Những nội dung chủ yếu được giới thiệu, trao đổi tại Hội nghị lần thứ 25 của Hiệp hội thừa phát lại quốc tế tại Brazil

29/05/2024


Hội nghị quốc tế lần thứ 25 của Hiệp hội thừa phát lại quốc tế (UIHJ) được tổ chức tại Rio de Jainero, Brazil từ ngày 08 đến ngày 10 tháng 5 năm 2024. Dưới đây là những nội dung chủ yếu được giới thiệu, trao đổi, chia sẻ tại Hội nghị.
1. Về hệ thống tòa án và hoạt động thi hành án dân sự ở Brazil
- Hệ thống tư pháp/tòa án ở Brazil.
Hệ thống tư pháp ở Brazil được chia thành hệ thống tư pháp chung (the Legal Justice System), gồm các tòa án liên bang và tòa án bang và hệ thống tư pháp chuyên biệt/chuyên trách (the Special Justice System), gồm có các tòa án lao động (tòa án lao động tối cao, hội đồng tòa án lao động cấp cao, tòa án lao động khu vực, thẩm phán lao động), các tòa án bầu cử (tòa bầu cử tối cao, tòa bầu cử khu vực, các thẩm phán bầu cử, ủy ban bầu cử), các tòa án quân đội liên bang (tòa án quân đội liên bang, tòa án quân đội cấp cao, tòa án quân đội khu vực, tòa án quân đội).
Cả nước Brazil có hơn 18.000 thẩm phán, 267.600 công chức tòa án, 148.000 thư ký tòa án (hay nhân viên giúp việc). Trung bình hàng năm các tòa án thụ lý hơn 20 triệu vụ việc, theo số liệu thống kê năm 2020, các tòa án ở Brazil tiếp nhận hơn 25.800.000 đơn khởi kiện mới. Hệ thống tòa án của Brazil được coi là một trong những quốc gia có lượng vụ việc trên một thẩm phán lớn nhất thế giới, trung bình một năm 01 thẩm phán phải giải quyết 6.321 vụ việc.
Để khắc phục tình trạng quá tải của hệ thống tòa án, Brazil đã thực hiện “một cuộc cách mạng” đối với hệ thống tư pháp thông qua việc đẩy mạnh số hóa hoạt động tố tụng. Cuộc cách mạng này được chia thành các giai đoạn: từ năm 2004 đến năm 2013, thực hiện việc chuyển từ bản giấy sang bản điện tử; từ năm 2013 đến năm 2020, chuyển từ hệ thống điện tử sang hệ thống tự động; từ năm 2021 đến nay, xây dựng hệ thống tư pháp dựa hoàn toàn trên nền tảng số và trí tuệ nhân tạo hay Chương trình tư pháp 4.0.
Để thực hiện công việc này, Brazil đã ban hành luật về số hóa quy trình tố tụng năm 2006. Từ năm 2009 đến năm 2020, Brazil không ngừng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống tư pháp, kết quả là đến năm 2020, gần như tất cả các vụ việc ở Brazil đều được nộp đơn qua hệ thống điện tử, đạt 96,9% tổng số các vụ việc (năm 2009 mới chỉ đạt 11,2%). Từ năm 2013, Brazil chính thức sử dụng hệ thống tố tụng điện tử (the Electronic Judicial Proceedings - PJe), tuy nhiên, hệ thống tố tụng điện tử vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc kết nối thông tin giữa các cơ quan tư pháp do vẫn tồn tại các hệ thống thông tin khác nhau, chưa tương thích với nhau (thời điểm này, các tòa án đang sử dụng trên 50 hệ thống thông tin). Đến tháng 3/2022, hệ thống tòa án ở Brazil chỉ chấp nhận việc nộp đơn bằng phương thức điện tử. Mục tiêu đến tháng 12/2025, tất cả các tòa án ở Brazil phải hoàn thành việc số hóa hồ sơ, tài liệu.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa, sử dụng AI trong việc thực hiện các bước, khâu trung gian trong quá trình tố tụng đã hỗ trợ cho các tòa án, thẩm phán và các công chức của tòa án giảm thiểu thời gian thực hiện, bảo đảm thông tin chính xác, công bằng giữa các bên đương sự, xây dựng một hệ thống tư pháp hiệu lực, hiệu quả, nâng cao khả năng tiếp cận đối với tất cả mọi người.
- Hệ thống thi hành án dân sự ở Brazil
Cả nước Brazil có hơn 35.000 thừa phát lại, đều là là công chức của cơ quan Liên bang hoặc công chức của các bang. Pháp luật của Brazil quy định người phải thi hành án phải chịu trách nhiệm thi hành bản án bằng toàn bộ tài sản của mình, bao gồm tài sản thuộc quyền sở hữu hiện tại hoặc tài sản phát sinh sau khi có bản án. Đối với tài sản đã chuyển nhượng trước khi có bản án thì người phải thi hành án chỉ phải chịu trách nhiệm bằng tài sản đó trong trường hợp tài sản chuyển nhượng cho người khác để tẩu tán nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án.
Người phải thi hành án có trách nhiệm khai báo các tài sản của mình, bao gồm cả tài khoản đứng tên tại ngân hàng; trường hợp người phải thi hành án không kê khai tài sản theo quy định thì phải chịu một khoản tiền phạt; trường hợp khai báo gian dối thì có thể bị truy tố về tội hình sự.
Người được thi hành án có trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến tài sản của người phải thi hành án bằng việc khai thác thông tin trên cơ sở dữ liệu của chính phủ, trừ những thông tin không được cung cấp theo quy định. Người được thi hành án cũng có thể khai thác thông tin từ văn phòng công chứng để thu thập văn bản công chứng về tài sản có liên quan đến người phải thi hành án nhưng họ phải trả phí cho văn phòng công chứng.
Căn cứ vào loại tài sản và cách thức thi hành án, pháp luật của Brazil chia thành các loại vụ việc/thủ tục thi hành án sau đây: thủ tục thu hồi tiền, tài sản; thủ tục cưỡng chế thực hiện công việc nhất định; thủ tục cưỡng chế giao tài sản là động sản; thủ tục hỗ trợ, cấp dưỡng cho trẻ em; thủ tục thi hành án đối với nhà nước hoặc các công  ty của nhà nước.
Hiến pháp Liên bang Brazil quy định cấm việc áp dụng hình phạt phạt tù vì lý do không thực hiện nghĩa vụ thi hành án dân sự, trừ trường hợp duy nhất là không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho trẻ vị thành niên. Hình phạt đối với hành vi không thi hành nghĩa vụ cấp dưỡng là bị giam giữ từ 01 tháng đến tối đa không quá 3 tháng.
2. UIHJ đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thừa phát lại, trong đó chú trọng nâng cao tiêu chuẩn, đạo đức nghề thừa phát lại.
Thừa phát lại là chức danh duy nhất được nhà nước trao quyền thi hành bản án, không phân biệt họ là công chức nhà nước hay làm việc trong lĩnh vực tư nhân. Để được trao quyền thi hành bản án, họ phải đáp ứng điều kiện về trình độ đào tạo về kiến thức pháp luật và chuyên môn nghề nghiệp, có tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp; trường hợp họ lợi dụng vị trí nghề nghiệp của mình, thực hiện những công việc ngoài thẩm quyền, thực hiện các hoạt động không thuộc phạm vi trách nhiệm thì sẽ bị xử lý về trách nhiệm dân sự hoặc hình sự theo quy định.
Để bảo đảm chất lượng của đội ngũ thừa phát lại, Bộ luật thi hành án toàn cầu do UIHJ ban hành quy định về yêu cầu đào tạo đối với đội ngũ thừa phát lại, bao gồm đào tạo ban đầu và đào tạo suốt đời. Các nước có thể tham khảo quy định của Bộ luật thi hành án toàn cầu để lựa chọn, quyết định nội dung, hình thức đào tạo của quốc gia mình. Tất cả các nước thành viên đều quy định việc đào tạo ban đầu để bảo đảm thừa phát lại có đủ chuyên môn thực hiện trách nhiệm tổ chức thi hành bản án. Một số nước yêu cầu việc đào tạo, cập nhật nội dung, kiến thức chuyên sâu định kỳ sau từ 2 đến 5 năm.
Để đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng thừa phát lại, nhiều dự án đào tạo đã được triển khai trong khối Cộng đồng Châu Âu với các hình thức, phương pháp đào tạo khác nhau. Cụ thể là mở các lớp đào tạo trực tiếp, đào tạo trực tuyến, xây dựng hệ thống bài giảng điện tử để thừa phát lại từ các nước trong khu vực đều có thể tham gia, qua đó có thể chia sẻ những thực tiễn tốt của nước mình cho các đồng nghiệp ở các nước trong khối.
Các khóa đào tạo liên kết cũng được nghiên cứu triển khai và là một trong những nội dung trong chiến lược đào tạo nghề tư pháp khu vực Châu Âu giai đoạn 2011 - 2020 và 2021 - 2024. Lớp đào tạo liên kết bao gồm lớp đào tạo liên kết giữa 2 nghề là thừa phát lại và luật sư; lớp đào tạo liên kết giữa thừa phát lại và cán bộ tòa án, thẩm phán; lớp đào tạo liên kết giữa các nghề thừa phát lại, thẩm phán, công tố viên, công chứng viên… Việc đào tạo liên kết giúp đội ngũ thừa phát lại và các chức danh nghề tư pháp hiểu rõ hơn nội dung, tính chất công việc, kể cả những công việc hàng ngày cần giải quyết của nhau, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả phối hợp trong việc giải quyết việc thi hành án sau này.
Nguồn: Chủ tịch UIHJ Marc Schimitz (ngồi giữa) chủ trì Hội thảo quốc tế về đào tạo do UIHJ phối hợp với Liên đoàn Thừa phát lại quốc gia Cameroon tổ chức ngày 21/3/2024 tại Yaounde, Cameroon

Cùng với việc đề cao việc đào tạo nghề cho đội ngũ thừa phát lại, Hội nghị cũng nhấn mạnh các tiêu chuẩn, chuẩn mực đạo đức của thừa phát lại. Nhiều đại biểu trao đổi, chia sẻ thông tin tại Hội nghị, bên cạnh việc ghi nhận vai trò, trách nhiệm của thừa phát lại đối với việc góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho xã hội thì vẫn ít nhiều còn có sự băn khoăn, nghi ngờ từ một số cơ quan tư pháp, từ xã hội và người dân về chất lượng giải quyết vụ việc thi hành án của thừa phát lại, sự khách quan, công bằng trong quá trình tổ chức thi hành án. Cá biệt, có một số thẩm phán, công tố viên, luật sư cũng không hiểu hết những công việc mà thừa phát lại phải thực hiện.
Chính vì vậy, để trở thành bên thứ ba đáng tin cậy thì bên cạnh việc đẩy mạnh công tác đào tạo chuyên môn nghề nghiệp cho đội ngũ thừa phát lại thì Hiệp hội cũng rất chú trọng đến xây dựng, bồi dưỡng các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp thừa phát lại, nhất là trong giai đoạn công nghệ thông tin, kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo đang dần và sẽ trở thành một phần của quy trình tổ chức thi hành án.
Thừa phát lại có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp này yêu cầu bao gồm:
- Phải hoàn toàn độc lập khi tổ chức thi hành án, trong mọi trường hợp phải từ chối mọi sự can thiệp, tác động trái phép từ các cá nhân, tổ chức, cơ quan, ảnh hưởng đến việc thực hiện đúng đắn trách nhiệm nghề nghiệp của mình.
- Phải thực hiện đúng nguyên tắc không phân biệt đối xử, khách quan, công bằng khi tiếp xúc với bất cứ người nào khi thực hiện nhiệm vụ.
- Không được lạm dụng vị trí công việc của mình để dành bất kỳ lợi ích nào cho mình hoặc cho người thân của mình.
- Phải luôn cẩn trọng để bảo đảm không có xung đột ích trong các mối quan hệ công việc, từ chối mọi hành động có thể dẫn đến xung đột lợi ích khi thực hiện nhiệm vụ và phải thông báo cho các bên có lợi ích liên quan.
- Phải tuân thủ quy định về bí mật nghề nghiệp khi thu thập, sử dụng thông tin cá nhân phục vụ hoạt động thi hành án, kể cả trong trường hợp việc thi hành án đã kết thúc.
 - Phải tổ chức thi hành án kịp thời và hoàn thành việc thi hành án trong thời gian hợp lý.
- Có trách nhiệm thi hành bản án, các văn bản mà theo quy định pháp luật phải tổ chức thi hành, trừ trường hợp yêu cầu của người được thi hành án trái pháp luật hoặc có rủi ro về xung đột lợi ích hoặc có khả năng ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan của thừa phát lại.
- Có trách nhiệm thực hiện bất cứ yêu cầu hợp lý nào của đương sự liên quan trực tiếp đến chức trách của thừa phát lại.
3. UIHJ đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thi hành án dân sự giữa các quốc gia, các tổ chức thừa phát lại
Các đại biểu tham dự Hội nghị đồng tình chia sẻ quan điểm cho rằng oàn cầu hóa làm cho các cá nhân, tổ chức, quốc gia có xu hướng hợp tác, liên kết với nhau ngày càng chặt chẽ, vì lợi ích của tất cả các bên. Nhu cầu hài hòa hóa pháp luật giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế đa phương và khu vực được quan tâm nhằm tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư và giải quyết tranh chấp quốc tế. Trong bối cảnh đó, nhu cầu hợp tác giữa các quốc gia, tổ chức quốc tế diễn ra một cách tự nhiên và ngày càng nhiều quốc gia, tổ chức quan tâm đến sự hài hòa pháp luật về thi hành án.
Trong xu thế đó và gắn với tôn chỉ, mục đích của mình, UIHJ đã triển khai nhiều cơ chế hợp tác để thúc đẩy sự phát triển của nghề thừa phát lại trên thế giới. Trước hết, UIHJ là thành viên của Hội đồng kinh tế xã hội của Liên hợp quốc, là quan sát viên của Ủy ban thương mại quốc tế của Liên hợp quốc; là tổ chức có mối quan hệ chặt chẽ và tham gia nhiều hoạt động của Hội nghị Lahay vê tư pháp quốc tế, nhất là trong việc xây dựng các công ước về tống đạt giấy tờ và thi hành án; tham gia nhiều hoạt động và có mối quan hệ chặt chẽ với các tổ chức như Hội đồng Châu Âu, Liên minh Châu Âu, Viện pháp luật Châu Âu…
Nguồn: Thư ký Ban điều hành UIHJ Patrick Gielen (ngồi bên trái) tham dự phiên họp thứ 41 của Ủy ban Châu Âu về Hiệu quả của Tư pháp (CEPEJ)  ngày 04-05/12/2023 tại trụ sở của Hội đồng Châu Âu ở Strabourg, Pháp

Trong phạm vi của Hiệp hội, UIHJ thúc đẩy các nước thành viên tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp, tăng cường tương trợ tư pháp trong hoạt động thi hành án, trong việc thi hành các bản án có yếu tố nước ngoài. UIHJ cũng tổ chức rất nhiều các khóa đào tạo cho thừa phát lại từ các quốc gia thành viên để tạo cơ hội học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tốt của nghề thừa phát lại.
4. Thi hành án trong thời kỳ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo trong đời sống xã hội và trong hệ thống tư pháp
Thi hành án trong thời kỳ công nghệ số đã được đề cập trong Hội nghị quốc tế lần thứ 24 tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 11 năm 2021 và tiếp tục được trao đổi cụ thể hơn trong Hội nghị quốc tế lần thứ 25 của UIHJ tại Rio de Jaineiro, Brazil.
Các giải pháp thi hành án số (digital enforcement) phải bảo đảm bảo vệ các quyền cơ bản của con người đã được quy định trong các tuyên ngôn, công ước quốc tế, hiến pháp và pháp luật quốc gia; đồng thời cũng phải tuân theo các nguyên tắc đạo đức được các công ước, điều lệ quốc tế thừa nhận.
Việc sử dụng công nghệ số phải tạo thuận lợi hơn cho người dân, không che dấu hoặc làm cho người dân lo sợ, xem xét đến những nhu cầu và mong muốn chính đáng của người dân để họ tự giác đưa ra quyết định việc thực hiện nghĩa vụ về thi hành án. Người dân phải được tiếp cận bình đẳng và được hưởng lợi từ trí tuệ nhân tạo. Họ cần được thông tin rõ ràng về mục đích, phương thức và những ứng dụng của hệ thống thi hành án số.
Thừa phát lại có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể, rõ ràng cách thức sử dụng hệ thống thi hành án số để thực hiện các thủ tục thi hành án. Việc thực hiện thi hành án số không ảnh hưởng đến quyền khởi kiện ra tòa của các bên đối với các sai phạm của người có thẩm quyền và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Để tịch thu tài sản mã hóa (crypto-assets), các quốc gia cần thiết lập cơ quan đăng ký tài sản mã hóa và quy định người phải thi hành án có nghĩa vụ khai báo tài sản mã hóa với thừa phát lại phụ trách việc thi hành án.
Về việc lựa chọn luật áp dụng, về nguyên tắc đối với các tài sản số đã xác định và tiếp cận được thì tiến hành việc thu giữ theo luật của nơi có tài sản, tuân theo nguyên tắc lãnh thổ nơi thi hành án; trong trường hợp tài sản số không xác định được hoặc không thể tiếp cận được thì khuyến nghị lựa chọn áp dụng luật của nước kiểm soát việc thi hành án hoặc được yêu cầu thi hành án.
Cùng với việc số hóa hệ thống tư pháp và thi hành các quyết định của tòa án, thừa phát lại hướng tới việc sử dụng những văn bản điện tử để trao đổi, đăng ký điện tử, áp dụng thủ tục thi hành án không dùng giấy tờ, quản lý các hoạt động giấy thi hành án bằng hình thức số hóa hoặc việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo lập các vụ việc thi hành án tự động.
UIHJ đã nghiên cứu, đưa ra nhiều quy định mang tính định hướng cho việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo trong thi hành án và mong muốn các nước có thể tham khảo, cụ thể hóa trong pháp luật quốc gia, quản lý việc ứng dụng, sử dụng công nghệ số trong việc thi hành các quyết định của tòa án. UIHJ nêu một số nguyên tắc trong việc thi hành án trên nền tảng số như tôn trọng các quyền cơ bản của con người, các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp trong việc sử dụng kỹ thuật số, tôn trọng dữ liệu và thông tin cá nhân, ngăn chặn rủi ro khi sử dụng trí tuệ nhân tạo, quyền và nghĩa vụ của bên thứ ba khi tham gia vào quy trình thi hành án trên nền tảng số. Thừa phát lại phải tôn trọng và bảo vệ thông tin cá nhân trong quá trình thi hành án.
Quy trình thi hành án số gồm: thủ tục tịch thu động sản, bất động sản trên nền tảng điện tử hay tài sản kỹ thuật số; gửi các văn bản điện tử; khai báo tài sản trên nền tảng kỹ thuật số; chuyển văn bản, tài liệu liên quan đến việc thi hành án cho tòa án và các cơ quan có liên quan trên nền tảng điện tử…
Việc khai báo tài sản trên nền tảng kỹ thuật số giúp cho thừa phát lại dễ dàng có được thông tin về tài sản của đương sự. Theo quy định của pháp luật, thừa phát lại được phân công phụ trách vụ việc có thể tiếp cận tài sản kỹ thuật số để phục vụ cho việc thi hành bản án. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao giữ hoặc quản lý thông tin về tài sản kỹ thuật số khi nhận được yêu cầu của thừa phát lại có trách nhiệm thông báo cho thừa phát lại được phân công giải quyết vụ việc biết về địa chỉ nơi cư trú, nơi đặt trụ sở của tổ chức, doanh nghiệp trong thời hạn nhất định.
Thời đại kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo một mặt tạo những điều kiện rất thuận lợi cho việc tổ chức thi hành án được dễ dàng, thuận tiện hơn cho tổ chức, cá nhân nhưng cũng đặt ra những yêu cầu cho thực hiện quy trình tổ chức thi hành án trên nền tảng kỹ thuật số. UIHJ khuyến khích các quốc gia nghiên cứu, quy định cho phép trí tuệ nhân tạo vào hoạt động thi hành án, xây dựng cơ chế thi hành án thông minh và sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) để tạo thành quy trình thi hành án tự động.
Những nội dung được giới thiệu tại Hội nghị quốc tế lần thứ 25 của UIHJ liên quan trực tiếp đến hoạt động thừa phát lại, thi hành án dân sự là rất hữu ích để Việt Nam nghiên cứu, tham khảo.
Lại Thế Anh, Văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự.