Đoàn cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp Việt Nam tham dự Hội nghị quốc tế về chức danh tư pháp lần thứ 23 tại Thái Lan

04/05/2018
Từ ngày 01/5/2018 đến ngày 04/5/2018, Đoàn đại biểu Việt Nam gồm 03 thành viên do bà Lê Thị Kim Dung - Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp làm Trưởng đoàn đã tới Thủ đô Bangkok, Thái Lan tham dự Hội nghị quốc tế do Hiệp hội quốc tế các chức danh tư pháp (UIHJ) tổ chức. Hiệp hội quốc tế các chức danh tư pháp (UIHJ) tổ chức Hội nghị quốc tế tại Châu Á và Thái Lan là đất nước được vinh dự lựa chọn làm địa điểm.

Đây là Hội nghị Quốc tế lần thứ 23 với chủ đề "Đảm bảo công lý an toàn và bền vững-Các quan chức tư pháp: một thành tố thiết yếu bảo đảm quản trị thành công ”. Tham dự Hội nghị có hơn 500 đại biểu từ 90 quốc gia tham dự gồm các nước thành viên của Hiệp hội quốc tế các chức danh tư pháp (UIHJ), các thành viên ASEAN, đông đảo nhân viên điều hành từ các tổ chức quốc tế, học giả, giám đốc điều hành, Bộ Tư pháp, nhân viên điều hành và đại diện của Văn phòng Tòa án hành chính, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Hội đồng Nhà nước, Viện Tư pháp Thái Lan (TIJ), Hội đồng luật sư, Hiệp hội ngân hàng Thái Lan, Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan, Phòng Thương mại Thái Lan và báo giới.
Tham dự Lễ khai mạc Hội nghị có Phó Thủ tướng Prachoj Chitong, Bộ trưởng Bộ Tư pháp  Vương quốc Thái Lan. Bà Françoise Andrieux, Chủ tịch Hiệp hội quốc tế các chức danh tư pháp (UIHJ) chủ trì Hội nghị.
Trong ngày làm việc đầu tiên, bà Ruenvadee Suwanmongkol, Tổng Cục trưởng Cục Thực thi pháp luật Thái Lan và Bà Françoise Andrieux, Chủ tịch Hiệp hội quốc tế các chức danh tư pháp đã điều hành phiên thảo luận thứ nhất về đảm bảo an toàn thông tin, trong đó nội dung thứ nhất liên quan đến vấn đề những thách thức trong thiết lập an toàn thông tin pháp lý và nội dung thứ hai liên quan đến vấn đề những thách thức trong thiết lập an toàn thông tin kinh tế.
Trong ngày làm việc thứ hai, Hội nghị tiếp tục trao đổi, thảo luận phiên thứ hai liên quan đến bảo đảm vị trí, vai trò và đạo đức ứng xử của các nhân tố quản trị thành công, trong đó nội dung thứ nhất là các nguyên tắc và công cụ đảm bảo quản trị thành công, nội dung thứ hai là các hoạt động của cán bộ tư pháp đảm bảo tính chịu trách nhiệm.
Phiên làm việc thứ ba liên quan đến bảo đảm các công cụ của một nền tư pháp chủ động và bền vững, trong đó các nội dung thảo luận tập trung vào vấn đề điện tử hóa quá trình thi hành án dân sự đối mặt với những thách thức mới.
Ngoài ra, Hội nghị cũng được nghe Báo cáo kết quả hoạt động nhiệm kỳ của UIHJ, thủ tục kết nạp 05 thành viên mới (Kazakhstan, Mongolia, Thailand, Uzbekistan, Luxemburg), lựa chọn địa điểm tổ chức Hội nghị Quốc tế UIHJ lần thứ 24 và bầu các thành viên Hội đồng UIHJ nhiệm kỳ 2018-2021.
Hội nghị tạo cơ hội cho các nước thành viên trao đổi các thực tiễn tốt nhất về việc thực thi  pháp luật, mở một nền tảng cho các nước thành viên trao đổi các phương pháp hay nhất trong công việc tư pháp và định hình các câu trả lời về cách đảm bảo công bằng an toàn và bền vững trong bối cảnh thách thức toàn cầu[1].          
Quang Tuấn đưa tin từ Hội nghị, Bangkok, ThaiLand
 
[1] UIHJ là một tổ chức phi chính phủ được thành lập năm 1952 bởi 7 quốc gia châu Âu, và ngày nay, hơn 65 năm sau, Hiệp hội có 91 thành viên, trải rộng trên bốn châu lục, liên kết với các thỏa thuận hợp tác nghề nghiệp của cán bộ tư pháp và ngành nghề tương đương. UIHJ hợp tác dưới nhiều hình thức với các tổ chức quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Hội nghị quốc tế đầu tiên của UIHJ được tổ chức vào năm 1952.