Một số quy định chung về thi hành dân sự tại Nhật Bản

23/07/2018
Theo Luật Thi hành dân sự số 4 ngày 30/03/1979, tại Nhật Bản, việc cưỡng chế thi hành, bán đấu giá để thực hiện quyền bảo đảm và bán đấu giá để quy đổi thành tiền theo quy định tại Luật Dân sự, Luật Thương mại và pháp luật khác cũng như hành vi công bố tài sản của trái vụ, thì ngoài việc tuân thủ theo quy định của pháp luật khác còn phải thực hiện theo quy định của Luật Thi hành dân sự.


Thi hành dân sự do Tòa án hoặc Chấp hành viên thực hiện theo đơn yêu cầu. Tòa Thi hành án là Tòa án có thẩm quyền thi hành theo quy định của Luật Thi hành dân sự đối với quyết định thi hành dân sự do Tòa án thực hiện và là Tòa án địa phương nơi Chấp hành viên trực thuộc đối với quyết định thi hành do Chấp hành viên thực hiện. Tòa Thi hành án có thể xét xử mà không cần trải qua thủ tục bào chữa bằng miệng. Tòa Thi hành án khi thi hành quyết định nếu thấy cần thiết thì có thể thẩm vấn người có liên quan hoặc người làm chứng khác. Chấp hành viên khi thi hành nhiệm vụ nếu bị chống đối thì có thể sử dụng quyền hạn hoặc yêu cầu cảnh sát hỗ trợ để không bị chống đối. Người không phải là Chấp hành viên nhưng thi hành nhiệm vụ liên quan đến thi hành án dân sự theo quyết định của Tòa án thi hành khi thi hành nhiệm vụ nếu bị chống đối thì có thể yêu cầu Chấp hành viên hỗ trợ. Chấp hành viên hoặc người thi hành nhiệm vụ liên quan đến thi hành dân sự theo quyết định của Tòa án thi hành (dưới đây gọi chung là “Chấp hành viên”) khi vào nhà dân để thi hành nhiệm vụ nếu không gặp trực tiếp chủ nhà, người đại diện của chủ nhà hoặc thành viên khác trong gia đình hoặc người làm thuê hoặc người giúp việc thì phải yêu cầu cán bộ, cảnh sát của địa phương (quận, huyện - xã, phường) hoặc người khác phù hợp làm người chứng kiến cùng chứng kiến. Khi Chấp hành viên sử dụng quyền lực hoặc được cảnh sát hỗ trợ thì cũng cần phải có người chứng kiến tương tự. Chấp hành viên phải được phép của Tòa Thi hành án để vào nhà dân thi hành nhiệm vụ vào ngày chủ nhật và ngày nghỉ khác hoặc vào khoảng thời gian từ 7 giờ tối đến 7 giờ sáng ngày hôm sau. Chấp hành viên khi thi hành nhiệm vụ phải xuất trình văn bản chứng minh đã được Tòa Thi hành án cho phép. Chấp hành viên khi thi hành nhiệm vụ phải mang theo giấy tờ chứng minh bản thân hoặc tư cách của mình và phải xuất trình giấy tờ này khi được người có liên quan yêu cầu. Chỉ trường hợp có quy định đặc biệt mới có thể kháng cáo quyết định thi hành án đối với quyết định liên quan đến thủ tục thi hành án dân sự. Kháng cáo quyết định thi hành án phải được thực hiện bằng cách nộp đơn kháng cáo lên Tòa án sơ thẩm trong vòng một tuần kể từ ngày nhận được thông báo kết quả xét xử. Trường hợp đơn kháng cáo không ghi lý do kháng cáo đối với quyết định thi hành án thì người kháng cáo phải nộp bản lý do kháng cáo đối với quyết định thi hành án cho Tòa án sơ thẩm trong vòng một tuần kể từ ngày nộp đơn kháng cáo. Lý do kháng cáo đối với quyết định thi hành án phải ghi rõ cơ sở pháp luật được quy định tại quy chế Tòa án tối cao. Tòa án sơ thẩm có thể bác bỏ kháng cáo đối với quyết định thi hành án trong các trường hợp sau: (1) Trường hợp người kháng cáo không nộp bản lý do kháng cáo quyết định thi hành án nêu trên; (2) Trường hợp kháng cáo quyết định thi hành án là bất hợp pháp và không thể khắc phục được sự bất hợp pháp đó; (3) Trường hợp kháng cáo quyết định thi hành án được thực hiện nhằm trì hoãn một cách phi lý thử tục thi hành án dân sự. Trong khi phán quyết về kháng cáo quyết định thi hành án chưa có hiệu lực thì Tòa án kháng cáo có thể yêu cầu bảo lãnh hoặc không yêu cầu bảo lãnh và ban hành quyết định đình chỉ thi hành phán quyết tòa sơ thẩm hoặc đình chỉ một phần hoặc toàn bộ thủ tục thi hành án dân sự hoặc có thể yêu cầu bảo lãnh và ban hành quyết định tiếp tục thi hành án. Trong khi hồ sơ vụ việc vẫn nằm trong tay tòa sơ thẩm thì tòa sơ thẩm vẫn có thể ban hành những quyết định được nêu trên. Tòa án kháng cáo chỉ điều tra đối với lý do ghi trong đơn kháng cáo hoặc bản lý do kháng cáo quyết định thi hành án. Tuy nhiên, Tòa án kháng cáo có thể điều tra theo thẩm quyền của mình để xác minh rõ việc có hay không có vi phạm pháp luật hoặc nhầm lẫn sự thật làm ảnh hưởng đến phán quyết của tòa sơ thẩm. Có thể kháng nghị quyết định thi hành án của tòa thi hành án đối với những trường hợp không thể thực hiện được kháng cáo quyết định thi hành án do bị Tòa án thi hành quyết định. Cũng có thể kháng nghị quyết định thi hành án của Tòa án thi hành đối với quyết định thi hành hoặc việc chểnh mảng thi hành án của Chấp hành viên. Có thể kháng cáo đối với quyết định hủy thủ tục thi hành án dân sự. Cũng có thể kháng cáo đối với quyết định yêu cầu Chấp hành viên hủy thủ tục thi hành án dân sự hoặc phán quyết bác bỏ kháng cáo thi hành án đối với việc xử lý hủy thủ tục thi hành án dân sự của Chấp hành viên.
Người không phải là người có thể trở thành người đại diện tố tụng có thể trở thành người đại diện nếu được Tòa Thi hành án cho phép đối với thủ tục thực hiện tại Tòa Thi hành án trừ thủ tục liên quan đến tố cáo hoặc kháng cáo thi hành án. Tòa Thi hành án có thể hủy bỏ quyết định cho phép nêu trên bất cứ lúc nào. Khi kháng cáo quyết định thi hành án dân sự của Tòa Thi hành án, người kháng cáo phải nộp trước một khoản tiền do Thư ký Tòa án quy định, tương đương với phí cần thiết cho thủ tục thi hành án dân sự. Trường hợp số tiền nộp trước không đủ, người kháng cáo phải nộp phí bị thiếu trước khi được Thư ký Tòa án ban hành quyết định trong một khoảng thời gian phù hợp. Có thể kháng cáo lên Tòa Thi hành án đối với quyết định của Thư ký Tòa án nêu trên trong vòng một tuần kể từ ngày nhận được thông báo đó. Quyết định của Thư ký Tòa án nếu không được xác lập thì sẽ không có hiệu lực. Khi người kháng cáo không nộp phí trước, Tòa án có thể bác bỏ kháng cáo quyết định thi hành án dân sự hoặc hủy thủ tục thi hành án dân sự. Có thể kháng cáo đối với quyết định bác bỏ kháng nghị nêu trên.
Để bảo đảm theo quy định của Luật Thi hành dân sự, phải thực hiện bằng cách ký gửi số tiền hoặc giấy tờ có giá mà Tòa án ban hành quyết định cho là phù hợp tại trung tâm ủy thác thuộc phạm vi quản lý của Tòa án địa phương nơi có Tòa Thi hành án hoặc Tòa án đã ban hành quyết định phải bảo đảm hoặc thực hiện bằng phương pháp khác theo quy định tại quy chế Tòa án tối cao. Tuy nhiên, khi đương sự có ký hợp đồng riêng thì thực hiện theo hợp đồng đó. Trường hợp đặc biệt về việc tống đạt: Đối với thủ tục thi hành án dân sự, người kháng cáo, khai báo hoặc đăng ký với Tòa Thi hành án hoặc nhận được văn bản do Tòa Thi hành án gửi, phải đăng ký nơi nhận thông báo (chỉ trong nước Nhật Bản) đối với Tòa án thi hành. Trong trường hợp này có thể đăng ký cả người nhận thông báo. Việc tống đạt cho người không đăng ký nói trên phải được thực hiện ở nơi cư trú, nơi ở, văn phòng kinh doanh hoặc văn phòng làm việc của người đó ghi trong hồ sơ vụ việc. Trong trường hợp cần phải tống đạt, Thư ký Tòa án có thể tống đạt tài liệu theo địa chỉ của nơi cư trú, nơi ở, văn phòng kinh doanh hoặc văn phòng làm việc bằng bưu điện bảo đảm hoặc một trong số các dịch vụ giao thư nhưng tương đương với dịch vụ bưu điện bảo đảm của người kinh doanh dịch vụ giao thư tổng hợp. Đối với thi hành án dân sự do Tòa Thi hành án thực hiện, người có liên quan có thể yêu cầu Thư ký Tòa án cho xem, sao chụp hồ sơ vụ việc hoặc cấp bản chính, bản sao hoặc bản trích lược hay cấp giấy tờ chứng minh các nội dung liên quan đến vụ việc.
Về việc yêu cầu cơ quan hành chính nhà nước hỗ trợ: Trường hợp cần thiết để thực hiện thi hành án dân sự, Tòa Thi hành án hoặc Chấp hành viên có thể yêu cầu cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan nhà nước khác hỗ trợ. Trong trường hợp này, Tòa Thi hành án hoặc Chấp hành viên có thể yêu cầu cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan nhà nước khác cấp giấy tờ chứng minh cần thiết về thuế hoặc các loại phí, lệ phí đánh vào tài sản là mục đích của thi hành án dân sự (bao gồm cả tòa nhà bên trên trong trường hợp tài sản là đất, gồm cả khu đất trong trường hợp tài sản là tòa nhà bên trên) cho các phòng ban, cơ quan, cơ quan trực thuộc. Quy định này áp dụng đối với trường hợp người muốn kháng cáo quyết định thi hành án dân sự cần giấy tờ chứng minh để thực hiện kháng cáo.
Thẩm quyền của Tòa án quy định tại Luật Thi hành dân sự là thẩm quyền chuyên thuộc. Quy định của Luật Tố tụng dân sự áp dụng đối với thủ tục thi hành án dân sự trừ trường hợp có quy định khác. Các nội dung cần thiết cho thủ tục thi hành án dân sự ngoài quy định trong Luật này còn được quy định trong quy chế Tòa án tối cao.
                                                                                                       Nguyễn Xuân Tùng