Hội nghị khoa học và thực tiễn quốc tế lần thứ ba về thi hành án dân sự tại Liên bang Nga

01/10/2018
Tiếp nối hai Hội nghị trước, cơ quan thi hành án liên bang của Liên bang Nga tiếp tục chủ trì tổ chức Hội nghị khoa học và thực tiễn về thi hành án dân sự lần thứ ba trên đất nước to lớn, giàu đẹp và mến khách của mình. Hội nghị đã diễn ra trong thời gian 03 ngày, từ ngày 05 đến ngày 07 tháng 6 năm 2012, tại thành phố Voronez, trung tâm hành chính của vùng Voronez, Liên bang Nga với chủ đề "Cưỡng chế thi hành các bản án của tòa án và các cơ quan khác liên quan đến pháp nhân (tổ chức và doanh nghiệp) - Những tồn tại, vướng mắc”.


Đây là sự kiện thứ ba tương tự được tổ chức tại Liên bang Nga. Hai hội nghị trước đó, Hội nghị khoa học - thực tiễn lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 7 năm 2010 tại Sanh Petecbua và Hội nghị khoa học - thực tiễn lần thứ hai được tổ chức vào tháng 6 năm 2011 tại Kazan, đã nhận được đánh giá rất cao và sự mong muốn của các đại biểu tiếp tục được tham dự Hội nghị tiếp theo. Khác với Hội nghị lần thứ nhất tập trung vào nội dung thẩm quyền trách nhiệm của chủ thể thi hành án là Chấp hành viên, Hội nghị lần thứ hai đặt trọng tâm đánh giá và tìm giải pháp nâng cao tính hiệu quả của hoạt động thi hành án thì Hội nghị lần thứ ba hướng tới khía cạnh đối tượng phải thi hành án, có chủ đề: "Cưỡng chế thi hành các bản án của tòa án và các cơ quan khác liên quan đến pháp nhân (tổ chức và doanh nghiệp) - Những tồn tại, vướng mắc”.
Tại Hội nghị lần thứ ba này, các nhà tổ chức của hội nghị là cơ quan thi hành án liên bang của Liên bang Nga, Trường Đại học Vùng Voronezh và chính quyền Vùng Voronezh. Tham gia Hội nghị có khoảng 80 đại biểu với các nhà lãnh đạo và đại diện của các cơ quan thi hành án đến từ 12 quốc gia, trong đó có các nước thuộc khu vực châu Á là Trung Quốc và Mông Cổ; các chuyên gia pháp lý từ các trường Đại học của Liên bang Nga và của nước ngoài, đại diện các cơ quan công quyền, đại diện các tổ chức xã hội của Liên bang Nga.
Tại Hội nghị, những người tham gia Hội nghị đã trình bày các báo cáo quốc gia của mình. Đặc biệt, 19 báo cáo của các nhà lãnh đạo của các cơ quan thi hành án, các nhà khoa học pháp lý và những người làm công tác thực tiễn đã được trình bày, mỗi báo cáo khoảng 5-10 phút. Các bản báo cáo đã nêu bật những kinh nghiệm và các đặc thù của hệ thống thi hành án của các nước: Armenia, Đức, Israel, Cộng hòa Séc, Phần Lan, Trung Quốc, Thụy Điển, Belarus, Estonia, Azerbaijan và Ukraine. Trong đó, có thể đề cập đến một số báo cáo như: 
Báo cáo của Bộ Tư pháp Cộng hòa Azerbaijan “Trình tự thủ tục thi hành án cơ bản liên quan đến pháp nhân (các phương pháp và các biện pháp cưỡng chế thi hành án áp dụng đối với người phải thi hành án - pháp nhân)";
Báo cáo của người đứng đầu cơ quan thi hành án liên bang Nga “Những vướng mắc trong việc thi hành án đối với pháp nhân”;
Cộng hòa Ac-me-nia “Cưỡng chế thi hành án và việc phá sản các pháp nhân: Những tác động qua lại của hai thủ tục tại Cộng hòa Ác –mê-nia”;
Cộng hòa Extonhia “Từ cưỡng chế thi hành án đến thủ tục phá sản: những vấn đề thực tiễn từ quy định của pháp luật tố tụng của Cộng hòa Extonhia”;
Cộng hòa Séc: “Cưỡng chế thi hành án với việc phá sản các pháp nhân ở Séc và quy định của pháp luật về trách nhiệm của các pháp nhân đối với hành vi trốn tránh việc thi hành các bản án của Tòa án và các quyết định của các cơ quan hành chính khác”;
Liên bang Đức: ”Cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân: từ việc đáp ứng yêu cầu của người được thi hành án đến hợp nhất các vụ việc thi hành án” và “Cưỡng chế thi hành án và thủ tục phá sản: phải chăng có sự mâu thuẫn trong tư duy của người được thi hành án?”; "Chấp hành viên và định hướng áp dụng hiệu quả hơn nữa những khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về pháp luật thi hành án”;
Giáo sư Nga: “Các biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với người phải thi hành án là pháp nhân không tự nguyện thi hành”; Bộ phát triển kinh tế Nga: “Cưỡng chế thi hành án và những biện pháp áp dụng trong quá trình phá sản người phải thi hành án: Những vướng mắc, tồn tại”;
Đại học Kazan: “Thứ tự kê biên tài sản của người phải thi hành án là doanh nghiệp: Những vướng mắc, tồn tại”; đại diện Ucraina: “ Khi cơ quan nhà nước là đương sự trong hoạt động thi hành án dân sự: pháp luật của Ucraina”;
Học viện tư pháp quốc gia Xaratov: “Những nguyên tắc cơ bản trong tổ chức thi hành án đối với doanh nghiệp”;
Bộ Tài chính Nga: “Những vấn đề phát sinh từ việc tổ chức thi hành án do Ngân sách nhà nước chi trả kinh phí”.
Các báo cáo quốc gia đã góp phần giúp cho các đại biểu tham dự Hội nghị có những đánh giá về hiệu lực, hiệu quả của việc tổ chức thi hành án đối với tổ chức, doanh nghiệp. Báo cáo của các đại biểu cũng như chủ đề của Hội nghị cho thấy rõ ràng việc thi hành án đối với doanh nghiệp, tổ chức có những khó khăn, đặc thù so với việc thi hành những vụ việc thi hành án đối với người phải thi hành án là cá nhân. Từ đó, các đại biểu đều thống nhất pháp luật các nước cần xem xét để hoàn thiện theo hướng tính đến các đặc thù của người phải thi hành án là tổ chức, doanh nghiệp, trong đó có thủ tục phá sản doanh nghiệp phải thi hành án.
Bảo Ngọc – Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo