Cưỡng chế thi hành và cưỡng chế đấu giá bất động sản tại Nhật Bản

31/07/2018
Ngày 08/11/1979, Tòa án tối cao Nhật Bản đã ban hành bản Quy tắc thi hành án (sửa đổi lần sau cùng năm 2012). Đây là một văn bản với nhiều nội dung quan trọng bổ sung cho Luật thi hành dân sự Nhật Bản.


Về cách thức nộp đơn xin cấp Quyết định thi hành cưỡng chế, quy tắc quy định: Việc đề nghị cấp Quyết định thi hành cưỡng chế phải được thực hiện bằng văn bản và đảm bảo đủ các nội dung dưới đây: (1) Họ tên hoặc tên thường gọi và địa chỉ của chủ nợ và người mượn nợ (trường hợp không thể xác định người mượn nợ thì phải trình bày sự việc này); họ tên và địa chỉ của người được ủy quyền; (2) Thông tin về Phiếu yêu cầu thanh toán nợ; (3) Khi yêu cầu cấp Quyết định thi hành cưỡng chế theo quy định phải ghi rõ về sự việc này và kèm theo lý do. Đối với Phiếu yêu cầu thanh toán nợ gắn liền với phán quyết không phát sinh hiệu lực do chưa được phê chuẩn, khi nộp đơn yêu cầu theo khoản trên thì phải đính kèm văn bản chứng minh về việc phán quyết đó đã được phê chuẩn trừ khi đã có hồ sơ rõ ràng về việc đã phê chuẩn phán quyết đó. Áp dụng quy định này trong trường hợp yêu cầu cấp thêm bản chính của quyết định chung thẩm trong vụ kiện đòi số tiền nhỏ, hoặc phán quyết ban hành tuyên bố thi hành tạm thời trong vụ kiện đòi số tiền nhỏ hoặc giấy hối thúc thanh toán. Khi cấp Quyết định thi hành cưỡng chế một phần quyền đòi nợ liên quan đến Phiếu yêu cầu thanh toán nợ, phải trình bày phạm vi có thể cưỡng chế thi hành vào Quyết định thi hành cưỡng chế.
Trong trường hợp cấp Quyết định thi hành cưỡng chế mà chủ nợ hoặc người mượn nợ không phải là đương sự được thể hiện trên Phiếu yêu cầu thanh toán nợ, khi cưỡng chế thi hành đối với người mượn nợ hoặc thi hành cưỡng chế cho chủ nợ, phải xác nhận với Thư ký Tòa án hoặc Công chứng viên và phải ghi rõ sự việc này vào Quyết định thi hành cưỡng chế. Khi cấp Quyết định thi hành cưỡng chế nêu trên, phải ghi rõ sự việc này vào Quyết định thi hành cưỡng chế. Trong Quyết định thi hành cưỡng chế phải ghi rõ ngày cấp và phải được Thư ký Tòa án hoặc Công chứng viên ký tên và đóng dấu. 
Khi cấp Quyết định thi hành cưỡng chế, Thư ký Tòa án hoặc Công chứng viên phải trình bày sự việc này, ngày cấp và số của Quyết định thi hành cưỡng chế vào bản gốc của Phiếu yêu cầu thanh toán nợ, và phải trình bày từng nội dung được quy định tại các điểm tương ứng theo các trường hợp nêu trong các điểm dưới đây: (1) Trường hợp đã cấp quyết định thi hành chỉ có một phần quyền đòi nợ liên quan đến Phiếu yêu cầu thanh toán nợ thì trình bày phạm vi cho phép cưỡng chế thi hành; (2) Trường hợp chủ nợ hoặc người mượn nợ không phải là đương sự ghi trên Phiếu yêu cầu thanh toán nợ thì phải trình bày sự việc này và họ tên hoặc tên thường gọi của những người đó; (3) Trường hợp đã cấp theo quy định thì phải trình bày sự việc này. Trường hợp đã cấp thêm bản chính của quyết định chung thẩm trong vụ kiện đòi số tiền nhỏ hoặc phán quyết ban hành tuyên bố thi hành tạm thời trong vụ kiện đòi số tiền nhỏ hay giấy hối thúc thanh toán, Thư ký Tòa án phải trình bày sự việc này, ngày cấp và số lượng bản chính đã cấp vào bản gốc của phán quyết tương ứng hoặc giấy hối thúc thanh toán tương ứng.
Trong đơn yêu cầu cưỡng chế thi hành phải trình bày các nội dung dưới đây và phải đính kèm bản chính của Phiếu yêu cầu thanh toán nợ có hiệu lực thi hành: (1) Họ tên hoặc tên thường gọi và địa chỉ của chủ nợ và người mượn nợ; họ tên và địa chỉ của người được ủy quyền; (2) Thông tin về Phiếu yêu cầu thanh toán nợ; (3) Thông tin về tài sản thuộc đối tượng cưỡng chế thi hành và phương pháp cưỡng chế thi hành yêu cầu; (4) Trường hợp yêu cầu cưỡng chế thi hành đối với một phần quyền đòi nợ liên quan đến Phiếu yêu cầu thanh toán nợ ra quyết định thanh toán tiền thì phải trình bày sự việc này và phạm vi cưỡng chế; (5) Trường hợp yêu cầu cưỡng chế thi hành liên quan đến việc đòi nợ thì phải trình bày phán quyết yêu cầu.
Trong trường hợp có phát sinh thừa kế của chủ nợ yêu cầu cưỡng chế thi hành sau khi bắt đầu cưỡng chế thi hành, khi người thừa kế yêu cầu tiếp tục cưỡng chế thi hành cho mình, người thừa kế đó phải nộp bản chính của Phiếu yêu cầu thanh toán nợ đính kèm trong Quyết định thi hành cưỡng chế. Khi bản chính của Phiếu yêu cầu thanh toán nợ đã được nộp theo quy định trên, Thư ký Tòa án hoặc Chấp hành viên phải thông báo sự việc này cho người mượn nợ.
Về cưỡng chế bán đấu giá bất động sản: Ngoài bản chính của Phiếu yêu cầu thanh toán nợ có hiệu lực thi hành, trong đơn yêu cầu cưỡng chế bán đấu giá bất động sản phải đính kèm các loại tài liệu nêu dưới đây: (I) Đối với bất động sản đã được đăng ký, trong trường hợp bất động sản đó được ghi trong giấy chứng nhận nội dung đăng ký và trong phần tiêu đề của nội dung đăng ký là tài sản thuộc sở hữu của người không phải là người mượn nợ, phải nộp văn bản chứng minh bất động sản đó thuộc sở hữu của người mượn nợ; (II) Đối với đất đai hoặc công trình kiến trúc chưa được đăng ký, phải đính kèm các tài liệu nêu dưới đây: (1) Văn bản chứng minh đất đai hoặc công trình kiến trúc thuộc sở hữu của người mượn nợ; (2) Bản đồ địa chính của thửa đất và bản vẽ diện tích mặt bằng theo quy định tại Pháp lệnh đăng ký bất động sản; (3) Bản vẽ công trình kiến trúc quy định tại Pháp lệnh đăng ký bất động sản về công trình kiến trúc tương ứng, sơ đồ mặt bằng các tầng và văn bản trình bày thông tin; (III) Giấy chứng nhận nội dung đăng ký cây cối liên quan đến công trình kiến trúc và cây cối trên thửa đất (dưới đây gọi là “cây cối”); (IV) Giấy chứng nhận nội dung đăng ký của thửa đất mà công trình kiến trúc hoặc cây cối tọa lạc; (V) Văn bản chứng nhận số tiền thuế và các khoản lệ phí công cộng khác đánh vào bất động sản.
Về việc nộp tài liệu góp phần triển khai thủ tục: Chủ nợ đệ đơn yêu cầu phải nộp các tài liệu nêu dưới đây cho Tòa thi hành án: (1) Bản đồ bất động sản liên quan đến bất động sản (trường hợp bất động sản là đất thì bao gồm cả công trình kiến trúc tọa lạc trên đó, trường hợp bất động sản là công trình kiến trúc thì bao gồm cả nền đất của tòa nhà đó) hoặc bản vẽ tương ứng với bản đồ và bản sao của bản vẽ thi công công trình kiến trúc (nếu bản đồ tương ứng, bản vẽ dựa trên bản đồ đó hoặc bản vẽ thi công công trình kiến trúc được thiết kế ở dạng dữ liệu điện tử, phải cung cấp văn bản chứng minh nội dung của thông tin liên quan đến ghi chép đó); (2) Bản sao thẻ cư trú của người mượn nợ, các văn bản khác có thể chứng minh địa chỉ đó; (3) Bản vẽ chỉ dẫn đường đi và phương pháp đi lại thông thường để đến địa chỉ bất động sản; (4) Trong trường hợp chủ nợ đệ đơn yêu cầu đã tiến hành điều tra về hiện trạng hoặc thẩm định giá của bất động sản, phải nộp các văn bản trình bày kết quả điều tra hoặc thẩm định giá đó (nếu có). Khi đã có quyết định bắt đầu thi hành cưỡng chế bán đấu giá đối với bất động sản đã có quyết định quản lý cưỡng chế, Thư ký Tòa án phải thông báo sự việc này cho chủ nợ có yêu cầu tịch thu và người quản lý cưỡng chế. Tiến hành tương tự khi có quyết định bắt đầu cưỡng chế bán đấu giá đối với bất động sản đã có quyết định tiến hành thu lợi tức từ bất động sản bảo đảm. Khi đã có quyết định thi hành cưỡng chế theo quy định, Thư ký Tòa án phải thông báo sự việc này cho chủ nợ có yêu cầu tịch thu có liên quan đến quyết định bắt đầu trước. Khi đình chỉ thủ tục cưỡng chế bán đấu giá hoặc thủ tục bán đấu giá liên quan đến quyết định bắt đầu trước, Thư ký Tòa án phải thông báo sự việc này cho chủ nợ có yêu cầu tịch thu sau. Khi đã có phán quyết, Thư ký Tòa án phải thông báo sự việc này cho người mượn nợ.
Việc yêu cầu phân chia trả nợ phải được thực hiện bằng văn bản, trong đó nêu rõ nguyên nhân và số tiền của khoản nợ (kể cả lợi tức và khoản nợ khác). Khi có yêu cầu phân chia trả nợ, Thư ký Tòa án phải thông báo sự việc này cho chủ nợ có yêu cầu tịch thu và người mượn nợ. Việc yêu cầu phải được thực hiện bằng văn bản trình bày các nội dung sau đây: (1) Họ tên hoặc tên thường gọi và địa chỉ của đương sự (trong trường hợp không thể xác định bị đơn thì phải trình bày sự việc này); họ tên và địa chỉ của người được ủy quyền; (2) Mục đích và lý do yêu cầu; (3) Giải trình vụ việc liên quan đến việc yêu cầu cưỡng chế bán đấu giá; (4) Thông tin về bất động sản. Phải trình bày cụ thể sự việc dẫn đến lý do yêu cầu và trình bày bằng chứng cho từng lý do cần phải có bằng chứng. Khi thi hành Quyết định giới hạn tạm thời trên thông cáo, Chấp hành viên phải thông báo trên biển hiệu khó xảy ra mất mát hoặc hư hỏng. Khi thi hành Quyết định giới hạn tạm thời trên thông cáo được đề cập ở trên, Chấp hành viên có thể trình bày chế tài pháp luật đối với những hư hại của biển hiệu và các nội dung khác được Chấp hành viên nhận định là cần thiết lên Bản thông cáo và biển hiệu khác.
Khi đã thực hiện điều tra hiện trạng của bất động sản, Chấp hành viên phải nộp Báo cáo điều tra hiện trạng trình bày các nội dung quy định dưới đây cho Tòa thi hành án trước ngày quy định: (1) Giải trình vụ việc; (2) Thông tin về bất động sản; (3) Thời gian, địa điểm và phương pháp điều tra; (4) Khi vật thuộc đối tượng điều tra là đất đai thì phải trình bày các nội dung sau: a. Hình dạng và phân loại đất đai; b. Thông tin về người chiếm hữu và tình hình chiếm hữu; c. Nếu người chiếm hữu không phải là người mượn nợ thì phải trình bày nội dung tóm tắt các văn bản liên quan do những người có liên quan trình bày hoặc xuất trình để chứng minh về thời gian bắt đầu chiếm hữu của người đó, có hay không có quyền sở hữu và chi tiết nội dung quyền sở hữu cùng với ý kiến của Chấp hành viên; d. Khi có công trình kiến trúc tọa lạc trên thửa đất thì phải trình bày khái quát loại công trình kiến trúc, kết cấu, diện tích sàn và người sở hữu; (5) Khi vật thuộc đối tượng điều tra là công trình kiến trúc thì phải trình bày các nội dung sau: a. Khái quát về loại, kết cấu, diện tích sàn của công trình kiến trúc; b. Trình bày về người sở hữu nền đất; c. Nếu người sở hữu nền đất không phải là người mượn nợ thì phải trình bày nội dung tóm tắt các văn bản liên quan do những người có liên quan trình bày hoặc xuất trình về việc người mượn nợ có hay không có quyền sở hữu khi chiếm hữu nền đất và chi tiết nội dung quyền sở hữu cùng với ý kiến của Chấp hành viên; (6) Trường hợp thi hành phán quyết tạm thời là hủy bỏ sự chiếm hữu của người mượn nợ đối với bất động sản tương ứng và giao cho Chấp hành viên bảo quản thì phải trình bày sự việc này và ngày tháng năm Chấp hành viên bắt đầu bảo quản; (7) Các nội dung khác được quy định bởi Tòa thi hành án. Trong Báo cáo điều tra hiện trạng phải đính kèm bản vẽ phác thảo và ảnh chụp của thửa đất hoặc công trình kiến trúc thuộc đối tượng điều tra.Khi thẩm định giá, thẩm định viên phải áp dụng phương pháp so sánh, phương pháp dựa trên thu nhập, phương pháp nguyên giá và các phương pháp thẩm định khác phù hợp với điều kiện của nơi tọa lạc của bất động sản, loại, quy mô và kết cấu của bất động sản đó.
Sau khi thẩm định giá bất động sản, thẩm định viên phải nộp Phiếu thẩm định giá trình bày các nội dung quy đính dưới đây cho Tòa thi hành án trước ngày chỉ định: (1) Giải trình vụ việc; (2) Thông tin về bất động sản; (3) Giá trị thẩm định bất động sản và ngày tháng năm thẩm định giá; (4) Khái quát về điều kiện của nơi tọa lạc của bất động sản; (5) Khi đối tượng thẩm định giá là đất đai thì trình bày những nội dung sau: a. Diện tích thửa đất; b. Có hay không có các hạn chế theo quy định của Luật quy hoạch đô thị, Luật tiêu chuẩn xây dựng và các quy định pháp luật khác cùng với nội dung của hạn chế đó; c. Giá niêm yết được lấy làm chuẩn và các nội dung khác đùng để tham khảo khi thẩm định giá; (6) Khi đối tượng thẩm định giá là công trình kiến trúc thì trình bày loại, kết cấu, diện tích sàn và số năm sử dụng còn lại cùng với các nội dung khác dùng để tham khảo khi thẩm định giá; (7) Quá trình tính giá trị thẩm định; (8) Các nội dung khác do Tòa thi hành án quy định. Trong Phiếu thẩm định giá phải đính kèm bản vẽ thể hiện hình dạng của bất động sản và bản vẽ thể hiện khái quát xung quanh khu vực nơi tọa lạc bất động sản đó.
Trường hợp Thư ký Tòa án thực hiện thanh lý nhưng không có người đăng ký mua theo đúng quy định pháp luật (kể cả trường hợp người nhận mua không nộp tiền), nếu Tòa thi hành án xem xét hiện trạng, tình hình sử dụng, quy trình thủ tục của bất động sản và nhiều yếu tố khác để tiếp tục cho thanh lý theo giá bán tiêu chuẩn tương ứng (là giá bán tiêu chuẩn quy định) nhưng cũng không có triển vọng bán được thì Tòa thi hành án có thể tham khảo ghi chép trong Phiếu thẩm định giá để thay đổi giá bán tiêu chuẩn. Trong trường hợp này, Tòa thi hành án có thể hỏi ý kiến của thẩm định viên đã nộp Phiếu thẩm định giá đó. Tòa thi hành án có thể ra quyết định cho Thư ký Tòa án thực hiện hỏi ý kiến.
Khi quyết định giá bán tiêu chuẩn, nếu Tòa thi hành án nhận định nội dung của các hạng mục được trình bày trong Bản mô tả tài sản khác với nội dung của các hạng mục được lấy làm cơ sở để quyết định giá bán tiêu chuẩn tương ứng thì Tòa thi hành án phải ghi rõ rằng nội dung của các hạng mục là khác nhau cùng với nội dung của các hạng mục khác nhau đó trong quyết định giá bán tiêu chuẩn tương ứng. Trường hợp thực hiện như trên, Thư ký Tòa án phải có biện pháp công nhận việc ghi thêm nội dung cho biết các nội dung quy định trên là khác nhau cùng với chi tiết của các nội dung khác nhau đó vào Bản mô tả tài sản, đính kèm văn bản trình bày những nội dung đó vào Bản mô tả tài sản và những thứ khác ghi rõ những nội dung này trong Bản mô tả tài sản là tương đương.
Về việc công khai nội dung Bản mô tả tài sản: Các biện pháp do Tòa án tối cao quy định là biện pháp sử dụng tổ chức xử lý thông tin điện tử kết nối giữa máy tính điện tử mà Tòa án sử dụng với máy tính điện tử mà người được cung cấp thông tin sử dụng thông qua đường dây thông tin điện tử và thông qua đường dây thông tin điện tử đó, thông tin được gửi đi và được ghi vào tập tin đã được tạo lập trong máy tính điện tử mà người nhận thông tin sử dụng, biện pháp đó tương ứng với một trong các biện pháp sau: (1) Biện pháp cung cấp thông tin liên quan đến nội dung Bản mô tả tài sản được ghi vào tập tin trong máy tính điện tử mà Tòa thi hành án sử dụng thông qua đường dây thông tin điện tử cho người được cung cấp thông tin xem và ghi thông tin đó vào tập tin được tạo trong máy tính điện tử mà người được cung cấp thông tin sử dụng; (2) Biện pháp sử dụng thiết bị công cộng gửi thông tin tự động đã được kết nối internet. Việc lưu bản sao Bản mô tả tài sản hoặc biện pháp ghi chép nói trên phải được bắt đầu vào trước ngày thực hiện thanh lý một tuần. Thư ký Tòa án phải bảo quản bản sao của Báo cáo điều tra hiện trạng và Phiếu thẩm định giá tại Tòa thi hành án trong thời gian thực hiện hoặc các biện pháp thực hiện ở khoản trên để công chúng có thể xem hoặc phải có biện pháp xử lý thông tin liên quan đến nội dung của Báo cáo điều tra hiện trạng và Phiếu thẩm định giá đó dựa trên biện pháp nêu trên. Khi nội dung của Bản mô tả tài sản, Báo cáo điều tra hiện trạng và Phiếu thẩm định giá đã được công khai, Thư ký Tòa án phải ghi rõ về sự việc này, phương pháp và thời gian thực hiện một cách công khai bằng văn bản.
Việc cung cấp sự bảo lãnh được thực hiện bằng cách nộp cho Tòa thi hành án những tài sản hoặc giấy tờ nêu dưới đây: (1) Tiền; (2) Giấy tờ có giá được Tòa thi hành án công nhận là phù hợp; (3) Văn bản chứng minh rằng hợp đồng ủy thác bảo lãnh thanh toán đã được ký giữa chủ nợ có yêu cầu tịch thu và ngân hàng v.v... trong đó không quy định thời hạn nộp khoản tiền nhất định theo yêu cầu của Tòa thi hành án vì ngân hàng v.v... là chủ nợ có yêu cầu tịch thu; (4) Áp dụng quy định của luật tố tụng dân sự khi thực hiện việc bảo lãnh nêu ở khoản trên. Tòa thi hành án có thể giới hạn về người được phép đăng ký mua đối với bất động sản đang bị hạn chế đối tượng được mua phải là những người đáp ứng tiêu chuẩn quy định của pháp luật. Đấu thầu nhằm thanh lý bất động sản gồm hình thức đấu thầu vào ngày đến hạn, là hình thức đấu thầu sẽ mở thầu vào ngày đến hạn sau khi đã thực hiện việc đấu thầu và hình thức đấu thầu kỳ hạn, là hình thức đấu thầu sẽ mở thầu vào ngày đến hạn mở thầu sau khi đã đấu thầu trong kỳ hạn đấu thầu. Khi thanh lý bất động sản bằng phương thức đấu thầu vào ngày đến hạn, Thư ký Tòa án phải quyết định ngày đến hạn đấu thầu. Khi quyết định ngày đến hạn quyết định thanh lý, Thư ký Tòa án phải chọn một ngày nào đó trong vòng một tuần tính từ ngày đến hạn đấu thầu, trừ trường hợp có lý do bất khả kháng.
Khi quyết định ngày đến hạn đấu thầu và ngày đến hạn quyết định thanh lý, Thư ký Tòa án phải công bố các nội dung quy định dưới đây ngoài các nội dung được quy định về việc hai tuần trước ngày đến hạn đấu thầu: (1) Giải trình vụ việc; (2) Thời gian và địa điểm tổ chức quyết định thanh lý; (3) Giá mua tối thiểu; (4) Giá trị bảo lãnh khi đăng ký mua và phương pháp thanh toán; (5) Khi có quyết định thanh lý toàn bộ bất động sản thì phải trình bày sự việc này; (6) Khi có hạn chế điều kiện đối với người được phép đăng ký mua thì phải trình bày nội dung hạn chế đó; (7) Thuế và các khoản lệ phí công cộng khác đánh vào bất động sản; (8) Việc công khai Bản mô tả tài sản, Báo cáo điều tra hiện trạng và Phiếu thẩm định giá phải được thực hiện chậm nhất là một tuần trước ngày đến hạn đấu thầu và phương pháp công khai. Trước ngày đến hạn đấu thầu hai tuần, Thư ký Tòa án phải ủy nhiệm cho cơ quan chính quyền thành phố, thị trấn, làng xã tại khu vực tọa lạc của bất động sản để đăng tải văn bản thông báo các nội dung được công bố liên quan đến việc đấu thầu lên bảng thông báo của cơ quan chính quyền thành phố, thị trấn, làng xã đó. Tuy nhiên, khi đã thực hiện thông cáo nội dung tóm tắt các nội dung công bố và các nội dung cần tham khảo khi đăng ký nhận bất động sản thì không phải ủy nhiệm.
Khi đã quyết định ngày đến hạn đấu thầu, Thư ký Tòa án phải thông báo thời gian và địa điểm tổ chức ngày đến hạn đấu thầu cho những người sau đây: (1) Chủ nợ có yêu cầu tịch thu và người mượn nợ; (2) Chủ nợ có yêu cầu phân chia trả nợ; (3) Người có quyền đã đăng ký bất động sản tương ứng trước khi đăng ký tịch thu; (4) Người sở hữu và người ký hậu chứng khoán đảm bảo bằng cách thế chấp được biết đến; (5) Những người khác được Tòa thi hành án công nhận là phù hợp. Đấu thầu theo hình thức đấu thầu vào ngày đến hạn được thực hiện theo phương pháp nộp hồ sơ đấu thầu cho Chấp hành viên. Trong hồ sơ đấu thầu phải trình bày các nội dung sau đây: (1) Họ tên hoặc tên thường gọi và địa chỉ của người đấu thầu; (2) Trường hợp người được ủy quyền dự đấu thầu thì phải trình bày họ tên và địa chỉ của người được ủy quyền; (3) Giải trình vụ việc và các nội dung cần thiết khác nhằm xác định bất động sản; (4) Giá đấu thầu. Trường hợp người đấu thầu là pháp nhân thì phải nộp văn bản chứng minh tư cách của người đại diện cho Chấp hành viên. Người được ủy quyền của người đấu thầu phải nộp văn bản chứng minh tư cách được ủy quyền của mình cho Chấp hành viên. Người muốn cùng tham gia đấu thầu phải xác định rõ trước mối quan hệ của những người này và phần góp vốn để được Chấp hành viên cho phép. Người đấu thầu phải nộp bản sao thẻ cư trú và các văn bản khác có thể chứng minh địa chỉ đó cho Chấp hành viên. Không được phép thay đổi hoặc hủy đấu thầu.
Tiền bảo lãnh khi đăng ký mua theo hình thức đấu thầu vào ngày đến hạn phải bằng 2/10 giá bán tiêu chuẩn. Khi nhận thấy là phù hợp, Tòa thi hành án có thể quyết định tiền bảo lãnh vượt mức quy định. Khi nộp hồ sơ đấu thầu cho việc đăng ký mua thì người đăng ký phải cung cấp sự bảo lãnh bằng cách nộp những tài sản dưới đây (dưới đây gọi là “tiền bảo lãnh, v.v...”) cho Chấp hành viên: (1) Tiền; (2) Séc gạch chéo thường loại trả tiền cho người cầm phiếu mà cơ quan tài chính do ngân hàng hoặc Tòa thi hành án ấn định đã viết chính mình là người thanh toán, séc có kỳ hạn tối thiểu là năm ngày tính đến khi hết hạn nộp; (3) Séc gạch chéo thường loại trả tiền cho người cầm phiếu mà cơ quan tài chính do ngân hàng hoặc Tòa thi hành án ấn định đã ghi ngân hàng có tài khoản tiền gửi của Tòa thi hành án là người thanh toán, séc có kỳ hạn tối thiểu là năm ngày tính đến khi hết hạn nộp; (4) Văn bản chứng minh rằng hợp đồng ủy thác bảo lãnh thanh toán đã được ký giữa người dự kiến dự thầu và ngân hàng trong đó không có quy định về kỳ hạn ngân hàng nộp số tiền nhất định theo yêu cầu của Tòa thi hành án cho người dự tính đăng ký mua. Khi nhận thấy là phù hợp, Tòa thi hành án có thể quy định không được cung cấp bảo lãnh khi đăng ký mua theo phương pháp nộp tiền. Chấp hành viên không được đóng thầu nếu chưa quá hai mươi phút sau khi ban hành quyết định đấu thầu. Khi mở thầu, Chấp hành viên phải yêu cầu người tham gia đấu thầu có mặt. Trong trường hợp này, nếu người tham gia đấu thầu không có mặt thì phải yêu cầu người được công nhận là phù hợp có mặt. Sau khi mở thầu xong, Chấp hành viên quyết định người đăng ký mua với giá cao nhất, công bố họ tên hoặc tên thường gọi và giá bỏ thầu của người đó, trường hợp có người đấu thầu có khả năng đăng ký mua với giá cao tiếp theo, sau khi công bố họ tên hoặc tên thường gọi và giá bỏ thầu của người đó, yêu cầu người đó đưa ra đăng ký mua với giá cao tiếp theo và tuyên bố chấm dứt ngày đến hạn đấu thầu.
Trường hợp có từ hai người trở lên tham gia đấu thầu đăng ký mua với giá cao nhất thì Chấp hành viên yêu cầu hai người này đấu thầu lại để quyết định người đăng ký mua với giá cao nhất. Trong trường hợp này, người đấu thầu không được phép đấu thầu với mức giá thấp hơn giá đấu thầu lần trước. Trường hợp toàn bộ những người đấu thầu nói trên không dự thầu thì sẽ quyết định người đăng ký mua với giá cao nhất bằng cách rút thăm. Trường hợp có từ hai người trở lên tham gia đấu thầu đăng ký mua với mức giá cao nhất trong lần đấu thầu lần hai thì cũng được áp dụng tương tự. Trường hợp có từ hai người trở lên tham gia đấu thầu đăng ký mua với giá cao tiếp theo thì sẽ quyết định người đăng ký mua với giá cao tiếp theo bằng cách rút thăm.
Trường hợp đã tổ chức đấu thầu vào ngày đến hạn, Chấp hành viên phải nhanh chóng lập biên bản đấu thầu vào ngày đến hạn trong đó trình bày các nội dung dưới đây và nộp lên Tòa thi hành án: (1) Thông tin về bất động sản; (2) Thời gian phát quyết định đấu thầu và thời gian đóng thầu; (3) Họ tên hoặc tên thường gọi và địa chỉ của người đăng ký mua với giá cao nhất và đăng ký mua với giá cao tiếp theo cũng như họ tên và địa chỉ của người được ủy quyền; (4) Giá dự thầu của người đăng ký mua với giá cao nhất và người đăng ký mua với giá cao tiếp theo và phương pháp cung cấp sự bảo lãnh khi đăng ký mua; (5) Trường hợp không đấu thầu hợp pháp thì trình bày việc này; (6) Trường hợp đã yêu cầu người đăng ký dự thầu phải có mặt khi mở thầu nhưng không tham gia thì phải trình bày thông tin về người đó; (7) Trường hợp đã quyết định người đăng ký mua với giá cao nhất và người đăng ký mua với giá cao tiếp thì phải trình bày việc này… Chấp hành viên phải yêu cầu người đăng ký mua với giá cao nhất và người đăng ký mua với giá cao tiếp theo hoặc người đại diện của họ hoặc người được ủy quyền ký tên và đóng dấu vào biên bản đấu thầu vào ngày đến hạn. Trong biên bản đấu thầu vào ngày đến hạn phải đính kèm hồ sơ đấu thầu.
Khi có yêu cầu từ người đấu thầu không phải là người đăng ký mua với giá cao nhất hoặc là người đăng ký mua với giá cao tiếp theo, Chấp hành viên phải nhanh chóng hoàn trả tiền bảo lãnh đã nhận từ người đấu thầu ngay sau ngày đến hạn đấu thầu. Giấy biên nhận liên quan đến việc hoàn trả tiền bảo lãnh phải được đính kèm trong biên bản đấu thầu vào ngày đến hạn. Chấp hành viên phải nhanh chóng nộp số tiền bảo lãnh còn lại cho Tòa thi hành án sau khi trừ đi số tiền bảo lãnh đã hoàn trả cho người đấu thầu. Khi thanh lý bất động sản bằng phương pháp đấu thầu kỳ hạn, Thư ký Tòa án phải quy định kỳ hạn đấu thầu và ngày đến hạn mở thầu. Trong trường hợp này, kỳ hạn đấu thầu được quy định trong phạm vi tối thiểu một tuần và tối đa một tháng, ngày đến hạn mở thầu được chọn ra từ một nào đó trong vòng một tuần sau khi kết thúc kỳ hạn đấu thầu. Khi chỉ định ngày đến hạn quyết định thanh lý, Thư ký Tòa án phải chỉ định một ngày nào đó trong vòng một tuần tính từ ngày đến hạn mở thầu, trừ trường hợp có lý do bất khả kháng.
Đấu thầu theo hình thức đấu thầu kỳ hạn được tổ chức bằng cách bỏ hồ sơ đấu thầu vào phong bì và niêm phong phong bì, sau đó gửi phong bì đã ghi ngày đến hạn mở thầu cho Chấp hành viên hoặc bằng hình thức bỏ phong bì đó vào một phong bì khác rồi gửi bảo đảm cho Chấp hành viên thông qua doanh nghiệp chuyển phát thư đảm bảo thông thường. Biện pháp bảo lãnh khi đăng ký mua trong hình thức đấu thầu kỳ hạn phải được thực hiện bằng cách nộp cho Chấp hành viên chứng thư của cơ quan tài chính chứng minh đã chuyển khoản khoản tiền nhất định vào tài khoản tiền gửi của Tòa thi hành án cùng với phong bì có chứa hồ sơ đấu thầu bên trong đã được niêm phong và ghi ngày đến hạn mở thầu. Phải tiến hành bán đấu giá nhằm thanh lý bất động sản vào ngày đến hạn bán đấu giá theo phương pháp ra giá tăng dần. Người đã đăng ký mua sẽ được giữ giá đề nghị cho đến khi có giá đăng ký mua cao hơn. Sau ba lần gọi giá cao nhất trong số các giá đăng ký mua, Chấp hành viên quyết định người đăng ký mua với giá cao nhất là người đã đưa ra đề nghị đó và công bố họ tên hoặc tên thường gọi của người đó và số tiền đăng ký mua.
Khi không có người đăng ký nhận hợp pháp (kể cả khi người nhận mua không nộp tiền) dù đã cho tiến hành thanh lý theo phương pháp đấu thầu hoặc bán đấu giá, Thư ký Tòa án quy định kỳ hạn trong vòng ba tháng và yêu cầu Chấp hành viên phải tiến hành thanh lý bất động sản đó bằng các phương pháp khác, trừ trường hợp có lý do bất khả kháng. Trong trường hợp này, có thể áp dụng thêm các phương pháp tiến hành thanh lý hoặc các điều kiện khác. Khi cần tiến hành thanh lý, trước đó Thư ký Tòa án phải ưu tiên việc hỏi ý kiến của chủ nợ có yêu cầu tịch thu. Tuy nhiên, không áp dụng điều này nếu chủ nợ có yêu cầu tịch thu đã bày tỏ ý kiến về việc tiến hành thanh lý khi nộp đơn yêu cầu cưỡng chế bản đấu giá. Trong trường hợp thi hành nêu trên, Tòa thi hành án phải quyết định số tiền bảo lãnh khi đăng ký mua. Việc bảo lãnh khi đăng ký mua đề cập ở trên phải được thực hiện bằng cách nộp cho Chấp hành viên tiền hoặc giấy tờ có giá được Tòa thi hành án công nhận là tương đương khi đăng ký mua. Khi ra quyết định tiến hành thanh lý, Thư ký Tòa án phải thông báo sự việc này cho các chủ nợ và người mượn nợ. Trong trường hợp đã tiến hành thanh lý bất động sản theo sự sắp xếp của Thư ký Tòa án khi có đăng ký mua, Chấp hành viên phải nhanh chóng lập biên bản trình bày thông tin về bất động sản, họ tên hoặc tên thường gọi và địa chỉ của người đã đăng ký mua, số tiền và ngày tháng năm đăng ký mua sau đó nộp biên bản này cùng với tiền hoặc giấy tờ có giá dùng để bảo lãnh cho Tòa thi hành án. Khi nhận được biên bản nêu ở trên, Tòa thi hành án phải quyết định ngày đến hạn quyết định thanh lý mà không được chậm trễ. Khi đã quyết định ngày đến hạn thanh lý theo quy định nêu trên, Thư ký Tòa án phải thông báo thời gian và địa điểm tổ chức ngày đến hạn đó cho những người đã đăng ký mua. Công bố quyết định cho phép hoặc không cho phép thanh lý sẽ phát sinh hiệu lực vào thời điểm đưa ra quyết định. Khi quyết định cho phép thanh lý đã được ban hành, Thư ký Tòa án phải công bố nội dung của quyết định đó. Thời hạn nộp tiền thanh lý là một tháng kể từ ngày quyết định cho phép thanh lý được phê chuẩn. Thư ký Tòa án phải thông báo thời hạn nộp tiền nêu trên cho người nhận mua. Khi tiền thanh lý bất động sản đã được nộp, Tòa thi hành án phải quyết định ngày đến hạn phân chia trả nợ và ngày thực hiện việc hoàn trả (dưới đây gọi là “ngày đến hạn phân chia trả nợ”). Ngày đến hạn phân chia trả nợ phải là một ngày nào đó trong vòng một tháng tính từ ngày người nhận mua đã nộp tiền thanh lý hoặc tính từ ngày phê chuẩn quyết định cho phép thanh lý. Sau khi quyết định ngày thực hiện hoàn trả, Thư ký Tòa án phải thông báo cho các chủ nợ và người mượn nợ về thời gian và địa điểm hoàn trả.
Sau khi quyết định ngày đến hạn phân chia trả nợ, Thư ký Tòa án phải yêu cầu các chủ nợ trong vòng một tuần có trách nhiệm nộp bảng tính trình bày số nợ gốc, lãi và số nợ đi kèm khác tính đến ngày đến hạn phân chia trả nợ cùng với số tiền phí thi hành án cho Tòa thi hành án. Thủ tục giao tiền thanh lý hoặc ủy thác thanh toán tiền ký gửi đối với các chủ nợ và người mượn nợ sẽ do Thư ký Tòa án tiến hành. Khi chủ nợ có yêu cầu tịch thu hoặc chủ nợ đã yêu cầu phân chia trả nợ được nêu trong Phiếu yêu cầu thanh toán nợ có hiệu lực thi hành đã được phân chia toàn bộ số tiền nợ, người mượn nợ có thể yêu cầu Thư ký Tòa án cấp bản chính của Phiếu yêu cầu thanh toán nợ có hiệu lực thi hành liên quan đến các chủ nợ tương ứng. Khi vụ kiện kết thúc, chủ nợ có thể yêu cầu Thư ký Tòa án cấp bản chính của Phiếu yêu cầu thanh toán nợ có hiệu lực thi hành. Khi chủ nợ yêu cầu cấp bản chính của Phiếu yêu cầu thanh toán nợ có hiệu lực thi hành là người đã được phân chia một phần khoản nợ, Thư ký Tòa án phải ghi số tiền đã được phân chia vào bản chính của Phiếu yêu cầu thanh toán nợ đó và cấp cho chủ nợ.
Nguyễn Thế Minh