửa đổi Luật thi hành án dân sự phần quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự cũng như sửa đổi một bước căn bản phương thức giải quyết khiếu nại, khiếu kiện về thi hành án dân sự trong thời gian tới nhằm tiến tới giải quyết được tất cả khiếu nại, khiếu kiện của người dân và bảo đảm bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
1. Mô hình giải quyết khiếu nại, khiếu kiện ở một số nước[1]
1.1. Mô hình giải quyết khiếu nại nội bộ
Giải quyết khiếu nại nội bộ là một trong những mô hình được khá nhiều nước trên thế giới áp dụng. Theo mô hình này, cơ quan cấp trên trực tiếp xem xét lại quyết định của cơ quan cấp dưới liên quan đến khiếu nại. Ở Anh, Mỹ, Úc, Canada... có các tổ chức hành chính phi tố tụng hoặc các “cơ quan” nằm trong các bộ có nhiệm vụ giải quyết các khiếu nại của người dân. Quyết định giải quyết của các “cơ quan” này có thể bị khởi kiện tại toà án tư pháp nhưng trên thực tế, phần lớn các tranh chấp tìm ra được giải pháp trong giai đoạn hành chính mà không phải đưa ra kiện tụng trước toà. 
Tuy nhiên, cơ chế này mang lại những kết quả khác nhau: Một mặt, không tốn kém và có thể nhanh chóng. Song, kinh nghiệm cho thấy, cơ quan cấp trên có xu hướng đồng tình với quyết định của cơ quan cấp dưới, thậm chí là bao che, dung túng cho quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ thể quản lý hành chính nhà nước cấp dưới, chẳng hạn ở Anh, năm 2005, 77% số đơn khiếu nại nội bộ về quyền tiếp cận thông tin bị bác bỏ hoàn toàn. 
1.2. Mô hình giải quyết khiếu nại được thực hiện bởi cơ quan độc lập
Một số quốc gia thành lập cơ quan độc lập giải quyết khiếu nại như: Thanh tra Quốc hội; Cao ủy viên; các cơ quan chuyên biệt về một lĩnh vực; hoặc cơ quan dạng bán Tòa án. 
Hiện tại có khoảng 100 nước đã thành lập Thanh tra Quốc hội. Cơ quan này được thành lập để bổ sung cho các cơ quan xét xử thông thường, với hình thức tổ chức đa dạng: 
- Mô hình “cổ điển” của Thanh tra Quốc hội có thể thấy ở các nước Bắc Âu và một số nước khác như Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha và Nam Mỹ. 
- Ở Hungary có mô hình Thanh tra nhân quyền.
- Ở Trung Mỹ chỉ thành lập các Ủy ban nhân quyền. 
Còn tại các khu vực các nước nói tiếng Pháp, có thể thấy mô hình Thanh tra Quốc hội có chức năng trung gian. Có các Thanh tra Quốc hội ở cấp quốc gia, cấp vùng và địa phương. 
1.3. Mô hình giải quyết khiếu nại do Tòa án tiến hành
Hiện nay trên thế giới có một số mô hình giải quyết khiếu nại bởi Tòa án gồm mô hình Pháp, mô hình hỗn hợp và mô hình Anh-Mỹ. 
1.3.1. Mô hình Pháp 
Là giao cho một cơ quan xét xử đặc biệt là các toà án hành chính như ở Pháp và một số nước khác. Các toà án hành chính độc lập hoàn toàn với các toà án tư pháp (toà án thường). Hệ thống tòa hành chính Pháp xuất hiện theo Luật ngày 24/8/1790 và Sắc lệnh năm 1794. Luật đã tuyên bố về sự phân chia giữa quyền lực hành chính và quyền lực tư pháp. Mô hình Pháp từ chối việc giao cho các toà án thường khả năng xét xử các cơ quan hành chính bởi sẽ làm lẫn lộn giữa hai ngành hành chính và tư pháp. Một số nước châu Âu lục địa như Thuỵ Điển, Hy Lạp cũng theo hệ thống này. 
1.3.2. Mô hình hỗn hợp 
Là mô hình trao quyền xét xử về tính hợp pháp cho toà án hành chính, còn thẩm quyền xét xử các vụ việc đòi bồi thường trong lĩnh vực hợp đồng lại thuộc về toà tư pháp như ở Đức, Ý, Hà Lan, Lucxămbua, Phần Lan. 
Về ưu điểm, sự phân chia thẩm quyền giữa hai ngành tài phán mang tính hợp lý hơn do: Cơ sở lý luận là khi cơ quan hành chính hành động đơn thuần như một cá nhân thực hiện chẳng hạn, việc quản lý các hoạt động công nghiệp và thương mại, ký kết các hợp đồng dân sự hoặc gây ra các thiệt hại cho người nào đó thì phải được xem xét như một pháp nhân tư và thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc về toà án tư pháp. Ngược lại, khi cơ quan hành chính hành động với tư cách một pháp nhân công quyền, khi thực hiện những ưu thế của quyền lực công, như quyền lập quy, ban hành các văn bản bắt buộc thi hành thì việc kiểm tra tính hợp pháp phải thuộc về cơ quan tài phán hành chính. 
Tuy nhiên, hệ thống này cũng tồn tại những nhược điểm nhất định: Sự phân chia thẩm quyền giữa khiếu kiện về tính hợp pháp và khiếu kiện về bồi thường đã tạo ra không ít khó khăn. Chẳng hạn, khi trách nhiệm của cơ quan hành chính không phải xuất phát từ một hành vi thực tế mà lại xuất phát từ một văn bản trái pháp luật. Trong trường hợp này, việc đánh giá tính hợp pháp của văn bản đó thuộc về cơ quan tài phán hành chính trong khi việc quyết định mức bồi thường lại thuộc về cơ quan tài phán tư pháp. Như vậy, theo hệ thống này, hai loại khiếu kiện về tính hợp pháp và khiếu kiện đòi bồi thường là không rõ ràng, rành mạch. 
1.3.3. Mô hình Anh-Mỹ 
Các quốc gia theo hệ thống pháp luật Anh- Mỹ, các quốc gia châu Phi như Sênegan, Bờ Biển Ngà… lại trao thẩm quyền xét xử các khiếu kiện hành chính cho các toà tư pháp. 
Về hình thức, mô hình giải quyết khiếu nại này đơn giản nên có nhiều ưu điểm do tạo sự gần gũi giữa toà án và những người đi kiện vì cho phép người kiện gửi đơn đến toà án tư pháp nên về bản chất của tư pháp bảo đảm tính khách quan của hoạt động xét xử hành chính bởi toà án tư pháp không dính dáng gì đến cơ quan hành pháp. Tuy nhiên, khi các toà án chỉ lo bảo vệ các quyền của cá nhân mà không biết đến nhu cầu quản lý công và không am hiểu về hoạt động hành chính công thì đây lại là một khó khăn cho việc bảo đảm quyền, lợi ích của nhà nước - là những lợi ích chung mà cơ quan hành chính có trách nhiệm thực hiện. Ngược lại, để bảo vệ những ưu quyền của mình, cơ quan nhà nước sẽ tìm cách hạn chế thẩm quyền của toà án trong các vụ việc khiếu kiện hành chính. 
2. Hoạt động giải quyết khiếu nại, khiếu kiện ở một số nước
2.1. Giải quyết khiếu nại ở Hoa Kỳ
2.1.1. Cơ quan giải quyết khiếu nại ở Hoa Kỳ
Hoa Kỳ là một nhà nước liên bang, có sự phân chia thẩm quyền giữa nhà nước liên bang và các bang, nên pháp luật bang và liên bang cũng có những nét khác nhau, dẫn đến mô hình tổ chức các cơ quan nhà nước cũng không đồng nhất, nhất là cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính. Do đó, các mô hình giải quyết khiếu nại hành chính ở Hoa Kỳ được tổ chức đa dạng, gồm: Cơ quan tài phán hành chính độc lập với cơ quan hành chính; cơ quan giải quyết khiếu nại hành chính được tổ chức trong chính cơ quản lý đó nhưng được chuyên trách hóa, có nhiệm vụ tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại đối với quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý; cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính không độc lập, cũng không chuyên trách mà là một bộ phận chịu trách nhiệm về vấn đề pháp luật của ngành, như Hải quan Hoa Kỳ; cơ quan giải quyết khiếu kiện kỷ luật cán bộ, công chức.
2.1.2. Quy trình giải quyết khiếu nại tại Hoa Kỳ
Hoa Kỳ là nước theo học thuyết phân quyền rõ rệt, nên mọi tranh chấp, trong đó có khiếu nại hành chính đều phải được giải quết tại Tòa án tư pháp. Tuy nhiên, người Mỹ quan niệm hành chính là vấn đề phức tạp, người bị khiếu nại hành chính là cơ quan nhà nước, cơ quan thực hiện quyền hành pháp nên việc giải quyết ban đầu của các chuyên gia trong cơ quan hành chính là hết sức cần thiết và được coi trọng, trước khi tiến hành xét xử tại Tòa án tư pháp. Vì vậy, việc giải quyết khiếu nại hành chính ở Hoa Kỳ trải qua hai giai đoạn: Giai đoạn giải quyết nội bộ do các cơ quan hành chính thực hiện và giai đoạn xét xử tại Tòa án tư pháp.
Trong quá trình giải quyết khiếu nại hành chính ở Hoa Kỳ, các bên bình đẳng và tranh luận với nhau; được trình bày dưới mọi hình thức thích hợp các chứng cứ, căn cứ pháp luật để bảo vệ quan điểm của mình; cơ quan giải quyết tạo điều kiện thông tin cho các bên, chứng cứ, lập luận của bên này thì bên kia đều được biết, cơ quan giải quyết chỉ phán quyết trên cơ sở các chứng cứ mà các bên đều được biết; cơ quan giải quyết tạo điều kiện để các bên tự hòa giải, thương lượng trong mọi giai đoạn.
Trong giai đoạn giải quyết nội bộ do cơ quan hành chính thực hiện: Một chuyên gia của cơ quan hành chính - người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính nghiên cứu, xem xét vụ việc, cân nhắc hàng loạt các thông tin và tranh luận, từ đó đề xuất các biện pháp thay thế để giải quyết khiếu nại hành chính hoặc khuyến khích các bên thương lượng, hòa giải. Trong quá trình này, các bên có thể mời luật sư để trợ giúp. Việc tranh luận bằng miệng của các bên trước người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính được ghi chép lại đầy đủ hoặc tóm tắt và được đính kèm với tài liệu, hồ sơ vụ việc. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính nghiên cứ đầy đủ tài liệu, hồ sơ vụ việc, trên cơ sở đó đưa ra quyết định giải quyết vụ việc. Quyết định này sau đó sẽ được sẽ được gửi cho các bên và nếu ít nhất một trong các bên không đồng ý thì họ được quyền khiếu nại tiếp đến người đứng đầu cơ quan hành chính - người có thẩm quyền đưa ra quyết định giải quyết khiếu nại hành chính cuối cùng trong hệ thống cơ quan hành chính.
Trong trường hợp các bên không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại hành chính cuối cùng của cơ quan hành chính thì họ có quyền khởi kiện vụ án ra Tòa án tư pháp. Đây là giải pháp cuối cùng để giải quyết khiếu nại hành chính ở Hoa Kỳ.
2.2. Giải quyết khiếu nại ở Pháp
2.2.1 Cơ quan giải quyết khiếu nại ở Pháp
Việc giải quyết khiếu nại hành chính ở Pháp được thực hiện bằng cơ chế tài phán hành chính. Hệ thống tài phán hành chính ở Pháp độc lập với hệ thống tài phán tư pháp, độc lập với cả Chính phủ và độc lập với quyền lực chính trị.
Tòa án hành chính ở Pháp có thẩm quyền giải quyết các khiếu nại hành chính liên quan đến hoạt động công, như việc giải quyết yêu cầu đòi hủy bỏ quyết định hành chính khi quyết định hành chính bị kiện là một văn bản pháp lý đơn phương do cơ quan hành chính ban hành. Khiếu nại hành chính chỉ có thể được thực hiện trong một thời gian nhất định kể từ khi quyết định hành chính được công bố. Người khiếu nại hành chính phải có quyền lợi liên quan trực tiếp đến quyết định hành chính mà mình khiếu nại và phải có đơn, trong đơn phải nêu rõ lý do, yêu cầu của mình. Tòa án có quyền bác bỏ đơn khiếu nại hành chính, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính bị khiếu nại. Bên cạnh đó, Tòa án hành chính ở Pháp còn giải quyết các khiếu nại liên quan đến các vụ việc đòi bồi thường. Đây là khiếu nại mà người đi khiếu nại chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm không chỉ yêu cầu hủy bỏ quyết định hành chính mà còn đòi bồi thường thiệt hại.
2.2.2. Quy trình giải quyết khiếu nại ở Pháp
Tòa án hành chính ở Pháp giải quyết khiếu nại hành chính theo hai giai đoạn: Giai đoạn thẩm cứu và giai đoạn giải quyết.
Giai đoạn thẩm cứu: Công chức được giao nhiệm vụ sẽ nhận đơn, thụ lý hồ sơ rồi gửi đến phòng phân tích đơn. Phòng phân tích đơn sẽ chuyển hồ sơ cho tiểu ban phụ trách lĩnh vực này. Nhận được hồ sơ, bộ phận thư ký và tiểu ban thông báo cho các bên trong khiếu kiện hành chính giải trình. Sau khi các bên báo cáo, trình bày lý lẽ, lập luận của mình, trưởng tiểu ban sẽ giao hồ sơ cho một báo cáo viên, báo cáo viên này có nhiệm vụ đưa ra một giải pháp cho toàn bộ vụ việc. Giải pháp sẽ được giải thích bởi một báo cáo viên khác. Hai văn bản này sẽ được giao lại cho bộ phận thư ký, sau đó được gửi cho trưởng tiểu ban. Trưởng tiểu ban đóng vai trò dự thẩm hoặc cử hai thành viên của tiểu ban đóng vai trò dự thẩm. Dự thẩm nghiên cứu kỹ lưỡng giải pháp của báo cáo viên và đưa ra thảo luận tại hội nghị toàn thể của tiểu ban.
Giai đoạn phán quyết: Sau khi hồ sơ vụ việc đã được báo cáo viên, dự thẩm viên, tiểu ban nghiên cứu, ủy viên Chính phủ độc lập nghiên cứu lại vụ việc và chuẩn bị một bản dự thảo kết luận, kết luận này được đọc tại phiên xét xử công khai. Tại phiên tòa, chủ tòa khai mạc, báo cáo viên trình bày vụ việc cũng như yêu cầu của các bên, luật sư phát biểu, ủy viên Chính phủ phát biểu, sau đó tòa tiến hành họp bí mật, tiểu ban bỏ phiếu quyết định theo đa số và sau 15 ngày, phán quyết sẽ được công bố.
2.3. Giải quyết khiếu nại ở Thụy Điển
2.3.1. Cơ quan giải quyết khiếu nại ở Thụy Điển
Tại Thụy Điển, tồn tại hai hệ thống cơ quan có chức năng giải quyết khiếu nại hành chính, đó là hệ thống Tòa án hành chính và Thanh tra Quốc hội. Trong đó, Thanh tra Quốc hội có thẩm quyền quan trọng nhất là giải quyết khiếu nại hành chính. Thông thường Thanh tra Quốc hội sẽ không xem xét vụ việc đang còn chờ giải quyết tại Tòa án, tại một cấp hành chính hoặc có khả năng kháng cáo. Bất cứ Tòa án nào hoặc cấp hành chính nào và bất cứ cán bộ, công chức nào cũng phải cung cấp cho Thanh tra Quốc hội những thông tin, bao cáo mà họ yêu cầu, kể cả các tài liệu mật. Đặc biệt, bất kỳ người nào, dù là công dân Thụy Điển hay người nước ngoài, đang sống ở Thụy Điển hay ở nước khác đều có quyền khiếu nại hành chính, miễn người đó tin chắc rằng, cơ quan công quyền đã xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mọi người được pháp luật bảo vệ. Cơ sở lý luận và thực tiễn của quy định này là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, đều được pháp luật bảo vệ và bất kỳ quyết định, hành vi nào của cơ quan công quyền cũng chịu sự giám sát của mọi người.
2.3.2. Quy trình giải quyết khiếu nại tại Thanh tra Quốc hội ở Thụy Điển
Thanh tra Quốc hội ở Thụy Điển tự quyết định về các thủ tục, tự do lựa chọn đối tượng thanh tra, các vấn đề cần lưu ý và các khiếu nại hành chính cần được thanh tra. Quyết định/phán quyết của Thanh tra Quốc hội là không thể kháng nghị. Thanh tra Quốc hội tiến hành điều tra các vụ việc dựa trên đơn thư khiếu nại hành chính của công dân hoặc có thể tự mình khởi xướng.
Có hai cách thức điều tra khiếu nại hành chính là điều tra sơ bộ hoặc điều tra đầy đủ. Trong điều tra sơ bộ, nếu thông tin nhận dược từ cấp có thẩm quyền hoặc các cán bộ, công chức có liên quan cho thấy không có đủ căn cứ để khiếu nại, vụ việc sẽ được kết luận. Nếu cần điều tra đầy đủ, khiếu nại hành chính được gửi tới người đứng đầu cấp thẩm quyền có liên quan. Cấp thẩm quyền đó được yêu cầu tiến hành điều tra nội bộ và nhiều trường hợp, cấp thẩm quyền cũng phải gửi tuyên bố hoặc phát biểu bằng văn bản tới Thanh tra Quốc hội về hoàn cảnh các trường hợp cụ thể. Sau mỗi vụ việc điều tra, kết quả điều tra được Thanh tra Quốc hội kết luận công khai cùng với các tài liệu có liên quan với hình thức trang trọng như Tòa án phán quyết.
Như vậy, qua nghiên cứu quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại hành chính của ba quốc gia nêu trên đã cho thấy, tuy mỗi nước có cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính khác nhau nhưng đều là sự vận dụng phù hợp các mô hình giải quyết khiếu nại trên thế giới vào điều kiện cụ thể của từng nước. Các nước đều tôn trọng, đề cao, bảo vệ và bảo đảm quyền con người trong đó có quyền khiếu nại. 
2.4. Giải quyết khiếu nại ở Nhật Bản
Về cơ chế giải quyết tranh chấp hành chính ở Nhật Bản: Hệ thống giải quyết tranh chấp hành chính ở Nhật Bản”, bài viết của Katsuya I chihashi đăng trên Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 03 (203)/2003 đã trình bày: theo Hiến pháp Minh Trị năm 1889, Tòa án hành chính độc lập được thành lập bên cạnh hệ thống toà án tư pháp để giải quyết các vụ kiện hành chính về 05 loại việc cụ thể, trong đó có tranh chấp liên quan đến việc sử dụng nước, đất đai và tranh chấp liên quan đến ranh giới giữa đất công và đất tư. Hiến pháp hiện hành của Nhật (năm 1947) đã thay đổi quy định các vụ kiện hành chính được giải quyết ở Tòa án thường. Hiện nay ở Nhật có hai luật cơ bản liên quan đến giải quyết tranh chấp hành chính, đó là Luật khiếu nại hành chính và Luật kiện tụng hành chính. Luật khiếu nại hành chính quy định thẩm quyền giải quyết các tranh chấp hành chính thuộc về các cơ quan hành chính nhà nước. Luật kiện tụng hành chính quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp hành chính thuộc về Tòa án thường.
3. Thực trạng và giải pháp giải quyết khiếu nại của một số nước
Một số công trình nghiên cứu khoa học đã cho thấy một mức độ nhất định về thực trạng và giải pháp giải quyết khiếu nại hành chính trên thế giới, chẳng hạn: Cuốn sách “Luật tố tụng hành chính của Cộng Hòa liên bang Đức” (Bản dịch Nguyễn Sĩ Đại, Phạm Duy Nghĩa hiệu đính), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2001, không những trình bày những vấn đề lý luận về tố tụng hành chính mà còn tổng kết thực tiễn quá trình thực thi pháp luật tố tụng hành chính, trong đó thực trạng giải quyết khiếu nại hành chính tại Cộng hòa liên bang Đức được phân tích thông qua rất nhiều các ví dụ và tình huống điển hình. Bài viết trong Báo cáo kỹ thuật của Ngân hàng thế giới, số 436: “Legal Impediments to Effective Rural Land Relations in Eastern Europe and Central Asia: A Comparative Perspective” (Trở ngại pháp lý về hiệu lực các quan hệ đất đai nông thôn ở Đông Âu và Trung Á: quan điểm so sánh) do Roy L. Prosterman và Timothy M. Hanstad biên soạn, tại Chương 14 “LandRelated Judicial Institutions” (Thiết chế tư pháp về đất đai) cho thấy: tại Úc, Tòa án Đất đai và Môi trường của Bang New South Wales là Tòa án chuyên biệt về hoạch định đất đai và môi trường với thẩm quyền rất lớn. Tòa án chịu trách nhiệm giải thích và thực thi luật pháp và giải quyết các mâu thuẫn về: quản lý quy hoạch vùng và chính quyền địa phương; quy hoạch thành phố, thị trấn; định giá đất; kiến trúc, kỹ thuật, khảo sát và xây dựng; và quản lý tài nguyên hoặc quản lý đất đai.
Báo cáo “The Mechanism to settle administrative complaints in Vietnam: Chellenges and solution(Cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính ở Việt Nam: Thách thức và giải pháp) của The Asia Foundation (Quỹ Châu Á), tháng 8/2009. Báo cáo đã phân tích khá cụ thể thực trạng giải quyết khiếu nại hành chính ở Việt Nam, từ bối cảnh của cơ chế, đến thể chế, thiết chế đến thực tiễn giải quyết TCHC ở Việt Nam; Báo cáo cũng đưa ra 02 cách tiếp cận để kiến nghị hoàn thiện cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính ở Việt Nam. The Asian Development Bank ADB, tháng 3/2004 có báo cáo “Law and Policy Reform at the Asian Development Bank” (Cải cách chính sách và pháp luật ở khu vực ngân hàng phát triển châu Á). Báo cáo đã nêu vắn tắt về thực trạng của các yếu tố bên trong và các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến nguyên tắc độc lập xét xử ở Việt Nam, trong đó cấp ủy và chính quyền địa phương là một trong những nhân tố chi phối, ảnh hưởng khá lớn đối với việc xét xử độc lập, khách quan trong các vụ án hành chính. Gần đây, trong báo cáo khảo sát kỹ thuật đối với 191 nước trên thế giới để đánh giá xếp loại về độc lập xét xử của từng quốc gia năm 2011, “A Measurement Model for Synthesizing Multiple Comparative Indicators: The Case of Judicial Independence” (Một mô hình đo lường qua tổng hợp các chỉ số so sánh: trường hợp về độc lập xét xử), Drew A. Linzer & Jerey K. Staton xếp Việt Nam đứng thứ 146/191 nước đã được tiến hành khảo sát. Luận án tiến sĩ Luật học, trường Đại học Nagoya, Nhật Bản, năm 2010 “Administrative Division Court in Viet Nam: Model, Jurisdiction and Lessons from Foreign Experiences”, (Tòa hành chính Việt Nam: Mô hình, thẩm quyền và những kinh nghiệm nước ngoài) của Phạm Hồng Quang. Trong bài viết này tác giả đã lần lượt đưa ra quan điểm trả lời các câu hỏi như: Tại sao Việt nam đã lựa chọn mô hình giải quyết khiếu nại, tố cáo nội bộ? Tuy nhiên, đến nay mô hình này đã bộc lộ nhiều hạn chế và sự cần thiết phải học hỏi kinh nghiệm nước ngoài, đặc biệt là từ Pháp, Trung Quốc và Nhật Bản[2].
Các công trình nghiên cứu trên đây ở các góc độ khác nhau đã chỉ ra được nhiều bất cập trong thực trạng ở cả hai cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính bằng con đường hành chính và tư pháp. Đồng thời những kiến nghị gợi mở mà các tác giả đưa ra sẽ là những cơ sở khoa học quan trọng để Tổng cục Thi hành án dân sự xem xét, tiếp tục phát triển trong Đề tài khoa học cấp Bộ “Cơ sở lý luận và thực tiễn nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự”.
4. Cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp về thi hành án
Pháp luật nhiều nước quy định việc giải quyết khiếu nại, khiếu kiện phát sinh trong quá trình thi hành án do Tòa thi hành án giải quyết, cơ quan thi hành án, Chấp hành viên phải tuân thủ các phán quyết này, ngay cả các phán quyết về thủ tục thi hành án (Pháp, Nhật Bản, Thụy Điển...). Ví dụ: Ở Pháp, nếu đương sự khiếu nại đến Tòa án về một biện pháp kê biên của Thừa phát lại, và phán quyết của thẩm phán thi hành án cho rằng không cần thiết áp dụng biện pháp cưỡng chế trên thì thừa phát lại buộc phải hủy bỏ biện pháp kê biên đó. Hoặc ở Bang Caliphornia, pháp luật quy định Tòa án sơ thẩm có thẩm quyền giải quyết các vấn đề liên quan đến thi hành án như: Quyết định được miễn trừ đối với tài sản của con nợ hoặc ngược lại, quyết định mở rộng tài sản thuộc diện kê biên; giải quyết khiếu nại và quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp Chấp hành viên có sai phạm sau khi thi hành; giải quyết khiếu nại trong việc phân chia tiền bán tài sản, phân chia tiền thu được của người phải thi hành án; giải quyết khiếu nại của người thứ ba về lợi ích của tài sản đối với đối tượng phải thi hành án; giải quyết khiếu nại về việc chiếm giữ tài sản của người không phải là con nợ; quyết định tạm dừng thi hành án để kháng cáo hoặc trong trường hợp bảo lãnh[3].
Qua kinh nghiệm của các nước cho thấy cơ chế giải quyết khiếu nại bằng con đường Tòa án cho phép đảm bảo một cách khách quan, chính xác, công bằng đối với quyền lợi của các bên; hạn chế được tình trạng quan liêu, phiến diện, bao che cho nhau giữa cơ quan thi hành án cấp trên và cấp dưới… tạo được niềm tin của người dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Về giải quyết khiếu nại trong thi hành án dân sự ở Nhật Bản[4]
Ở Nhật Bản không có sự phân biệt khiếu nại và tố cáo; có một số loại khiếu nại khác nhau và có khiếu nại không quy định thời hiệu khiếu nại; khiếu nại trong thi hành án dân sự được chia làm hai nhóm, cụ thể: (01) Nhóm vi phạm pháp luật là thực hiện không đúng trình tự thủ tục trong thi hành pháp luật; (02) Nhóm làm chưa đúng theo yêu cầu; Thẩm phán có thẩm quyền giải quyết khiếu nại và việc giải quyết khiếu nại theo thủ tục rút gọn nên khiếu nại được giải quyết rất nhanh; khi giải quyết khiếu nại Thẩm phán rất dễ dàng nhận biết được người bị khiếu nại có vi phạm về trình tự, thủ tục thi hành án hay không?; khi tiếp nhận khiếu nại từ phía người có quyền lợi, người có thẩm quyền giải quyết nếu thấy vi phạm nằm trong nhóm vi phạm trình tự thủ tục thì dừng việc thi hành án để xử lý; nếu không có vi phạm thì trả lời đương sự và tiếp tục thi hành án.
Đối với vụ việc người bị khiếu nại khi còn đương chức có hành vi vi phạm nhưng khi bị phát hiện thì người này đã nghỉ hưu, hoặc chuyển công tác thì tùy từng hành vi vi phạm mà công chức đó sẽ bị xử lý hành chính hoặc theo quy định của Luật công chức, nếu vi phạm nghiêm trọng hơn công chức có thể bị xử lý hình sự. Vi phạm chỉ bị xử lý một lần, công chức có hành vi vi phạm đã bị xử lý rồi thì khi giữ chức vụ cao hơn sẽ không bị xử lý lại đối với hành vi vi phạm đã bị xử lý. Theo Luật công chức, người vi phạm bị xử lý hạ mức lương, tạm dừng làm việc hoặc buộc thôi việc.
5. Kinh nghiệm và liên hệ cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự ở Việt Nam 
Qua những mô hình trên khi nghiên cứu về cơ chế giải quyết khiếu nại, khiếu kiện của một số nước trên thế giới, căn cứ vào tình hình thực tiễn ở Việt Nam có thể đưa ra một số kết luận đối với cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự như sau: 
Xuất phát từ việc tổ chức Tòa án nhân dân trong hệ thống Tòa án các cấp hiện nay (tòa hành chính tổ chức song song với tòa tư pháp trong hệ thống Tòa án nhân dân), để tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền khiếu nại, khiếu kiện thuận lợi, dễ dàng thì hiện tại không nhất thiết phải thành lập hệ thống cơ quan tài phán hành chính và tổ chức cơ quan tài phán hành chính song song với hệ thống Tòa án hiện nay (như một số ý kiến trong các hội thảo khoa học pháp lý về việc tiếp tục hoàn thiện tổ chức và hoạt động của tòa hành chính) mà nên thành lập một cơ chế tài phán giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự mềm rẻo, linh hoạt căn cứ vào yêu cầu: 
- Giải quyết khiếu nại theo trình tự thủ tục riêng, bảo đảm tất cả khiếu nại của đương sự đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình tổ chức thi hành án đều được xem xét, giải quyết. Do đó, sẽ không còn tố cáo trong việc tổ chức thi hành án, việc giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực thi hành án dân sự được thực hiện theo Luật tố cáo năm 2011.
- Hoạt động tài phán giải quyết khiếu nại trong thi hành án dân sự phải được thực hiện bởi một cơ quan chuyên trách; 
- Cơ quan tài phán giải quyết khiếu nại trong thi hành án dân sự cần phải độc lập với cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan quản lý thi hành án dân sự; 
- Bảo đảm sự độc lập của người giải quyết khiếu nại với người có quyết định, hành vi bị khiếu nại; 
- Bảo đảm một trình tự, thủ tục giải quyết nhanh gọn, công khai; 
- Bảo đảm nguyên tắc đối thoại giữa người khiếu nại và người giải quyết khiếu nại trong quá trình giải quyết khiếu nại, nhất là coi trọng việc hòa giải giữa các bên trước khi thực hiện thủ tục khiếu nại; 
- Bảo đảm cơ chế khiếu kiện khi người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền; 
- Nếu thấy quyết định, hành vi của Thủ trưởng, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan quản lý thi hành án dân sự có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì công dân, tổ chức chịu ảnh hưởng hay sự tác động của quyết định, hành vi đó đều có thể kiện ra Tòa án; 
- Có cơ chế buộc các đối tượng có quyết định, hành vi bị khiếu nại sau khi có phán quyết của Tòa án về việc trái pháp luật đều phải bồi thường thiệt hai hoặc hủy bỏ, thay đổi quyết định, hành vi của mình theo quy định của pháp luật; 
Từ những nghiên cứu về pháp luật quốc tế và pháp luật của đa số các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã ghi nhận quyền khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của quyền con người từ rất sớm. Trên cơ sở nghiên cứu một số vấn đề lý luận cơ bản của pháp luật về giải quyết khiếu nại khiếu kiện, quan điểm của Đảng về khiếu nại, giải quyết khiếu nại, cùng với việc nghiên cứu, tham khảo các mô hình giải quyết khiếu nại trên thế giới, việc học tập kinh nghiểm giải quyết khiếu nại, khiếu kiện ở một số nước, Việt Nam đã xây dựng và đang tiếp tục hoàn thiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo chung và pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự nói riêng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng nền hành chính, tư pháp trong sạch, vững mạnh, hiện đại, một nền hành chính, tư pháp phục vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu đặt ra của quá trình hội nhập sâu rộng về mọi mặt trong giai đoạn mới hiện nay.
Nguyễn Hằng - Vụ GQKNTC, Tổng cục THADS
 
[1] http://thanhtra.edu.vn/category/detail/139-mo-hinh-giai-quyet-khieu-nai-hanh-chinh-o-mot-so-nuoc.html [2] Luận án “Giải quyết tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai ở nước ta hiện nay” của TS. Nguyễn Thắng Lợi
[3] Bộ Tư pháp (2005), Báo cáo của Đoàn khảo sát liên ngành do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thị Thu Ba làm trưởng đoàn về kết quả khảo sát, tìm hiểu Luật thi hành án tại Hoa Kỳ từ ngày 27/9/2005 đến ngày 6/10/2005, Hà Nội.
[4] http://thads.moj.gov.vn/noidung/tintuc/lists/tintubotuphap/view_detail.aspx?itemid=1505